TIẾNG DÂN
Cuba và Việt Nam khác nhau xa
Jackhammer Nguyễn Thấy gì qua việc đưa
tin của báo chí nhà nước Việt Nam về cuộc biểu tình của hàng ngàn người
Cuba, hôm Chủ Nhật 11/7/2021? Thứ nhất, họ không
nhất loạt đưa tin. Thứ hai, họ đưa tin chỉ có một nửa. Họ nói, người
Cuba thiếu thuốc men thực phẩm, làm ăn không được vì bị cách ly chống
dịch, nên biểu tình. Dù họ đưa con số hàng ngàn người biểu tình như các
tờ báo phương Tây, nhưng họ không nói hàng ngàn người biểu tình đó đòi
thay đổi chế độ. Chúng ta cũng không lạ
về thói quen đưa tin của tuyên giáo CSVN, thường chỉ có một nửa, việc họ
không nhất loạt đưa tin, không kiểm duyệt nội dung “hàng ngàn người”,
chứng tỏ hai điều: Thứ nhất là họ bất ngờ, tuyên giáo không kịp đưa “chủ
trương chung” mà việc đưa tin hay không, đưa như thế nào, là do quyết
định của người tổng biên tập địa phương. Thứ hai là giới báo
chí nhà nước không thấy có gì gắn bó ý thức hệ nữa với Cuba, họ cảm nhận
chuyện xảy ra giống như ở Miến Điện hay bất cứ quốc gia nào khác, chỉ có
cái tên Cuba làm cho họ hơi băn khoăn, nhưng chỉ chút xíu thôi. Việt Nam và Cuba khác
nhau, đã khác nhau và đang khác nhau. Vị trí vô tình giống nhau của hai
quốc gia này trong chiến tranh lạnh, cộng với lối tuyên truyền “hữu nghị
mượt mà” kiểu “đồng chí canh gác cho nhau” (Nguyễn Minh Triết), làm cho
ta cứ nghĩ là họ giống nhau. Nhưng họ khác nhau
nhiều lắm. Đảng Cộng sản Cuba lên cầm quyền xuất phát từ một phong trào
cánh tả châu Mỹ Latin, để giải quyết những vấn đề xã hội. Trong khi đảng
Cộng sản Việt Nam lên cầm quyền xuất phát từ phong trào giải thực
(decolonization), giành độc lập dân tộc. Sự khác nhau căn bản
này làm cho tính ý thức hệ Marxism ở Cuba cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Ngoài ra, sự trái ngược về sắc tộc cũng làm cho hai xứ này khác nhau một
trời một vực. Nhiều cây bút đưa ra
hình ảnh Fidel Castro phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở
Quảng Trị năm 1972 để nói rằng, Cuba Cộng sản và Việt Nam Cộng sản gần
nhau lắm. Điều này không đúng, hình ảnh đó chẳng qua là “cao trào” của
quốc tế cộng sản, nghĩ rằng mình đang chiến thắng. Điều thú vị mà ít ai
để ý là sự nổi tiếng của Che Guevara, nhân vật cách mạng cộng sản Cuba.
Ông này được thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975 biết đến nhiều hơn
thanh niên miền Bắc. Lý do có thể nằm ở chỗ Che là nhân vật thất sủng ở
Cuba, hình ảnh “làm loạn” của ông ta có thể gây ra những cảm nhận không
hay ở thanh niên miền Bắc Việt Nam đang cần một kỷ luật cao trong chiến
tranh?! Ngay cả hiện nay, người Việt nếu muốn biết về Che Guevara thì
phải tìm trong các văn liệu Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, nhiều hơn là
tiếng Việt. Tôi có quen biết một
số người Việt từng đi du học ở nước Cuba Cộng sản, theo họ thì cuộc sống
xã hội Cộng sản Cuba phóng khoáng hơn xã hội Cộng sản Việt Nam trước cải
cách năm 1986. Nhưng ngược lại, tính
cách Á Đông của Việt Nam, cộng với tính ý thức hệ kém hơn, làm cho đảng
Cộng sản Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế sớm hơn và rộng hơn Cuba. Điều ít người để ý là,
mặc dù có hỗn danh “người miền Bắc có lý luận” nhưng ông Nguyễn Phú
Trọng, đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam là người thực tế hơn nhiều so
với các đồng chí Cuba của ông. Trong dịp thăm Cuba năm 2018, ông
Trọng đã khuyên các đồng sự Cuba hãy chấp nhận kinh tế thị
trường. Chi tiết này cũng ít
được người Việt chú ý đến, là do kiểu đưa tin đậm tính tuyên giáo “đồng
chí mượt mà” của báo chí nhà nước Việt Nam, làm mờ đi điểm chính. Tình trạng cải cách
của Cuba hiện nay chỉ mới đạt đến mức cách đây 30 năm ở Việt Nam, thời
mà các cửa hiệu chỉ bán hàng để lấy đô la Mỹ. Phân tích của báo chí
Mỹ cho thấy rằng, mặc dù Cuba có bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ,
nhưng tình trạng khó khăn của họ phần lớn là do chính họ, không chịu cải
cách kinh tế. Dĩ nhiên chuyện đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch
Cuba, xương sống của nền kinh tế hiện nay, bị phá sản, cũng góp phần vào
việc gia tăng sự bực bội của dân chúng, nhưng lý do cải cách trì trệ là
nguyên nhân lớn hơn. Ngược lại, ở Việt Nam,
dù cải cách không toàn vẹn nhưng ít nhất nó làm cho đa số dân chúng Việt
Nam có được một cuộc sống tốt hơn trước đó. Nó như một cái van xả, không
bị dồn nén như người dân Cuba. Nhớ lại thời điểm năm
1995, thời kỳ trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, lệnh này thật sự
không có hiệu quả nữa đối với Hà Nội, khi các quốc gia châu Á xung quanh
phớt lờ chuyện cấm vận của Mỹ, làm ăn với Việt Nam, cả những đồng minh
Tây Âu thân cận với Mỹ. Đối với Cuba, các quốc
gia cánh tả Nam Mỹ cũng bất chấp lệnh cấm vận, cựu “mẫu quốc” Tây Ban
Nha cũng bất chấp, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đảng Cộng sản Cuba không muốn
cải cách. Nhưng sự khác nhau rõ
ràng đó vẫn làm cho hai quốc gia toàn trị này có những tương đồng là sự
mong manh, tạo nên những rủi ro đổ vỡ một cách bất ngờ, khi có một sự
cộng hưởng nhiều yếu tố. Nếu ở Cuba là sự trì
trệ kinh tế, cộng với cấm vận và đại dịch, thì ở Việt Nam sự cộng hưởng
vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn như, sự dồn nén mà người dân phải chịu đựng
qua việc điều hành yếu kém của chính quyền trong chuyện chống dịch, cộng
với sự bực bội về nạn tham nhũng tràn lan, cùng với những bất công trong
giải quyết các vụ việc đất đai kiểu Đồng Tâm, hay những vụ án khuất tất
kiểu Hồ Duy Hải, Trần Đức Đô… có thể thổi bùng lên những ngọn lửa bất
ngờ. |