CALITODAY
Truy tố Đặng Thanh Bình có dẫn tới ủy viên bộ chính trị Nguyễn
Văn Bình?
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Một điểm tương hợp đáng chú ý: thông tin
ngày 22/3/2018 về vụ cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh
Bình bị truy tố xảy ra đồng thời với phiên tòa xử cựu ủy viên bộ chính
trị Đinh La Thăng về vụ “800 tỷ”, trong đó nổi bật nội dung tranh cãi về
vụ Ngân hàng nhà nước đã mua Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0
đồng.
Khác nhiều với sự cam chịu cùng nước mắt trong phiên tòa đầu tiên bị xử
vào tháng Hai năm 2018, tại phiên tòa này ông Đinh La Thăng dường như
chọn cho mình thái độ tung hê những ẩn khuất trong nội bộ công tác điều
hành khi một lần nữa phải đối mặt với tội danh “cố ý làm trái” với mức
án do Viện Kiểm sát tối cao giáng xuống là 18 – 19 năm tù, đẩy ông Thăng
phải chịu nguy cơ nhận đến 30 năm tù cộng cả hai lần bị xét xử.
Phản bác đáng mổ xẻ của Đinh La Thăng là nếu thủ tướng và phó thủ tướng
cho phép thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN (thời ông Thăng
còn là chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này) tại Ngân hàng Đại
Dương, thì số tiền 800 tỷ đồng đã không mất trắng.
Dù từng được xem là một “cận thần” của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn
Dũng, Đinh La Thăng đã chọn cách khai báo trách nhiệm về “người tử tế”
này.
Còn “phó thủ tướng” mà ông Thăng khai có thể là Vũ Văn Ninh hoặc Nguyễn
Xuân Phúc dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dấu hỏi bật ra là nếu đúng như lời khai của Đinh La Thăng, tại sao
Nguyễn Tấn Dũng và “phó thủ tướng” đã không muốn PVN thoái vốn khỏi Ngân
hàng Đại Dương, dù biết ngân hàng này đã âm vốn và tình hình tài chính
rất xấu?
Dù chưa biết Nguyễn Tấn Dũng và “phó thủ tướng” dính đến mức độ nào
trong vụ “800 tỷ”, nhưng một sự thật không thể chối bỏ là Ngân hàng nhà
nước đã quyết định mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây Dựng,
Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu và Ngân hàng Đại Dương.
Vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng
rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn
20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của
ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nhân vật quyết định mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng chính là Nguyễn
Văn Bình – thống đốc Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó.
Việc Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0
đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào
đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá
sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của ông
Nguyễn Văn Bình, đặc biệt việc ông Bình luôn vận động và rất có thể đã
dùng tiền ngân sách để “xử lý” các ngân hàng đã rơi vào tầm phá sản.
Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận
và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước lấy đâu
ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời từ phía
Ngân hàng nhà nước và Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Tất cả đề
“trốn biệt”.
Kết nối với lời khai của Đinh La Thăng trong phiên tòa “800 tỷ” đang
diễn ra, rất có khả năng chính Nguyễn Văn Bình đã tham mưu cho Vũ Văn
Ninh và Nguyễn Tấn Dũng để không cho PVN thoái vốn khỏi Ngân hàng Đại
Dương, dẫn đến hậu quả 800 tỷ đồng của PVN gửi vào ngân hàng này đã
“biến sạch”.
Lại có một mối liên đới được xem là mật thiết giữa Nguyễn Văn Bình và
Đinh La Thăng. Vào thời Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị thủ tướng mà chưa bị
hề hấn gì, Thăng và Bình là những bộ trưởng và hàm tương đương bộ trưởng
đầy quyền thế và cũng không kém dư luận đàm tiếu, đặc biệt là dư luận về
“trùm tài phiệt Bình Ruồi”.
Cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình lại được dư luận
xem là một thủ hạ đắc lực của “Bình Ruồi”.
Vào tháng Chín năm 2017, Đặng Thanh Bình dù đã hưu nhưng vẫn bị Bộ Công
an khởi tố. Tuy nhiên, quá trình điều tra ông bình có vẻ kéo dài quá
lâu, để cho đến nay mới có quyết định truy tố.
Đặng Thanh Bình là quan chức cao cấp đầu tiên của Ngân hàng nhà nước bị
Nguyễn Phú Trọng “sờ gáy”, cho thấy “lò” của ông Trọng bắt đầu cháy lan
đến cơ quan này.
Liệu vụ truy tố Đặng Thanh Bình có dẫn tới ủy viên bộ chính trị Nguyễn
Văn Bình, để cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước này sẽ phải nhận một cái
“án” nào đó?
Một hiện tương lạ là trong thời gian từ tháng 9/2017 đến nay, đặc biệt
vào thời gian Đinh La Thăng – cấp phó của Trưởng ban Kinh tế trung ương
Nguyễn Văn Bình – bị khởi tố và tống giam, ông Bình vẫn bình yên và còn
đi công du một số nước.
Nhưng từ trước tết nguyên đán 2018, đã xuất hiện đồn đoán về khả năng
Nguyễn Văn Bình có thể bị tống vào “lò” sau tết, để ông Bình có khả năng
bị loại khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 7 – dự kiến diễn ra
vào tháng Năm năm 2018 hoặc sớm hơn. |