LUẬT KHOA
12-5-21

https://www.luatkhoa.org/2021/05/dan-chu-tao-lao-tu-loi-cua-chu-tich-phuc-tim-hieu-them-ve-dan-chu-dom/

 

“Dân chủ tào lao”: Từ lời của Chủ tịch Phúc, tìm hiểu thêm về dân chủ “dởm”

Dân chủ có muôn hình vạn trạng, trong đó không thiếu những nền dân chủ… “tào lao”.

 VÕ VĂN QUẢN

Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu “dân chủ tào lao”, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn.

(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – 9/5/2021)

 

“Dân chủ tào lao” trở thành thuật ngữ mới nhất và lạ nhất mà ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim Chủ tịch nước, sử dụng trong buổi gặp gỡ cử tri tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/5/2021.

Giải thích rõ hơn, ông cho rằng nhà nước ta rất dân chủ, nhưng dân chủ đến cỡ nào thì cũng phải có “kỷ cương, phép nước”. Như vậy, trong cách tiếp cận của ông Phúc, chí ít hai khái niệm này có hàm chứa nội dung trái ngược nhau? 

Về mặt ngôn ngữ, “tào lao” trong hầu hết các từ điển tiếng Việt hiện hành là một tính từ để chỉ một sự vật, hiện tượng không có nội dung đứng đắn, cụ thể. Một số từ điển còn ghi nhận “tào lao” đồng nghĩa với không có ích lợi, phù phiếm.

Không phải là dịch nghĩa hoàn hảo, “tào lao” trong cách hiểu này rất gần với cách hiểu của từ “small talk” trong tiếng Anh, thường dùng để chỉ những cuộc đối thoại không đầu không đuôi, không thực hiện bất kỳ chức năng giao dịch hay đạt đến mục tiêu nào cụ thể. Hoặc trực diện hơn, từ “nonsense” có thể là một lựa chọn hoàn hảo. 

Nhưng nếu một nền dân chủ vô nghĩa lý, chỉ có vỏ không có ruột, thì làm gì đã ảnh hưởng đến kỷ cương hay phép nước?

Sự… tùm lum trong cách hiểu về dân chủ và cách sử dụng từ ngữ sáng tạo của chủ tịch nước khiến người viết mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một cách nhìn tổng quan hơn về dân chủ, cái tốt, cái xấu, cũng như thế nào là một nền dân chủ “tào lao”.


Bản đồ Chỉ số Dân chủ Toàn cầu năm 2020 của tạp chí The Economist.

Dân chủ với muôn hình vạn trạng

Dân chủ cũng có dân chủ này, dân chủ kia. Điều này hoàn toàn đúng. 

Về mặt bản chất, hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý với một định nghĩa tối giản của dân chủ sẽ bao gồm các yếu tố như sau:

  • Bầu cử phổ quát (universal suffrage); 

  • Các cuộc bầu cử diễn ra định kỳ, cạnh tranh và công bằng;

  • Nhiều hơn một chính đảng;

  • Nhiều hơn một nguồn thông tin.

Ngoài ra, các yếu tố khác như xã hội dân sự, các cơ chế bảo vệ nền dân chủ, các quyền chính trị hiện hữu cũng như quá trình đưa ra quyết định chính sách… cũng là các chỉ dẫn phụ đáng xem xét.

Dựa trên nhóm tiêu chuẩn này, chúng ta có hàng loạt các tên gọi khác nhau dành cho các nền dân chủ.

Các tác giả có tiếng như Wolfgang Merkel và Hans-Jürgen Puhle sáng tạo ra khái niệm “defective democracy”, hay “dân chủ hụt”.

Nhóm này được cho là sẽ bao hàm kiểu dân chủ độc quyền, với các quyền dân sự chính trị chỉ dành cho một bộ phận nhỏ trong toàn bộ dân cư (exclusive democracy). Có thể nghĩ đến nền dân trị Hoa Kỳ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một nền dân chủ dù lừng danh nhưng chỉ dành cho người nam, da trắng, như là một ví dụ điển hình của “exclusive democracy”. 

Ngoài ra, dân chủ thống trị – hay “dominated democracy” – cũng thuộc nhóm các nền dân chủ hụt. “Dominated democracy” dùng để chỉ các nền dân chủ nơi mà một hay nhiều nhóm quyền năng bên ngoài có khả năng giới hạn, tác động đến việc hoạch định chính sách của những chức danh dân cử.

Myanmar trong giai đoạn giữa thập niên 2010 cho đến thời điểm trước đảo chính có thể được xem là ứng cử viên sáng giá để mô tả “dominated democracy”. Trong đó, dù chính phủ và các chức danh hoàn toàn do dân bầu, chính quyền hoàn toàn chính danh này không thể kiểm soát các tướng lĩnh quân đội. Họ tiếp tục chịu sự chi phối của quân đội trên nhiều phương diện. Từ việc xử lý các cáo buộc diệt chủng đối với người Rohingya đến kết cục cuối cùng là cuộc đảo chính vào đầu năm 2021, quân đội Myanmar luôn là người cầm trịch so với chính phủ dân cử.

Đến đây, chúng ta phải nhắc đến “illiberal democracy”, tức các nền dân chủ phi tự do, trong nhóm dân chủ hụt. “Illiberal democracy” có thể được mô tả ngắn gọn là mô hình dân chủ chỉ bảo đảm một số ít các quyền chính trị, dân sự. Rõ ràng hơn, dân chủ phi tự do là nơi mà người dân vẫn có quyền đi bầu và chọn ra chính phủ của mình. Tuy nhiên, ở các nước này, không gian dân sự và các quyền thảo luận, kiểm tra, giám sát nhà nước hoặc không tồn tại, hoặc không hiệu quả. Báo chí bị kiểm soát, các nhà chính trị đối lập bị trả đũa, pháp luật kiểm soát quyền lực nhà nước bị chính quyền đương nhiệm thay đổi, hay các cơ chế phòng vệ nền dân chủ như nhiệm kỳ, luật bầu cử bị chỉnh sửa theo hướng có lợi cho chính đảng cầm quyền… là một số trong các dấu hiệu để nhận biết liệu một nền dân chủ đã đến mức “illiberal” hay chưa.

Venezuela trong thời kỳ đầu giai đoạn cầm quyền của Hugo Chavez vào thập niên 1990 hoàn toàn hội đủ các tiêu chuẩn của một nền dân chủ phi tự do. Kiểm soát báo đài, mua chuộc cử tri, và dần dà dùng các kỹ thuật chính trị để loại bỏ nhiệm kỳ… đều là những đặc sản biến nền dân chủ non trẻ của Venezuela thành sản phẩm của ngày nay.

Nhưng chỉ những nhóm trên chưa đủ thỏa mãn cơn khát thuật ngữ của các học giả chính trị học.

Deficient democracy” (dân chủ khiếm khuyết) là một thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ hầu hết các nền dân chủ đương đại trên thế giới. Từ Hoa Kỳ đến các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản và các nền dân chủ mới nổi thuộc châu Mỹ Latin… đều có thể được xem là những nền dân chủ không hoàn hảo, có khuyết điểm. Cụ thể, các loại khuyết điểm trải dài từ cơ chế bảo hiến, quyền tham gia của người dân, tính rõ ràng của các thủ tục hành chính và dân quyền hay thậm chí là tính phân biệt chủng tộc có thể có trong bộ máy dân chủ.

 

Tiêu chí nào để đánh giá nền dân chủ

Muốn đánh giá chất lượng của một nền dân chủ, chúng ta trước tiên cần xác định thế nào là một sản phẩm có chất lượng. Người viết vay mượn cách hiểu của quản lý chất lượng trong quản trị học nói chung để nghiên cứu, đơn giản vì cách tiếp cận này dễ hiểu và dễ truyền đạt hơn các tiêu chuẩn triết học hay khoa học chính trị – pháp lý khác. 

Yếu tố đầu tiên, một sản phẩm có chất lượng thì trước tiên phải dựa vào quy trình sản xuất có chuẩn mực. Việc tạo ra sản phẩm phải đúng thời điểm (timely), có kiểm soát chất lượng (controlled), sở hữu cơ chế phòng ngừa sai sót và rủi ro (risk-managed), và dễ đoán định (predictable).

Khác với lầm tưởng của nhiều người, các chính phủ dân chủ phương Tây không tự nhiên tốt, hay tự nhiên giỏi, chính cơ chế và quy trình xây dựng dân chủ mới là bước đầu tiên gầy dựng nền tảng của một nhà nước tốt.

Nền dân chủ, tương tự như một sản phẩm tiêu dùng, sẽ không thể là một nền dân chủ có chất lượng nếu quá trình tạo nên chính thể đại diện không có một quy chuẩn thời gian cụ thể. Chính quyền mới có thể được tạo ra quá sớm (hoặc quá trễ) so với luật định vì nhiều nguyên do và ngoại lệ. Điều này tạo nên những bất thường về mặt chính sách, sự thiếu chủ động của chính người dân và tạo ra nhiều kẽ hở không đáng có.

Hay một chính quyền được tạo ra là một kết quả không dễ đoán định, từ việc ai trở thành lãnh đạo hay chính sách mà người đó theo đuổi, cũng là một dấu hiệu tiêu cực cho một nhà nước lành mạnh. 

Lấy hai nhà nước điển hình nhất hiện nay để so sánh: Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ở Hoa Kỳ, việc ai lên làm tổng thống chắc chắn được lựa chọn thông qua cuộc bầu cử tổng thống mỗi bốn năm một lần, với phương thức bầu chọn ai cũng biết là mô hình phổ thông đầu phiếu tại từng tiểu bang, kết hợp với phương án đại cử tri cho toàn liên bang. Việc ông Trump hay ông Biden theo đuổi chính sách gì, lời hứa ra sao cũng được ghi nhận không thể rõ ràng hơn thông qua các cuộc tranh luận hay tiếp xúc cử tri.

Ở Trung Quốc, ngược lại, người dân khó có thể biết điều gì xảy ra bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến khi Tập Cận Bình thật sự chiếm lĩnh hoàn toàn ánh hào quang trên chính trường. Và họ cũng khó ngờ rằng Trung Quốc thời Tập là một quốc gia đầy tham vọng với những “Vành đai – Con đường” và quá trình quân sự hóa tại biển Đông, thay vì tập trung phát triển kinh tế như trước đó.

Toàn bộ những yếu tố nói trên hợp thành chiều quy trình (procedural dimension), hoặc các yếu tố đầu vào (input), để đánh giá một nền dân chủ.

Sau khi đã nói đến quy trình thì chắc hẳn phải nói đến bản chất và đặc trưng cấu trúc của thành phẩm (structural characteristic), từ thiết kế, chất liệu đến các chức năng mà sản phẩm đó có thể thực hiện. Như vậy, chúng ta có thể đồng ý gọi yếu tố thứ hai là dùng sản phẩm đầu ra (output), để đánh giá một nền dân chủ.

Một số cho rằng kiểu chính quyền nào tạo ra việc làm, cơm ăn áo mặc cho người dân, đạt đến cảnh giới “quốc thái dân an” thì là chính quyền tốt. Nhưng rõ ràng đấy là một tiêu chuẩn lỗi thời.

Một nhà nước phong kiến sử dụng nhục hình và bạo lực tư pháp, chuyên quyền, phân biệt đối xử và phân biệt giai cấp vẫn có thể tạo nên một bức tranh quốc thái dân an.

Một chính quyền phân biệt chủng tộc cực đoan như chính quyền apartheid tại Nam Phi cũng không gặp bất kỳ trở ngại nào để đạt danh hiệu đầu tàu kinh tế toàn châu Phi.

Chức năng của một nhà nước đương đại không chỉ đơn giản là tạo ra các cơ hội kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân. Nó còn phải tôn trọng và chủ động bảo vệ sự bình đẳng giữa các chủ thể trong xã hội, hạn chế quyền lực của các chức danh công quyền thông qua cơ chế pháp quyền (rule of law), và đẩy mạnh trách nhiệm lẫn giải trình từ phía cơ quan nhà nước (accountability).

Khác với cách nhiều người lầm tưởng, đánh giá đầu ra của một quá trình dân chủ (mà hiện thân là bộ máy chính trị quốc gia) không khó như ta tưởng tượng. Theo hai tác giả Heinz Eulau và Paul D. Karps, tính tương tác và phản ứng (responsiveness) là tiêu chuẩn đơn giản nhất để đánh giá tính đại diện của một chính quyền đối với cử tri, và từ đó suy luận ra chất lượng của nền dân chủ.

Họ kể đến những biểu hiện hoàn toàn có thể quan sát được như chính sách nhắm đến phục vụ lợi ích công cộng, các dịch vụ công được cung cấp một cách bình đẳng và không vụ lợi cho mọi cá thể trong xã hội, hay lợi ích vật chất thông qua các chương trình an sinh xã hội được phân phối minh bạch với các công cụ kiểm tra – giám sát hiệu quả, v.v.

***

Những phân tích dông dài nhưng cần thiết nói trên cho thấy rằng một nền dân chủ đúng nghĩa, vận hành tốt không chỉ mang lại các lợi ích về kinh tế – xã hội, mà còn thiết lập một trật tự xã hội có quy chuẩn, có đạo đức. Nơi đó, những tranh chấp về quyền công dân, về chính trị, về lợi ích an sinh xã hội là những tranh chấp được giải quyết một cách có bài bản, có quy trình, nhưng đồng thời cũng trao quyền cho người dân và phản ánh đúng nguyện vọng, quyền lợi của không chỉ số đông mà còn của các nhóm yếu thế.

Trở lại với góc nhìn phổ biến tại Việt Nam rằng dân chủ là chỗ ai muốn nói gì thì nói, ai muốn làm gì thì làm rồi gây náo loạn, gây ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước… là kiểu tư duy rất tiểu học, thiếu thông tin và thiếu tri thức về khoa học chính trị lẫn khoa học pháp lý. 

Mặt khác, nếu dùng từ “tào lao” để mô tả dân chủ như chúng ta đã phân tích ở trên, dân chủ trở thành một thứ vô thưởng vô phạt, hình thức, có cũng được không có cũng không sao. Nếu nói về một vài nước mà nền dân chủ nó tào lao như thế, thì Việt Nam cũng có phần. Nhưng chuyện đó có lẽ sẽ phải để lại cho một dịp thảo luận khác.