SÀI GÒN NHỎ
13-2-22

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/dang-sau-chuyen-nguyen-phu-trong-ra-sach/

Đằng sau chuyện Nguyễn Phú Trọng ra sách!

Hiếu Chân

Trong lúc cả nước bắt đầu năm mới Nhâm Dần 2022 với bao nỗi lo toan và khốn khó, ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng lại làm một công việc ruồi bu là … ra mắt sách. Viết sách và ra sách là việc đáng khen ngợi, nhất là sách hay, nhưng trong trường hợp ông đảng trưởng đảng CSVN, đây không đơn thuần là chuyện sáng tác, nghiên cứu hay phổ biến kiến thức mà chỉ đơn giản là tiếp tục một trò bịp

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin với những lời ca ngợi chối tai: “Sáng 9.2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Hội đồng Lý luận T.Ư và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ mắt ra cuốn sách ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” (hết trích). Đáng chú ý là sách của Trọng ra đời chỉ chưa đầy một tháng sau ngày phát hành cuốn “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” do các thuộc cấp Trọng ở Ban Tuyên giáo Trung ương và báo Nhân Dân biên soạn. Cả hai cuốn sách đều được tổ chức lễ ra mắt long trọng, truyền thông đưa tin rầm rộ bằng những bài báo sặc mùi nịnh hót, bợ đỡ.

Nhà lãnh đạo cộng sản nào cũng viết sách và ra sách, Nguyễn Phú Trọng không phải là ngoại lệ. Dường như đã là lãnh đạo đảng Cộng sản thì ngoài hoạt động chính trị, ai cũng muốn trở thành nhà lập ngôn và lập thuyết, để lại cho đời sau những học thuyết lý luận, những lời vàng ngọc. V.I. Lenin, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình ở nước ngoài, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn ở trong nước là những trường hợp như vậy. Nhưng khốn nỗi tham vọng thì cao vời mà trình độ học thức lẫn trí tuệ đều thấp lè tè nên hầu hết sách vở của các nhà lãnh đạo cộng sản, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vốn ít được học hành, đều chỉ là mớ xảo ngôn trống rỗng và hoang tưởng.

Nguyễn Phú Trọng đã sắp kết thúc sự nghiệp chính trị, cho dù có tham quyền cố vị đến đâu thì ông ta cũng phải về vườn trong thời gian tới. Xuất thân là một cử nhân “văn chương cách mạng”, theo học ngành “xây dựng đảng” ở Liên Xô cũ, về nước làm giảng viên trường Đảng của đảng Cộng sản, làm cán bộ tuyên giáo rồi bí thư đảng bộ Hà Nội, Trọng hầu như không biết gì về quản trị quốc gia, điều hành kinh tế. Hiểu biết của Trọng về tình hình thế giới, về cạnh tranh địa chính trị càng mù mờ, kém cỏi. Trọng luôn miệng nói, tổng bí thư đảng CSVN phải là người Bắc “có lý luận”, nhưng xem ra, cái lý luận của Trọng chỉ là một mớ hổ lốn các tín điều của chủ nghĩa Lenin về xây dựng đảng, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản lấy bạo lực làm trung tâm để trấn áp các giai cấp đối lập. Những tin điều đó – được thể hiện trong mô hình nhà nước cộng sản ở Liên Xô cũ – đã phá sản, đã bị nhân loại vứt vào sọt rác không thương tiếc.

Trong đám lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN, Trọng được đánh giá là kẻ giáo điều số một, luôn miệng viện dẫn kinh sách Lenin. Và vì những tín điều đó đã tỏ ra quá sai lầm, quá phản động đi ngược với tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người nên từ khi còn là bí thư Hà Nội, Trọng đã có hỗn danh “Trọng Lú”[*] (*) và cái hỗn danh đó theo ông ta đến tận bây giờ kể cả khi ông ta đã là kẻ cầm đầu đất nước. Có điều, để thăng tiến trên đường danh vọng, để vinh thân phì gia, đám cán bộ đảng viên của đảng CSVN nhất mực “giả vờ” tin vào chủ nghĩa Lenin, sợ mất đảng sẽ mất địa vị và quyền lực, và đó là môi trường để những kẻ giáo điều như Trọng có cơ hội để lên mặt.

Bây giờ vào lúc cuối đời, Trọng lại cố đem mớ giáo điều ngu xuẩn và phản động đó viết ra, lấy tiền thuế của dân để in thành sách nhằm giáo dục tư tưởng cho đám đồng đảng của ông ta, dù có thể nói chắc rằng đám thuộc hạ đó sẽ chẳng bao giờ thèm đọc tới vì chúng còn dành thời gian để ăn nhậu, giữ ghế, lo đấu đá và thu vén tiền bạc mua nhà đất và quốc tịch nước ngoài.

Ông Trọng đã có lần nói với cử tri ông ta vẫn chưa biết chủ nghĩa xã hội là cái gì và cho đến cuối thế kỷ 21 này chưa biết Việt Nam có xây dựng được chủ nghĩa xã hội hay không. Có thể đó là lời nói thật trong một phút hiếm hoi của nhà lãnh đạo cộng sản. Thế nhưng bây giờ ông ta lại viết sách “về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tức là viết về thứ mà ông ta không biết, không tin. Chừng đó đủ hiểu nội dung cuốn sách – gồm 29 bài viết, bài phát biểu của Trọng từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội 13 của đảng CSVN đến nay – là cái gì, có chút giá trị nào không.

Ấy vậy mà các thuộc cấp của Trọng trong đảng CSVN hết lời ca tụng cứ như đó là kinh sách thánh hiền. Báo Thanh Niên đăng nhận xét của giáo sư tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương đảng CSVN, “Cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, là tài liệu quý để giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo nên sự đồng thuận để khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. (hết trích)

Hầu như ai cũng lập tức nhận ra rằng đây là trò nịnh bợ trơ trẽn và lố bịch, bất chấp liêm sỉ và lòng tự trọng của đám bề tôi đối với người lãnh đạo. Nhưng hiện tượng nịnh hót đó cũng cho thấy sự đảo lộn hệ giá trị của xã hội Việt Nam thời cộng sản: cái xấu xa, giả dối được ca tụng và tôn vinh, trong khi sự thật và lòng tốt bị đàn áp dã man. 

Một xã hội như thế là môi trường tốt cho đám quan chức cộng sản, và chừng nào những kẻ như Trọng còn lên mặt dạy đời bằng thứ lý luận cổ hủ và gian trá thì đất nước khó có cơ hội thoát ra khỏi lầm than.



[*] Dân chúng Hà Nội có bài vè để chỉ mặt đặt tên những kẻ cầm đầu thủ đô trước đây: “Giàu như Phú (Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hà Nội), Lú như Trọng (Nguyễn Phú Trọng, Bí thư thành ủy), Lật lọng như Nghiên (Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch). Tham tiền như Triệu (Nguyễn Quốc Triệu, Phó chủ tịch, sau làm Bộ trưởng Y tế)”