TIẾNG DÂN
23-4-2021
https://baotiengdan.com/2021/04/23/danh-mat-que-huong-phan-ii/
Đánh mất quê hương
Thụy Mân
Con người chúng ta không có quyền chọn lựa để được sinh ra đời. Hơn thế
nữa, được chọn lựa để sinh ra là dân tộc này chứ không phải là dân tộc
khác. Bởi lẽ nếu chúng ta được quyền chọn lựa, không biết được bao nhiêu
phần trăm dân Việt Nam thực sự vẫn muốn chọn cái số phận của mình?
Nhiều lúc tôi nhớ về cái tuổi thơ của tôi vào cái thời trước khi cuộc
chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nơi gia đình tôi sống lúc ấy là một thị
trấn nhỏ miền Trung, thuộc vùng Quốc gia, nhưng vẫn bị cộng sản quấy
nhiễu luôn luôn. Ngôi nhà của gia đình tôi nằm ngay phía trước Tòa Hành
Chánh Quận Lỵ, mục tiêu để cộng sản thỉnh thoảng nã pháo vào. Gặp tay
chỉ điểm tồi, cung cấp tin tức sai, họ bắn lệch một chút thì xem như cả
xóm nhà tôi được lên thiên đường sớm.
Hầu hết mọi nhà trong thị trấn đều có một cái “hầm cát”. Các bạn thế hệ
sau này chắc không hiểu nổi ý nghĩa của từ này. “Hầm cát” là một loại
công sự để tránh mảnh bom, xây dựng lên từ những cây trụ sắt xây hàng
rào và những bao chứa cát chiều dài độ 7-8 tấc, chiều ngang độ 3-4 tấc.
Khi mảnh bom văng vào, cát trong bao sẽ làm giảm tốc độ của mảnh bom,
giữ nó lại, và người ẩn náu bên trong sẽ không bị thương. Điều lạ lùng
là cái công sự này được xây bên trong nhà, vì khi pháo kích thì người ta
thường nã bất kể ngày hay đêm. Tiện lợi hơn hết là xây ngay trong một
căn phòng chính của gia đình. Đôi khi nửa đêm nghe tiếng pháo kích, vừa
lăn xuống giường thì bò được ngay vào hầm cát!
Hầm cát nhà tôi bên trong cao độ hơn một mét, chiều rộng 1 mét rưỡi,
chiều dài hơn 2 mét. Một bên là tường, ba mặt còn lại là những bao cát
chồng dựng lên nhau thành ba mặt như ba bức tường còn lại của căn hầm,
với những thanh sắt chen ở giữa, để giúp giữ vững cái công trình xây
dựng kỳ quặc mà chỉ trong thời chiến tranh con người ta mới có đủ trí
tưởng tượng để làm được.
Lớn lên cùng với nó cho nên chúng tôi cũng không mấy hãi hùng với cái
cảnh một cái lô cốt ngay trong phòng ngủ của ba mẹ. Đôi lúc tôi và mấy
đứa em còn vào trong đó chơi đồ hàng.
Mỗi sáng trước khi đi chợ, mẹ dặn đi dặn lại hễ nghe tiếng “đề pa”(
tiếng vọng của canon khi người ta bắn đi), thì mấy chị em phải nhanh
chân dắt nhau chạy vô trốn trong hầm cát. Tôi lớn nhất, mẹ dặn phải có
nhiệm vụ coi ngó, chắc chắn là đủ hết ba đứa em vào trước rồi mình mới
vào sau cùng.
Một lần mẹ đang ở ngoài chợ thì có một trận pháo kích như vậy. Tim tôi
như thắt lại không biết mẹ làm sao tránh bom. Mấy chị em cũng niệm Phật
cầu cho ba mẹ được bình an, đứa nầy ráng gào to hơn đứa kia, thật ra là
để trấn át nỗi kinh hãi đang dâng cao trong lòng mình. Tàn cuộc pháo
kích ngày hôm đó, hôm sau đi học tôi được nghe mấy đứa bạn kháo nhau câu
chuyện ba của nhỏ bạn trong lớp, bị sức ép của trái pháo, văng lên trên
trời 2,3 mét rồi mới rớt xuống chết tươi, trước mặt thiên hạ đang đông
cứng người vì kinh sợ.
Chị em chúng tôi được ba may cho mỗi đứa một cái túi hai ngăn, túi của
đứa nào nấy nhớ, và cất vào chỗ tiện lợi, dễ thấy nhất trong nhà, khi
chạy giặc thì mỗi người phải nhớ mang túi của mình. Những chiếc túi này
có dây đeo ngang qua vai, trong đó ba cẩn thận xếp vào mấy gói đồ ăn
khô, gạo rang, kẹo chanh. Quan trọng nhất là một mảnh giấy ép plastic để
không bị thấm nước, trên đó ghi tên tuổi của từng đứa chúng tôi, tên cha
mẹ và địa chỉ nhà, lỡ khi loạn lạc mất nhau vẫn còn cơ hội để tìm lại
gia đình. Em út của tôi lúc đó nói còn chưa sõi…
Mùa hè đỏ lửa năm 72, chạy đi rồi trở về… một phen kinh sợ nhưng rồi
trật tự và niềm tin quay lại với mọi người. Cho đến ba năm sau, năm 75…
Ký ức đọng lại ở một buổi chiều Vạn Giã, Cam Ranh với mây đen u ám, với
bầu không khí sũng nước và nặng nề báo hiệu trời sắp mưa, mẹ vừa mới cho
chúng tôi ăn qua quít bữa tối cho xong, thu gọn lại hành lý, chờ đến tối
thì người chủ nhà sẽ chèo thuyền đưa chúng tôi ra ngoài khơi, nơi có
chiếc thuyền cứu trợ của Tân Tây Lan đang chờ, đưa chúng tôi chạy tiếp
về hướng Nam. Suốt gần hai tháng nay, chúng tôi cứ chạy triền miên như
thế, cứ nhắm về hướng Nam mà chạy, với cái hy vọng nếu họ có chiếm dần,
thì mình cũng vẫn thuộc về miền Nam… Điều lạ lùng là chẳng một ai chạy
theo chiều ngược lại, để được “giải phóng”!
Chiều hôm trước đó, chúng tôi nghỉ chân ở một ngôi chùa không xa Quốc lộ
1. Tình hình ngoài phố vô cùng hỗn độn. Kho súng, kho gạo đã bị người ta
phá tung, chính quyền không còn nữa, thiên hạ mạnh ai nấy nhào vô hôi
của. Những thanh niên mới lớn hăng tiết vịt, chạy vào kho súng kiếm mỗi
người một khẩu bắn loạn xạ. Bát nháo và hoảng loạn ở khắp nơi…
Không biết có linh tính hay sao, mẹ lại đưa chúng tôi ra khỏi ngôi chùa.
Một người nào đó mẹ gặp trên đường đã nói đến những chiếc thuyền lớn
đang đậu ngoài khơi chờ dân di cư để mang họ đi xa hơn về phía Nam.
Chúng tôi rời ngôi chùa lúc chiều thì tối hôm đó ngôi chùa bị trúng pháo
và bốc cháy. Nhiều người chết và bị thương…
Mỏi mệt, và vì không uống đủ nước nên người tôi khô rốc như sắp đổ bệnh,
chẳng muốn ăn gì. Tôi nghĩ đến ba tôi, gia đình đã lạc mất ba từ lúc rời
Nha Trang, và ứa nước mắt không biết bây giờ ba ra sao. Tôi nhìn mấy đứa
em ở tuổi chơi đùa mà giờ này đã khôn ngoan đến không dám nói một tiếng
lớn, gây một tiếng động, vì sợ làm cho mẹ rối rắm thêm. Tôi nghĩ đến
thầy cô và bạn bè, giờ tan tác mỗi người một hướng, chẳng biết ai còn ai
mất.
Tôi nghĩ đến những đứa trẻ bằng tuổi tôi ở một đất nước khác, giờ đây
chắc hẳn đang ở trong ngôi nhà ấm cúng của mình học bài, và sáng mai
đây, chúng có thể đến trường một cách hết sức bình thường, hoàn toàn
không nhận ra rằng chúng đang hạnh phúc biết bao! Và tại sao tôi và các
em tôi lại phải ở đây, trong cái ngôi nhà xa lạ, leo lét ánh đèn dầu ở
một xóm chài heo hút? Tôi nghĩ đến sự bất công mà những đứa bé như tôi
phải chịu đựng trong cái đất nước chiến tranh ly loạn này…
Nhưng cái buổi chiều hôm u ám đó chỉ mới là cái tiền đề cho hàng chục
năm u ám và lận đận tiếp theo của gia đình tôi. Bởi vì dân miền Nam
chúng tôi đã được “giải phóng”!
*
Ký ức tôi đôi khi quay về một buổi chiều ở đảo Phú Quốc. Đó là một buổi
chiều đầu tháng Tư năm 1975.
Nói về buổi chiều này thì phải đi ngược lại mấy tuần trước đó, một ngày
cuối tháng Ba, khi Ba tôi phải ở lại căn nhà mướn ở Nha Trang để coi ngó
đồ đạc gia đình mang vào từ quê, dự định sẽ di tản sau trong khi một số
người thân, mẹ và mấy nhóc chúng tôi tìm cách hướng xa hơn về phía Nam.
Dự định ba sẽ tìm cách đi sau, nhưng chúng tôi đã lạc nhau từ đó, hỗn
loạn xảy ra và đường bộ giữa Nha Trang và Cam Ranh đã bị cắt đứt.
Tìm được một mối liên lạc đưa người tản cư ra những chiếc tàu lớn đang
đậu ngoài khơi, chúng tôi đành phải đi trước. Khi chiếc thuyền nhỏ của
người đánh cá đưa gia đình chúng tôi ra khơi thì đã có những người cứu
nạn chờ sẵn trên các ca nô. Chỉ có mấy chiếc ca nô này mới có thể áp sát
được vào chiếc tàu thủy lớn. Đêm tối nhưng ánh sáng từ những ngọn đèn
trên boong tàu có thể soi đến một vùng quanh nó. Từ chiếc ca nô này
người ta có thể leo lên những chiếc thang dây được thả xuống cho những
người tản cư chúng tôi. Người lớn dặn chúng tôi phải ôm chặt vào cổ họ
khi được cõng lên thang vì cả hai tay họ đều bận.
Không cần dặn, chúng tôi cũng ôm thật chặt bởi vì chúng tôi biết sinh
mạng mình hoàn toàn gắn chặt vòng tay ôm người lớn cõng mình: Cách đó
chỉ mấy phút, một người đàn ông cõng mẹ đi lên thang dây, bà cụ có lẽ
già yếu lơi lỏng tay, bà rớt xuống nước vừa lúc chiếc ca nô dập dềnh rời
xa thành tàu. Những người xung quanh chỉ có thể nghe một tiếng bõm nhỏ
là bà đã mất tăm trong làn nước tối đen. Người thân của bà kêu khóc não
lòng: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, nhưng xung quanh trong cơn hỗn loạn, ai cũng lo
lấy thân mình, không ai nghĩ đến việc kêu cứu những người trên con tàu
lớn. Tất cả đã xảy ra trước mắt chúng tôi như một đoạn phim kinh hoàng
được chiếu rất nhanh.
Lên đến boong tàu, vừa đếm lại đầu người trong gia đình, chúng tôi mừng
vì mọi người đã đủ cả, thì con bé em út bỗng dưng khóc òa. Nó hỏi “Ba
đâu? Ba đâu?”, trong khi nó đã biết ba không có mặt với gia đình đã cả
tuần nay. Vốn mê tín và đang rối bời, mẹ tôi nghĩ đến một điềm gở…
Những người di cư có thể tìm chỗ cho mình trong khoang thứ hai và thứ
ba, kể từ boong tàu, nhưng ở đó được một đêm thì cảm thấy không khí rất
ngột ngạt, mẹ tôi mới đi lên xem xét tầng trên cùng… Bà tìm được một góc
dưới chân một cầu thang trên boong tàu và kéo cả nhà lên trú ẩn ở nơi
đó. Không phải lúc nào cũng có bóng mát ở cái góc đó, nhưng không khí
thì thoáng đãng vô cùng. Người lớn dùng những tấm khăn lớn và mền để làm
thành một cái lều nhỏ che nắng.
Được nửa ngày như thế thì chúng tôi bắt đầu đói và không đủ nước uống.
Chiếc tàu lớn này là của New Zealand, một trong những chiếc tàu tình
nguyện làm việc nhân đạo cứu người tản cư từ miền Trung vào Nam. Họ có
nước uống trên tàu, nhưng dĩ nhiên không có đủ cho con số vài ngàn người
nhiều hơn dự định. Để tránh tranh giành, họ kêu gọi người ta sắp hàng để
nhận nước và một hộp đồ ăn khô, nhận xong họ đóng mộc lên tay người nhận
để làm dấu người đã nhận rồi. Nhiều người nhận xong, tìm cách chùi dấu
mực, rồi quay lại hàng để nhận lần nữa.
Bọn nhỏ chúng tôi chỉ đủ nước cầm chừng do người lớn nhường cho, và có
lẽ biết thân, hay không còn đủ sức, chúng tôi nằm xếp một chỗ. Mẹ tôi
tháo vát, biết tìm cách nấu cơm, đã nấu được một nồi cơm nhỏ, gạo mua
được với giá rất đắt từ gia đình hai người “hàng xóm” nằm cạnh chúng
tôi. Không biết ở đâu người lớn tìm được một ít muối và chúng tôi được
cho mỗi đứa một vắt cơm với muối hột.
Bắt đầu từ ngày thứ hai trên tàu tràn lan một cơn dịch đau mắt đỏ. Ai đó
đã bị mắc phải, và điều kiện thiếu vệ sinh trên tàu đã làm phần lớn
chúng tôi bị vướng nạn này. Sáng dậy, mẹ tôi phải hòa muối vào nước ấm,
rửa mắt cho từng đứa, chúng tôi mới “mở mắt” ra nổi. Nhờ tính chất sát
trùng của muối, chúng tôi đã không bị nặng như nhiều người khác trên
tàu.
Cuối ngày thứ ba chúng tôi đã ở ngoài khơi gần cảng Sài Gòn, nhưng không
được phép lên bờ vì tình hình chính trị đang lộn xộn. Sau đó thì người
ta quyết định đưa chúng tôi ra thẳng đảo Phú Quốc.
Phú Quốc ngày đó còn rất thưa dân, không đủ chỗ chứa chúng tôi trong thị
xã, người ta đưa chúng tôi đi qua một vùng đất khô rốc và quạnh hiu độ
đâu chừng hơn chục cây số thì đến ở tạm các lán giữa rừng trước đây dành
cho tù nhân, giờ đã bỏ trống. Mỗi gia đình được phân chia một hay hai
sàn gỗ trong lán. Mỗi lán có hai hàng sàn gỗ như thế ở hai bên, mỗi bên
có độ 10 sàn gỗ. Lán có hai cửa vào từ hai đầu, nhưng ai cũng có thể vào
ra tự nhiên vì không có cửa nẻo gì cả. Như vậy những người tù ở đây đã
có được một sự tự do ở một mức độ giới hạn nào đó. Nói cho cùng, rất khó
để tù nhân trốn thoát vì không có làng mạc gần đây, và thị xã thì ít
nhất cách nơi này 15 cây số.
Sàn gỗ cao đến khoảng rốn người lớn, trên đó có thể ngủ được hai người
lớn, hay bốn năm đứa nhóc nếu nằm theo chiều ngang. Mẹ và bốn chị em
chúng tôi được phân chia một sàn như thế. Một buổi trưa ngủ không được,
tôi trở người quay mặt vào bức tường gỗ và nhận ra có những dòng chữ nhỏ
li ti rất đẹp, đúng ra là những công thức toán học, tôi đoán thế vì nó
trông giống với những công thức trong quyển sách toán lớp 11, 12 của
người anh họ, tôi thấy được trong những lần tò mò mở ra xem. Lần đầu
tiên tôi thấy được một khía cạnh khác của những người tù, họ không hẳn
chỉ là những người gian ác, đầy tội lỗi như định kiến có được từ những
điều nghe đến về họ…
Nhỏ em út lại khóc: “Ba đâu? Ba đâu rồi?” Thiệt tình! Nó không hiểu mấy
lời nó kêu khóc làm cho người khác quặn ruột thế nào… Một lần nữa sự mê
tín lại khiến mẹ tôi lo lắng miên man.
Ông nội viết lên giấy một tờ yết thị: “Cha mẹ, và vợ con … (tên tuổi,
quê quán) đã đến được nơi đây… tìm con trai là (tên tuổi, quê quán). Nếu
con có thấy được tin này thì hãy tìm mọi người ở trại số… này. Nếu ai
thấy được dòng này và có thể nhắn tin đến con trai tôi, gia đình chúng
tôi vô vàn biết ơn.”
Buổi chiều ông nội đi dán mấy tờ yết thị, dẫn tôi đi theo. Nhìn mấy cái
bảng chằng chịt những tờ giấy đủ màu, đủ kiểu chữ, được gắn phong phanh,
và chúng bay phần phật trong gió, tôi đã nghĩ, nếu ai tìm được thân nhân
từ những tờ giấy này ắt hẳn là chuyện nhiệm mầu.
Nhưng chuyện nhiệm màu đã xảy ra một buổi chiều cách đó mấy hôm khi
chúng tôi đang quây quần ăn bữa tối thì nghe một giọng nói quen thuộc,
cùng lúc một bàn tay đặt lên đầu vuốt tóc nhỏ em út: “Cha! Mẹ! Cả nhà
ơi!” Ôi ba tôi, bằng xương bằng thịt đứng trước mặt chúng tôi. Cả nhà ôm
nhau khóc, nhỏ những giọt nước mắt vui mừng.
Mấy hôm sau, một buổi chiều đầu tháng Tư, buổi chiều đọng lại trong ký
ức, tôi vẫn còn nhớ chúng tôi chơi quanh quẩn gần đó trong lúc mẹ và mấy
người lớn đang vo gạo, giặt giũ bên cái giếng nước chung đầu trại (một
điểm lạ là bị vây bọc bởi biển khơi nhưng nước ở đảo này rất trong và
ngọt), thì có mấy người lớn chuyền nhau cái tin: chẳng bao lâu nữa người
ta sẽ tụ họp mọi người lại để đưa chúng tôi tản cư qua Thái Lan, với
tình hình này miền Nam cũng có thể mất luôn với cộng sản. Những người
lớn nói với nhau tin đó với một vẻ lo lắng, ái ngại tột cùng. Có người
bắt đầu mếu máo: “Ruộng nương mồ mả ông bà mình còn cả ngoài quê (miền
Trung), giờ người ta đưa mình qua bên Thái Lan để làm gì?”, có người
nói: “Chắc phải tìm cách trốn trại, tìm đường về Sài Gòn rồi từ từ sẽ
tìm đường về quê.” Rồi họ ôm nhau khóc.
Thế là mấy hôm sau, cũng với tài tháo vát của mẹ tôi, chúng tôi đã là
một trong những gia đình đầu tiên trốn trại, dắt díu nhau về Sài Gòn,
sống ở đó với gia đình cậu tôi ba tuần trước khi Sài Gòn thất thủ.
Một số người không có phương tiện trốn đi, đã ở yên lại trại và sau đó
dù muốn hay không họ cũng được đưa qua Thái Lan vào những ngày cuối cùng
của tháng Tư năm đó.
Phần gia đình tôi ở lại Sài Gòn khoảng một tháng thì bồng trống về quê
cũ, để được gắn bó với mồ mả ông bà, với nơi chôn nhau cắt rốn. Sự thật
thì chúng tôi quay về để nếm trải ngọt đắng “thiên đường” nhiều năm
trước khi dồn hết của cải dành dụm được để lại từ bỏ mồ mả ông bà, quê
hương một lần nữa lao mình vào những cuộc phiêu lưu đầy bất trắc, hiểm
nghèo, gian nan trên biển khơi.
Và ngày đó là buổi đầu của cuộc di cư triền miên suốt nửa thế kỷ qua của
dân Việt! |