Mấy câu chuyện tư vấn và phản biện

Đào Công Tiến

Nhớ lại và suy ngẫm từ mấy câu chuyện tư vấn và phản biện mà tôi – một Đảng viên 83 tuổi đời, 60 tuổi đảng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và ít nhiều của sự hiểu biết cho việc tư vấn và phản biện về những chuyện có liên quan đến dân, đến nước và đến cả cách hành xử của đảng Cộng sản

1.     Sản phẩm tư vấn và phản biện đầu tiên sau 30.4.1975 nằm trong bài phát biểu của tôi tại Đại hội đại biểu của Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam – Đại hội cấp dưới tiến đến Đại hội Đảng IV (1976). Bài phát biểu có đề cập đến chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp miền Nam. Vấn đề nóng được chú ý gây tranh cãi trong bài phát biểu là đề nghị không lấy mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc áp đặt lên công cuộc hợp tác hóa đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn miền Nam. Đề nghị đó không vào được các văn kiện Đại hội Đảng IV. Rồi Hợp tác xã Tân Hội (Tiền Giang), Hợp tác xã Phú Lợi Thượng (Bến Tre) và nhiều nơi khác – hầu như tỉnh nào cũng có hợp tác xã mọc lên bằng sự áp đặt, rồi cũng ngã xuống trên sân nhà của chúng.

 

2.     Tại Đại hội đại biểu lần thứ 5 của Đảng bộ Tp.HCM – Đại hội cấp dưới tiến đến  Đại hội Đảng VII (1991) tôi được trình bày bản tham luận, với hai vấn đề lớn được đề cập – CNXH và Đổi mới. Vấn đề nổi cộm là ý kiến khác “chính thống” về CNXH và Đổi mới.

CNXH theo chủ thuyết Mác-Lênin -  Chủ nghĩa cộng sản và Quốc tế vô sản với đường lối giai cấp quá cực đoan, tuyệt đối hóa công hữu tư liệu sản xuất, độc quyền lãnh đạo bằng siêu quyền lực danh cho đảng Cộng sản – đảng của giai cấp công nhân mà Đảng Cộng sản Việt Nam “nguyện trung thành vô hạn” và lấy đó làm nền tảng tư tưởng chính trị và là kim chỉ nam cho tư duy lý luận và hành động cách mạng của Đảng. CNXH – cái được Đảng chọn mù mờ về lý thuyết, đã và đang lâm vào khủng hoảng, sụp đổ trong đời sống hiện thực. CNXH đó, không phải là cái chúng ta chọn cho đường lối phát triển. Cái cần chọn là khôi phục và phát triển sau chiến tranh – là dân sinh, dân chủ, nhân quyền của thời bình và nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập để đi vào kỷ cương lề luật. Vì thế, cũng chẳng có thời kỳ quá độ lên CNXH, hoặc chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, như đã đề cập trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng VII mà chúng ta đang bàn thảo.

Đổi mới trong nhiều văn kiện của Đảng, Đảng tự nhận rằng: Đổi mới do Đảng khởi xướng mà có. Còn trong đời sống hiện thực, Đổi mới đã có những nội hàm đột phá để phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần; phá bỏ những rào cản ngăn sông cấm chợ để liên kết hợp tác trên thị trường đối với người sản xuất và người tiêu dùng, người bán và người mua. Đổi mới tuy chưa toàn diện, nhưng cũng có những nội hàm ươm mầm cho cải cách thể chế chính trị - xã hội. Những nội hàm đột phá đó, phần lớn được hình thành và phát triển hoàn thiện từ những khởi xướng của người dân tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nông dân, thợ thủ công, tiểu thương vì cuộc sống và lẽ sống của mình, họ đã tự phát “xé rào” vượt cơ chế chính sách hiện hữu đầy sai trái. Đó là mũi đột phá được khởi xướng từ dân – là cơ sở, gốc rễ của Đổi mới. Đổi mới từ chuyện lớn của dân, của nước và cũng là chuyện lớn của Đảng. Đảng chấp nhận việc làm của dân, như là chấp nhận giải pháp tình thế trước áp lực của khủng hoảng đã đến lúc không còn chịu nổi. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa V, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI, và nhất là Nghị quyết của Đại hội Đảng VI chấp nhận Đổi mới.

Với những trình bày ở trên, xin đề nghị không nói khởi xướng Đổi mới thuộc về Đảng. Nếu nói khởi xướng thì phải nói thuộc về dân.

Tiếp nối hành trình Đổi mới gặp không ít cản ngại từ tư duy giáo điều XHCN, sợ “Đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đính và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”. Sự mơ hồ trong tư duy lý luận như vậy đã làm cho Đổi mới không toàn diện, không triệt để, do dự, thiếu dứt khoát, nhất là đối với đòi hỏi đổi mới thể chế chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế.

Ngay cả chống tham những tuy có được phát động, nhưng nặng về chống đỡ, thậm chí chống đỡ thụ động, chưa thực sự đi vào chiều sâu từ cội nguồn sinh ra tham nhũng.

Quy định pháp luật vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp căn cơ của Đổi mới bị hụt hẫng suốt nhiều thập niên cho đến nay. Các quyền tự do dân chủ đã được Hiến pháp 2013 quy định (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) không được thực hiện đầy đủ trên thực tế. “Xin cho” còn làm thay cho “điều gì luật pháp không cấm thì được làm”. Đất đai với “sở hữu toàn dân” và “nhà nước quản lý” làm mất quyền của dân và gia tăng sự lạm dụng từ Nhà nước và các nhóm lợi ích bất chính gây bất ổn xã hội (như vụ Đồng Tâm mới đây) . . .

3.     Không thể cứ độc quyền lãnh đạo bằng siêu quyền lực đối với “Đảng lãnh đạo Đảng, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, “Đảng lãnh đạo Đảng” mới nghe tưởng phải, nhưng có chuyện lớn nào của Đảng không gắn kết với chuyện dân chuyện nước mà Đảng hành xử một mình? Còn chuyện nhà nước và xã hội – thực chất là chuyện dân chuyện  nước, “nước lấy dân làm gốc”, mà Đảng độc quyền lãnh đạo một mình thì dẫn tới độc tài, độc Đảng và Đảng trị là điều khó tránh khỏi.

Ban phát quyền lực như thế sẽ nảy sinh hai hệ lụy khó tránh khỏi: (1) “quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối” sẽ giết chết Đảng; (2) không có quyền - nhất là lợi quyền, thì vô trách nhiệm, vô cảm dẫn đến “dân hư”. “Nước lấy dân làm gốc” mà gốc hư hỏng, bệnh hoạn thì tránh sao được hệ lụy không lường?

4.     Trong quá trình dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt, có cả ngàn năm phải đối mặt với mưu đồ xâm phạm chủ quyền, như chủ quyền biển đảo hiện nay, của các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc. Chỉ tính từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Việt Nam liên tục bị nhiều “cú đánh” và cả những cú lừa cay độc hơn cả “cú đánh”.

“Đổi trắng thay đen” để đánh bồi thêm cùng với cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, về sự có  mặt của quân tình nguyện của Việt Nam trên đất Campuchia theo tiếng gọi giải cứu thảm họa diệt chủng do Khơ me Đỏ gây ra.

“Lèo lái” buộc Việt Nam chấp nhận giải pháp “chia đôi” đất nước, “chia rẽ” dân tộc tại vĩ tuyến 17 ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng kết thúc thắng lợi – chấn động địa cầu, để cơ hội hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ rời khỏi tầm tay. Sự kiện nầy diễn ra tại cái gọi là Hòa đàm Genève và bị coi là ươm mầm chia rẽ lớn nhất đối với cộng đồng người Việt và dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam có sự can thiệp của các nước lớn, trở thành cuộc chiến tranh lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất, và là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tồi tệ nhất, với Việt Nam và thế giới sau Đại thế chiến thứ hai.

“Quay lưng lại” với Công ước Liên Hiệp quốc về luật biển năm 1982, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa ra yêu sách phi pháp bằng cái gọi là Đường 9 đoạn – Đường lưỡi bò, để hòng tạo cơ sở pháp lý cho việc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bằng “lời ngon”, “tiếng ngọt”, “bốn tốt”, “mười sáu chữ vàng”, cùng chung ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác-Lênin và biện minh rằng, còn Đảng Cộng sản, còn chế độ XHCN là còn tất cả nên phải giữ gìn cho nhau bằng mọi giá – bằng sự mơ hồ mất cảnh giác, bán rẻ chủ quyền trong đó có chủ quyền biển đảo – như đánh chiếm Hoàng Sa, cụm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam, đưa các trạm HD 981, HD 08 và nhiều lượt tàu vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, đứng sau lưng Khơ me Đỏ đánh Việt Nam ở biên giới Tây Nam, xua 60 vạn quân đánh Việt Nam ở biên giới phía Bắc.

Những sự kiện nêu trên là hành vi xâm lược, mà kẻ xâm lược thuộc về các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc theo chủ nghĩa Đại Hán.

Thay lời kết

Lệ thuộc vào giáo điều ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác - Lê nin, cùng với lệ thuộc vào các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc không chỉ là chuyện quá khứ, mà cũng là chuyện của hiện tại. Không thoát ra khỏi “lệ thuộc kép” này thì không thể giữ được chủ quyền – độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để thoát ra khỏi “lệ thuộc kép” đó, phải cải cách toàn diện hệ thống chính trị theo hướng tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ, nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập. Không có sự cải cách đó, mọi ý đồ tốt đẹp sẽ chỉ là ảo tưởng, bất khả thi, kể cả việc bài trừ quốc nạn tham nhũng.

Tháng 3 năm 2020

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 13-3-20