Địa chính trị Việt Nam nhìn từ đại lục Á Âu:
Bài học nào từ chiến tranh Đông Dương lần ba cho hôm nay?

 

Christopher E. Goscha

 

Nguyên bản: La géopolitique vietnamienne vue de l’Eurasie : quelles leçons de la troisième guerre d’Indochine pour aujourd’hui? Hérodote 2015/2 (n° 157), tr. 23-38

 

Minh Toàn dịch

 

Chống đối kịch liệt sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Đông Dương, những người ủng hộ và bảo vệ cho quan điểm này được xem là "phái chính thống" ở Bắc Mỹ. Họ chỉ trích "chính sách bao vây" của Mỹ và "lý thuyết domino" là những điều bào chữa cho việc tham dự của Washington ở Đông Dương từ năm 1950 [2]. Họ thêm rằng, Việt Nam chưa từng có đủ quan trọng về địa chính trị để biện minh cho việc can thiệp rộng lớn của Hoa Kỳ vào Đông Dương. Lấy cảm hứng từ công trình rất có ảnh hưởng của William Appleman Williams, nhất là cuốn The Tragedy of American Diplomacy (Bi kịch của ngoại giao Mỹ), những người phái "chính thống" tập trung phê bình về việc can thiệp của Mỹ ở Việt Nam vào tham vọng kinh tế đế quốc của Hoa Kỳ. Giống như Williams đã chỉ ra làm thế nào mà những chiến lược của Mỹ nhằm thiết lập quyền bá chủ về kinh tế trên thế giới đã gây ra chiến tranh lạnh (chứ không phải Staline gây ra), những người đồng điệu với ông đã cố gắng chứng tỏ như thế nào mà việc bành trướng của Đế quốc Mỹ đã là nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam.

 

Tuy cảm nhận rõ những phê bình này, chúng tôi buộc phải nhận thấy hai vấn đề trong việc đọc của phái chính thống về chiến tranh Đông Dương. Trước tiên, bằng việc nhất nhất dựa trên những phê bình "Đế quốc Mỹ" khi họ đọc về chiến tranh Đông Dương, những người chính thống cung cấp cho chúng ta một phân tích về Việt Nam và về địa chính trị của nó lấy Châu Âu làm trọng tâm. Cách nhìn lạ lùng này, chủ yếu lấy Mỹ làm trung tâm lịch sử, đã giấu đi những kịch bản không phương Tây khác, những nhân tố khác, những cấu trúc giải thích khác cho phép hiểu về địa chính trị Việt Nam trong quá khứ và hiện thời. Điều này đưa chúng ta đến ghi nhận thứ hai : nếu phê bình theo kiểu Williams áp dụng tốt cho hai cuộc chiến Đông Dương đầu (1946-1954; 1954-1975), chiến tranh Đông Dương lần ba (1979-1991) thành ra vấn đề cho những người phái chính thống. Thực ra người Âu-Mỹ vẫn còn ở đó, nhưng họ bị xếp vào vai phụ. Lần này, chính những nước Á Âu cộng sản lần lượt chống đối lẫn nhau. Những người chính thống gặp khó khăn khi giải thích điều gì đã xảy ra. Họ thích làm việc với hai cuộc xung đột trước hơn, chúng dễ định hình hơn theo cách tiếp cận lấy Châu Âu làm trung tâm của Williams và những nguồn tài liệu về chúng dễ tiếp cận hơn.

 

Theo cách nhìn của chúng tôi, điều có vẻ có vấn đề trong phương pháp của các nhà nghiên cứu chính thống là việc họ không biết những cách tiếp cận mới trong lịch sử toàn cầu đã được khai quang từ gần hai mươi năm qua. Và chúng khiến ta cảnh giác với những nguy hiểm về phương pháp và nhất là về khoa học luận chỉ muốn phân tích thế giới theo quan điểm phương Tây [3]. Những chuyên gia về lịch sử toàn cầu cũng mời gọi chúng ta xem xét những cách phân chia niên đại khác và những khuôn khổ không gian khác mà từ đó có thể khám phá những viễn cảnh khác. Chẳng hạn Jack Goody và John Darwin gần đây đã chứng minh rằng khuôn khổ địa lý của Á Âu đúng là có thể cho phép chúng ta giải phóng lịch sử thế giới khỏi cái áo bó buộc của quan điểm lấy Châu Âu làm trung tâm [Goody, 2010 ; Darwin, 2008].

 

Bài này đề xuất "đưa trở về trung tâm" địa chính trị của Việt Nam trong bối cảnh Á Âu và trong chiến tranh Đông Dương lần ba mà ở đây tôi dùng làm trường hợp nghiên cứu. Trái với những điều phái chính thống đưa ra, Việt Nam đã và vẫn hết sức quan trọng trong địa chính trị thế giới, quan trọng ở vị trí của nó trên lục địa Á Âu cũng như ở chỗ nó mở rộng ra biển Đông. Quả thực, lấy Việt Nam ra khỏi khuôn khổ Pháp-Mỹ làm phức tạp cho việc phân tích. Nhưng chiến tranh Đông Dương lần ba, đặt trong khuôn khổ Á Âu, cung cấp chính xác cho ta một khuôn khổ không gian thay thế để hiểu tốt hơn tại sao đất nước nhỏ bé này cho đến nay thật quan trọng, không chỉ cho Mỹ mà còn cho cả Nga, Trung Quốc, Nhật, thậm chí cho Ấn Độ. Đây là điều mà những người phái chính thống vẫn chưa giải thích được. Vậy hãy chuyển trung tâm cách nhìn của chúng ta.

 

Sau việc ngược về quá khứ ngắn gọn, tôi sẽ nói đến thời hiện tại để chứng tỏ làm thế nào mà những rạn nứt xảy ra bên trong khối cộng sản Á Âu xuất hiện năm 1950 đã kết hợp nguy hiểm trong những năm 1970. Chúng mở ra hai điểm yếu : rạn nứt thứ nhất giữa Trung Quốc với Liên Xô ở phía tây Á Âu, sứt mẻ thứ hai giữa Khơ-me Đỏ và Việt Nam ở châu thổ sông Mê Kông. Hai rạn nứt này có nguồn gốc do sự bất đồng về việc hiểu về chủ quyền quốc gia của những người chủ chốt trong khuôn khổ được xem là một cộng đồng cộng sản liên quốc gia, trải dài từ Elbe đến tận biển Đông. Những bất hòa này đã kích động những đường lối chủ nghĩa dân tộc và đã kết hợp lại trong bối cảnh địa chính trị Á Âu như thế nào là những câu hỏi nền tảng nếu ngày nay ta muốn hiểu cuộc chiến tranh thứ nhất giữa cộng sản với nhau trong lịch sử thế giới. Đầu tiên ta hãy trở về quá khứ để hiểu cách mà Cộng sản Việt Nam ở Đông Dương đã hóa thành những thùng thuốc súng trong cuộc xung đột cuối cùng, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam, và kết thúc chiến tranh lạnh ở phía đông lục địa Á Âu năm 1979, chứ không phải một thập kỷ sau đó ở Berlin. Điều này tiếp theo cho phép ta hiểu theo một cách mới tại sao Việt Nam vẫn rất quan trọng đến tận ngày nay trong địa chính trị thế giới thống trị bởi ba "đế quốc", chứ không phải là một mà thôi...

 

 Bất đồng của Việt Nam ở Đông Dương : Người Khơ-me Đỏ và chủ quyền quốc gia

 

Giống người Pháp mà họ đấu tranh chống lại, cộng sản Việt Nam suy tính trên bình diện Đông Dương. Hội nghị Genève năm 1954 tỏ rõ giữa thanh thiên bạch nhật những nỗ lực của Việt Cộng để dựng lên các nhà nước anh em có chủ quyền ở Campuchia và ở Lào. Được Mỹ và Anh ủng hộ, người Pháp từ chối công nhận sự có thực của những "chính quyền kháng chiến" hình thành năm 1950 dưới chỉ đạo đích thân của Hồ Chí Minh. Với tán thành của Trung Quốc và Liên Xô, họ đạt được việc loại khỏi bàn đàm phán những chính phủ này, đồng thời đưa ra những nhà nước cộng tác với họ, lãnh đạo bởi Bảo Đại (ở Việt Nam), Norodom Sihanouk (ở Campuchia) và Sisavavong (ở Lào). Ở phạm vi Đông Dương, hai nhà nước cộng tác nổi lên trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, một được điều khiển bởi người Pháp và nhà nước kia bởi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

 

Tuy nhiên, Pháp và Mỹ không phải là những người duy nhất phản đối việc thành lập nhà nước do VNDCCH theo đuổi tại Campuchia và Lào. Trong những tháng trước hội nghị Genève, Pandit Nehru ở Ấn Độ không ngừng lặp đi lặp lại với lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai rằng những nỗ lực của Việt Nam nhắm tới việc thiết lập các nhà nước cách mạng liên minh, dưới hình thức những phong trào Pathet Lào và Khơ-me Issarak còn lâu mới là những động thái trung lập. Khối cộng sản không nên ủng hộ những "nhà nước cách mạng" ở Lào cũng như ở Campuchia liên kết với VNDCCH này nếu Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và với các nước không cộng sản khác mong muốn thiết lập sự chung sống hòa bình nhân dịp chấm dứt tình trạng thuộc địa ở Châu Á (và như thế đồng thời ngăn chặn những mưu toan của Mỹ nhằm kìm hãm Trung Quốc qua trung gian Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) được ký kết năm 1954). Cũng như điều Nehru đã thông báo cho Chu, Đông Dương thuộc Pháp không thể dùng mô hình hậu thuộc địa lâu hơn nữa cho những người cộng sản trong việc thành lập quốc gia. Bản thân đứng đầu một quốc gia Á Âu, Nehru thiết lập cầu nối trực tiếp giữa Đông Dương và Tây Tạng trong những thương lượng với Chu. Khi việc ủng hộ những chính quyền cộng sản cách mạng này trở thành vật cản cho thương lượng ngừng bắn ở Genève, Chu giữ khoảng cách với lập trường của VNDCCH và thuyết phục Hồ từ bỏ những mưu toan cộng sản hóa Đông Dương.

 

Những hòa ước ngừng bắn được ký kết tháng bảy 1954 gây nên hiệu ứng tồi tệ nhất đối với hợp tác cộng sản giữa Việt Nam và Khơ-me. Việc đình chiến không chỉ đòi hỏi VNDCCH rút các cán bộ chính trị, nhà nước và quân đội của mình ở phía Việt Nam khỏi vĩ tuyến 17, mà nó cũng buộc thực hiện cùng một thủ tục rút lui bên phía Campuchia. Tuy nhiên ở Lào, sự đình chiến cho phép Pathet Lào tập hợp nhân sự trong hai tỉnh biên giới với VNDCCH. Trong khi người Việt rút quân đội, họ liền gửi ngay hàng trăm cố vấn giúp Pathet Lào theo đuổi việc xây dựng nhà nước, quân đội và năm 1955 xây dựng Đảng cộng sản. Đồng thời, họ đưa hàng trăm sinh viên Lào, rồi cả công chức, viên chức và sĩ quan Lào đến Việt Nam để hoàn thiện việc giáo dục. Tóm lại, Hồ giữ nhà nước của mình tồn tại liên kết với Lào bằng cách đào tạo mới một tầng lớp tinh hoa hành chính và quân sự Lào.

 

Tuy nhiên ở Campuchia, mọi việc chuyển biến theo chiều hướng khác, bằng cách yêu cầu VNDCCH rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Campuchia, hòa ước Genève cho phép một nhóm cộng sản Campuchia khác sắp đặt một chính phủ và một quân đội kháng chiến không liên kết và tự do không bị Việt Nam kiểm soát. Nhóm này do một nhân vật tên Saloth Sar lãnh đạo, được biết đến nhiều hơn với tên Pol Pot. Ngoài ra, bằng việc sáng suốt ngả về phía Hà Nội trong suốt chiến tranh Việt Nam (chẳng hạn, cho phép đường mòn Hồ Chí Minh đi qua phía đông Campuchia), Norodom Sihanouk đạt được việc bảo vệ hiệu quả quyền lực của mình, bằng cách ngăn cộng sản Việt Nam lật đổ mình, hoặc không để họ giúp sức cho những người cộng sản chống đối quân chủ, nổi tiếng cách đáng buồn với tên "Khơ-me đỏ" mà Sihanouk đặt. Thực vậy, VNDCCH đã chấm dứt những mưu toan lật đổ hoàng thân trước kia. Cuối cùng, tuy rằng Pol Pot và thân thuộc đã duy trì liên lạc với những người cộng sản Việt Nam mạnh hơn mình, họ không hề có ý định tái lập cấu trúc nhà nước hành chính và quân sự của mình theo kiểu trước năm 1954. Không xem cộng sản Việt Nam là đồng minh cho việc xây dựng nhà nước của mình như Pathet Lào, trái lại Khơ-me đỏ coi các lãnh đạo Việt Nam, những đồng minh Khơ-me và Sihanouk đều chính là những đe dọa đè nặng đến đường lối tốt đẹp của quá trình hình thành nhà nước.

 

Điều này đặc biệt trở nên rõ ràng hơn năm 1970, khi Sihanouk bị truất ngôi sau cuộc đảo chính quân sự và khi quân đội Mỹ và nam Việt Nam xâm nhập Campuchia với dự định phá hủy các cơ sở của địch và những đường tiếp tế của đường mòn Hồ Chí Minh. Thay vì hoan nghênh liên minh giữa VNDCCH và Sihanouk, do Trung Quốc thúc đẩy, những người Khơ-me đỏ thực sự nghi ngại khả năng người Việt Nam chỉ đón nhận cách mạng Campuchia tới điểm mà họ đã để lại năm 1954 và rằng họ chỉ khôi phục nhà nước đang xây dựng này theo "kiểu Pathet Lào". Nếu Việt Nam không tự xem mình là người đe dọa, hoặc chưa bao giờ có ý định "đô hộ" Campuchia như Khơ-me đỏ sau này tin như thế, thì họ lại cho rằng thân cận của Pol Pot chia sẻ giấc mơ đánh bại Mỹ của họ, và cả giấc mơ tạo lập các chế độ cộng sản độc lập và đối tác trong toàn bộ Đông Dương với Việt Nam.

 

Trong trường hợp này, người Việt đã sai lầm nghiêm trọng. Khi Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tham dự vào Campuchia năm 1970, người Khơ-me đỏ đã làm hết sức mình để đòi lấy chủ quyền quốc gia và nhà nước, không chỉ chống lại quan điểm của Washington và đồng minh Campuchia của Mỹ, mà họ còn chống lại quan điểm của Hà Nội và cộng tác Campuchia của phía này. Những người Khơ-me đỏ nhất quyết đòi VNDCCH tôn trọng nghiêm chỉnh luật pháp của Campuchia quy định trong lãnh thổ của họ. Họ kiểm soát việc vào biên giới, thiết lập thuế và cố gắng, tuy gặp nhiều khó khăn, kiểm soát những phong trào quân sự của QĐNDVN cũng như mối quan hệ của họ với dân trong vùng. Tóm lại, họ nỗ lực thiết lập chủ quyền toàn bộ của mình. Sự trở lại của người Việt, của những công chức và quân nhân Campuchia thuộc thời kỳ trước 1975 không làm yên tâm đầu não lãnh đạo Khơ-me đỏ. Họ càng nghi ngại thêm việc sẽ mất chủ quyền quốc gia, thậm chí một cuộc đảo chính. Điều này giải thích tại sao những việc xô xát quân sự giữa những người cộng sản Việt Nam và Khơ-me nổ ra ngay từ năm 1970 [Chanda, 1986 ; Rowley, 1984 ; Goscha, 2006, p. 152-186 ; Jackson, 1989, p. 37-78].

 

Ngày 17 tháng tư 1975, đảng của Pol Pot nắm quyền ở Phnôm Pênh, tự hào là đã "tự mình" đạt được điều này, hơn một tuần trước khi Sài Gòn rơi vào tay QĐNDVN. Vài tháng sau đó, khi những người lãnh đạo Việt Nam thắng cuộc muốn chúc mừng đồng cấp Campuchia về việc thiết lập Campuchia dân chủ mới do Pol Pot lãnh đạo - và nói về một "đoàn kết Đông Dương" thực thi về mọi mặt - những người cộng sản Campuchia liền nhanh chóng phản ứng lại: họ xem điều này là quan hệ "đô hộ" và diễn giải lời nói này như là mưu toan mới của Việt Nam nhằm thiết lập sự kiểm soát của mình, làm tổn hại đến chủ quyền toàn vẹn của Campuchia. Mặc dù lịch sự cám ơn với nụ cười làm yên lòng, Pol Pot tiếp tục coi những người cộng sản Việt Nam là mối đe dọa thường trực đến sự độc lập quốc gia Campuchia. Vậy thế là nổi lên rạn nứt đầu tiên trong địa chính trị Á Âu.

 

Bất đồng giữa Trung Quốc với Liên Xô và sự sụp đổ của Cộng sản Á Âu

Giữa năm 1975, chưa ai có thể tưởng tượng cách thức đổ vỡ giữa Trung Quốc và Liên Xô sẽ tạo ra một hiệu ứng dài suốt trục Á Âu trong khối cộng sản và bùng nổ tương tác với bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia ở sườn châu thổ sông Mê Kông. Cộng đồng cộng sản bắt đầu rạn nứt sâu sắc với sự giải Stalin hóa do Nikita Khrouchtchev phát động 1956. Mao Trạch Đông nhanh chóng nghĩ rằng những người Sô viết đã đánh mất la bàn tư tưởng của họ và việc Khrouchtchev bỏ học thuyết đã gây ảnh hưởng địa chính trị đáng kể cho thế giới cộng sản, đặc biệt cho Trung Quốc. Sau đó cùng năm, những vấn đề của Sô Viết ở Ba Lan, nhất là ở Hungary tạo nên dấu hiệu cảnh báo đặc biệt loan đến tai Bắc Kinh [Jian, 2001 ; Lüthi, 2008].

 

Praha : một biến cố cộng sản Châu Âu và Châu Á

 

Nhưng nổi bật hơn bất kỳ biến cố nào khác, đó là việc Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào tháng tám 1968 làm chia rẽ trung tâm chủ nghĩa cộng sản Á Âu bằng việc đặt hai nước mạnh nhất bên bờ chiến tranh. Vi phạm trắng trợn của Mát-xcơ-va vào chủ quyền quốc gia của một nước, hơn nữa lại là một nước cộng sản, đã thuyết phục Mao rằng Liên Xô đã trở nên một đe dọa nghiêm trọng, chứ không phải chỉ Hoa Kỳ. Một tháng sau, tuyên bố của Liên Xô về "chủ quyền và nghĩa vụ quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa" khó lòng làm dịu lo ngại của Trung Quốc, ngược lại còn nhân thêm lên, giống như việc tuyên bố "học thuyết Brezhnev". Tình hình tồi tệ đến nỗi tháng ba 1969, quân đội Trung Quốc và Xô Viết đã đối đầu nhau, ngắn nhưng dữ dội dọc theo biên giới chung của hai nước xuyên qua Trung Á, đồng thời mỗi bên lắp đặt vũ khí nguyên tử của mình.

 

Như thế, sự xâm lược Tiệp Khắc của Liên Xô làm cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ lo lắng. Mao dừng Cách mạng văn hóa của mình, hướng chính trị ngoại giao của Trung Quốc từ chủ nghĩa quốc tế vô sản sang chính sách thực dụng và cho phép mở ra thương lượng với Hoa Kỳ, từ đó thực hiện trở mặt ngoạn mục, nhắm tới cô lập Liên Xô. Richard Nixon và Henry Kissinger vào Nhà trắng đầu năm 1969, quyết tâm đặt chính sách ngoại giao Mỹ trên đường lối "thực dụng". Cả hai tin chắc rằng việc giúp đỡ Trung Quốc đẩy lùi ảnh hưởng của Liên Xô trên quy mô toàn cầu, buộc Mát-xcơ-va nhượng bộ về vũ khí nguyên tử và khai thác sự chia rẽ bên trong của những người cộng sản để kết thúc chiến tranh Việt Nam là vì quyền lợi người Mỹ. Kể từ năm 1972, quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đi vào một thời đại mới của hợp tác kinh tế và khoa học và cùng nhau chống lại "sự bá chủ" của Liên Xô trên thế giới. [Jian, 2006 ; Qiang Zhai, 2000].

 

Bước ngoặt lịch sử này trong quan hệ Trung-Mỹ và sự chuyển hướng về một nỗ lực chung ngăn chặn Liên Xô và đồng minh ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ Việt-Trung và Việt Nam-Campuchia. Nhấn mạnh vào điểm này : Praha là một sự kiện cộng sản cho Châu Âu cũng như Châu Á và Việt Nam cũng nhanh chóng nhận thấy hậu quả gián tiếp. Người Trung Quốc trước thì phê phán Hà Nội đã thương lượng với Mỹ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, đầu năm 1968. Nhưng đụng phải sự xâm lược của Liên Xô vào Tiệp Khắc vài tháng sau đó, họ bắt đầu gây áp lực với Hà Nội theo hướng khác và cổ vũ lãnh đạo bắc Việt thương lượng với Mỹ ở Paris. Bắc Kinh chắc chắn tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của những lãnh đạo này với mục đích để buộc Mỹ phải rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại, các con mắt hướng về Mát-xcơ-va, những người lãnh đạo Trung Quốc đồng thời nỗ lực cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, hay kẻ thù của Hà Nội. Chuyến đi lịch sử của Nixon đến Trung Quốc đầu năm 1972, không thể xảy ra bất ngờ ở thời điểm xấu nhất của chiến tranh Việt Nam (người Mỹ ném bom Hà Nội và đặt mìn cảng Hải Phòng) và Nixon đã khai thác tối đa lợi thế này. Mát-xcơ-va cũng cổ vũ mạnh mẽ Hà Nội thương lượng, Liên Xô cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Nhưng quyết định không để Việt Nam ngả về phía Trung Quốc, Liên Xô cung cấp vũ khí hiện đại cần thiết cho đại tướng Võ Nguyên Giáp lao vào cuộc tổng tấn công, từ Phục Sinh đến tháng tư 1972 và vào mùa xuân 1974-1975.

 

Căng thẳng giữa Cộng sản Việt Nam và Khơ-me đỏ

 Nếu Hà Nội có thể tin cậy Pathet Lào trung thành với đường hướng chỉ đạo trong thương lượng giữa Lê Đức Thọ tiến hành với Kissinger để tiến tới hiệp định Paris đầu năm 1973, lãnh đạo Việt Nam không thể chắc chắn sự cộng tác của Khơ-me đỏ. Ieng Sary, người thương lượng chính của Pol Pot, đã hoài công làm nhân vật tốt đẹp đối với Việt Nam trong những trao đổi, đảng của ông không hề tin tưởng họ. Khi người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn đề nghị cho phép triển khai quân đội ở Campuchia năm 1970 để giúp Đảng Campuchia, Ieng Sary đã trả lời "không". Khơ-me đỏ đồng ý nhận vũ khí, nhưng họ không muốn bất kỳ đội quân nào của QĐNDVN ở nước họ. Những sự đề phòng này cũng không vì thế làm Việt Nam dừng khí thế : họ lập tức "giải phóng" miền đông bắc Campuchia, nơi triển khai đường mòn Hồ Chí Minh. Tuy nó không phải là một "cú Praha của Việt Nam", nhưng Khơ-me đỏ diễn giải việc đột nhập này của quân đội Việt Nam như một sự xâm phạm chủ quyền quốc gia và đe dọa trực tiếp tới quốc gia non trẻ đang xây dựng. Khác với người Lào, Pol Pot từ chối không công nhận hiệp định ký năm 1973.

 

Tình thế kể từ đó thuận lợi cho sự hội tụ của hai bất hòa ở trục Á Âu. Trong khi thế giới cộng sản, từ Praha tới Mê-kông, nát thành từng mảnh, căng thẳng giữa Khơ-me đỏ và Việt Nam, giữa Trung Quốc và Liên Xô, và căng thẳng ngày càng xấu giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng trầm trọng thêm. Những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt ngày càng khó chiều lòng. Bị ngập trong nỗi sợ Liên Xô điên cuồng, trong nỗi sợ bị bao vây, và trong sự ám ảnh mọi lúc rằng sự xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng đến mình, từ đây họ diễn giải bất kỳ dấu hiệu - thực hay tưởng tượng- về sự thiên vị của Hà Nội cho Mát-xcơ-va như là một đe dọa tiềm tàng cho an ninh của họ. Bằng cách đẩy lùi những mưu toan Trung-Mỹ nhằm ngăn chặn mình ở đông Á Âu, Liên Xô tăng cường mối quan hệ với Hà Nội và gia tăng sự hiện diện của mình ở Châu Á thông qua cảng Vladivostok của họ. Năm 1971, khi Kissinger thăm Bắc Kinh, đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội đã chỉ rõ rằng, nhờ vào vị trí vững chắc và chiến thắng của Việt Nam, "để so sánh mà nói thì chúng ta có nhiều khả năng thiết lập chính sách trong vùng này hơn. Không loại trừ Đông Dương có thể trở thành chìa khóa của chúng ta cho toàn bộ Đông Nam Á. Mặt khác, hiện nay không có bất kỳ ai trong khu vực này mà chúng ta có thể dựa vào ngoại trừ VNDCCH[4]". Không chắc rằng Hà Nội có đã nắm bắt được những nguy hiểm tiềm tàng mà một chiến lược như thế của Liên Xô có thể kéo theo, trong một khuôn khổ thời cơ thật không ổn định, lẫn việc họ có đã nắm bắt được như thế nào mà chiến lược này có thể làm Trung Quốc và Khơ-me đỏ xích lại gần nhau trong một liên minh thù địch với Việt Nam.

 

Nhưng để hoàn toàn xác đáng, ở thời điểm đó cũng không chắc rằng bất cứ ai thực sự nắm bắt được ba yếu tố liên đới này khi Đông Dương trở thành cộng sản năm 1975 : thứ nhất, trong chiều kích nào Trung Quốc e sợ bất kỳ sự cởi mở nhỏ nào của Hà Nội với Liên Xô có thể biểu thị một đe dọa bao vây to lớn cho an ninh quốc gia của họ; thứ hai, trong chiều kích nào những lãnh đạo Khơ-me đỏ, ám ảnh còn hơn và từ nay đứng đầu toàn bộ Campuchia, ngày càng tin chắc rằng cộng sản Việt Nam đã trở thành đe dọa cho an ninh quốc gia của họ, phải chống lại bất kỳ giá nào; thứ ba, và vấn đề chính nằm ở đây, làm thế nào hai điểm trên có thể kết nối với nhau thành một liên kết đặc biệt nguy hiểm, có thể làm tan rã toàn bộ cộng đồng cộng sản trên trục Á Âu.

 

Nguy cơ chiến tranh giữa những người cộng sản ở Châu Á

 Mà đó chính xác là điều đã xảy ra khi Khơ-me đỏ là nguồn gốc của ngọn lửa thiêu đốt nền móng của cơ cấu cộng sản rạn nứt Á Âu, bằng cách tấn công nam Việt Nam vào tháng chín 1977. Bị bất ngờ, cộng sản Việt Nam hối hả dập tắt lò lửa và ngăn nó lan rộng. Họ đòi những giải thích ngay lập tức của những nhà ngoại giao, tình báo và những cố vấn cũ của mình, hoàn toàn bối rối về nguyên nhân. Nhận thức được nguy hiểm khi để một liên minh Trung Quốc-Campuchia thù địch quay chống lại mình, Lê Duẩn ngăn chặn tuyên truyền chống Khơ-me đỏ và đích thân đến Bắc Kinh tháng mười 1977 để năn nỉ đối tác Trung Quốc hãm lại sự hung hăng của Campuchia Dân chủ của Pol Pot và cho hòa bình một cơ hội. Nhưng Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Khơ-me đỏ, tin chắc rằng họ cần nước này đứng về phía mình để ngăn Việt Nam làm bá chủ Đông Dương cũ thuộc Pháp trước khi đưa chìa khóa này cho Liên Xô. Hà Nội, đến lượt, từ nay tin rằng Bắc Kinh dùng Khơ-me đỏ để bao vây mình, tái khẳng định mối "quan hệ đặc biệt" của mô hình Đông Dương với cộng sản Lào, hiện nắm quyền ở Viêng Chăn. Sự thắt chặt quan hệ này củng cố những lo sợ tồi tệ nhất của Bắc Kinh về một khả năng mưu phản của Liên Xô ở mạn phía nam Trung Quốc. Tình huống càng xấu thêm một bậc khi Liên Xô xâm lược Afghanistan năm 1979 và gia tăng sự hiện diện hải quân của họ ở Châu Á từ Vladivostok. Nơi mà xưa kia chủ nghĩa quốc tế giữa các nước anh em đã củng cố cộng tác Á Âu, nhưng từ giờ bao trùm một không khí thuần túy ám ảnh, một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kinh tởm và lòng căm thù kịch liệt : nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất người Trung Quốc khỏi lãnh thổ của mình, người Khơ-me đỏ ra lệnh tàn sát người Việt, trong khi quân đội Trung Quốc và Liên Xô đối đầu lẫn nhau ở Á Âu, tố cáo lẫn nhau đã phản bội cương lĩnh Maxít-Lêninít. Việc xuất bản các "sách trắng", "sách đen" và sách của "nhà xuất bản sự thật" đã làm nổi lên những phản bội trong quá khứ, trở ngược đến hiệp định Genève 1954, nếu không còn ngược về xa hơn nữa trong lịch sử Á Âu. Lịch sử từ nay được hoàn toàn huy động phục vụ cho chiến tranh.

 

Bóng ma chiến tranh giữa người cộng sản với nhau ở Châu Á trở nên một khả năng rất thật kể từ năm 1977, cũng như sự suy chuyển xấu của nó có thể dẫn đến một chiến tranh Á Âu rộng lớn giữa những người cộng sản. Cùng năm, cộng sản Việt Nam gửi quân xâm nhập vào sâu Campuchia. Do sự đột nhập này, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt. Trung Quốc dừng hợp tác quân sự và kinh tế với đồng minh cũ Việt Nam, trong khi Việt Nam khóa Lào mạnh mẽ hơn trước. Đầu năm 1978, tất cả các thủ đô cộng sản trải dài từ Mát-xcơ-va đến Phnôm Pênh, đi qua Bắc Kinh và Hà Nội, biểu lộ sự thiếu tin tưởng nghiêm trọng. Đã không có một thời điểm tốt đẹp để một lãnh đạo cộng sản có đủ cái đầu lạnh can thiệp tháo ngòi căng thẳng giữa các nước anh em thù hận của gia đình cộng sản Á Âu.

 

Chiến tranh Đông Dương lần ba

Người Mỹ có lẽ chắc chắn sẽ không làm điều này. Bị cố vấn an ninh quốc gia của mình, Zbigniew Brzezinski thúc dục, Jimmy Carter chơi quân bài "Trung Quốc" nhằm ngăn chặn Liên Xô ở Châu Á. Bị cô lập, Hà Nội ký một hiệp ước phòng thủ song phương với Mát-xcơ-va vào tháng mười một 1978, trước khi tiến hành chống Khơ-me đỏ. Nhưng bằng cách hành động như thế, cộng sản Việt Nam nuôi dưỡng nỗi sợ của Trung Quốc khi thấy Đông Dương rơi vào tay Liên Xô. Trong khi Việt Nam chuẩn bị tràn vào Campuchia và thiết lập một chính phủ mới liên kết với Lào và Việt Nam, Đặng Tiểu Bình chơi "lá bài Mỹ" bằng cách đi  Washington đầu năm 1979, trong một chuyến viếng thăm cũng lịch sử như chuyến thăm của Nixon đến Trung Quốc năm 1972. Họ Đặng hứa cho Việt Nam một bài học vì đã xâm lược Campuchia nhưng mọi người biết rằng Liên Xô mới chính là mục tiêu đích thực mà ông ta hướng tới. Chính quyền Carter đã tán thành và để Trung Quốc mở cuộc hành quân chống Hà Nội và Mát-xcơ-va. Lôgic Á Âu của Brzezinski kể từ đó được khởi động [5]. Ngày 25 tháng mười hai 1978, QDNDVN tiến vào Campuchia, lật đổ dễ dàng Khơ-me đỏ và đẩy họ đến biên giới Thái Lan, sau đó thiết lập một chính phủ cách mạng mới lên nắm quyền, trung thành với Hà Nội và Mát-xcơ-va. Tất cả các nhân tố từ nay đã yên vị để thành nỗi kinh hoàng kinh khủng nhất của Khơ-me đỏ về hiện thực bất ổn, mà lúc đầu phần nhiều là hư cấu. QDNDVN kết thúc triều đại khủng bố của Khơ-me đỏ và tái lập an ninh cho Việt Nam ở phía nam đất nước [6]. Việt Nam lấy lại việc xây dựng nhà nước Đông Dương ở Campuchia, công khai nối lại việc tạo thành các "chính phủ cách mạng" liên kết do Hồ Chí Minh đặt ra năm 1950. Trung Quốc tấn công phía bắc Việt Nam ngày 17 tháng hai 1979. Nếu những hình ảnh vệ tinh Mỹ làm an tâm Trung Quốc rằng người Liên Xô không tấn công từ phương bắc, điều này thực tế loại trừ việc mở một mặt trận chiến tranh thứ hai ở Á Âu. Hồng quân Trung Quốc phải chịu tổn thất nặng nề vì muốn cho Việt Nam một bài học. Một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém, Trung Quốc không có một hải quân xứng với nó trong những năm 1980 và không thể nào cản nổi sự bành trướng của hải quân Liên Xô ở vùng biển phía Nam nhờ vào cảng Cam Ranh. Như vậy quân đội Trung Quốc mất mặt vừa trên bộ vừa trên biển. Đó là bài học then chốt Trung Quốc rút ra từ chiến tranh Đông Dương lần ba.

 

Nhưng Đặng Tiểu Bình bắt Mát-xcơ-va và Hà Nội phải chịu sự thất thế nghiêm trọng nhất là về mặt trận ngoại giao và kinh tế. Đặng được Mỹ, Thái và Nhật ủng hộ, đã tập hợp các lãnh đạo Châu Á (ASEAN) theo quyền lợi của mình và chỉ đạo thành công cuộc tấn công để giữ Khơ-me đỏ ở biên giới Thái Lan-Campuchia và ở Hội đồng Liên hiệp quốc. Họ Đặng cô lập Liên Xô và Việt Nam khỏi Châu Á trong khi ông tiến hành hiện đại hóa nhanh chóng Trung Quốc. Để đạt được điều đó, ông có thể dựa vào khu vực này là khu vực năng động nhất trên thế giới, cùng lúc ngăn cản đối thủ của mình tiếp xúc khu vực này. Tuy nhiên phải trả giá cao : Trung Quốc ngày nay muốn chúng ta quên đi sự ủng hộ của họ đối với chế độ tàn bạo của Khơ-me đỏ.

 

Tuy vào thời điểm đó không ai có thể nắm bắt được rõ điều gì đã xảy ra, thế giới cộng sản vừa hoàn toàn sụp đổ năm 1979. Việc sụp đổ xảy ra ở Đông Dương không hề cho thấy rằng đó là ngẫu nhiên : chính là ở ngã ba này mà bất đồng Trung-Xô, Việt Nam-Campuchia và bất đồng Trung-Việt, từ những năm 1970, đã đi qua căn nhà cộng sản Á Âu, đã đâm mạnh vào nhau và đối đầu nhau. Sự hợp lưu của những bất đồng này đã đưa tới chiến tranh, lần đầu tiên trong lịch sử đặt đối đầu những người cộng sản giữa họ và thật ngược đời cho thấy Bắc Kinh và Washington liên minh với nhau để ngăn chặn Liên Xô. Trái với tình huống năm 1950, sự đối đầu ở Á Âu không còn diễn ra giữa các khối "tư bản" và "cộng sản". Khối cộng sản đã hết tồn tại. Sự đối đầu cũng không còn liên quan đến ý thức hệ, điều đã từng là một trong những thành phần thiết yếu của định nghĩa chiến tranh lạnh. Vậy không có gì ngạc nhiên khi người Mỹ đã để SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) chết hẳn vào tháng sáu 1977. Chiến tranh lạnh chắc chắn đã không kết thúc ở Berlin năm 1989 với sự sụp đổ của Bức tường, theo một nhãn quan hết sức lấy Châu Âu làm trung tâm, nhưng kết thúc vào một thập kỷ trước đó ở Á Âu năm 1979 với chiến tranh Đông Dương lần ba.

  

Khôi phục sự ổn định ở Á Âu

Cuối cùng lãnh đạo quốc gia nào đã can thiệp để chấm dứt cuộc chiến gần nửa thế kỷ của Đông Dương và đạt tới việc mở ngõ cụt Trung-Xô và tạo nền tảng cho điều này? Ronald Reagan ít hơn Mikhaïl Gorbatchev. Thực vậy ông này tin chắc rằng cách duy nhất để đặt Liên Xô vào đường ray của thịnh vượng quốc gia và phát triển những cải cách trọng yếu là xem xét lại toàn thể chính sách ngoại giao của Mát-xcơ-va từ đông sang tây, và từ bắc xuống nam. Trên hết tất cả, ông từ chối tiếp tục tài trợ cho một đế chế có tính chính đáng yếu ớt ở Đông Âu và những cuộc viễn chinh quá tốn kém ở Châu Phi và Châu Á. Những hành động này chỉ càng làm khó khăn hơn cam kết của Liên Xô về việc bớt căng thẳng với Mỹ, Nhật, Châu Á, Nam Hàn, thậm chí Trung Quốc. Nếu quân đội Việt Nam trở thành một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới, đó chính là nhờ vào những thiết bị cần thiết mà Mát-xcơ-va cung cấp. Sự ủng hộ của Liên Xô đối với kế hoạch của Việt Nam nhằm thiết lập nhà nước ở Campuchia cũng quan trọng, vì Trung Quốc đã đứng đầu chống đối quốc tế về mưu đồ này. Loại trừ lâu dài Mát-xcơ-va khỏi một trong những khu vực năng động nhất thế giới trong những năm 1980, nói cách khác là toàn bộ Châu Á, đã được bảo đảm.

 

Như vậy Gorbatchev mong muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc của Đặng cũng như với Hoa Kỳ của Reagan. Ông thương lượng theo viễn cảnh này để ra khỏi chiến tranh lạnh với Reagan ở phía Tây và chấp nhận những yêu cầu chính của Đặng để bình thường hóa quan hệ Trung-Xô ở phía đông Á Âu : giảm quân đội Liên Xô ở biên giới Trung-Xô; rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan; và kết thúc sự chiếm đóng của Việt Nam dưới sự bảo trợ của Liên Xô ở Campuchia. Trong 1988-1989, mối quan hệ Trung-Xô phát triển nhanh chóng, trong khi quân đội Xô viết rút khỏi Afghanistan, quân Việt Nam rời Campuchia, và Mát-xcơ-va cam kết giảm hiện diện hải quân ở vịnh Cam Ranh. Quan hệ giữa Liên Xô với Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì. Khi chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ kể từ 1989, kéo theo sự tan rã của Liên Xô hai năm sau đó, cộng sản Việt Nam rơi vào tình trạng hầu như hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế. Theo chỉ đạo của Liên Xô, Hà Nội chấp nhận thương lượng một hiệp định chính trị để ngừng chiến ở Campuchia và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tháng mười 1991, với chiến tranh lạnh từ nay bị nhốt chặt ở Châu Âu và ở Châu Á, các tác nhân chính của chiến tranh Đông Dương lần ba chấp nhận ủng hộ một hội nghị hòa bình, tổ chức bởi Liên hiệp quốc ở Paris. Hội nghị chính thức kết thúc xung đột này. Năm 1998, Pol Pot chết và Khơ-me đỏ tan rã. Cuối cùng chính Mikhaïl Gorbatchev mà Châu Á đã nợ sự trở lại của nền hòa bình biệt tích từ lâu.

 

Việt Nam : nơi mà các đế quốc thế giới bám lấy…

Nếu vấn đề kiểm soát Á Âu nằm ở trọng tâm của chiến tranh Đông Dương lần ba, vấn đề kiểm soát biển Đông cũng đồng thời được đặt ra. Hai khía cạnh liên quan mật thiết với nhau, vì thực sự mọi tác nhân đều chia sẻ vùng biển này, bao gồm cả Mỹ. Khi Liên Xô thay thế Mỹ ở vịnh Cam Ranh năm 1979, đừng quên rằng như vậy họ có được một lối vào chiến lược trọng yếu ở biển Đông cho đến eo biển Malacca. Bằng cách liên kết với Trung Quốc chống lại Liên Xô trong những năm 1978-1979, người Mỹ mất độc quyền hải quân ở biển Đông mà họ có được từ thất bại của Đế quốc Nhật năm 1945. Đặng Tiểu Bình đồng thời hiểu nước của ông phải nhanh chóng trang bị một hải quân hiện đại biết chừng nào, có thể đảm bảo an ninh và lợi ích của nước mình ở phía đông và điều này là lần đầu tiên kể từ thế kỷ XV (năm 1433, triều đại nhà Minh rút các hạm đội của mình. Chúng đã đi đến tận bờ biển châu Phi vài năm trước đó). Hậu quả của chiến tranh Đông Dương lần ba như vậy mở rộng ra ngoài giới hạn của lục địa Á Âu, tới tận biển, nơi những gã khổng lồ Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ- cả ba đều là những cấu trúc đế chế khổng lồ. Điều này càng biểu lộ mạnh mẽ hơn trước. Bằng cách chỉ tập trung vào "Đế quốc Mỹ", những người chính thống của chúng ta không thấy hai đế quốc khác cực kỳ Á Âu này và không thấy làm thế nào mà hết nước này đến nước khác bám vào Châu Á hơn trước.

 

Việt Nam nằm chính ở ngã ba của cạnh tranh hải quân giữa những nước Đế quốc này, mà nó đã trả giá thời kỳ Napoléon III và các đô đốc của mình chinh phục Nam Kỳ thế kỷ XIX. Đừng quên rằng hải quân Nga dùng vịnh Cam Ranh của Việt Nam trước khi bị thất bại nhục nhã trước Nhật ở Tsushima năm 1905. Vẫn cũng chính từ Cam Ranh mà người Nhật đã tấn công Đông Nam Á năm 1942, sau trận đánh bom ở Trân Châu cảng. Ngay từ 1950, người Pháp mở các cảng Việt Nam cho Mỹ để ngăn chặn cộng sản Trung-Xô. Người Mỹ tự vào Cam Ranh trong chiến tranh Việt Nam. Với độ lùi thời gian, ta có thể nói rằng Brzezinski đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi liên kết thật chặt chẽ với Trung Quốc những năm 1978-1979. Từ đó ông ta đã đẩy Việt Nam giao chìa khóa Cam Ranh cho Liên Xô, và điều này cho phép họ phục hồi lại hải quân lần đầu tiên kể từ năm 1905 ở vùng biển Đông Nam Á. Trong mọi hoàn cảnh dù tốt hay xấu, Việt Nam giữ một vị trí địa chính trị cốt yếu cho đến tận ngày nay.

 

Vậy hãy tránh việc lấy Châu Âu làm trung tâm của trường phái chính thống. Quan điểm này không cho phép chúng ta xem xét đến những kịch bản khác, những khuôn khổ không-thời gian khác, những lịch sử địa lý khác. Hãy dám khẳng định chiến tranh Đông Dương lần ba và những chiều kích địa chính trị lục địa Á Âu mà nó đưa ra ánh sáng, bao gồm cả phần hàng hải, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn địa chính trị Châu Á đương thời và vị trí then chốt mà Việt Nam tiếp tục nắm giữ ở đây. Tuy vấn đề ở Trung Đông và ở Ukraina nghiêm trọng, chính quyền Obama cố gắng kiên trì kiềm lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và hải quân của họ đang phát triển mạnh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương lần đầu tiên kể từ thế kỷ XV. Washington thấy rõ sự hiện thời đang lên của sức mạnh hải quân Trung Quốc, nên ngày nay vun đắp quan hệ tốt đẹp với nhiều nước Châu Á khác nhau, gồm cả Việt Nam, và dẫn đầu những cuộc tập dượt quân sự cùng với các nước này. Nhưng chính quyền Mỹ có thể nhắm tới cả hải quân Nga?

 

Tổng thống Nga Vladimir Poutine đã bắt đầu tái kích hoạt chính sách Châu Á trong khuôn khổ của những nỗ lực rộng lớn hơn của mình nhằm đẩy lùi ảnh hưởng Âu-Mỹ ở Đông Âu. Đây là vấn đề về một "liên minh" mới với Trung Quốc để đạt được điều này. Bằng chứng ư? Dự kiến là Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành tập dượt hải quân cùng nhau ở biển Địa Trung Hải và ở Thái Bình Dương năm 2015. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc miêu tả những tập dượt Trung-Nga vào tháng mười một 2014 : "Giữa tình hình thế giới cực kỳ dễ bùng nổ, tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp và đáng tin cậy giữa hai nước là đặc biệt quan trọng", ông nói thêm "đây không chỉ là một nhân tố quan trọng cho an ninh của hai nước, nhưng còn là sự đóng góp vào hòa bình và ổn định ở lục địa Á Âu và bên ngoài [7]".

 

Nằm giữa đất và biển, vịnh Cam Ranh sở hữu một vị trí rất quan trọng trong tính toán Á Âu này vì nó nằm ở chỗ giao nhau của ba quốc gia đang tranh đua là Trung Quốc, Nga và Mỹ. Năm 2012, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Cam Ranh, trong khi Việt Nam thận trọng cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ đẩy lùi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị biển Đông và các đảo có dầu mỏ mà Việt Nam tuyên bố là của mình. Nhưng Poutine cũng kín đáo nối lại quan hệ với Việt Nam, không chỉ thăm dò ảnh hưởng của Mỹ ở phía Đông khu vực Thái Bình Dương, nhưng còn kiềm hãm sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc. Nga giúp Việt Nam phát triển đội tàu ngầm và có quyền thăm hải quân Việt Nam ở vịnh Cam Ranh [Blank, 2012 ; 2014]. Sự hiện diện của Âu-Mỹ ở Trung Âu rõ ràng không phải là thành tố duy nhất mà sách lược của Nga chú ý tới, điều này nhắc ta một lần nữa về sự nguy hiểm khi chỉ chăm chăm chú ý tới cách tiếp cận duy Châu Âu về nhiều kết giao rộng lớn hơn với Á Âu.

 

Việt Nam đã làm tốt khi nhớ lại những quan hệ Á Âu của chiến tranh Đông Dương lần ba bằng cách giữ gìn không ký liên minh với bất kỳ siêu cường nào. Nhưng cộng sản Việt Nam cũng rút ra bài học quan trọng khác của chiến tranh Đông Dương lần ba : cần thiết phải duy trì mối quan hệ thân thiết, hữu nghị và an ninh với Lào và Campuchia. Điều này nghĩa là ngăn tinh thần chống Việt Nam phát triển ở Viên Chăn và nhất là ngăn sự buông lỏng, thậm chí sự tiến triển theo hướng không dự kiến được ở Phnôm Pênh. Có tính cách phát hiện, ngày nay Hà Nội nỗ lực cẩn thận tránh ký kết liên minh với bất kỳ đại cường nào, hoặc tránh chơi với nước này chống nước kia; vả lại cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên trì củng cố quan hệ "hữu nghị" và "đặc biệt" không chỉ với nhà nước Lào mà họ đã góp phần dựng lên năm 1950, mà cả với nhà nước Campuchia do Hun Sen lãnh đạo mà họ đã xây dựng lại từ tro tàn của nhà nước Khơ-me đỏ. Tuy Việt Nam đã rút khỏi Campuchia năm 1988, dù thế họ không ngừng tiếp tục duy trì chính sách liên kết Đông Dương cũ, không phải là không thành công. Đây là động thái rất tế nhị, vì nếu mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia xấu đi (và điều gì cũng có thể xảy ra ở khu vực này của thế giới), khi đó khả năng một cuộc đối đầu lớn có thể trở thành sự thực.

 

Chú thích [trong nguyên văn không có chú thích (1)!]

 

[2] Cuộc tranh luận địa chính trị của những người Bắc Mỹ về tính chính đáng của chiến tranh Việt Nam đặt đối lập một bên là những người lên án việc can thiệp của Mỹ, được xem là phiên bản "chính thống" từ năm 1960, và một bên là những người bào chữa cho sự can thiệp này, tức những người "theo chủ nghĩa xét lại". Những người này kiên quyết bảo vệ quan điểm, nhất là trong những năm 1980 đánh dấu bởi thời tổng thống cộng hòa Ronald Reagan. Xem thêm chi tiết John Dumbrell, Rethinking the Vietnam War <http://www.palgrave-journals.com >

 

[3] Về lịch sử toàn cầu/thế giới, xem số đặc biệt, "Peut-on écrire l'histoire du monde?", Le Débat, n° 154(mars-avril 2019)

 

[4] Trích từ Ilya Gaiduk, 2003, p. 201.

 

[5] người gốc Ba Lan, Brzezinski vẫn còn là nhân vật trung thành theo nhà địa lý Anh Halford MacKinder và những ý tưởng của ông cho rằng lục địa Á Âu là một "đảo người" của địa chính trị thế giới.

 

[6] Trong khoảng từ tháng tư 1975 đến tháng mười hai 1978, khoảng 2 triệu người Campuchia bị chết dưới thời Khơ-me đỏ.

 

[7] Trích trong TASS, 18/11/2014, bài trên mạng : http://tass.ru/en/russia/760322, xem ngày 9 tháng hai 2015.

 

Nguồn : https://www.cairn.info/revue-herodote-2015-2-page-23.htm