Có
những “bên thua cuộc” khác
Đinh Hoàng Thắng
Thế giới là cuộc cờ vĩ đại mà
các cường quốc thường là những tay “chơi cờ độn nước”. Kẻ thức thời nên
biết chọn loại cờ nào. “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình”. Cờ Tàu, tốt
muôn đời vẫn là con tốt, kể cả khi nó chiếu được tướng. Cờ Tây, chơi đến
tận hàng cuối, tốt có thể về hậu. Nhưng cờ Tây thì phải đi với nhau đến
tận cùng mới có kết quả. Phải biết gắn mình vào thế trận chung với các
quân cờ khác, dù đó là vua hay hậu, tượng, xe, để đi đến thắng lợi.
Hệ tư tưởng trong chiến tranh Việt Nam nhiều khi chỉ là lớp vỏ bên
ngoài. Ta – Tây – Tàu, giữa đồng chí cùng “phe” vẫn thấu thị được bản
chất các sáo ngữ. Sau chiến tranh, những tưởng ý thức hệ hết chỗ đứng.
Nhưng không! Cứ mỗi thập kỷ qua đi, dưới lá bài “cùng chung vận mệnh”,
một dạng hệ tư tưởng trá hình, Bắc Kinh lại đạt được những bước tiến mới
trên con đường độc chiếm Biển Đông và bành trướng xuống Đông Nam Á. Cái
“vỏ” bốn tốt và mười sáu chữ vàng liệu có cứu được Việt Nam thoát khỏi
cuộc xung đột mới trên đất liền hoặc ở tận mãi ngoài các đảo xa?
“Ông Liên Xô bà Trung Quốc…”
45 năm về trước, ngày 15/5/1975, tại một cuộc mit-tinh lớn ở Hà Nội, Bí
thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định, thắng lợi từ cuộc kháng chiến của Việt
Nam “cũng là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa”. Mặc dầu
tuyên bố thế, nhưng vốn “đi guốc trong bụng” Trung Quốc và Liên Xô nên
ông Lê Duẩn biết rất rõ, 30/4/1975 chính là ngày mà ý chí độc lập của
người Việt đã cho “đo ván” những kẻ muốn lợi dụng ý thức hệ để chia cắt
đất nước, đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc phân tranh dai dẳng.
Chỉ cần “soi” các mục tiêu sâu xa của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc suốt
thời kỳ chiến tranh, có thể thấy anh Cả lẫn anh Hai hẫng hụt như thế nào
trước các hiệu ứng ngày 30/4/1975. Bắc Kinh từ 1954 bằng mọi cách đã
thao túng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, với mục tiêu kéo dài, nếu có thể thì vĩnh
viễn, chia cắt giải đất hình chữ S, biến nó thành khu đệm để Trung Quốc
làm quân bài ngã giá với Mỹ hay cạnh tranh với Liên Xô. Mục tiêu xa hơn
nữa là trong quá trình “chống lưng” cho Việt Nam và các lực lượng cộng
sản châu Á, Trung Quốc luôn luôn rắp tâm dọn đường để đưa hàng triệu
nông dân từ đại lục tràn ngập lãnh thổ Đông Nam Á.
Liên Xô, khiêm tốn hơn, chẳng có tham vọng lãnh thổ hay di dân. Tuy
nhiên, khi đấu tranh võ trang ở miền Nam có dấu hiệu mạnh lên, lo sợ ảnh
hưởng đến đường lối “chung sống hoà bình”, Mátxcơva đã đe Hà Nội chớ
giải phóng nửa nước bằng con đường bạo lực! “Đốm lửa” ấy có thể thiêu
rụi cả “cánh đồng” cách mạng. Đấy cũng là căn nguyên của cuộc sát phạt
“xét đi… xét lại” gây báo tang thương cho một bộ phận tinh hoa trong nội
bộ cộng sản Việt Nam. Nhưng với diễn tiến các sự kiện, về sau Mátxcơva
đã lần lượt cho hàng loạt đoàn tàu chở đầy ắp các thiết bị và khí tài
quân sự sang Hà Nội để viện trợ cho chiến trường.
Một mặt, Liên Xô dùng Việt Nam kềm chân Mỹ, để bản thân được rảnh tay ở
trời Âu, đối phó với cả Tây lẫn Đông Âu. Mặt khác, muốn “làm le” với thế
giới về sức mạnh của ba dòng thác, dùng cuộc kháng chiến của Việt Nam để
khuếch trương thanh thế với tư cách là “thành trì của cách mạng thế
giới”. Bên tung bên hứng! Về phần mình, Việt Nam cũng tự nhận đất nước
là nơi tập trung các mâu thuẫn thời đại, cho nên “nếu lịch sử chọn ta
làm điểm tựa/ vui gì hơn làm người lính đi đầu/ trong đêm tối, tim ta
thành ngọn lửa!” (Tố Hữu).
Tuy nhiên, “soi” từ cấp độ đại chiến lược, các đế chế như Trung Hoa hay
Xô Viết ít khi chịu làm tù binh cho bất cứ một phương án duy nhất nào.
Họ bao giờ cũng chuẩn bị nhiều con bài trong tay cùng một lúc. Nếu cho
rằng cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva cũng đều lãnh đủ như các “bên thua cuộc”
khác với hệ quả không đảo ngược thì quả là không đúng. Ngay cả trước năm
1975, khi chủ trương ép Việt Nam đánh Mỹ theo tiến độ riêng của mỗi nước
thất bại, Trung Quốc và Liên Xô vẫn gây cho Việt Nam một số khó khăn.
Lịch sử ghi lại hai sự kiện ngoại giao chấn động: chuyến thăm Bắc Kinh
(tháng 2/1972) và Mátxcơva (tháng 5/1972) của tổng thống Richard Nixon.
Nixon đến Trung Quốc, dù lúc bấy giờ giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại
giao, nhằm ép Hà Nội ký một hiệp ước hòa bình có lợi cho Mỹ. Nixon hy
vọng, sự xích lại gần nhau giữa Mỹ với hai đồng minh hàng đầu của Hà Nội
sẽ khiến cho Bắc Việt Nam nhượng bộ trong các cuộc hoà đàm Paris. Nhất
là về cuối, lãnh đạo Liên Xô bắn thông điệp muốn Việt Nam kết thúc cuộc
chiến tranh tỏ ra tốn kém đối với đất nước này.
Tự nhận là “NATO phương Đông”
Ngày 15/5/1975, trong khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn từ Hà Nội đang nhiệt
liệt gửi đến nhân dân Camphuchia anh em – bạn chiến đấu cùng chiến hào –
“lòng biết ơn vô hạn và tình đoàn kết sắt son”, thì một số đơn vị bộ đội
Việt Nam, với súng AK và ba lô con cóc, chỉ sau có một bữa trưa duy nhất
liên hoan mừng thắng lợi (đúng trưa 15/5), đã lại lên đường ra tiền
tuyến, giáp chiến với Khmer Đỏ đang say máu “cáp Duồn” (chặt đầu người
Việt) ngay tại các tỉnh trên biên giới Tây Nam.
Nhưng cũng gần 4 năm sau thời điểm ấy, chiều 11/4/1979, đại sứ Trung
Quốc bên cạnh “Khmer Dân chủ” quần áo nhếch nhác bẩn thỉu, nước mắt đầm
đìa, đã cùng với bảy đồng nghiệp, nuốt hận đào tẩu qua đất Thái Lan. Lần
đầu tiên, đại diện của một vương triều trung tâm (Trung Quốc) buộc phải
rút khỏi vùng đất chư hầu (Campuchia). Bỉnh bút Naya Chanda trong tác
phẩm “Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited” đã mô tả khoảnh khắc 41
năm về trước, khi các cố vấn Trung Quốc buộc phải lang thang trong rừng
già Campuchia suốt 61 ngày, ngủ trong các lều lợp cỏ tranh, ăn đồ hộp
trên đường tháo chạy.
Tuy nhiên, mẻ lưới lớn trước đó Trung Quốc đã “cất” được vào tháng
10/1971 là thay thế Trung Hoa Dân quốc nắm giữ chiếc ghế hội viên thường
trực tại HĐBA/LHQ. Trung Quốc trở thành một trong những trung tâm quyền
lực có tiếng nói và ảnh hưởng trên vũ đài thế giới. Bắc Kinh còn tự xưng
là “NATO phương Đông”, khi Đặng Tiểu Bình sang tận Mỹ để tìm kiếm nguồn
đầu tư cho nền kinh tế đang yếu kém của mình. Sau thời điểm đó, Trung
Quốc trắng trợn cưỡng chiếm biển đảo của Việt Nam, mở các gọng kìm trên
mặt trận Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm chảy máu Việt Nam suốt hơn
10 năm ở Campuchia…
Nếu giải ảo sâu hơn các động lực chiến lược, trước khi cuộc chiến kết
thúc, Trung Quốc đã chuyển chính sách trên đại cục cũng như trong quan
hệ với Việt Nam. Tiên liệu được kết quả của chiến tranh, Trung Quốc
nhanh chóng triển khai ngay những quân bài mới. Trước lúc Dương Văn Minh
gặp đại diện “bên thắng cuộc”, Trung Quốc đã cho người bắt liên lạc,
động viên “Big Minh” cầm cự, hứa sẽ đổ quân tiếp viện, giúp Sài Gòn dựng
chính quyền mới ở miền Tây Nam bộ.
Sự thật hắc ám nói trên không chỉ được biết đến qua tiết lộ của Dương
Văn Minh, mà còn qua nhiều phản ứng cấp thời, cả công khai lẫn bí mật,
của ban lãnh đạo Ba Đình. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng nhận xét,
trong quá trình điều chính sách, Trung Quốc đổi đồng minh như thay đồ
lót. Một trong những thay đổi lớn hồi bấy giờ chính là “cái bẫy” mang
tên Khmer Đỏ mà Trung Quốc đã dựng ra trước đấy để hiện thực hoá mưu đồ,
không chia cắt được thì tiếp tục làm cho Việt Nam “chảy máu”.
Vậy là thời kỳ khoác áo ý thức hệ như những anh em đồng chí giữa Hà Nội
và Phnom Penh dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh chấm dứt. Chiến lược lợi dụng
hệ tư tưởng lúc bấy giờ không còn tác dụng. Cùng khi ấy, chính sách dùng
Việt Nam tiêu hao “đế quốc Mỹ”, để Liên Xô tạo thế cân bằng vũ khí chiến
lược trên toàn cầu cũng “cuốn theo chiều gió”. Nghiêm trọng hơn, giai
đoạn liền kề, Liên Xô ngày càng mắc phải mưu sâu kế hiểm, rơi vào vòng
xoáy của chiến tranh lạnh và bị kiệt sức trong cuộc chiến tranh giữa các
vì sao.
Tuy nhiên, do bất an trước các mối hiểm hoạ thường trực của Trung Quốc,
chỉ sau cột mốc 30/4/1975 ba năm, vào ngày 3/11/1978, Hà Nội đã ký với
Mátxcơva “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Hiệp ước là một
văn kiện “có ý nghĩa chính trị xuất sắc” (lời Tổng Bí thư
Brejnev). Nhưng chính văn kiện xuất sắc ấy đã cung cấp như một cái
cớ để Trung Quốc “dạy cho Việt Nam bài học”. Điều này cho thấy “lá nho”
ý thức hệ không chỉ bị xung đột Xô – Trung chôn vùi dưới lòng sông
Ussuri năm 1969, mà tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung
Quốc cũng bị tan thành mây khói trong các trận đánh đẫm máu trên chiến
trường biên giới Tây Nam (1979) và chiến tranh biên giới phía Bắc (từ
1979 đến 1989).
Liên Xô – Bên thua cuộc kép
Trên thực tế, Liên Xô đã phải gánh chịu một tình huống “thua cuộc kép”.
Chiến tranh kết thúc đã tước mất “cái bẫy để kìm chân Mỹ”, đồng thời
Mátxcơva không đủ lực để bảo vệ Hà Nội khỏi sự trừng phạt của Bắc Kinh.
Trong khi ấy, khủng hoảng về kinh tế – xã hội trên đất nước Xô
viết ngày càng bộc lộ rõ. Việt Nam và Liên Xô không thể tiếp
tục thực thi bản Hiệp ước như cũ. Trên một số lĩnh vực, hợp tác
song phương bắt đầu có nhiều dấu hiệu suy giảm. Mátxcơva cắt
dần viện trợ cho Hà Nội.
Thậm chí, đế chế Xô Viết lại dấn bước trên “con đường đau khổ” mới.
Liên Xô tiếp tục bị “toang” ở Đông Âu. Để tranh thủ Trung Quốc,
Mátxcơva đành phải gây sức ép buộc Hà Nội sớm đưa ra một thời
gian biểu rút quân triệt để và dứt khoát khỏi Campuchia. Tình
trạng “thua cuộc kép” này của CCCP và sự tụt giảm trong các mối quan
hệ Việt – Xô kéo dài cho đến khi Liên Xô và cả hệ thống xã hội
chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ hoàn toàn vào năm 1991. Và cái kết cục bi
thảm của “tấn trò đời” ý thức hệ lần này cũng chính là sự tiếp nối các
tình tiết “sông Ussuri 1969” và “Mekong 1979” mà thôi.
Như vậy, ý thức hệ thực ra đã chết trong các cuộc đánh nhau giữa Liên Xô
với Trung Quốc, Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng
chủ nghĩa dân tộc – câu chuyện ngàn năm ấy – bao giờ cũng mới và có sức
sống mãnh liệt. Vấn đề được thua trong mọi cuộc xung đột chỉ mang ý
nghĩa tương đối. “Trong mọi cuộc chiến tranh bất kể bên nào thắng thì
nhân dân đều bại”. Nguyễn Duy đã đúng! Chỉ có người Việt, từ cả hai
chiến tuyến, chịu mất mát và khổ đau. Còn các ông lớn – Mỹ, Liên Xô hay
Trung Quốc – họ đều tính lỗ lãi theo hệ giá trị riêng của mỗi bên liên
quan đến cuộc chiến. Các cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là ngoại
lệ.
Điều lạ lẫm là ngay cả khi Trung Quốc và Liên Xô đã sớm gạt bỏ vai trò
bung xung của hệ tư tưởng để đi vào “bốn hiện đại hoá” (1976) và
“перестройка” (cải tổ, 1986), thì lãnh đạo Việt Nam, tuy đã giương ngọn
cờ “đổi mới” (1986) nhưng vẫn kiên định chủ nghĩa quốc tế vô sản, vẫn
gắn “độc lập dân tộc” với “chủ nghĩa xã hội”. Bắc Kinh hẳn nhiên đã lợi
dụng và gây sức ép tối đa qua các chủ trương nửa vời này (appeasement),
buộc Hà Nội đi vào hội nghị Thành Đô (9/1990), để lại những hệ luỵ về sự
can dự của Trung Quốc đối với hậu trường chính trị Việt Nam cho mãi tới
tận hôm nay.
Theo “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam” của James Burnham,
chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của
Cục Tình báo Mỹ CIA, lịch sử dường như lặp lại một vòng tròn định mệnh.
Trong một báo cáo đề ngày 20/11/1964, Burnham nhận xét: “Cuộc chiến tại
Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một chiến
trường quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và
Biển Đông”.
Hơn nửa thế kỷ, Biển Đông giờ đây lại dậy sóng dữ. Nhưng lần này, “các
vai diễn” thay đổi và lời tiên đoán năm xưa của Kissinger (Việt Nam sẽ
phải nhờ Mỹ để xử lý mối bang giao với Trung Quốc) dường như được chứng
nghiệm. Covid-19 đảo lộn nhiều thứ, nhưng có một thứ bất biến. Đó là mâu
thuẫn Trung – Mỹ sau đại dịch sẽ không thuyên giảm, thậm chí nhiều
chuyên gia đánh giá một cuộc chiến tranh thế giới mới, mang tính tổng
lực đã/đang diễn ra trên thực tế. Tình trạng Washington và Bắc Kinh nặng
lời công kích và tiến hành trả đũa lẫn nhau trên mọi phương diện đang
truyền đi những tín hiệu báo động đến hầu hết các chuyên gia về an ninh
quốc tế.
Nói bang giao Việt – Mỹ quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì nhân tố
thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa-chính trị nghiệt ngã nói trên.
Hiện nay, cuộc cờ khu vực/thế giới ngả theo hướng: Hoa Kỳ, Trung Quốc,
Nga và châu Âu đều đang trải qua những biến động dữ dội, khôn lường qua
đại dịch Vũ Hán. Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng khai thác tối đa thất
bại của phía bên kia để phục vụ cho lợi ích đối nội, đối ngoại. Các nước
đều đang khai triển những bước khác nhau nhưng cùng chuẩn bị cho một
cuộc thư hùng mới trong tương lai.
Mỹ Trung giành nhau “chiếu trên” để tái định hình trật tự thế giới, Liên
bang Nga (tuy GDP chưa bằng Italy, chỉ ngang một tỉnh lớn của Trung
Quốc) vẫn mơ “giấc mơ” của Liên Xô cũ về tầm ảnh hưởng ở Á – Âu. Nói lại
câu chuyện “ông Liên Xô bà Trung Quốc/ ông đi guốc bà đi giầy…” trên bối
cảnh này là để làm nổi bật cái minh triết của người dân Việt, cái hằng
số bất di bất dịch trong bang giao quốc tế. Mọi quốc gia trên đời, lúc
nào và bao giờ cũng hành động xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc.
Mọi mỹ từ vàng son hay có cánh đều chỉ để che đậy cái thực tế nghiệt ngã
bên trong.
“Vỏ” ý thức hệ, “ruột” Đại Hán
Thật ra từ năm 1968, nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn, trong một báo cáo
mật gửi về Trung tâm, đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt của mình khi ông
phân tích: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ là trước mắt và có thời gian, nhưng
kẻ thù nguy hiểm và lâu dài nhất sau này của Việt Nam chính là Trung
Quốc, chứ không phải là Mỹ”. Xin được nhắc lại là từ 1968, con người có
tên như cuộc đời ấy đã khẳng định như thế. Không rõ, văn phòng giúp việc
các Tổng bí thư ĐCSVN sau này, có sao lưu bức điện với nội dung chiến
lược quan trọng ấy cho các thế hệ lãnh đạo sau 1990?
Nhiều nhà nghiên cứu khác trong và ngoài nước cũng đều nhấn mạnh đến cái
gọng kìm địa-chính trị của Trung Quốc đối với Việt Nam là vấn nạn thiên
thu, dù dưới màu sắc ý thức hệ như thời chiến tranh hay là tham vọng Đại
Hán như ngày nay. Và vị thế địa chính-trị ấy cũng lại là con dao hai
lưỡi, nó có thể giúp đất nước vươn lên, nhưng cũng có thể đẩy lùi một
Việt Nam loay hoay giữa ngã ba đường vào thời kỳ Bắc thuộc mới và kéo
dài như sinh thời ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo.
Trong công hàm gần đây nhất ngày 17/4/2020 gửi Tổng thư ký LHQ, Trung
Quốc đã “cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên
các đảo và đá ở Trường Sa”. Rõ ràng, giải pháp đối với Việt Nam lúc này
là phải sớm hội nhập vào không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở
(FOIP) để huy động bằng được sức mạnh toàn diện của dân tộc và của quốc
tế. Khó có thể tin rằng sự giàn xếp sau hậu trường giữa hai đảng cộng
sản về “kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội” hay “vận mệnh tương
thông, văn hoá tương đồng” có thể làm thay đổi chính sách “sát ván” của
Bắc Kinh đối với Hà Nội.
Càng để lâu tình hình bất định như hiện nay, Việt Nam càng tiếp tục bị
Trung Quốc lợi dụng, thế giới hiểu nhầm. Trung Quốc đang gấp rút biến
các đảo cưỡng chiếm thành chuỗi căn cứ giúp họ có đủ sức mạnh để cấm
đoán tàu bè qua lại. Bắc Kinh hoàn toàn phớt lờ các phản kháng của Hà
Nội, khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam ngày càng sâu sắc.
Thế giới là bàn cờ vĩ đại mà các cường quốc thường là những tay “chơi cờ
độn nước”. Việt Nam muốn hay không cũng đang trong bàn cờ chung ấy. Vấn
đề là phải thức thời, biết chọn chơi loại cờ nào? “Còn như vào trước ra
sau/ Ai cho kén chọn vàng thau tại mình” (Kiều của Nguyễn Du). Cờ Tàu,
tốt muôn đời vẫn là con tốt, kể cả khi nó chiếu được tướng. Cờ Tây, chơi
đến tận hàng cuối, tốt có thể về hậu. Việt Nam có cơ để trở thành một
cường quốc tầm trung. Nhưng cờ Tây thì phải đi với nhau đến tận cùng mới
có kết quả. Phải biết gắn mình vào thế trận chung với các quân cờ khác,
dù đó là vua hay hậu, tượng, xe, để đi đến thắng lợi.
Có thể chia sẻ với TS. Đỗ Kim Thêm từ “Diễn đàn Thương mại và Phát triển
LHQ” (UNCTAD): Tỉnh thức về thân phận của dân tộc là vấn đề kiến thức,
xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề của quyết tâm chính trị, vấn đề
của sự chọn lựa! Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân
tộc. Đất nước đang đứng trước nguy cơ! Hy vọng, hồn thiêng sông núi vẫn
phù hộ cho con dân nước Việt. Đất nước mỗi khi lâm nguy chắc chắn sẽ
xuất hiện một Trần Nhân Tông hay một Lê Thánh Tông, kể cả nếu gốc gác là
nông dân thì chí ít cũng phải có một khát vọng lớn như anh hùng áo vải
Nguyễn Huệ.
*
Sự hung hăng của Trung Quốc trong cuộc trường chinh “Nam tiến” ngày càng
đặt Việt Nam trước tình thế không thể kéo dài mãi chính sách “lửng lơ
con cá vàng”. Việt Nam không thể chần chừ giữa ngã ba đường. Người dân
sau đại dịch đang kỳ vọng lãnh đạo sẽ chớp được thời cơ có một không hai
hậu Covid-19 để hành động. Phải khắc phục ngay tình trạng không bình
thường trong nội trị và ngoại giao. Bời những ai quan tâm đến thời cuộc
đều lấy làm tiếc, vì niềm tin của quần chúng vừa mới le lói sau đại dịch
nay lại đang mất dần qua phiên giám đốc thẩm về tử tù Hồ Duy Hải, hay xử
sơ thẩm vụ người mẹ đơn thân đánh BOT Huệ Như.
Liệu cái khung khổ “cùng chung vận mệnh” có cứu Việt Nam thoát khỏi một
cuộc xung đột mới do Trung Quốc gây ra trên đất liền hoặc ở tận mãi
ngoài các đảo xa? Liệu lời kêu gọi phải bám chặt lấy thị trường Trung
Quốc để phát triển có khả thi, khi cả về trình độ marketing lẫn tiền bạc
doanh nhân Việt vẫn còn dưới cơ các nhà buôn Tàu. Nhưng xử lý các vấn đề
làm ăn với Trung Quốc như thế nào khi như chính các chuyên gia phải thừa
nhận, chúng ta chưa có chủ nghĩa dân tộc về kinh tế? Các chuyên gia cảnh
báo rằng, bối cảnh cả chính trị lẫn kinh tế hiện nay khác xa với năm
2000, nhất là giờ đây Trung Quốc đã chế ngự được Lào và Campuchia, khóa
chặt lối ra bán đảo Đông Dương của Việt Nam./.
Để có thêm thông tin mời xem:
https://www.sachhiem.net/LICHSU/L/LeDuan_mungchienthang.php
Quyết tâm xây dựng Việt Nam thành một nước văn minh, giàu mạnh, vươn lên
đỉnh cao của thời đại: Diễn văn đọc tại cuộc mit-tinh lớn ở Hà Nội mừng
chiến thắng (Ngày 15 tháng 5 năm 1975).
https://thediplomat.com/2018/12/vietnams-invasion-of-cambodia-revisited/
Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited
http://www.vjol.info/index.php/sphcm/article/view/15088/13541
Vài nét về quan hệ Việt Nam – Liên Xô từ năm 1975 đến năm 1990
http://thediplomat.com/2015/02/the-geopolitics-of-the-vietnam-war/
The Geopolitics of the Vietnam War
Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự sụp đổ của Miền Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Th%C3%A0nh_%C4%90%C3%B4
Hội nghị Thành Đô
http://www.tintuchangngay.org/2020/04/david-koh-viet-nam-va-trung-quoc-khong.html
Việt Nam và Trung Quốc không còn “thắm tình anh em” vì Biển Đông?
https://www.facebook.com/LeMinhNguyen22/posts/10220083924399889
Chiến Tranh Lạnh và Thân Phận Việt Nam
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-can-vn-do-to-confront-china-in-scs-05042020112008.html
Khả năng đối phó của Việt Nam trước dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-39115964
Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung tháng Hai năm 1979?
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/cn-in-world-range-hnt-04112013120210.html
Trung Quốc trong trật tự thế giới
Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt lấy thị trường Trung Quốc một cách khôn
ngoan để phát triển kinh tế
Tác giả gửi Viet-Studies ngày 15/5/2020 |