“KHUNG CỬA HẸP”
TRƯỚC MỘT THẾ GIỚI BẤT AN
ĐINH HOÀNG THẮNG
Việt Nam không phải
là quốc gia duy nhất còn loay hoay trước cục diện quốc tế và quốc nội
hiện tại. Các mối bang giao toàn cầu đang vào hồi cao trào của hỗn loạn
và mạt pháp. Những ngày này, tháng này, hòa bình và hòa giải vẫn là niềm
khát khao không nguôi đối với người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Hoài
niệm hay ước mong điều gì, khi mà cả Biển Đông lẫn bán đảo Triều Tiên
vẫn như hai ngọn núi lửa đang/hoặc sắp phun trào…
Cảm ơn văn hào
André Gide và dịch giả—thi sĩ Bùi Giáng, vì cuốn
“La Porte Étroite” (ra đời
năm 1909) mà nhờ nó Gide đã được vinh danh từ lúc người viết bài này còn
nằm ngược trong bụng mẹ (năm 1947). Chủ nhân giải Nobel văn chương hồi
bấy giờ hẳn không ngờ rằng, hơn 70 năm sau, kẻ hậu bối này phải nhờ đến
“cái tên” cuốn tiểu thuyết
“Khung cửa hẹp”[1]
của ông,
không phải để bàn về bản năng gốc và tội phạm, mà chủ yếu, để chia sẻ về
sự tồn vong cũng như tương lai khó khăn của Việt tộc trong cái kỷ nguyên
đang tới? Sau hàng ngàn năm, trồi sụt trên miền đất từ bờ Nam Dương Tử
đến vùng châu thổ sông Hồng, giờ đây cộng đồng suýt soát cả trăm triệu
nhân mạng này, lại một lần nữa, đang đứng trước khúc quanh định mệnh.
Vâng, từ một trong hàng “trăm Việt” thuở hồng hoang ấy, nay chúng ta tuy
không phải là quốc gia duy nhất, nhưng vẫn đang loay hoay tìm lối thoát
(exit) từ một thế giới bất an và bất toàn.
Ngổn ngang nhưng
vẫn còn hy vọng
Loay hoay không phải vì chúng ta yếu hèn (nếu thực thế thì Việt tộc đã
bị xóa sổ sau cả ngàn năm đô hộ của Bắc phương). Loay hoay, một phần, vì
chúng ta bị bỏ rơi quá xa. Thật ra, cũng đã từng có những nỗ lực đơn lẻ
tham gia vào các cuộc hành tiến của thế giới văn minh, nhưng chúng ta đã
bị bỏ lỡ ít nhất tại “ba nhà ga chính”. Khi con tàu tiến bộ vào “nhà ga
thứ nhất” (1.0), chúng ta còn chưa được bề trên cho phép tin rằng, có
những chiếc đèn treo ngược mà vẫn sáng. Tàu rời “ga thứ hai” (2.0),
chúng ta vẫn chỉ tồn tại (chứ chưa được sống), chủ yếu bằng gậy tầm vông
và giáo mác. Phép ẩn dụ này không hề làm giảm các giá trị đi cùng năm
tháng của nền độc lập, thống nhất và chủ quyền quốc gia, tuy vẫn còn
mong manh, mà Việt tộc đã giành được qua lịch sử đầy bi tráng của mình.
Khi đoàn tàu tăng tốc, rời “nhà ga 3.0”, một bộ phận ít ỏi người Việt,
do cả may lẫn rủi, cheo leo bám được vào bậc cửa lên-xuống, ngưỡng mộ
nhìn các cư dân da vàng Nhật Bản và Hàn Quốc đang yên vị trên những toa
hạng nhất…
Giờ đây, trước “nhà ga 4.0” — như một cơ hội cuối cùng để tiếp cận thế
giới văn minh — Việt tộc sẽ là những hành khách thuộc loại nào? Đặt câu
hỏi mà lòng những ngổn ngang. Ngổn ngang, vì liệu xã hội đã lường hết
được công nghệ 4.0 là gì, nhất là hệ lụy mà nó có thể mang lại cho mỗi
cá nhân cũng như cả cộng đồng. Sự kiện Uber và Grab gần đây thật sự là
lời cảnh báo mạnh mẽ về dòng chảy của cuộc cách mạng mới, rất nhanh và
để lại khá nhiều hệ lụy. Sẽ còn nữa những sản phẩm công nghệ mới trong
thời đại 4.0 ra đời và phần lớn xuất phát từ nước ngoài. Khi Nhà nước
không kiểm soát hết được nhiều thứ, mà vẫn chưa mở rộng cửa cho người
dân và doanh nghiệp trong nước làm ăn và cạnh tranh thì điều gì sẽ xẩy
ra? Nỗi lo người Việt khó kiếm nổi tấm vé tại các dãy ghế được đánh số,
mà vẫn phải chen chúc ở các bậc lên-xuống đầy hiểm nguy, vẫn còn canh
cánh. Vâng, đó là tâm thế bất an trước Hội thảo Hè Warsawza năm nay.
Chưa đoán được GS. Cao Huy Thuần sẽ tung “quả bom tấn” nào với cái tựa
đề đầy “khiêu khích” vừa đăng ký trên Viet-studies.
Nhân những ngày
này, chúng ta chia sẻ với một số cây viết trên báo “lề phải”.
“Người Đô Thị”, “Thanh Niên”
đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, vừa đau lòng, vừa phẫn uất. Đúng là
chúng ta chẳng ai chấp thuận sự ngụy biện, vì ngụy biện hoàn toàn đồng
nghĩa với một thói lưu manh khác, đó là đạo đức giả. Nó dẫn dắt con
người đến với những giá trị giả, những thứ không có chỗ đứng ở các xã
hội phát triển văn minh.
Không ở đâu một xã hội có thể phát triển giàu có và văn minh dựa trên sự
phổ biến của năng khiếu ngụy biện và thói đạo đức giả.[2]
Nhắc lại sự kiện có một không hai trong lịch sử Việt Nam khi mẫu hạm
Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng một tháng trước đây, Nguyễn Thị Hậu vẫn
đứng đó “trên cao lộng gió”, với những câu hỏi chưa có câu trả lời. Sau
bốn mươi ba năm, lẽ ra tháng Tư phải là những ngày chúng ta thấm thía
hơn giá trị của hòa bình, nhưng sao dấu ấn chiến tranh cứ đeo đẳng mãi?
Còn những người Việt, bao giờ mới dám bỏ qua tất cả để thực sự nắm tay
nhau, để thực sự “nối vòng tay lớn”? Đa phần các câu trả lời tác giả
nhận được trên facebook của mình
là “không bao giờ” hoặc “còn lâu lắm”![3]
Nhớ năm ngoái, cùng
vợ chồng GS. Cao Huy Thuần và vợ chồng GS. Trần Hữu Dũng thả bộ trên các
phố cổ Budapest. Những con đường nhỏ với dốc đồi thoai thoải… Chúng tôi
đi bên nhau im lặng, cảm nhận tiếng gió ú ù từ Đa-nuýp thổi thốc lên
“thành Var cổ kính”, khiến tất cả nhớ về bài viết của GS. Thuần trong đó
ông nhắc lại ca từ “kìa xa xa nơi Côn Đảo…”[4]
Tôi như muốn nói to với bậc trưởng thượng, không thể bi lụy như thế
được! Tương lai Việt tộc phải khác và sẽ khác, và đó cũng là “raison
d'etre” để thế nào cũng phải gặp lại nhau để bàn tiếp cái chủ đề dang dở
ấy. Hội thảo năm 2017, GS. Cao Huy Thuần cũng đã cảm ơn nhà “dân chủ phi
tự do” Orbán Victor, đương kim Thủ tướng Hungary, vì tuy độc tài mà ông
vẫn cho phép chúng ta “tụ tập quá năm người” tại Đại học Tổng hợp Eötvös
Loránd. Năm nay, có khi lại phải cảm ơn Tập Cận Bình, “ông Mao mới” của
đất nước Trung Hoa và Vladimir Putin, “vị tân Sa hoàng” của thế kỷ 21.
Nhờ hai ông lớn này mà chúng ta biết thêm một số chiều kích gây sốc của
Trật tự mới. Trật
tự mới nào đang đón đợi?
Thêm câu hỏi khó trả lời! Với Donald Trump, nước Mỹ có được một tổng
thống—nhà buôn “sáng nắng chiều mưa”, có thành tích bề dày suốt 30 năm
nay liên tục chống lại các cấu trúc chính yếu của trật tự toàn cầu.
Vladimir Putin thì chẳng bao giờ dấu diếm việc muốn lật nhào cái trật tự
hiện hữu, vì ông ta tin rằng, trật tự ấy đang đe dọa trực tiếp cái đế
chế của ông. Còn Chủ tịch suốt đời Tập Cận Bình, người mà tư tưởng đã
được ghi vào Hiến pháp Nhà nước cũng như được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ khi
vẫn còn tại nhiệm, trên thực tế “oách” hơn cả Mao Trạch Đông trước đây.
“Hoàng đế” Tập tuy được hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu, nhưng ông vẫn
tìm cách thay thế vị trí nổi trội và ưu việt của Hoa Kỳ, trước mắt là
tại Đông Á. Thế giới đảo lộn là do vậy. Một sự kết hợp của “bộ tam” hiện
nay – giữa Trump, Tập và Putin – sẽ làm cho cục diện quốc tế trở nên vô
cùng nguy hiểm. Đấy là nhận xét đưa ra gần một năm trước đây của Thomas
Wright từ Viện Brooking[5].
Nhưng có lẽ những tháng Hè tới đây, khi mọi con mắt đang/sẽ đổ dồn hướng
về “cái mỏ” và “đôi chân” của chú “gà trống” Trung Hoa[6],
tức là ngọn núi lửa trên bán đảo Triều Tiên và cái vạc dầu trên Biển
Đông, thì nhận xét này có thể sẽ phải điều chỉnh. Đặc biệt là phần liên
quan đến Donald Trump và Tập Cận Bình, “bộ đôi quyền lực” được cho là sẽ
khuynh đảo cái Trật tự đang ló dạng.
Việt Nam và Triều
Tiên giờ đây tuy không cùng chiến hào như trong thơ Tố Hữu ngày nào,
nhưng hai nước vẫn là “cặp bài trùng” trong cuộc đọ sức địa-chính trị
giữa các nước lớn. Nững diễn biến mới đây trên Biển Đông ngày càng cấp
bách và có thể dẫn tới những hệ lụy "còn—mất" không kém gì tên lửa gắn
đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Đặc biệt từ khi Thời báo Hoàn Cầu công
khai cổ súy Trung Quốc nên "dùng cái gậy" đối với Việt Nam[7]
thì tình hình lại càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn.
“Chỉ dùng đầu lưỡi khiển trách các hành động của Việt Nam trên Biển Đông
là không đủ, việc tăng cường sự hiện diện trên thực tế ở Biển Đông quan
trọng hơn”. Bài báo tiếp tục: “Washington nay lại xem Việt Nam là đối
tác trên Biển Đông. Cặp quan hệ "già nhân ngãi non vợ chồng" Việt—Mỹ
trên thực tế là một mối uy hiếp đối với Trung Quốc…” Trắng trợn hơn,
ngày 20/3/2018, vẫn ấn bản tiếng Anh của báo Đảng Cộng sản Trung Quốc
tung bài xuyên tạc, cảnh báo Việt Nam không được tham gia “Bộ tứ” Mỹ –
Nhật – Ấn – Úc[8],
ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chuyến thăm và làm việc
hết sức tốt đẹp tại Úc và New Zealand, từ ngày 14 – 18/3/2018.
Sau gần 20 năm Mỹ chưa có bất cứ cuộc đối thoại trực tiếp nào với Bình
nhưỡng, thì ngay thời điểm hiện tại, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác
thừa biết là các thượng đỉnh tới đây sẽ chẳng thể giải quyết cùng một
lúc tất cả các vấn đề liên quan đến “phi hạt nhân hóa” Triều Tiên. Hiệp
định với Iran là một thỏa thuận dài 159 trang, được đàm phán một cách kỹ
lưỡng, được HĐBA/LHQ thông qua, bao gồm các cam kết thực thi đầy đủ nghị
định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong
đó có việc bảo đảm các quyền của IAEA trong việc tiếp cận các cơ sở hạt
nhân. Ấy vậy mà tổng thống Trump vẫn cho rằng, đấy là một Hiệp định lố
bịch và ông dọa sẽ rút (Đồng minh ruột của Trump là Macron sang tận
Washington cũng không thuyết phục nổi Mỹ đừng rút). Vậy thì cái gì với
Trump sẽ là thành công ở bán đảo Triều Tiên? Nơi mà cách đây không lâu
ông còn nhạo báng Kim lãnh tụ là “chú bé ôm hỏa tiễn” (as little rocket
man), và lời qua tiếng lại, ông Kim gọi ông Trump là “lão già Huê Kỳ lẩm
cẩm/điên khùng” (mentally deranged US dotard).
Rồi các nhà quốc tế
học sẽ làm phép so sánh các mô thức thống nhất giữa những nước vốn là
nạn nhân của chiến tranh lạnh như Việt Nam, Đức và Triều Tiên. Dịp này,
chính phủ Việt Nam cùng hòa giọng với nhiều nước khác trên thế giới ca
ngợi cuộc họp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in ngay hôm 27/4.
Việt Nam đã “chúc mừng” và “đánh giá cao” nỗ lực của Bình Nhưỡng và
Seoul nhằm phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên. Mạng xã hội
cũng nhắc lại cuộc gặp không chính thức giữa Hồ Chí Minh với Ngô Đình
Diệm năm 1946[9].
Bài học xương máu của Việt Nam, với ý đồ từ thế lực quyết “tỷ thí tới
người Việt cuối cùng” chắc hẳn đã được CHDCND Triều Tiên và CHDC Đức
“ngộ” ra cách đây khá lâu. Việt Nam và Đức đã đi trước, giờ đến lượt Kim
Jong-un… Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh. Những bước đi của lịch sử, dù là
khai phá hay muộn màng đều có cái căn nguyên sâu xa của nó. “Chính trị
học so sánh” sẽ chỉ rõ các “chi phí” mà mỗi quốc gia—dân tộc từng trả
(cost and benefit analysis). Còn giờ đây, họ Kim “đệ tam” đang kể với
chúng ta câu chuyện hấp dẫn, nước nhỏ nếu có trí khôn và bản lĩnh, vẫn
có thể “cầm cái” cuộc chơi địa-chính trị đầy bất định hiện nay giữa các
cường quốc.
*
Nếu tham gia Hội thảo mùa Hè tới, người viết bài này chắc phải đề cập
tới những phương thức khả dĩ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay nhằm nống
cái “khung cửa hẹp” cho hanh thông và rộng mở hơn, để Việt Nam có thể đi
ra và đi cùng thế giới văn minh? Liệu chiến dịch “đốt lò”[10]
của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang triển khai trên mọi hướng có thể
sẽ là cú hích vĩ đại giống như cái “đòn bẩy” của
Archimedes từ thành
bang Syracuse trước công nguyên? Hãy cho ông ấy một điểm tựa để ông ấy
có thể “nhấc bổng” Việt Nam lên được không? Cùng với hàng loạt nhiều câu
hỏi lớn khác, câu trả lời không thể đưa ra một cách võ đoán. Nhưng nếu
trở lại với “tấm gương” của Kim Jong-un, chúng ta nhận ra một nghịch lý,
một quốc gia “khép kín” và “đóng kín” một cách bất thường như Bắc Triều
Tiên, nhưng cuối cùng thì “lãnh tụ thân mến” vẫn lại tìm lối ra nhiều
lúc tưởng chừng như không thể bí hơn, bằng cách làm một cú “đột phá
ngoạn mục” với chính đối thủ (nếu như không nói là kẻ thù) hàng đầu của
đất nước.
Truyền thông thế giới bắt được một khoảnh khắc thật thần tình, đó là lúc
Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc Nis Suh-hoon “vui sao nước mắt lại
trào” khi “Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm” được công bố. Liệu mấy nhà lãnh
đạo trong xứ sở biết rơi lệ cùng ông?
(Cuối
tháng Tư năm 2018, viết trong những “đêm trắng” ở Bạch Mai)
[1]
“Khung cửa hẹp” là cuốn tiểu thuyết kinh điển, nổi tiếng toàn
thế giới của nhà văn Pháp André Gide, tại Việt Nam, từ năm 1966
nhà thơ Bùi Giáng đã dịch và in cuốn tiểu thuyết này. Mời đọc
tại
http://2014vbmt.blogspot.com/2013/12/khung-cua-hep-tac-pham-dich-bui-giang.html
[2]
https://thanhnien.vn/toi-viet/toi-len-tieng/cai-xau-va-nang-khieu-nguy-bien-cua-nguoi-viet-8030.html
[4]
GS. Cao Huy Thuần viết: “Dân chủ không thể có được ở Việt Nam
chừng nào bộ máy cứ nói mà không hành động, không nhảy vào. Càng
nói, dân chủ càng xa dần, như con tàu chở tù nhân ra Côn Đảo
trong bài hát ngày xưa: "Kìa xa xa nơi Côn Đảo ú ù...". Có thể
xem tại
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_CaoHuyThuan.pdf
[5]
“It is the combination of Trump, Xi, and Putin that makes the
present situation so dangerous”, có thể đọc tại
https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2017/11/08/trump-xi-putin-and-the-axis-of-disorder/
[6]
Một nhà nghiên cứu từng ví bản đồ Trung Quốc với láng giềng như
chú gà trống, trong đó, bán đảo Triều Tiên là “mỏ” và Việt Nam
là “đôi chân” của con gà. Hình ảnh này cho thấy tầm quan trọng
của VN đối với TQ, mặt khác ám chỉ rằng VN từ hàng ngàn năm qua
đã gánh trên vai mình, sức nặng của TQ. Nói như GS. Carl Thayer
thì, “VN đã bị chi phối bởi một “lời nguyền địa lý'”. Tuy nhiên,
đại sứ Israel ở ta phản đối cách nhìn tiêu cực ấy, ông bảo với
chúng tôi, các các anh phải lật ngược tấm bản đồ ấy lên mà nhìn,
để thấy các anh đang ngồi trên một thị trường 1,4 tỷ dân… Có thể
xem tại
http://trandaiquang.org/viet-nam-da-hoa-giai-loi-nguyen-dia-ly-nhu-the-nao.html
[7]
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thoi-bao-Hoan-Cau-sao-lai-dang-bai-co-suy-Trung-Quoc-dung-gay-voi-Viet-Nam-post184611.gd
[8]
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Viet-Nam-khong-phai-thanh-vien-bong-toi-cua-bo-tu-Trung-Quoc-nen-lo-viec-khac-post184633.gd
[10]
“Một cách hiểu về chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng” là
một trong nhiều bài viết mới đây đưa ra các dự báo về tình hình
nội trị của Việt Nam. Có thể đọc tại
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-insight-into-trong-corruption-fight-04292018091237.html
|