LUẬT KHOA
12-07-2021

Chợ đóng, trăm dâu đổ đầu siêu thị, người dân khổ vì bữa ăn

Chính quyền có đang sai lầm khi “đặt cược” vào hệ thống siêu thị trong mùa giãn cách?

 Nguyên Minh

Tính đến ngày 9/7, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã tạm đóng cửa 151/234 chợ truyền thống, [1] tương đương 2/3 tổng số chợ trên toàn thành, trong đó có ba chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất. Ngày 8/7, chính quyền cũng quyết định tạm ngừng dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày thành phố thực hiện giãn cách. [2]

Với hai động thái chống dịch mạnh tay trên, người dân thành phố chỉ còn hai lựa chọn cho bữa ăn mùa giãn cách: hoặc là ăn đồ khô (mì gói, xúc xích, lương khô…) hoặc trông cậy vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua nguyên liệu về nấu ăn, hay mua các thức ăn chế biến sẵn.

Chính quyền TP. HCM liên tục khẳng định người dân không cần lo thiếu hàng. Lãnh đạo Sở Công thương khẳng định đã chuẩn bị 120.000 tấn hàng hoá, [3] đồng thời cho rằng các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. [4] Sở này nhiều lần đề cập đến việc khuyến khích người dân tăng cường đi chợ online để đảm bảo an toàn mùa dịch.

Không thể phủ nhận những nỗ lực bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa của chính quyền, nhưng trong thực tế, người dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm.

Xếp hàng dài tại siêu thị, hệ thống online “đóng băng”

Ngay trong ngày giãn cách thứ ba (11/7), báo chí đã đưa tin về sự quá tải của các siêu thị. [5] Nhiều siêu thị chạy hết công suất để bổ sung hàng hóa nhưng vẫn không đủ.

Trước khi giãn cách, chị Thanh Thuỷ (quận Bình Thạnh, TP. HCM) không mua hàng dự trữ. Chị cho rằng việc hàng hóa khan hiếm là do tâm lý tích trữ của người dân và yên tâm rằng cũng như đợt cách ly theo Chỉ thị 16 vào tháng 4/2020, siêu thị sẽ đầy ắp hàng hoá. Trái với suy đoán của chị, vào ngày thứ hai của đợt giãn cách lần này, chị Thuỷ hoảng hốt vì phải xếp hàng dài để mua hàng tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh. Sau khoảng 20 phút xếp hàng chờ đợi, chị mua được thịt, cá nhưng không thể mua rau vì đã hết hàng.

Cũng trong ngày giãn cách thứ hai, chị Phương Thanh (quận 1, TP. HCM) không thể mua rau tại siêu thị quen thuộc. Ngày hôm sau, chị đã dậy sớm hơn và đến một cửa hàng khác ở quận 1 để tìm mua rau. Tuy nhiên, vừa đến nơi, chị đã thấy một hàng dài người chờ đợi, còn người bảo vệ thì liên tục thông báo điệp khúc: hết thịt, hết cá, hết rau, hết tôm.

Theo ghi nhận của Luật Khoa, cảnh tượng người dân xếp hàng dài diễn ra ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn nhỏ tại nhiều quận nội thành.

Ở một vài nơi, báo chí còn phản ánh tình trạng thiếu hàng cục bộ, ví dụ như người dân khu phong tỏa quận 7 phải lên mạng kêu cứu vì khó mua rau củ, thịt cá. [6] Một người dân phản ánh rằng xung quanh họ chỉ còn siêu thị Bách Hóa Xanh nên đổ dồn vào đây mua sắm. “Lúc nào siêu thị cũng trong tình trạng 20-30 người xếp hàng chờ. Từ 16h30 đến 18h hôm qua (11/7) tôi mới được vào, lúc đến lượt cũng chỉ còn vài cọng rau”, người này nói.

Chính quyền TP. HCM cũng khẳng định hệ thống mua sắm online sẽ san sẻ gánh nặng cho siêu thị và khuyến khích người dân đi chợ online. Nếu muốn làm vậy, người dân có hai cách chủ yếu: thứ nhất, truy cập trực tiếp vào các ứng dụng của các siêu thị như Co.opmart, Big C, Bách Hoá Xanh; thứ hai, đi chợ qua các ứng dụng công nghệ như Grabmart, Baemin, Tiki, Lazada.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, các ứng dụng riêng của siêu thị hoặc app của các công ty công nghệ lớn cũng không thể đáp ứng nổi nhu cầu mua sắm online của người dân. [7] Cửa hàng trên các ứng dụng này thường hiển thị dòng chữ “cửa hàng tạm đóng”. Một người dân tại quận Bình Thạnh cho Luật Khoa biết đã đặt hàng trên ứng dụng của một siêu thị nhưng khi gọi lên tổng đài thì nhân viên báo rằng bảy ngày sau mới giao hàng được vì quá tải và hàng không về đủ. Một số người nội trợ phải thức đến nửa đêm để canh đặt hàng online nhưng không phải lúc nào cũng thành công. [8]

Có sai lầm khi dồn hết gánh nặng cho siêu thị?

Thực tế đang diễn ra khá khác biệt so với những phát biểu từ chính quyền TP. HCM. Sở Công thương cho biết các doanh nghiệp đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng. [9] Theo họ, nhu cầu thực tế chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, khi không có dịch bệnh, chợ đầu mối và chợ truyền thống cung ứng đến 70% lượng hàng hóa cho thành phố, siêu thị vốn chỉ đáp ứng 30%. [10] Như vậy, để bù đắp cho 148 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối bị đóng cửa, việc thành phố dự trữ gấp 3 lần là việc làm đúng. Nhưng nếu đã chuẩn bị đủ lượng hàng hoá, vậy tình trạng siêu thị không đầy ắp hàng hoá như khẳng định là do tắc ở khâu nào?

Một câu hỏi khác đặt ra là các siêu thị đã có sự chuẩn bị cho tình huống các hàng quán bị tạm đóng cửa hay chưa? Dù chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn con số người dân TP. HCM có thói quen ăn uống ngoài hàng quán là không nhỏ. Thậm chí, không ít người ở trọ còn không có bếp, không có nồi niêu xoong chảo để nấu nướng. [11] Cấm mua đồ ăn mang về đồng nghĩa với việc có thêm một lượng lớn người dân đổ về siêu thị để mua thực phẩm. Liệu các siêu thị đã tính đến nhóm khách hàng này?

Thực tế, TP. HCM đã sớm có công văn yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường thực phẩm chế biến. [12] Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng lại cho rằng họ gặp khó khi chuẩn bị loại thực phẩm này do thiếu nhân lực. [13]

Thêm vào đó, khả năng gánh vác của siêu thị càng bị đặt câu hỏi khi nhiều xe vận chuyển hàng hóa đang mắc kẹt tại các cửa ngõ vào thành phố do quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính. [14]

Bất kể quá nhiều thông tin bất lợi về chuỗi cung ứng lẫn tình trạng khan hiếm đang diễn ra, trên báo chí, đại diện chính quyền và lãnh đạo siêu thị đều khẳng định rằng siêu thị đủ hàng hoá. Ví dụ, ngày 9/7, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết các siêu thị của Saigon Co.op sẽ đáp ứng được yêu cầu tăng lượng thực phẩm chế biến sẵn phục vụ nhu cầu khách hàng. [15] “Người dân bình tĩnh, yên tâm ở nhà chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội”, ông Đức nói.

Thực tế trong những ngày giãn cách đầu tiên đang trái ngược với các phát biểu, và người dân có cơ sở để nghi ngờ vào khả năng gánh vác của các siêu thị đối với nhu cầu của một thành phố gần 10 triệu dân.

Đã đến lúc mở lại các chợ?

Trong khi hệ thống siêu thị có dấu hiệu quá sức, đây là lúc chính quyền cân nhắc mở lại các chợ. Trên báo chí, chỉ thấy thông tin chợ bị đóng chứ hầu như không có tin tức về việc mở lại các chợ sau khi đã cách ly, truy vết và khử khuẩn. Trong khi đó, nhiều siêu thị được mở lại sau một thời gian ngắn tạm phong tỏa. [16]

Ngoài mục đích san sẻ gánh nặng cho siêu thị, một lý do lớn để mở lại các chợ là từ góc độ dịch tễ, so với chợ, siêu thị tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn. Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Fulbright, dịch chủ yếu lây lan trong khu vực kín. Do đó, họ cho rằng nên khuyến khích các dịch vụ ngoài trời (quán ăn, chợ dân sinh) hơn là các dịch vụ trong khu vực kín (nhà hàng máy lạnh, siêu thị). [17]

Trả lời tờ Zing News, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam đã đề xuất các giải pháp để chợ hoạt động an toàn, chẳng hạn như các chợ có thể chỉ hoạt động 50% công suất để đảm bảo giãn cách, giữa các gian hàng có thể làm miếng nilon che chắn, lắp thêm quạt điện để tăng thông khí. [18]

“Nếu mọi người đều đeo khẩu trang, cách xa nhau, đảm bảo thoáng khí, có miếng che thì nguy cơ lây nhiễm rất thấp”, bà phân tích.

Nếu mở cửa chợ trong sự kiểm soát, thành phố có thể hạn chế cảnh người dân đổ dồn về các siêu thị để mong mua được nguyên liệu cho từng bữa cơm. [19] Ngoài ra, sớm mở lại chợ trong sự kiểm soát sẽ là cách hỗ trợ thiết thực cho các tiểu thương.

Quyết định đóng cửa tất cả chợ tự phát từ ngày 19/6 và đóng cửa nhiều chợ truyền thống có ca nhiễm sau đó của chính quyền đã bỏ lại phía sau hàng ngàn tiểu thương. Cửa chợ đóng sập, những người này mất đi sinh kế mà không có bất cứ sự hỗ trợ kịp thời nào. Nếu chỉ dựa vào các gói hỗ trợ đòi hỏi thủ tục rườm rà, nhiều người sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn.

Xa hơn, tiểu thương và nhân viên siêu thị đáng lẽ nên nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vaccine vì hội tụ nhiều tiêu chí như tiếp xúc với nhiều người, hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu và có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hoá. Từ tháng Sáu, Bộ Công Thương đã đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng này, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. [20] Nếu hoạt động tiêm vaccine cho tiểu thương được triển khai sớm, kèm theo việc mở lại các chợ, thành phố có thể né được cảnh đau đầu giải quyết bài toán khó về chuỗi cung ứng hàng hoá, vốn liên quan đến nồi cơm của hàng triệu người.

Việc chính quyền TP. HCM “đặt cược” vào các siêu thị và hệ thống đặt hàng online đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong những ngày giãn cách. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục và tiếp tục phát biểu một đường, thực tế một nẻo như hiện nay, niềm tin của người dân vào các quyết sách chống dịch chắc chắn sẽ giảm sút.

Tài liệu tham khảo

1.  Thanh N. (2021, July 9). TP HCM chỉ còn 83 chợ truyền thống hoạt động. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/kinh-te/tp-hcm-chi-con-83-cho-truyen-thong-hoat-dong-20210709204744132.htm

2.  Hằng T. (2021, July 8). TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/tphcm-tam-dung-dich-vu-an-uong-mang-ve-post1235623.html

3.  Thương T. (2021, July 7). Giám đốc Sở Công Thương: TP.HCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/giam-doc-so-cong-thuong-tphcm-da-du-tru-120000-tan-hang-hoa-post1235784.html

4.  Quân M. (2021, July 7). Cả 3 chợ đầu mối đóng cửa, TPHCM có đủ nguồn cung thực phẩm? Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn. https://laodong.vn/kinh-te/ca-3-cho-dau-moi-dong-cua-tphcm-co-du-nguon-cung-thuc-pham-927838.ldo

5.  Thương T. (2021b, July 11). Nhiều siêu thị ở TP.HCM lại hết sạch rau củ, thịt cá. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/nhieu-sieu-thi-o-tphcm-lai-het-sach-rau-cu-thit-ca-post1237447.html

6.  Anh L. T. T.-. (2021, July 12). Người dân khu phong tỏa quận 7 kêu cứu vì khó mua rau, thịt cá. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/nguoi-dan-khu-phong-toa-quan-7-keu-cuu-vi-kho-mua-rau-thit-ca-post1237547.html

7.  Phúc T. (2021, July 11). Đơn hàng online quá tải, người dân lại đổ đến siêu thị. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/video-don-hang-online-qua-tai-nguoi-dan-lai-do-den-sieu-thi-post1237463.html?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR2nLlyIIDV2nd_zHEubhXeDeCWNtT-Y5QoQKS-k8jX3RAPlig7Of1ltPss

8.  Thanh, X. (2021, July 12). Nửa đêm lên mạng đi chợ. Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nua-dem-len-mang-di-cho-1412984.html

9.  Thương T. (2021b, July 7). Giám đốc Sở Công Thương: TP.HCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/giam-doc-so-cong-thuong-tphcm-da-du-tru-120000-tan-hang-hoa-post1235784.html

10.  Nguyên, N., & Mai, P. (2021, July 9). Nhu cầu tăng sốc, rau- thịt “tát” giá tăng theo. Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ap-luc-dua-hang-hoa-ve-tphcm-1411358.html

11.  Hoa, N. ữ. (2021, July 10). Dừng dịch vụ ăn uống mang về: Thanh niên độc thân không nồi niêu xoong chảo khóc ròng. Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/gioi-tre/dung-dich-vu-an-uong-mang-ve-thanh-nien-doc-than-khong-noi-nieu-xoong-chao-khoc-rong-1412086.html

12.  Anh P. (2021, July 9). TP HCM chỉ đạo khẩn hỗ trợ người dân khi dừng dịch vụ ăn uống mang về. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/chinh-tri/ubnd-tp-hcm-ra-cong-van-khan-de-ho-tro-nguoi-dan-khi-dung-dich-vu-an-uong-mang-ve-20210709140453354.htm

13.  Anh L. T. T.-. (2021a, July 10). Nhiều siêu thị TP.HCM gặp khó khi bán thực phẩm chế biến sẵn. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/nhieu-sieu-thi-tphcm-gap-kho-khi-ban-thuc-pham-che-bien-san-post1237085.html

14.  Quân M. (2021b, July 9). Hàng hóa “mắc kẹt” trên đường về TPHCM vì các chốt kiểm soát dịch. Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn. https://laodong.vn/xa-hoi/hang-hoa-mac-ket-tren-duong-ve-tphcm-vi-cac-chot-kiem-soat-dich-928925.ldo

15.  Xem [13].

16.  Anh L. (2021, July 2). Hầu hết siêu thị ở TP.HCM đã mở cửa trở lại. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/hau-het-sieu-thi-o-tphcm-da-mo-cua-tro-lai-post1233704.html

17.  Hằng T. (2021a, July 3). Dự báo dịch Covid-19 tại TP.HCM có thể kết thúc vào cuối tháng 8. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/du-bao-dich-covid-19-tai-tphcm-co-the-ket-thuc-vao-cuoi-thang-8-post1233437.html

18.  Hằng T. (2021a, July 3). Cần ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời vì thông khí tốt hơn siêu thị kín. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/can-uu-tien-cho-dan-sinh-ngoai-troi-vi-thong-khi-tot-hon-sieu-thi-kin-post1234226.html

19.  VnExpress. (2021, July 7). Hệ thống online, siêu thị quá tải khi hơn nửa chợ đóng cửa. vnexpress.net. https://vnexpress.net/he-thong-online-sieu-thi-qua-tai-khi-hon-nua-cho-dong-cua-4305628.html

20.  Nguyên, N. (2021, June 3). Kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tiểu thương, nhân viên siêu thị. . . Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kien-nghi-uu-tien-tiem-vac-xin-cho-tieu-thuong-nhan-vien-sieu-thi-1393381.html