talawas
6.12.2007

 

Đoàn Tiểu Long
Gã chủ thầu xây dựng và lý thuyết giá trị của Marx
 
Sau khi talawas đăng bài “Phản biện sự phản biện lý thuyết lao động về giá trị”, đã có một số bạn đọc gửi ý kiến tranh luận, trực tiếp và gián tiếp, với người viết. Sau đây xin hồi đáp các ý kiến đó.


1. Nguyễn Nguyễn

Tác giả này luôn khiến tôi phải mỉm cười vì sự hùng hồn, tự tin rất đỗi… ngây thơ của mình. Trong bài viết “Ừ thì bóc với lột” Nguyễn Nguyễn hùng hồn kết tội Marx đánh giá quá thấp vai trò của vốn (chắc hẳn Nguyễn Nguyễn nghĩ tư bản chính là vốn). Sau đó, dường như sợ bài viết ấy chìm vào quên lãng, tác giả cố nhắc lại nó trong ý kiến ngắn của mình, và một lần nữa nhấn mạnh: mình hoàn toàn đúng đắn khi nhận định rằng các học trò của Marx đã làm đúng y như Marx dạy.

Về nhận định đó của Nguyễn Nguyễn, chỉ xin nói ngắn gọn thế này: trước khi nhận xét xem ai đó làm phép tính nhân đúng hay sai, thì bản thân mình phải học thuộc bản cửu chương cái đã!

Nguyễn Nguyễn, sau khi hé cho bà con biết rằng anh cũng có chơi tranh, đặt cho người viết bài này một câu hỏi cực kỳ hóc búa: giá một bức tranh bao nhiêu trở lên thì được coi là “cá biệt”?

Câu trả lời là: “Wrong question, my dear!”

Không một người marxist nào lại ngu ngốc đến độ đưa ra một con số cụ thể, ví dụ 20.000$, làm cái mức để quy giá của một bức tranh là cá biệt. Thậm chí, nếu ai đó hỏi rõ hơn: “Bức tranh này giá 20.000$ là bình thường hay cá biệt?”, người marxist sẽ không trả lời ngay, mà đặt ngược một loạt câu hỏi. Bức tranh này của hoạ sĩ Việt Nam, bán trên đường Đồng Khởi, hay hoạ sĩ Mỹ, bán ở Paris? Nếu là của hoạ sĩ Việt Nam, thì đó là một hoạ sĩ thành danh có triển lãm tầm thế giới, hay một hoạ sĩ mới vào nghề nhưng là con Thủ tướng? Cái giá này được hoạ sĩ trực tiếp bán khi ông còn sống, hay sau khi ông đã chết 50 năm, và đã được đấu giá lần này là lần thứ 10, tại cuộc thi hoa hậu, lấy tiền góp quỹ giúp người nghèo? Người mua là ai, là người am hiểu giá trị bức tranh (cả về phương diện mỹ thuật lẫn kinh tế) như Trechiakov, hay là một trọc phú xứ Giao Chỉ bắt đầu ti toe sưu tập tranh? Những bức có giá như thế này trở lên chiếm bao nhiêu phần trăm trong thị trường hội hoạ v.v…

Chỉ sau khi đã biết hết những thông tin đó mới có thể xét đoán, một cách tương đối, giá của bức tranh như thế là bám sát hay ly khai quy luật giá trị, do chịu ảnh hưởng mạnh hơn của các quy luật khác (ví dụ quy luật đầu cơ: tôi chả cần biết giá trị thực sự của nó là bao nhiêu, nhưng tôi cứ mua, vì biết rằng bức này độc nhất vô nhị, giá sẽ tăng cùng thời gian). Cho nên câu hỏi của Nguyễn Nguyễn là hoàn toàn vô nghĩa. Sinh viên năm nhất, nếu nắm vững phương pháp luận marxist, không đặt ra những câu hỏi kiểu này.


2. Bình Nguyên Định

Chính bài viết của anh Bình Nguyên Định, với lời lẽ hết sức nhã nhặn, đã khiến người viết ngồi vào bàn gõ máy tính trả lời. Chứ thực ra người viết đã chán lắm rồi cái việc gọi là “tranh luận” với những người mà mỗi một việc tối thiểu - đọc xem Marx viết cái gì – cũng không chịu làm.

Anh Bình Nguyên Định thắc mắc: liệu có sai sót gì khi ở trên viết “lao động không có giá trị”, còn ở dưới khẳng định “giá trị của sức lao động”? Xin thưa: không có sai sót gì cả. Lao động và sức lao động là những thứ khác nhau. Trong tiếng Việt chúng na ná nhau nên dễ gây nhầm lẫn cho những ai chưa nắm rõ vấn đề, nhưng trong tiếng Nga chúng là 2 từ khác hẳn nhau: труд (lao động) và рабочая сила (sức lao động). Anh đọc Marx bằng tiếng Nga, nhất định phải thấy điều đó. Xin mách nhỏ: trong phần đầu tiên của quyển 1 bộ Tư bản (nói về hàng hoá và tiền tệ) Marx vẫn chưa đề cập đến phạm trù sức lao động, mà chỉ nói đến lao động. Chỉ từ phần thứ 2 trở đi, mà cụ thể là tiết 3, chương 4, Tư bản quyển I - “Mua và bán sức lao động”, Marx mới đưa khái niệm này vào.

Chúng khác nhau thế nào? Sức lao động, như Marx định nghĩa, là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó. Còn lao động là quá trình con người sử dụng sức lao động của mình, thông qua công cụ lao động tác động vào đối tượng lao động nhằm sản xuất ra cái gì đó. Sức lao động, với tư cách là hàng hoá, có giá trị, bằng tổng giá trị các tư liệu tiêu dùng cần thiết để sản xuất ra nó: cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, sách báo... Và không chỉ cho riêng người lao động, mà cả cho gia đình người lao động nữa, để có thể thường xuyên tái sản xuất ra những người lao động mới thay thế những người đã chết. Chi phí đào tạo cũng được tính vào chi phí tạo ra sức lao động v.v…

Sức lao động tự thân chưa tạo ra giá trị. Chỉ khi sử dụng nó, nghĩa là trong quá trình lao động, thì giá trị mới được sinh ra. Khi Barca ký hợp đồng với Ronaldinho thì họ đã mua sức lao động của Ro. Nhưng sức lao động đó chưa là cái gì nếu Ro còn chưa chơi bóng. Ro chỉ sản xuất ra giá trị cho các ông chủ ngành bóng đá khi Ro ra sân chạy trối chết, để làm ra hàng hoá là một trận cầu. Theo quan điểm của Marx, lao động của Ro là lao động sản xuất, sản xuất ra giá trị thặng dư cho các ông chủ.

Anh có thể đọc kỹ hơn về vấn đề này trong Tư bản, vì nó là khái niệm cơ bản của lý thuyết giá trị thặng dư.

Chữ “giá” mà tôi dùng chính là giá cả. Giá trị đo bằng tiền thì thành giá cả, nhưng không phải mọi giá cả đều là biểu hiện của giá trị. Học vấn, được xác nhận bởi tấm bằng, thì thành học vị, nhưng không phải mọi học vị đều là biểu hiện của học vấn.

Anh lại hỏi: thế nào là lao động theo định nghĩa của Marx? Câu hỏi này quá mênh mông nên khó mà trả lời. Ở đây chúng ta chỉ xem xét vấn đề lao động trên khía cạnh kinh tế chính trị, tức là lao động với tư cách thực thể của giá trị, là nguồn tạo ra giá trị. Xét theo giác độ đó, thì lao động được Marx chia ra thành các cặp phạm trù như chúng ta biết: lao động giản đơn - phức tạp, cụ thể - trừu tượng, tư nhân – xã hội, sản xuất – phi sản xuất. Còn lao động xét theo khía cạnh triết học, mà Marx và Engels đã phân tích chán chê, nào là lao động tha hoá, nào là lao động tạo ra con người, rồi lại biến con người thành con vật phi nhân tính, thì thú thật, tôi có đọc, tốn khá nhiều thuốc Paracetamol, nhưng vẫn mù tịt nên không dám lạm bàn. Cái đó để cho những vị hiểu biết sâu sắc về triết học, như Bùi Văn Nam Sơn, Phan Huy Đường, Lữ Phương… có ý kiến thì mới chuẩn (Lữ Phương có bài viết về vấn đề lao động trong học thuyết Marx, có lẽ anh cũng biết).

Anh phân vân: làm sao xác định được lượng lao động xã hội cần thiết? Nếu mang ra thị trường mới biết, thì còn đâu là cái thước đo “lao động” kia, thà cứ như lý thuyết ích dụng biên tế cho xong?

Trong phần 1 quyển I bộ Tư bản - “Hàng hoá và tiền tệ”, Marx chỉ nói ngắn gọn, và tôi có nhắc lại: kinh nghiệm của rất nhiều người sản xuất cho biết lượng lao động đó là khoảng bao nhiêu, nhưng chỉ trên thị trường, thông qua rất nhiều giao dịch, thì mới xác định cái lượng lao động xã hội trung bình đó. Vấn đề này được Marx quay trở lại phân tích kỹ lưỡng trong chương X, Tư bản quyển III, tức là sau khi đã nghiên cứu vấn đề giá trị thặng dư. Trong chương này Marx trình bày cơ chế cạnh tranh giữa các nhà tư bản để lý giải mấy vấn đề: thứ nhất, lao động cá biệt được quy thành lao động xã hội cần thiết như thế nào? Trong trường hợp nào chi phí lao động ở những nơi có điều kiện sản xuất trung bình quyết định chi phí lao động xã hội, còn trong trường hợp nào thì chi phí lao động ở những nơi có điều kiện sản xuất tốt nhất, hay xấu nhất, quyết định chi phí lao động xã hội. Thứ hai, vì sao dưới phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì quy luật giá trị lại không hoạt động giống như dưới phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn, là điều mà A. Smith bằng trực giác đã cảm nhận thấy nhưng không lý giải được, và đành đi đến kết luận là gạt bỏ quy luật giá trị ra khỏi phương thức sản xuất tư bản?

Vấn đề là: dưới phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì không phải giá cả xoay xung quanh giá trị như Smith, Ricardo (và nhiều người chỉ biết qua loa về lý thuyết giá trị) vẫn tưởng, mà xoay xung quanh một cái khác, gọi là giá cả sản xuất. Giá cả sản xuất là kết quả của sự tương tác giữa hai quy luật: quy luật giá trị (giá trị được quyết định bởi lượng lao động xã hội cần thiết) và quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận chung giữa các nhà tư bản trong các lĩnh vực khác nhau thông qua cạnh tranh. Chính giá cả sản xuất, chứ không phải giá trị, mới là cái mà Smith gọi là “natural price”, Ricardo gọi là “price of production, cost of production”, còn phái trọng nông gọi là “prix nécessaire”. Muốn hiểu được điều đó thì phải nắm được lý thuyết giá trị thặng dư trước đã, để hiểu thế nào là tỷ suất giá trị thặng dư, tỷ suất lợi nhuận, cấu tạo hữu cơ của tư bản v.v… Chính vì thế trong một chú thích ở ngay đầu bộ Tư bản, Marx đã nhắc tới điều này, và dặn sẽ giải thích sau. Nhưng hình như ít người để ý.

Quay trở lại vấn đề, lao động xã hội được xác định như thế nào? Câu trả lời xin xem ở dưới, trong phần trao đổi với Phạm Hải Vũ.

Anh Bình Nguyên Định viết: “Marx chỉ đưa ra những lập luận mang nặng tính triết học, quá trừu tượng mà không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cần thiết (có lẽ không có được) cho đời sống kinh tế thực tại” xem ra không xác đáng chút nào.

Tôi đồ rằng anh cũng chưa đọc Tư bản đến nơi đến chốn. Nếu không, anh đã phải thấy, ví dụ như trong các chương “Máy móc và đại công nghiệp”, “Tiết kiệm trong sử dụng tư bản bất biến”, Marx phân tích rất rõ ràng, cụ thể, chi ly cách thức sử dụng máy móc, nguyên vật liệu, thậm chí phế liệu cặn bã cho hiệu quả nhất. Những khái niệm như “economy of scale, economy of scope” (sản xuất nhiều giá thành hạ, quy mô nhà máy càng lớn thì chi phí trên mỗi sản phẩm càng giảm) đã được Marx phân tích kỹ lưỡng từ hồi đó. Còn cái việc ở Việt Nam, Liên Xô v.v… người ta hạch toán kinh tế kiểu gì đó thì chả liên quan gì đến học thuyết Marx, vì đó là kinh tế phi thị trường, trong khi Marx nghiên cứu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Xin giới thiệu với anh một đoạn đọc chơi, xem nó có giá trị thực tiễn không nhé:

Những chi phí để quản lý một xưởng áp dụng đầu tiên phát minh mới, bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với chi phí của những xưởng sau này mọc lên trên những đống gạch vụn của nó, trên hài cốt của nó. Điều đó quan trọng đến nỗi, thường thường những nhà kinh doanh đầu tiên áp dụng phát minh mới hay thất bại, và chỉ những người kế tục họ mới phát tài, vì những người này hưởng được với giá rẻ cả nhà xưởng lẫn máy móc v.v… Chính vì vậy, trong phần lớn các trường hợp, những nhà tư bản tiền tệ kém cỏi nhất và tồi tệ nhất lại là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất về tất cả những tiến bộ mới của lao động chung và của trí tuệ loài người” (Tư bản, quyển 3, phần 1, tr. 126, NXB Tiến bộ và NXB Sự thật, 1986).

Trong cuốn Thế giới phẳng, Tom Friedman có nói về chuyện giá Internet rẻ như hiện nay là do trước đó rất nhiều công ty đổ tiền vào đầu tư cáp quang, rút cục là khủng hoảng thừa và phá sản cả đám. Nhờ đó những người đi sau hưởng lợi. Chính là điều mà Marx đã viết từ lâu. Những ai có ý định kinh doanh nên chú ý tới điều đó: xui thì thành xác chết, may thì thành kền kền!

Phần tiếp theo của bài viết anh Bình Nguyên Định luận bàn về yếu tố con người thì tôi xin phép chuồn. Với những gì mình hiểu lơ mơ thì vểnh tai nghe thú vị hơn nói leo hóng hớt.


3. Phạm Hải Vũ

Thái độ kiên quyết, không khoan nhượng của anh Phạm Hải Vũ trong việc phê phán lý thuyết giá trị của Marx khiến tôi khiếp vía. Xin rụt rè trao đổi theo từng điểm một mà anh đưa ra. Phần dưới đây, nếu tách riêng ra thành một tiểu luận và nhờ NXB Giấy vụn phát hành, thì có thể đặt đầu đề là: “Phê phán sự phê phán thiếu tính phê phán”.

Những đoạn in nghiêng đầu mỗi tiểu mục là trích từ bài “Phê phán lý thuyết giá trị của Marx”.

a. Marx cho rằng giá trị được tạo nên duy nhất từ lao động, vì không có lao động thì không có giá trị. Điều này hoàn toàn sai về mặt logic. Một ví dụ đơn giản: ngôi nhà được xây bằng gạch, không có gạch thì không xây được nhà. Thế nhưng có gạch cũng chưa chắc đã xây được nhà, vì còn cần phải có gỗ, sắt và nhiều thứ nguyên vật liệu khác. Về mặt này, lao động chẳng có tư cách gì để đem lại nhiều giá trị hơn đất đai hay nguyên vật liệu.

Logic của Marx không có vấn đề, mà chính tư duy của anh Phạm Hải Vũ mới có vấn đề.

Thứ nhất, câu “Marx cho rằng giá trị được tạo nên duy nhất từ lao động, vì không có lao động thì không có giá trị” là sai về logic, và dĩ nhiên không thể là câu của Marx - người sử dụng ngôn ngữ cực kỳ chuẩn xác.

Mệnh đề “Vì không có lao động thì không có giá trị” hoàn toàn không tất yếu dẫn đến hệ quả “cho nên giá trị được tạo nên duy nhất từ lao động” – sai logic ở chỗ đó.

Liên từ ở đây là “vì thế”, chứ không phải “vì”. Anh đảo ngược nguyên nhân và hệ quả, rồi nhét vào mồm Marx, rồi bài bác. Thế là thế nào?

Phải viết như sau: giá trị được tạo nên duy nhất từ lao động, vì thế không có lao động thì không có giá trị. Cũng như chiếc bình làm từ nguyên liệu duy nhất là đất sét, nên nếu không có đất sét thì không có chiếc bình. Tuy nhiên không phải cứ có đất sét là làm được chiếc bình, cũng như không phải cứ có lao động là có giá trị.

Thứ hai, về vai trò của các yếu tố khác ngoài lao động thì Marx viết rất rõ: Các giá trị sử dụng như áo, vải… luôn là sự kết hợp của hai yếu tố: vật chất của tự nhiên và lao động. Lao động không phải là nguồn duy nhất tạo ra của cải. Và dẫn lời W. Petty: “Lao động là cha của của cải, còn đất đai là mẹ của nó” (Tư bản, quyển I). Không có đất đai, nguyên vật liệu thì dĩ nhiên không thể sản xuất ra hàng hoá. Trái lại, không cần có lao động vẫn có thể có sản phẩm, ví như cây trên rừng, nước dưới sông. Vấn đề là: anh Phạm Hải Vũ đã không phân biệt được việc tạo ra sản phẩm nói chung, với việc tạo ra giá trị. Đất đai, nguyên liệu chỉ góp phần tạo ra giá trị sử dụng, là cái vỏ vật thể để chứa giá trị, chứ không tạo ra tí giá trị nào. Để so sánh: muốn có một chiếc áo thì cần có vải, chỉ may, cúc áo, thuốc nhuộm. Thiếu một thứ là không được. Tuy nhiên chiếc áo có màu sắc đẹp đẽ hay không thì chỉ phụ thuộc vào thuốc nhuộm; còn vải, chỉ, cúc chả đóng góp gì vào đây.

Giả dụ, cát ngoài sông không thuộc quyền sở hữu của ai, ai xúc cũng được. Không cần có lao động nó vẫn có giá trị sử dụng. Nhưng tôi đố anh bán được 100 m3 cát ở đó cho người khác với giá chỉ 1 xu đấy!

Cát chỉ bắt đầu có giá trị khi tôi xúc nó lên, chở nó đến chỗ anh cho anh xây nhà. Anh phải trả công cho tôi đúng bằng cái công sức của tôi bỏ ra. Nghĩa là anh trả cho lao động của tôi, chứ không trả cho cát. Không có lao động của tôi thì cát vô giá trị.

b. Ricardo đã nhìn ra điều đó từ trước Marx khi ông nhận thấy khi bỏ lao động vào một mảnh đất màu mỡ thì thu hoạch sẽ cao hơn tại một mảnh đất khô cằn. Vào thời kỳ của hai ông, đất đai được chọn để canh tác dựa trên độ màu mỡ và vị trí có sẵn, chứ chẳng có tí kết tinh lao động nào trong mảnh đất cả (Đất đai hay bất cứ dạng tư bản nào khác, theo Marx, đều được tích luỹ từ lao động).

Marx chả bao giờ nói rằng đất đai được tích luỹ từ lao động (dĩ nhiên là đất đai chưa khai phá, cải tạo), cái này là anh bịa ra. Cái câu “đất đai được chọn để canh tác dựa trên độ màu mỡ và vị trí có sẵn, chứ chẳng có tí kết tinh lao động nào trong mảnh đất cả ” rõ là vô nghĩa, hai mệnh đề trước và sau chả ăn nhập gì với nhau.

Việc đất đai màu mỡ cho thu hoạch cao hơn thì từ thời thượng cổ người ta đã biết, chả cần chờ đến thời hai ông. Cho rằng Marx không biết điều đó thì thật ngớ ngẩn.

Có điều, Ricardo không bao giờ cho rằng đất đai, dù màu mỡ, vị trí tốt đến mấy, lại tạo ra giá trị. Ông luôn khẳng định rằng chỉ có lao động mới tạo ra giá trị. Về điều này thì Ricardo còn kiên định hơn cả Smith.

c. Mỗi khi ta sử dụng tư bản trong sản xuất, ta chỉ khấu hao lượng lao động vốn đã có sẵn trong tư bản. Ta cũng thấy điều này rất mâu thuẫn mà chẳng cần nhìn vào ví dụ đất đai nói trên của Ricardo. Nếu chúng ta chấp nhận quá trình chuyển hoá lao động – tư bản – lao động này, thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận lao động trước và sau khi trở thành tư bản đều có cùng bản chất; điều này xem ra phi lý: bò ăn cỏ, ta ăn thịt bò nhưng ta đâu có ăn cỏ. Lao động được tích luỹ vào tư bản, ta dùng tư bản đâu có nghĩa là ta dùng lao động.

Anh Phạm Hải Vũ có cái nhìn rất hời hợt về cỏ và thịt bò. Một học sinh trung học cũng biết là thịt bò và cỏ tuy trông bề ngoài khác nhau, nhưng đều cấu tạo từ các chất hữu cơ, từ các nguyên tố C, N, O, H…, và chúng chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác.

Cái việc giá trị trong tư bản bất biến chuyển sang sản phẩm mới hoàn toàn không phải là phát kiến của Marx, mà nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong thực tế. Phía dưới tôi sẽ cho anh dẫn chứng. Tư duy của anh Phạm Hải Vũ ở đây rất có vấn đề, khi cố tình nhắm mắt trước hiện thực cuộc sống, chỉ cốt bài bác lấy được.

d. Một giờ lao động của anh công nhân nhà máy và một giờ lao động của giáo sư đại học không có cùng giá trị như nhau, hay nói như phần trên: mọi lao động không có cùng bản chất. Điều hiển nhiên này Marx cũng đã nhận thấy: ông phân biệt lao động phức tạp và lao động đơn giản. Rõ ràng là Marx ý thức được lao động không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện con người tiêu tốn năng lượng cơ bắp làm việc, mà còn là sự khéo léo, tư duy và sáng tạo - một đại lượng nhiều chiều. Thế nhưng Marx vẫn khăng khăng sử dụng giờ làm việc như một thước đo duy nhất. Thật không may, đại lượng giờ làm việc chỉ là đại lượng một chiều: nó cho phép chúng ta biết được độ dài thời gian làm việc và suy diễn được độ khó nhọc, chứ không thể cho biết chất lượng của công việc. Liệu tất cả lao động giản đơn đều tạo ra những giá trị như nhau hay không? Thế nào thì gọi là giản đơn, thế nào thì gọi là phức tạp? Ai là người quyết định chuyện phân loại ấy và nếu phân loại thành công thì kế toán thế nào? Marx sống trong thế giới trừu tượng của triết học nên ông không thể trả lời những câu hỏi cụ thể như trên.

… một giờ làm việc của công nhân không có cùng giá trị với một giờ làm việc của giáo sư đại học, thế thì cộng với nhau thế nào được. Làm sao cộng một chiếc tủ lạnh với một cái nhà, một cái bàn hay bất cứ cái gì không cùng loại với nó,

Cứ tưởng anh Phạm Hải Vũ đã nắm được vấn đề lao động, té ra không phải.

Phải thiển cận lắm mới có thể cho rằng không thể cộng tủ lạnh với bàn, ghế… Xin thưa, chúng cộng với nhau ngon lành, và điều đó đang diễn ra hàng ngày. Chúng cộng được với nhau theo nhiều kiểu khác nhau, vì chúng có nhiều điểm chung.

Trong mắt công ty vận tải, tủ lạnh, bàn ghế v.v.. chỉ là những thể tích, những khối lượng cần chuyên chở. Họ cộng rất nhanh: tủ cộng bàn cộng ghế bằng 3 m3, hay 500 kg.

Trong mắt kế toán viên, những cái đó chỉ là những giá trị, và họ cộng còn nhanh hơn nữa: tủ cộng bàn cộng ghế bằng 500$.

Anh Phạm Hải Vũ có ý kiến gì không?

Lao động của con người cũng vậy. Chúng có hai mặt. Thứ nhất, đó là lao động cụ thể sáng tạo ra giá trị sử dụng. Lao động cụ thể phản ánh mặt chất của lao động, nó khiến lao động này khác với lao động khác về chất: lao động của người thợ may thì khác với lao động của người thợ xây. Đây là kết quả của việc phân công lao động, và xin lưu ý anh luôn: sự phân công lao động này không hề tạo ra giá trị như anh tưởng, mà chỉ tạo tiền đề cho quá trình trao đổi. Bởi lẽ người ta chỉ trao đổi những giá trị sử dụng khác nhau, chứ không trao đổi các giá trị sử dụng giống nhau, và cũng không trao đổi giá trị cho nhau. Hai người đổi cuốc và gà cho nhau, thì họ trao đổi các giá trị sử dụng, còn giá trị thì họ vẫn giữ lấy, có điều dưới hình thái vật thể khác. Còn trong lý thuyết về phân công lao động của A. Smith thì ông nghiên cứu cách thức tổ chức công việc sao cho đạt hiệu quả nhất, nhờ đó giảm chi phí tối đa, thu lợi nhuận siêu ngạch. Thu lợi nhuận siêu ngạch nhờ giảm chi phí cá biệt, và tạo ra giá trị, là hai cái khác nhau. Phân công lao động hợp lý không tạo ra giá trị, nhưng có thể mang lại lợi nhuận siêu ngạch cá biệt tạm thời.

Anh chỉ nhìn thấy cái mặt lao động cụ thể này nên mới cho là mọi loại lao động đều khác nhau. Nhưng chúng còn mặt thứ hai, là cái khiến chúng giống nhau.

Cái mặt thứ hai đó là lao động trừu tượng, tức là sự hao phí sức lao động, cơ bắp, thần kinh, tim óc…, chính là cái đã tạo ra giá trị. Lao động trừu tượng phản ánh mặt lượng. Về mặt này thì mọi loại lao động đều giống nhau về bản chất, chỉ khác nhau về số lượng. 1 giờ lao động phức tạp được tính bằng bội số của 1 giờ lao động giản đơn, và vì thế mọi loại lao động đều có thể quy về lao động giản đơn, và cộng với nhau ngon lành. Marx đã viết rất rõ: để cho việc nghiên cứu lý luận được đơn giản, từ đây mọi loại lao động đều được quy về lao động giản đơn (Tư bản, quyển I, phần I). Ví dụ: nếu Marx viết “chiếc áo này có giá trị tương đương 2 giờ lao động” thì có nghĩa là 2 giờ lao động giản đơn, mặc dù trong thực tế nó có thể do một thợ may siêu hạng làm ra trong 10 phút. 1 giờ lao động của công nhân cộng với 1 giờ lao động của giáo sư bằng 11 giờ lao động giản đơn. Tổng số giờ lao động của toàn xã hội cũng được cộng như thế.

Ai là người quy định đâu là lao động giản đơn, đâu là lao động phức tạp, đâu là cái tỷ lệ giữa lao động giản đơn với phức tạp? Xin thưa, không phải Marx, mà là xã hội. Xã hội đã làm điều đó hàng ngàn năm nay, và đang làm ngay trước mắt chúng ta, từng ngày từng giờ.

Mời anh Phạm Hải Vũ ghé thăm bất kỳ công ty nào, ngó qua cái bảng lương, sẽ thấy lao động được phân chia ra làm bao nhiêu loại. Lại mời anh ghé văn phòng luật sư để thấy người ta đánh giá 1 giờ ba hoa khoác lác của gã luật sư đáng giá bao nhiêu, gấp bao nhiêu lần 1 giờ lao động của em Oshin đáng yêu.

Xin lấy một ví dụ cụ thể, thực tiễn nhất. Tôi thuê một gã chủ thầu xây lại căn nhà nát. Gã đưa ra bảng chiết tính chi tiết: nguyên vật liệu từng này, thuê máy móc, giàn giáo chừng này, và chừng này công thợ, ngoài ra em xin tý chút uống cà-phê. Tôi hỏi: ông tính công thợ kiểu gì đấy? Gã bảo: dạ, em tính chính xác đấy ạ, ông bác cứ yên tâm. Này nhá, em dự trù xây trong 20 ngày, sử dụng 7 thợ phụ, 3 thợ chính. Thế thì hết 140 công thợ phụ và 60 công thợ chính. Mỗi công thợ chính em tính là 2 công thợ phụ bác ạ, theo ba-rem Nhà nước hẳn hoi nhá. Tổng cộng là 260 công thợ, nhân với 60 ngàn, thành số tiền này mà bác. Em mà tính gian với bác, bác cứ chặt đầu em đi.

Gã thầu này quá Trương Hán Siêu!

Thứ nhất, gã biết rằng tính chi phí xây nhà thì phải cộng chi phí vật tư, máy móc (gã không hề biết chúng có tên là tư bản bất biến) với công thợ (gã cũng không có khái niệm tư bản khả biến là gì). Gã cũng chả hiểu “giá trị của tư bản bất biến, tức lao động quá khứ, chuyển sang sản phẩm mới, nhập với giá trị mới do lao động sống của công nhân tạo ra, tạo thành giá trị của sản phẩm mới” là gì, nhưng gã làm đúng như vậy.

Thứ hai, gã biết rõ mười mươi rằng gã có 7 thợ phụ là loại lao động giản đơn, và 3 thợ chính, mỗi ngày làm việc của thợ chính được tính bằng hai thợ phụ. Dĩ nhiên gã làm điều đó mà chưa bao giờ đọc câu “lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn, là lao động giản đơn nhân bội lên” của một ông rậm râu tên là Marx. Anh Phạm Hải Vũ có thể thắc mắc, nhưng gã thì không, rằng lao động giản đơn của người thợ trộn vữa hay người thợ phụ cho thợ nước, thì đều coi như nhau, đều tương đương 60 ngàn một ngày. Và gã cộng lao động của họ, những lao động rất khác nhau theo cách nhìn của anh Phạm Hải Vũ: thợ phụ, thợ xây, thợ quét vôi, thợ điện, thợ nước… thành một con số chung trong nháy mắt.

Sao gã giỏi thế không biết, làm y như Marx viết?

Hơ hơ, chính ra là ngược lại. Không phải gã làm theo lời Marx, mà chính Marx đã quan sát những người như gã, rút ra từ thực tế cuộc sống những điều đó, dưới con mắt của nhà kinh tế học. Chúng trừu tượng, mù mịt, không giải đáp được những vấn đề cụ thể của cuộc sống chăng? Thật khó có thể nói thế.

Một gã chủ thầu còn biết làm điều đó, trong khi anh Phạm Hải Vũ nghiên cứu đủ thứ lý thuyết kinh tế lại không biết mới kỳ! Nhưng anh không biết là chuyện của anh, sao anh dám quả quyết là Marx cũng không biết nốt?

e. … sai lầm không cứu chữa, theo kiểu một nghìn người thời nguyên thuỷ làm việc trong một năm cũng tạo ra một lượng giá trị lớn bằng một nghìn người hiện đại làm việc trong một năm. Đơn giản vì ngay với giả thiết là một nghìn người này giống hệt nhau (như thể chui ra từ một khuôn đúc) thì con người hiện đại có trình độ, có kiến thức không thể tạo ra giá trị chỉ ngang với con người nguyên thuỷ ăn lông ở lỗ được.

Anh Phạm Hải Vũ vẫn không tài nào tách bạch được giá trị sử dụng với giá trị. Trong đầu anh hai thứ này luôn lẫn lộn làm một. Khi viết: “Một triệu người thời Tần Thuỷ Hoàng với những công cụ thô sơ lao động trong một năm cũng tạo ra lượng giá trị bằng đúng một triệu người thời nay với những công cụ hiện đại nhất”, thì tôi đã lưu ý: “Dù giá trị sử dụng do họ làm ra khác nhau một trời một vực”. Điều đó có nghĩa là: một người thời nay có thể sản xuất ra trong một năm lượng hàng hoá gấp một trăm lần một người thời xưa, nhưng chỉ là gấp 100 lần về giá trị sử dụng (100 tấn thóc so với 1 tấn thóc chẳng hạn), còn tổng giá trị của chúng, đo bằng thời gian lao động, thì bằng nhau.

Giả dụ có 3 người thời xưa, một người một ngày làm được 1 cái bàn, người thứ hai làm được một cái chum, người thứ ba đào được 1 gr vàng. Họ trao đổi với nhau theo tỷ lệ 1:1:1. Sau 2000 năm, một người giờ đây làm được 10 cái bàn, người thứ hai 10 cái chum, còn người thứ ba vẫn chỉ đào được 1 gr vàng một ngày. Bây giờ họ trao đổi với nhau theo tỷ lệ: 10:10:1. Giá trị của 1 chiếc bàn và 1 chiếc chum đã giảm đi 10 lần so với trước kia. Tổng giá trị hàng hoá của họ, trong cả hai trường hợp, đều là 3 gr vàng, nếu coi vàng là vật ngang giá chung. Nếu người thứ ba đào được 10 gr vàng một ngày, thì họ lại trao đổi theo tỷ lệ 1:1:1, nghĩa là giá trị của vàng bây giờ giảm đi 10 lần. Tổng giá trị hàng hoá của họ giờ là 30 gr vàng, nhưng chỉ bằng 3 gr vàng lúc trước.

Khi viết điều đó, tôi biết rất nhiều người không tin, vì thấy năng suất lao động, của cải xã hội ngày càng tăng. Nhưng đó chỉ là tăng về giá trị sử dụng.

Cách đây vài năm, trong một buổi nói chuyện về lịch sử phát triển kinh tế thế giới tại toà soạn Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, có đưa ra dữ kiện: cách đây 1500 – 2000 năm gì đó (không nhớ chính xác, nhưng đại loại là rất xưa), GDP đầu người của Trung Quốc thời đó bằng Trung Quốc cách đây hai chục năm. Dù Trung Quốc có tụt hậu đến mấy thì sức sản xuất ở những năm 80 thế kỷ trước cũng phải cao gấp nhiều chục lần sức sản xuất thời Hán - Đường. Điều đó nói lên cái gì?

Lại có một hiện thực khác đáng suy nghĩ. Ai cũng nói thời buổi này khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, năng suất lao động tăng chóng mặt, rằng tri thức, công nghệ mới tạo ra nhiều giá trị, chứ lao động là thứ vớ vẩn. Và ai cũng biết chính những nước phát triển nhất là những nước có ưu thế vượt trội về những điểm đó so với các nước kém phát triển. Câu hỏi là: nếu cái gì cũng như tăng như vũ bão, nếu công nghệ, tri thức tạo ra nhiều giá trị thế, thì tại sao tốc độ tăng trưởng GDP của các nước đó lại thảm hại đến vậy, có một vài % / năm? Lẽ ra bèo lắm cũng phải vài chục % chứ?

Xem ra chính khoa thống kê phương Tây lại đang áp dụng chuẩn xác lý thuyết giá trị của Marx trong việc tính tổng giá trị mới tạo ra trong một năm.

Suy ngẫm về điều đó, sẽ thấy câu nói trên có thực sự điên rồ, phi lý hay không.

Nhân tiện, cách đây nửa thế kỷ, kinh tế gia John Strachey trong cuốn Chủ nghĩa tư bản hiện đại khi tìm cách phê phán lý thuyết lao động về giá trị cũng đã đi đến kết luận tương tự về tổng giá trị sản phẩm xã hội, và dĩ nhiên là rất thắc mắc, vì thấy nó có vẻ vô lý quá.

f. Anh Phạm Hải Vũ đưa ra ví dụ: một chú khùng nào đó chẻ giường làm củi. Anh đã biết câu trả lời, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cố tưởng tượng ra một xã hội toàn người điên như thế và hỏi: "Nếu không phải một người bị điên, mà là cả một xã hội bị điên thì chúng ta làm thế nào?"

Có hai cách trả lời. Cách thứ nhất, theo kiểu kinh tế học: nền sản xuất của cái xã hội điên đó không phải là kinh tế thị trường, vì thế chả dính dáng gì đến vấn đề chúng ta đang bàn. Trung Quốc tuy có lúc cũng khùng thật, nhưng cũng không đến nỗi như anh tưởng tượng, và họ nhanh chóng nhận ra sự điên khùng đó.

Cách thứ hai, theo kiểu tâm thần học: nếu ai lấy hành vi của người điên ra hạch sách người tỉnh, thì chính người đó có vấn đề về tâm thần, hay nói theo kiểu người Nga là “thằng cha này thiếu mẹ nó một con ốc trong đầu”. Marx xúi người ta chẻ giường làm củi bao giờ?

g. Sự chuyển dịch từ nấc thang này sang nấc thang kia là những cú nhảy cóc, được hình thành nhờ quy luật triết học "lượng đổi thành chất".

Rất may cho anh Phạm Hải Vũ là Engels đã chết từ lâu! Ông Dühring xưa kia, viết một câu tương tự, rằng “theo Marx thì theo quy luật của Hegel, lượng biến thành chất, cho nên một khoản tiền ứng trước khi đạt đến một giới hạn nào đó… thì trở thành tư bản ”, đã bị Engels chửi cho té tát là đã dốt còn nói lăng nhăng.

Nếu anh Phạm Hải Vũ muốn biết vì sao mình viết đúng tinh thần marxist như thế mà lại suýt bị chửi là dốt, thì anh chịu khó tìm đoạn đó trong “Chống Duhring” sẽ thấy. Mấy chữ được in đậm là có chủ ý.

h. Marx không nhìn cụ thể vào sự đa dạng của sản phẩm. Marx coi sản phẩm là một khái niệm đơn giản (nhất là khi ông phân tích đơn thuần các sản phẩm công nghiệp cách đây 150 năm được sản xuất trên sự rập khuôn quy mô): con dao là con dao, cái búa là cái búa; mà không thấy rằng chỉ cần thay đổi một chút xíu thông số là một sản phẩm sẽ biến ngay thành một sản phẩm khác. Mà đã như thế thì làm sao có thể xác định được thời gian trung bình cần thiết cho sản xuất.

Nếu anh Phạm Hải Vũ đã không biết chắc Marx biết cái gì và không biết cái gì, thì xin đừng bịa đặt một cách thô thiển. Làm sao anh biết Marx không nhìn vào sự đa dạng của sản phẩm, không thấy rằng chỉ cần thay đổi chút xíu thông số là một sản phẩm sẽ biến ngay thành một sản phẩm khác? Dẫn chứng ư, có ngay: khi xem xét vấn đề chuyên môn hoá lao động, Marx dẫn tư liệu cho thấy chỉ riêng ở thành phố Birmingham người ta đã sản xuất ra hơn 500 loại búa khác nhau, phục vụ cho những công việc khác nhau (Tư bản, q. 1, chương XII).

Tiếp nữa, sự đa dạng về hình thức, chức năng của sản phẩm không phải là yếu tố quyết định giá trị của hàng hoá. Chỉ có chi phí lao động làm ra chúng mới ảnh hưởng đến giá trị. Con dao này đắt hơn con dao khác không phải vì nó cong còn chiếc kia thẳng, mà tuỳ thuộc vào chi phí sản xuất chúng. Người sản xuất nào cũng biết rõ điều này.

i. Sự đa dạng của sản phẩm và công nghệ ngày hôm nay cho chúng ta thấy rõ việc đo giá trị bằng thời gian lao động trung bình cần thiết là một việc bất khả thi. Bạn muốn mua máy ảnh kỹ thuật số ư? Canon, Nikon, Pentax, Olympus hay Sony? Vi xử lý cỡ nào, APS hay full-frame? Độ phân giải bao nhiêu? Ống kính gì? Sản xuất tại Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc?… Chỉ mới thế thôi mà chúng ta đã thấy có cả trăm sản phẩm khác nhau, để phân biệt còn khó huống hồ tính thời gian xã hội trung bình cần thiết. Ngay một con dao thông thường cũng có đến n thông số cần quan tâm: độ dài, độ sắc, độ cứng, độ bền, độ tiện dụng, cân nặng, thẩm mỹ… Một nhà sản xuất lớn (lớn đủ để thay đổi mức trung bình xã hội) có thể cho ra hàng trăm mẫu dao khác nhau có giá bán dao động từ 1 USD đến 1000 USD. Theo lý thuyết của Marx, các con dao này hẳn phải có cùng giá trị bởi vì chúng chui ra từ cùng một dây chuyền máy được điều khiển bởi một công nhân duy nhất.

Cái đoạn dài dòng trên đây là anh Phạm Hải Vũ nhìn sản phẩm từ con mắt của người tiêu dùng. Còn nhà sản xuất biết hết sức chính xác mỗi model đòi hỏi chi phí bao nhiêu, từ đó họ xây dựng bảng giá tương ứng. Cái câu cuối cùng thì hoàn toàn vớ vẩn: chả có Marx nào nghĩ thế, chỉ có Phạm Hải Vũ mới nghĩ thế.

j. Cuối cùng, mô hình lý thuyết của Marx hoàn toàn không xử lý đến thông tin về sản phẩm. Người mua và người bán làm thế nào mà trao đổi với nhau được nếu họ không có tiếng nói chung về lượng lao động xã hội cần thiết? Nếu không đồng thuận thì họ không thể trao đổi với nhau à? Marx cho rằng một người đổi một cái cuốc lấy một con gà là vì anh ta cho rằng lượng lao động xã hội cần thiết làm ra một cái cuốc tương đương với lượng lao động cần thiết để nuôi một con gà. Marx "quên" không nghĩ rằng để chuyện này xảy ra, người ta cần phải biết 2 thông tin: a. cần bao nhiêu lao động để làm ra cuốc, b. cần bao nhiêu lao động để làm ra gà. Nhìn từ góc độ xã hội, người ta không thể ước lượng được mối tương quan cuốc - gà này trên cơ sở lao động, bởi vì nếu không phải cuốc hay gà mà là một thứ sản phẩm phức tạp như TV plasma, ô-tô động cơ 4 kỳ, hay tàu thuỷ… thì ngay chính người sản xuất cũng chẳng thể biết được đã có bao nhiêu lao động kết tinh trong sản phẩm của mình, huống hồ là đi so sánh với mức lao động trong một sản phẩm khác.

Marx không lập ra mô hình kinh tế nào hết, xin thưa với anh. Anh quen với đủ các loại mô hình này nọ, nên tưởng Marx cũng thế. Marx chả việc gì phải đề ra cách xử lý thông tin – đó là việc của xã hội. Mà xã hội thì biết rõ: không có gì đơn giản hơn. Mỗi người sản xuất đều biết rõ thông tin về sản phẩm của mình. Vấn đề chỉ là: làm sao người nuôi gà biết được thông tin sản xuất cuốc và ngược lại?

Chỉ cần quan sát cách thức người ta giao dịch trên thị trường, và động não một chút, sẽ có ngay câu trả lời vấn đề khiến anh Bình Nguyên Định phân vân, còn anh Phạm Hải Vũ khẳng định như đinh đóng cột là Marx chả có cửa nào giải đáp. Nó được Marx trình bày chi tiết trong chương X, Tư bản quyển III có nhắc ở trên, chắc anh Bình Nguyên Định chưa có thời gian đọc tới. Nó như thế này.

Không người tiêu dùng nào biết được chi phí sản xuất ra một hàng hoá nào đó là bao nhiêu, chỉ có nhà sản xuất mới biết. Nếu theo đúng lý thuyết về bất đối xứng thông tin thì người tiêu dùng cả đời chịu thiệt chăng? Rất may là không có chuyện đó, nhờ cơ chế cạnh tranh.

Giả dụ, ai đó làm ra cái nồi với chi phí sản xuất là 10 giờ lao động. Mang ra chợ, anh ta thoạt tiên bán nó với giá 15 giờ lao động. Nếu chỉ có mình anh ta bán nồi thì có khi anh ta bán được giá đó thật. Nhưng ở đây chúng ta giả định một nền sản xuất hàng hoá, trong đó có nhiều người làm nồi, nhiều người mua nồi, và việc sản xuất, mua bán nồi diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Người ta sản xuất nồi với những chi phí khác nhau: 9, 10, 11, 12, 13 giờ lao động. Người mua sẽ không mua ngay, mà dọ giá chán chê. Thấy không bán được với giá 15 giờ, anh thợ nồi bắt đầu run, bèn giảm xuống 14 giờ. Thế là chết rồi. Người mua thấy thế, càng không chịu mua vội, mà mang cái giá đó đi ép các chú thợ nồi khác. Chú nào cũng nghĩ: mình mà không giảm thêm chút nữa thì thằng khác bán tranh của mình, có mà mang nồi về chụp lên đầu vợ!

Cứ như thế, chính sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, và sự gìn giứ của người mua, đã đẩy giá xuống một mức nào đó, tại đó đại đa số người bán không chịu giảm giá nữa, ví dụ 11 giờ. Đó chính là giá trị trung bình, hay lượng lao động xã hội cần thiết. Hẳn đã rõ vì sao lý thuyết giá trị của Marx nói rằng mặc dù mỗi người sản xuất cá biệt đều biết rõ chi phí lao động cá biệt, nhưng chỉ trên thị trường mới xác định được cái chi phí lao động xã hội trung bình, thông qua vô số giao dịch, trao đổi. Nhưng điều quan trọng là: người ta không giao dịch một cách vu vơ, mà có một cái tâm sức hút, chính là con số trung bình của tổng số các chi phí lao động cá biệt. Trong ví dụ trên, người bán và người mua không giao dịch loanh quanh cái giá 100 giờ, hay 1 giờ chẳng hạn, mà loanh quanh ở mức 10 – 12 giờ. Sự khác biệt giữa lý thuyết lao động về giá trị và các lý thuyết giá trị khác chính ở chỗ này. Các lý thuyết khác bất quá chỉ bổ sung cho lý thuyết lao động về giá trị, góp phần lý giải sự dao động của giá cả xung quanh giá trị trung bình.

Ta thấy ở đây đã có những mầm mống đầu tiên của lý thuyết trò chơi. Nếu tất cả các chú bán nồi đều đồng lòng giữ giá cao thì tất cả được lợi. Nhưng các chú không làm thế, các chú chả ai tin ai, chú nào cũng chỉ nghĩ đến mình và đều nghĩ bọn khác cũng sẽ làm thế, nên mình phải nhanh chân làm trước.

k. Có lẽ chẳng cần phải đi vào chi tiết thế nào là ích dụng cận biên (marginal utility) vì mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nói đơn giản, tôi đổi một cái cuốc lấy một con gà chẳng phải vì tôi quan tâm đến chuyện làm cuốc dễ hơn hay khó hơn nuôi gà, mà là vì tôi có cuốc và tôi thèm ăn thịt gà. Nếu tôi đói thì dù có phải đổi 2 cái cuốc tôi cũng đổi, còn nếu tôi đã ăn no thịt gà rồi thì chẳng có lý do gì để tôi bán cuốc lấy gà.

Nếu chiếc cuốc của anh Phạm Hải Vũ là do anh thèm thịt gà chôm của nhà đi bán, thì xin chấm dứt câu chuyện, vì anh hoàn toàn không hiểu đối tượng nghiên cứu của khoa kinh tế chính trị học.

Còn nếu chiếc cuốc đó là 1 trong số 100 chiếc cuốc do xưởng cuốc của anh làm ra, còn con gà kia là của một chủ trại gà mang đi bán, thì xin hỏi: dựa vào đâu anh và người kia đồng ý đổi 1 cái cuốc lấy 1 con gà? Tại sao không phải 10 cái cuốc lấy 1 con gà, hay 1 cái cuốc lấy 10 con gà?

Phải chăng cái sự thèm thịt gà của anh, và sự cần phải có chiếc cuốc của người kia, là ngang nhau nên mới có tỷ lệ trao đổi đó? Nếu anh thèm gấp đôi gã kia thì tỷ lệ là 2 cuốc 1 gà? Vậy thì, làm sao so sánh những sự thèm muốn rất khác nhau đó - điều mà anh luôn công kích? Muốn so sánh thì phải có cái gì đó chung, và phải có thước đo; những cái đó ở đây là gì? So sánh lượng nước dãi chảy ra chăng?

Dĩ nhiên chả có ông chủ xưởng cuốc hay ông chủ trại gà nào nghĩ và hành động ngô nghê như thế. Dù không thèm gì hết, họ vẫn phải mang hàng đi bán để tiếp tục tái sản xuất. Và đã mua bán là phải theo giá nhất định, cùng lắm xê dịch chút xíu.

Cái lập luận này của anh là kiểu nói lấy được, bất chấp lý lẽ, bất chấp thực tế. Tôi dám cá, 10 ăn 1, rằng nếu anh mà mang cái lý thuyết đó ra chợ, thì chắc chắn anh sẽ mua được con gà giá gấp đôi giá bình thường (và mụ bán gà sẽ cười sau lưng anh. Đúng là đàn bà, chả hiểu gì về lý thuyết ma giơ nô iu ti li ti cả). Và cũng chắc chắn không kém, rằng anh sẽ bị chính mụ bán gà đó nhìn như nhìn một người điên, nếu anh đòi mua gà giá bằng nửa giá chợ chỉ vì anh ngán ăn gà lắm rồi!

À quên, nếu mụ bán gà kia cũng là đệ tử trung thành của thuyết ma giơ nô iu ti li ti, thì có khi mụ bán rẻ cho anh chưa biết chừng.

l. Một lý thuyết đúng thì nó phải đúng trong mọi trường hợp. Làm gì có lý thuyết nào bị chỉ ra sai trong trường hợp cá biệt, mà lại đúng trong trường hợp được gọi là tổng quan?

Lý thuyết cơ học Newton đúng trong mọi trường hợp chăng? Lý thuyết kinh tế của Keynes, Friedman đúng trong mọi trường hợp chăng? Hay là trái lại, chúng cũng chỉ đúng trong một phạm vi nhất định? Anh Phạm Hải Vũ thử chỉ ra một lý thuyết đúng trong mọi trường hợp, không có cá biệt, xem sao!

Lý thuyết giá trị của Marx không hề suy yếu chỉ vì những trường hợp cá biệt. Trái lại, chính nó ngay từ đầu đã chỉ ra những trường hợp đó, và thậm chí còn giải thích vì sao chúng lại không tuân theo quy luật như đại đa số các trường hợp khác. Nó phản ánh rất trung thực cuộc sống. Rất dễ hiểu: lý thuyết này xuất phát từ cuộc sống, từ thực tiễn, chứ không phải là sản phẩm thuần tuý tư biện của các nhà bác học ngồi trong phòng nghiên cứu. Thực tiễn thế nào thì lý thuyết phản ánh thế ấy, vậy thôi.
m. Muốn giải thích đâu là cơ sở trao đổi hàng hoá, Marx cho rằng con người so sánh lao động kết tinh trong mỗi sản phẩm. Đây là sai lầm nặng nề nhất, phủ nhận hoàn toàn lý thuyết. Marx không chấp nhận đánh giá giá trị thông qua trao đổi bằng tiền, nhưng lại đề xuất đánh giá thông qua trao đổi bằng lao động, một việc hoàn toàn giống hệt về bản chất, chỉ khác về đơn vị đo.
Thú thực, cái đoạn trên đây hết sức tối tăm, lủng củng, không hiểu anh Phạm Hải Vũ muốn nói cái gì. Nếu anh cho rằng đánh giá giá trị thông qua trao đổi bằng tiền hay bằng lao động thì đều giống nhau về bản chất, chỉ khác về đơn vị đo, thì tại sao anh lại khẳng định việc so sánh lao động kết tinh trong sản phẩm là sai lầm nặng nề nhất, phủ nhận hoàn toàn lý thuyết? Không thể hiểu nổi, ai biết xin chỉ giùm.

Tiếp nữa, anh căn cứ vào đâu mà dám nói rằng Marx không chấp nhận đánh giá giá trị thông qua trao đổi bằng tiền?

Thì đây, ngay đầu chương III, quyển I, nói về tiền tệ, Marx viết rõ rành rành:

Tiền - thước đo giá trị.

Chức năng thứ nhất của vàng là đem lại cho thế giới hàng hoá một vật liệu để biểu hiện giá trị, tức là để biểu hiện giá trị của các hàng hoá thành những đại lượng có cùng một tên gọi, giống nhau về chất và có thể so sánh với nhau về lượng. Vậy là vàng làm chức năng thước đo giá trị phổ biến, và chính do chức năng đó mà vàng - thứ hàng hoá ngang giá đặc biệt đó – đã trở thành tiền.

Không phải tiền làm cho các hàng hoá có thể cùng đo chung được. Trái lại. Chính vì tất cả các hàng hoá với tư cách là những giá trị đều là lao động của con người đã vật thể hoá, và do đó, tự bản thân chúng đã có thể đo chung được, chính vì thế mà tất cả chúng đều có thể đo lường giá trị của chúng bằng cùng một thứ hàng hoá đặc biệt, và do đó, đã biến thứ hàng hoá đặc biệt ấy thành một thước đo giá trị chung, nghĩa là thành tiền. Với tư cách là thước đo giá trị, tiền là hình thái thể hiện tất yếu của cái thước đo giá trị nội tại của các hàng hoá - thời gian lao động” (Tư bản, quyển I, tập 1, tr. 181, NXB Sự Thật, 1976).

Nếu anh vẫn chưa hiểu ra vấn đề, thì đây, Engels giải thích rõ hơn nữa:

Khi tôi nói một hàng hoá nào đó có một giá trị nhất định là bao nhiêu đó, tức là tôi khẳng định rằng: 1. hàng hoá đó là một sản phẩm có ích về mặt xã hội; 2. nó đã do một tư nhân làm ra…; 3. mặc dầu nó là sản phẩm của một lao động tư nhân, nhưng đồng thời – và dường như người sản xuất không hay biết hoặc không muốn biết điều ấy – nó cũng lại là sản phẩm của lao động xã hội, hơn nữa lại là sản phẩm của một số lượng nhất định của lao động xã hội, được xác định thông qua con đường xã hội, tức là thông qua sự trao đổi; 4. tôi không biểu hiện số lượng đó bằng chính ngay lao động, bằng bao nhiêu giờ lao động đó, mà bằng một hàng hoá khác. Do đó, nếu tôi nói: chiếc đồng hồ này có giá trị bằng tấm dạ kia, và mỗi thứ đều trị giá là 50 mác, thì như thế tức là tôi nói: chiếc đồng hồ, tấm dạ, và số tiền ấy đều mang trong bản thân chúng nó một số lượng lao động xã hội ngang nhau. Như vậy là tôi đã xác nhận rằng thời gian lao động xã hội biểu hiện trong những thứ đó đã được đo lường về mặt xã hội và đã được coi là ngang nhau. Nhưng thời gian đó không phải được đo một cách trực tiếp, một cách tuyệt đối, như người ta vẫn đo thời gian lao động trong những trường hợp khác, bằng giờ lao động, hay ngày lao động v.v…; nó đã được đo bằng một con đường vòng, thông qua trao đổi, một cách tương đối.

Nhưng khi sản xuất và trao đổi hàng hoá bắt buộc xã hội phải đi theo con đường vòng ấy, thì chúng cũng bắt buộc xã hội phải hết sức rút ngắn con đường vòng ấy lại. Trong đám hàng hoá dân đen thông thường, sản xuất và trao đổi tách riêng ra một thứ hàng hoá vương giả, trong đó giá trị của tất cả hàng hoá khác đều có thể biểu hiện được một cách rất dứt khoát - một thứ hàng hóa được coi là hiện thân trực tiếp của lao động xã hội, có thể trao đổi trực tiếp và vô điều kiện với tất cả mọi hàng hoá khác: thứ hàng hoá ấy là tiền.” (Engels, Chống Dühring, Marx-Engels tuyển tập, tập V, tr. 434).

Nói thế thôi, vị tất anh Phạm Hải Vũ đã hiểu Engels viết gì.

Chắc anh đang nghĩ: Rõ rành rành lúc trước viết rằng giá cả xoay quanh giá trị, giờ lại bảo không phải thế, mà xoay quanh cái gì đó khác. Rõ rành rành lúc trước bảo rằng lao động là thước đo giá trị, giá trị đo bằng thời gian lao động, giờ lại quay ngoắt bảo rằng thời gian lao động không được đo một cách trực tiếp, mà đo vòng vèo gì đó, rằng tiền mới là thước đo giá trị, giá trị đo bằng tiền.

Xin giải thích một cách nôm na cho dễ hiểu.

Phương pháp nghiên cứu của Marx là đi từ thực tiễn đến tư duy trừu tượng để nắm được bản chất vấn đề, sau đó lại đi ngược từ cái cốt lõi trừu tượng đó về hiện thực cụ thể, sinh động, nhưng lúc này với cái nhìn đã hoàn toàn khác trước. Hiển nhiên Marx xuất phát từ việc con người đo lường giá trị hàng hoá bằng tiền, và Marx chả hề phản đối điều đó, hay đòi áp đặt một thước đo khác (hoạ có mà điên). Vấn đề chỉ là: tìm hiểu xem tại sao giá trị của một hàng hoá nào đó lại đúng bằng chừng ấy chứ không phải chừng khác. Lý giải theo kiểu ma-gi-nô iu-ti-li-ti: giá bằng chừng đó là vì người mua với người bán thoả thuận với nhau là chừng đó! – thì cũng như không. Phải chỉ rõ: thoả thuận trên cơ sở vật chất nào?

Sau một hồi phân tích trừu tượng, Marx tìm ra cái thực thể của giá trị, là lao động kết tinh trong hàng hoá. Bây giờ Marx mới đi ngược lại, phân tích xem trên thực tế thì cái lao động đó được thể hiện ra bên ngoài, được đo lường như thế nào, và thấy rằng: trải qua hàng trăm năm, từ chỗ người ta trao đổi trực tiếp vật lấy vật, dần dần người ta nghĩ ra cách tìm một hàng hoá làm vật ngang giá chung để biểu hiện giá trị của mọi hàng hoá. Vật ngang giá chung có thể là trâu, bò, cồng chiêng v.v…

 
  • Con trâu này của em bằng 5 cái chiêng núm đấy bác ạ…
     
  • À, còn cái vòng bạc này của tôi bằng 1 cái chiêng núm thôi…
     
  • Thế ra con trâu của em bằng 5 cái vòng của bác, nhể…
     

Cuối cùng, vật ngang giá chung được chốt lại ở vàng, vì nó có một loạt ưu điểm: bền vững, chất lượng đồng nhất, dễ chia nhỏ thành các đại lượng đều nhau, rất là tiện lợi. Vàng trở thành tiền. Dùng mãi thành quen, bây giờ nói đến giá trị của một vật là quy ngay ra tiền (gã chủ thầu nói trên cũng quy mọi thứ ra tiền rất nhanh. Nói 60 ngàn thì hiểu ngay, chứ nói một công thợ thì ai mà hiểu được là nhiều hay ít). Dùng tiền làm thước đo giá trị thì đơn giản, dễ hình dung hơn là đo cái lượng lao động trừu tượng kia.

Xin lấy một ví dụ trong vật lý học để so sánh.

Cái gì khiến cho một vật nóng nhiều hay nóng ít? Câu trả lời thường là: do nhiệt độ của vật. Nói vậy là ngược. Một vật có nhiệt độ cao hay thấp là do nó nóng nhiều hay ít, chứ không phải ngược lại. Nhiệt độ chỉ là thước đo mức độ nóng của một vật. Vậy thì cái gì mới thực sự quyết định sức nóng của một vật?

Theo vật lý học thì sức nóng của một vật do sự chuyển động của các phân tử của nó quyết định. Sức nóng chẳng qua chỉ là cái biểu hiện ra bên ngoài của sự chuyển động bên trong của các phân tử. Sự chuyển động này được đo lường bằng tốc độ chuyển động của phân tử, ví dụ km/s.

Về bản chất là thế, nhưng trên thực tế chả ai đi đo cái tốc độ đó cả - đo thế nào được. Người ta đo bằng cách khác, một cách gián tiếp, gọi là đo nhiệt độ của vật. Đơn vị đo là độ bách phân chẳng hạn. Nhìn vào cột thuỷ ngân của nhiệt kế người ta biết được một cách tương đối sức nóng của vật, cũng chính là biết một cách tương đối về tốc độ di chuyển của phân tử.

Vậy thì vấn đề giá trị cũng thế. Lao động biểu hiện ra bên ngoài thành giá trị, là cái người ta cảm nhận được rất rõ khi ra chợ (giống như sự chuyển động của phân tử biểu hiện ra bên ngoài thành sức nóng, là cái người ta cảm nhận được). Giá trị đo bằng tiền, giống như sức nóng đo bằng nhiệt độ. Người ta không nói: cái áo này chứa 3 giờ lao động, mà nói: nó có giá trị 3$, bằng giá trị của cái quần kia, cũng như không ai nói: phân tử vật này chuyển động với tốc độ … km/s, mà nói: nhiệt độ của nó là 100 độ C, ngang với nước sôi, đừng có mó vào bỏng tay! Suy cho cùng, người ta chủ yếu muốn biết tỷ lệ trao đổi giữa các hàng hoá là bao nhiêu, muốn thế chỉ cần nhìn vào giá của chúng là biết, cũng như người ta chủ yếu chỉ cần biết nhiệt độ của một vật là cao hay thấp so với nước sôi chẳng hạn để mà dè chừng. Đo một cách gián tiếp là đủ.


Đoạn áp kết

Không biết trong những người phản đối lý thuyết lao động về giá trị, có ai đang làm kinh doanh không? Bản thân người viết đang trực tiếp làm kinh doanh, nên phải thường xuyên mặc cả (ngôn ngữ sang trọng gọi là đàm phán) với các nhà cung cấp. Cái lũ suppliers đấy, chúng chỉ nhăm nhăm bóp hầu bóp họng người ta!

Dưới đây là mẩu đối thoại cách đây hai hôm:
 
  • Sao mẫu túi nhôm có đáy này đắt hơn túi ba biên nhiều thế chú?
     
  • Dạ, báo cáo anh, mẫu này của anh phức tạp, làm tốn công hơn, nên giá đắt hơn tý chút anh ạ (lại tý chút, lúc nào cũng chỉ tý chút, cái lũ hút máu người ấy!).
     
Ơ, mà nó vừa nói cái gì ấy nhỉ?

TỐN CÔNG HƠN, NÊN GIÁ ĐẮT HƠN (tý chút)!

Có còn câu nào diễn đạt tinh thần của lý thuyết lao động về giá trị một cách ngắn gọn, đơn giản, rõ ràng, chính xác hơn nữa không!


Đoạn kết

Người viết có hai thắc mắc nhỏ xíu nhân cuộc tranh luận này.

Thứ nhất, một số vị chân thành khuyên người viết nên đọc thêm các tác giả khác như Hayek, Popper, G. Orwell, rồi các lý thuyết kinh tế khác, chứ đọc mãi Marx thì chán lắm. Tôi ngạc nhiên lắm cơ: dựa vào đâu mà các vị đó biết được rằng tôi chưa đọc mấy ông kia? Tôi nhớ rằng mình chưa hề viết dòng nào về mấy ông đó, không như các vị hăng say viết về Marx, vậy làm sao các vị biết được nhỉ? Chịu, nghĩ nát óc cũng không ra.

Thứ hai, có vị nào dám nhảy lên diễn đàn talawas mà tuyên bố rằng: Tôi đây không thèm đọc Hegel, Kant, J. S. Mill v.v…, nhưng vẫn có thể phê phán mấy ông đó dễ ợt! Rằng chỉ cần nhìn mấy con khỉ đu cây là đủ thấy Kant viết nhố nhăng! Rằng mấy ông đó chỉ nhăm nhe chơi trò chữ nghĩa, câu cú tối tăm bí hiểm! Rằng chỉ có bọn mọt sách muốn làm triết gia mới đọc! Rằng mấy ông đó chết lâu lắm rồi, thế giới đã vượt qua từ lâu lắm rồi, còn lôi ra nghiên cứu bàn luận làm cái gì!

Rất mong được giải đáp, xin cám ơn và hậu tạ.

© 2007 talawas