FB Tâm Chánh 28-4-17
Thử phán đoán cục diện chính trị sau kỉ luật Đinh La Thăng
Tâm Chánh
Chỉ xét về tương quan lực lượng, trong vụ xử lý kỉ luật ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, có người gần như khấn niệm đừng để tái diễn tình trạng như hồi bày binh bố trận xử lý ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Đinh La Thăng, người luôn xuất hiện nổi bật trên chinh trường, đang ở trong quá trình bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến các hoạt động tồi tệ của tập đoàn Dầu khí, thời ông ấy làm chủ tịch. Nghe nói, ông Thăng cũng bị xem xét trách nhiệm liên quan đến những khoản lại quả dự án đã thành thông lệ ở bộ Giao thông, khi chính phủ thời Thủ tương Nguyễn Tấn Dũng cho nở rộ "phong trào" BOT và chinh sách chỉ định thầu. Ông Thăng được giới thiệu và trúng cử vào vị trí uỷ viên Bộ chính trị vào phút chót. Giới thạo tin mô tả ông là một ứng viên trực tiếp cho chiếc ghế phó Thủ tướng đương nhiệm, là nhân sự chuẩn bị cho vị trí Thủ tướng nhiệm kì mới. Nhưng bất ngờ, ông Thăng bị điều động vào giữ vị trí bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, một lò cung cấp các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất cua đảng. Khác với những đồn đoán, ông Đinh La Thăng không một chút bỡ ngỡ ở một đảng bộ đến con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc dó đương nhiệm) cũng không trúng cử tham gia thành ủy và đoàn đại biểu đảng bộ TP dự đại hội đảng toàn quốc. Mới nhận phân công, ông Thăng liên tục có những chuyến công tác cơ sở với những phát ngôn phê bình cấp dưới làm hả dạ người dân, đưa ra những chỉ thị trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc ách tắc cụ thể, để lại ấn tượng về một nhà lãnh đạo năng động, dám làm, dám chịu. Nhưng rồi chiếc bảng số xe công quá tiêu chuẩn phó chủ tịch của ông Trịnh Xuân Thanh, một "đàn em" thân tín của Đinh La Thăng, trở thành chủ đề sôi nổi của báo chí. Truyền thông mạng, trên trang facebook của Huy Đức, đã gây không ngớt ngạc nhiên khi đơn độc phanh phui các chứng cứ liên quan đến trách nhiệm của Đinh La Thăng từ các bê bối ở tập đoàn Dầu khí. Một tiến trình kiểm điểm làm rõ các nội dung này được Uỷ ban Kiểm tra TƯ khởi động. Chưa rõ kết luận của UBKT như thế nào nhưng được biết thường vụ thành uỷ TPHCM đã thực hiện qui trình xử lí cán bộ dựa trên tự kiểm điểm của ông Đinh La Thăng. Kết quả có thể là một bất ngờ đối với ông Nguyễn Phú Trọng khi điều động ông Thăng vào đứng đầu lãnh đạo TPHCM. Có đến hơn 1/3 ủy viên thường vụ không nhất trí với kiểm điểm và tự nhận kỉ luật ở mức khiển trách mà đề nghị không áp dụng hình thức kỉ luật với ông Thăng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang phóng to hết cỡ hy vọng của "toàn đảng, toàn dân" vào lý lich liêm khiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trong trường hợp kỉ luật Đinh La Thăng vẫn dẫn đến hai phán đoán có thể cá cược, liệu đảng có kỉ luật được một thành viên Bộ chinh trị? Một là, kịch bản xử lí Nguyễn Tấn Dũng tái diễn. Uỷ viên Bộ chinh trị Đinh La Thăng do TƯ bầu, nên cấp kỉ luật là TƯ, mặc dù Bộ chinh trị đã đề nghị mức cảnh cáo, nhưng TƯ lại bỏ phiếu đa số không áp dụng hình thức kỉ luật. Hai là, TƯ nhất trí đa số với đề nghị của Bộ chinh trị. Khả năng thứ ba, Bộ chinh trị đề nghị kỉ luật cảnh cáo, nhưng TƯ hạ bậc kỉ luật, chỉ khiển trách Đinh La Thăng. Cả ba khả năng đều xuất phát từ mong muốn của "người trong cuộc", trị liệu tham nhũng được coi là mục tiêu chính trị số 1, mọi cải cách đều không thể thành công nếu không có bộ máy quản trị quốc gia sạch. Lược giản sơ đồ xã hội đồng qui trong quan điểm này, có thể thấy, với khả năng thứ nhất, "một bộ phận không nhỏ" trong đảng đang trở thành "một bộ phận đa số" điều khiển đảng và đất nước. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đánh dấu thất bại bằng kết quả phân liệt trong đảng. Bộ chinh trị tiếp tục phân hoá, hay nói cách khác, sẽ bộc lộ công khai sự phân hoá vốn có trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Cục diện chinh trị sẽ dẫn đến tình trạng một Trung ương đa lãnh đạo. Xu hướng này sẽ có thể hoàn tất tiến trình phân liệt trong đảng bằng lật đổ, đảo chính. Cần phải lưu ý vai trò các cựu thần trong đảng sẽ trở nên một lực lượng xã hội có tác động rất lớn tới cục diện. Nhiều khả năng các nguyên lão sẽ tái xuất chính trường. Nhưng đảng ở tiến trình này luôn neo giữ cuộc chiến quyền lực trong phạm vi cuộc đấu tranh nội bộ. Chống tham nhũng bị kềm tỏa bằng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đảng không phân liệt theo hướng đổi mới, cải cách hay không, mà chủ yếu, theo cục diện quyền uy của một số lãnh đạo. Nguyên tắc đồng thuận giả vờ, bằng mặt không bằng lòng, sẽ được thay thế bằng cơ chế chính trị phụ thuộc vào thế lực cụ thể của các nhà lãnh đạo. Bằng diễn đạt của dân gian, cuộc chiến nội bộ của đảng sẽ lôi kéo lực lượng xã hội chủ yếu theo hai nhận dạng, "ăn" và "ăn mà làm". Gần như người ta đã tập dượt cuộc đấu tố khốc liệt dưới hình thức "phê bình và tự phê bình" này. Trận địa truyền thông dường như đã được bày binh bố trận, nếu nhìn vào cái gọi là qui hoạch báo chí và bố trí nhân sự ở các cơ quan báo chí. Các mục tiêu đổi mới, dân chủ chưa tạo ra lực lượng chinh trị của minh, nên chưa được viện đến trong cuộc đấu quyền lực này trong đảng. Có thể manh nha từ chính cuộc đấu tranh nội bộ này, hình thành lực lượng chính trị ủng hộ dân chủ nhưng cũng trong khuôn khổ chính trị do đảng lãnh đạo. Kết cục của các phán đoán nói trên sẽ thành sai lầm nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không kết thúc chiến dịch thất bại của mình bằng tiếng khóc. Tuy nhiên, có lẽ ong Trọng sẽ không khóc. Vì đơn giản ông Thăng không có bề dày nắm quyền lực như ông Nguyễn Tấn Dũng để có thể chi phối chọn lựa của các ủy viên TƯ. Nếu có "ăn chia" phạm vi đó cua ông Thăng khó lòng phủ đến đa số TƯ đang có 2/3 là nhân sự mới. Nhất là tiếng dàn kèn trống thúc giục vang rền khắp các cấp hô chống tham nhũng không thể dẫn đến một kết quả bại xụi cho sự lãnh đạo của đảng như vậy. Nhưng quan trong nhất là ở thời điểm chưa đến nửa nhiệm ki, các đối thủ chính trị mới xuất hiện của ông Trọng không sẵn sàng cho cuộc đối đầu với uy quyền tổng bí thư. Nhưng cho dù TƯ nhóm họp lần thứ 5 không chấp nhận đề nghị của Bộ chinh trị, hay phê chuẩn mức kỉ luật thấp hơn đề nghi của Bộ chinh trị, ông Trọng vẫn còn trong tay một thế trận mới, huy động sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh sinh tử này. Yếu huyệt trong thế trận này chính là ai nhanh chóng nắm giữ ngọn cờ công khai và chuyển nó thành khí thế của dân. Ông Trọng sẽ thắng nếu biết khai thác sức mạnh này, biến dư luận thành công luận, nhưng ở thời ông Trọng tác động chính yếu này của truyền thông không còn trong tay nền báo chí cách mạng vốn bị tẩn nhừ tử, chỉ có một mực "cách mạng" mà không còn sự chính trực báo chí nữa. Còn trong khả năng thứ hai, ở trường hợp kỉ luật cảnh cáo ông Thăng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sau khí thế thắng lợi bước đầu, sẽ đứng trước một đòi hỏi cụ thể, chế độ của ông Trọng có tử hình nổi một thành viên Bộ chính trị, thành viên TƯ? Sự leo thang mong muốn trừng phạt này sẽ làm lộ ra không it tật bệnh ở mức trầm kha của một hệ thống chinh trị sau nhiều năm kiến tạo pháp quyền vẫn chỉ có thể dùng đến uy quyền để cai trị chính bộ máy của mình. Có thể thấy đó là một thất bại chính trị có từ sớm của đảng.
|