BBC 27-2-13'Cần tránh độc quyền trong hợp tác'Có ý kiến cho rằng sự hợp tác của ba tập đoàn năng lượng của Việt Nam là tốt, nhưng có thể gia tăng tính độc quyền nếu không kiểm soát. Ngày 26/2, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa ba tập đoàn kinh tế lớn trực thuộc Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác của ba tập đoàn này, theo báo trong nước, bao gồm quy hoạch phát triển ngành, hợp tác đầu tư, đầu tư khai thác và vận chuyển than ở trong nước và ra nước ngoài, vận hành các nhà máy điện, hợp tác trong truyền thông. Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, được truyền thông dẫn lời nói việc hợp tác giữa ba tập đoàn năng lượng lâu nay chưa thực sự mang lại hiệu quả. "Việt Nam vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể ngành năng lượng mà mới chỉ có quy hoạch riêng ngành than, điện, dầu khí," ông Ngãi nói. "Trong khi đó, quy hoạch điện lại được xây dựng trước quy hoạch than, quy hoạch dầu khí trong khi đáng lẽ phải làm ngược lại." "Việc xây dựng quy hoạch như vậy đã tạo ra khó khăn trong triển khai các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia." Tránh gia tăng độc quyềnTrả lời phỏng vấn BBC ngày 27/2, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội, nhận xét việc ba tập đoàn này hợp tác là một bước đi đúng. "Nếu hợp tác để phát triển cho tốt hơn, đúng với các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ thay vì lâu nay chồng chéo. Ví dụ ba công ty này đều làm điện, nhưng rồi việc mua điện của nhau cũng khó khăn, lại còn nợ tiền nhau. Vì vậy, nếu họ hợp tác để tránh lãng phí, đó là điều tốt." "Hoặc nếu hợp tác để nâng cao hiệu quả kinh doanh, nghiên cứu, cũng rất tốt." Tuy nhiên, bà Lan cũng cảnh báo nguy cơ độc quyền nếu không được kiểm soát đúng. "Nhưng tôi cũng rất ngại tình trạng nhân danh hợp tác để đẩy mạnh độc quyền. Nguy cơ đó có thể xảy ra nếu không có kiểm soát." "Trách nhiệm kiểm soát các tập đoàn thuộc về nhà nước. Nhưng kiểm soát một tập đoàn đã khó, bây giờ lại kiểm soát việc hợp tác của cả ba lại càng khó hơn." Cùng một ý kiến với bà Lan, ông Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia khác trong nước cũng đặt dấu chấm hỏi cho nguy cơ gia tăng độc quyền khi cả ba tập đoàn hợp tác: "Cả ba tập đoàn đều độc quyền trên lĩnh vực của mình. Cần xem xét cẩn trọng việc hợp tác, liên kết giữa ba tập đoàn độc quyền này có dẫn đến"siêu độc quyền" trong lĩnh vực năng lượng hay không, vì, nếu xảy ra, sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đáng chú ý là việc kiểm soát độc quyền ở Việt Nam rất yếu và hầu như không kiểm sóat được một cách có hiệu quả ba tập đoàn lớn này." Giải quyết mâu thuẫnÔng Doanh cũng cho rằng "hợp tác, liên kết là xu thế chung trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây có thể là một bước đem lại tiến bộ rất cần thiết trong việc điều hòa phối hợp , tăng cường liên kết giữa ba tập đoàn có quan hệ với nhau." "Nhưng trong thời gian qua đã có không ít bất đồng và than phiền về nhau như PVN và TKV than phiền về EVN nợ tiền mua dầu, mua than chậm trả, PVN than phiền EVN độc quyền mua điện giá thấp nên không phát huy hết công suất các nhà máy phát điện của PVN trong khi lại sẵn sàng mua điện giá cao hơn của Trung Quốc. Một số lần tranh chấp đã phải trình ra Chính phủ giải quyết." Ông nói: "Những mâu thuẫn này xuất phát từ lợi ích của từng tập đoàn và không rõ việc ký kết hợp tác sẽ giúp cải thiện việc giải quyết những mâu thuẫn này đến đâu chứ chắc chắn những mâu thuẫn đó sẽ không tự nhiên biến mất sau khi có ký kết thỏa thuận hợp tác." Tính minh bạch?Nhận xét trước việc cả ba tập đoàn hợp tác truyền thông, bà Lan cho rằng điều này có thể mang lại ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. "PetroVietnam và tập đoàn than khoáng sản trong năm qua đã từng phê phán EVN nợ tiền của họ," bà nói. "Bây giờ hợp tác truyền thông, có thể nghĩa là họ sẽ im lặng, thôi không nói ra, làm mất đi tính minh bạch." "Nếu hợp tác theo cách che dấu sai lầm của nhau, thì đó là hợp tác tồi. Nhưng nếu hợp tác truyền thông theo nghĩa tăng tính minh bạch, lại là điều tốt," bà nhận định.
|