Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 11
THÁNG 5-1975, NHỮNG NGÀY KHÓ QUÊN

 

 

Ngày 1- 5-1975 chính quyền mới vừa vào đến Sài Gòn đã có thể tổ chức ngay một cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục ngàn người trước Dinh Độc Lập để mừng ngày đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam và mừng ngày Quốc tế lao động 1- 5. Về mặt tổ chức quần chúng, biểu tình xuống đường, hoan hô đã đảo, đó là nghề “của chàng”. Không ai giỏi bằng những người của Mặt Trận Giải Phóng trong việc rỉ tai tuyên truyền, nói nhỏ và cũng không ai giỏi bằng cán bộ Mặt Trận trong việc sắp xếp ngày biểu tình vĩ đại đầu tiên dưới chế độ mới. Mới vào Sài Gòn nắm quyền toàn diện không đầy 24 tiếng đồng hồ thế mà những cán bộ dân vận, tôn giáo vận đã có mặt đều khắp. Không phải chỉ riêng sinh viên học sinh đi biểu tình mà cả nhà sư, linh mục, ni cô áo vàng áo lam ,các giáo sĩ  Cao Đài, đại diện các đoàn thể đều có mặt đông đủ trước Dinh Độc Lập trước 3 giờ sáng ngày 1-5-1975. Đáng nói hơn nữa là các nghệ sĩ sân khấu cải lương, kịch nói như Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thành Được…đều có mặt trong cuộc mít ting mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chưa từng có một cuộc huy động hàng mấy chục ngàn dân tràn ra ngoài đường nhanh như thế. Không khí chiến thắng sục sôi trong lòng nhiều tầng lớp dân thành phố Sài Gòn. Có những người trong lòng hồi hộp âu lo chưa biết số phận mình ra sao, nhưng ngoài mặt vẫn tươi cười hớn hở. Trước đây, tại Sài Gòn trên báo chí, trên cửa miệng đầu môi chót lưỡi của mọi người, rất ít thấy những từ ngữ như “hồ hởi phấn khởi”, nhưng vào ngày đó những từ ngữ mới mẻ này được loan truyền qua hàng trăm hàng ngàn loa phóng thanh khắp mọi nơi trong Sài Gòn. Người ta thấy hàng đoàn xe Jeep, xe lam ba bánh chở hàng trăm, hàng ngàn người, xe nào xe nấy cũng trương cờ đỏ sao vàng hoặc cờ đỏ nền xanh (cờ Mặt Trận Giải Phóng). Rất nhiều thanh niên đứng, ngồi trên các xe chạy quanh thành phố, đầu đội mũ tai bèo, cổ quàng khăn choàng tắm, vai mang băng brassard đỏ. Hai người làm tôi nhớ nhất khi thấy những cảnh này và hồi tưởng lại sau mấy chục năm vẫn như in trước mặt: đó là nhà văn Cung Tích Biền và phóng viên tập sự Nguyễn Văn Nhạn. Lúc đó tôi cứ ngỡ hai người này là cán bộ lâu năm hoạt động thành cho Mặt Trận Giải Phóng. Tôi có cảm giác nể nang họ vô cùng. Nhưng vài tháng sau tự nhiên bóng dáng của Cung Tích Biền của ngày đầu giải phóng lăng xăng chạy tới chạy lui trên các xe Jeep, bỗng nhiên mất hút. Cũng như bóng dáng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, của tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng trong ngày tiếp thu Dinh Độc Lập, hai người bạn đó của tôi theo đoàn quân Giải Phóng chạy xồng xộc vào Dinh Độc Lập, trên cánh tay mang brassard đỏ (hai bạn tôi chỉ xuất hiện hùng dũng vào ngày đó, hầu như chỉ có ngày đó thôi), sau này cũng lặn mất. Họ chẳng phải là cán bộ “cộm cán” gì của phía Mặt Trận Giải Phóng, họ chỉ là những thanh niên yêu nước, bấy lâu nay trong lòng sục sôi một ngày giải phóng độc lập, tự do, tự chủ. Họ “sướng” quá, nhảy cỡn lên. Có lẽ có ai đó trong Mặt Trận tổ chức các anh bạn trí thức này, ngày đó cho họ đeo băng đỏ trên tay, chạy ù ù vào Dinh Độc Lập tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân cùng bộ đội cụ Hồ, lật đổ chính quyền cũ, tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế chính quyền mới.

Nỗi vui mừng dâng trào phụt lên từ mọi phía, mọi nơi, từ trong mọi người giống như sự phụt lên của những mạch nước ngầm khi có cơ hội bộc phát lên trên. Những ngày như thế là những ngày vui sướng của hàng vạn vạn con người từng khát khao chiến thắng sau bao nhiêu năm chịu đựng đắng cay, đau khổ. Lửa chiến thắng đã bùng lên trong đại đa số người dân Sài Gòn, lửa đó không ai dập tắt nỗi. Một điều mà những người cầm quyền mới, lúc đó có thể không thấy được, là lửa chiến thắng vào ngày 1-5-1975 cũng đã bùng cháy lên trong lòng, trong tận sâu thẳm trái tim của hàng trăm ngàn cán bộ, viên chức, quân nhân, sĩ  quan, trí thức, thầy cô giáo thuộc về chế độ cũ. Họ là những người sống và phục vụ cho chế độ cũ, vì sự sinh sống hàng ngày với những bó buộc đã tạo cho họ thói quen trong nếp sống của người công chức cũ. Nhưng trong sâu thẳm của lòng dạ từng con người Việt Nam vẫn tiềm tàng lòng yêu nước. Những người bình thường nhất trong số họ, sau những phút giây ngắn ngủi đầu tiên bỡ ngỡ, cũng chợt tỉnh thức và cũng chợt dấy lên niềm sung sướng được sống đời độc lập, không thấy bất cứ một bóng dáng ngoại nhân nào trên quê hương họ. Niềm vui sướng đó là động lực lớn, là yếu tố chính khiến hàng triệu người đã từng sống dưới chế độ cũ, cảm thấy thoải mái tự nhiên tuân hành và đi theo những mệnh lệnh sắp xếp của chính quyền mới.

Tôi còn nhớ ngày chế độ mới công bố lệnh buộc quân nhân công chức chế độ cũ, những người tương đối ở các vị trí then chốt, phải đi học tập cải tạo. Sĩ quan từ cấp đại uý trở xuống, đi học tập 10 ngày, từ cấp thiếu tá trở lên, chuẩn bị áo quần và lương thực, tiền bạc để đi học tập một tháng. Lệnh này cũng áp dụng cho các loại công chức khác, cấp từ chủ sự phòng trở xuống, đi học 10 ngày, các loại công chức cao cấp hơn đi học một tháng.  Đại loại, lệnh triệu tập đi học cải tạo tập trung được ban ra, đại đa số các thành phần sĩ quan công chức cao cấp đều răm rắp tuân theo. Trong lòng họ dĩ nhiên có nỗi lo âu, nơm nớp, nhưng vẫn pha lẫn chút hy vọng loé lên: sau khi đi học tập 10 buổi hoặc một tháng trở về, họ sẽ được sống đời bình thường của một công dân đàng hoàng tử tế. Đại đa số những người đó với tinh thần tôn trọng kỷ luật mới của chế độ mới, họ đi tập trung rần rần và ào ào cả vài trăm ngàn người. Ở thành phố Sài Gòn lúc đó người ta bàn tán xôn xao, chắc là đi học xong không lâu sẽ được về. Với niềm hy vọng và sự tin tưởng sẽ được trở về, họ đã chuẩn bị thu xếp gia đình từ giã vợ con để đi đến trường cải tạo với một niềm tin sẽ có cuộc sống mới. Đâu có ai ngờ, họ không phải đi 10 ngày hay một tháng mà hầu như đại đa số bọn họ phải đi nhiều tháng nhiều năm. Họ không phải đi học ở gần nhà, ở các trường huấn luyện quân sự hay ở các trường huấn luyện chính trị. Đại bộ phận họ phải đi học thật xa, đa số ra ngoài miền Trung rồi ra miền Bắc. Họ sống ở những trại cải tạo đúng với ý nghĩa của những trại giam và bọn họ được đối đãi như những người tù, những người tù không có bản án, không có những án lệnh riêng tư, họ là những người tù tập thể. Họ sống đời sống của những tù nhân chính trị không thua gì những người tù khổ sai. Về mặt công khai, họ không bị kết án tù. Về mặt công khai gia đình vợ, con họ nhiều năm nhiều tháng không liên lạc được với họ, không hiểu số phận của họ ra sao. Đối với bản thân họ, thông cáo kêu gọi đi học tập cải tạo tập trung là một thông cáo lường gạt, đẩy họ vào nhà tù một cách không ngờ, không lý do giải thích, không bản án và không có thời hạn.

Sau này, vài ba năm kể từ ngày họ đi học tập cải tạo vợ con họ mới tìm đường liên lạc, chạy hỏi han khắp nơi khắp nẻo mới biết được họ đang ở đâu và mới có thể tìm thăm gặp. Những bi kịch về đời đi học tập cải tạo của hàng triệu sĩ quan và công chức chế độ cũ, đi học ở tận những tỉnh, những vùng sâu vùng xa, trên núi trên rừng, những thảm cảnh đó chỉ có những người sống trong cuộc mới có thể hiểu và lột tả được hết. Có ít ra là một hai trăm ngàn người đã ngã bệnh và đã chết trong thời gian đi học tập cải tạo. Đúng ra, họ đã phải sống đời của những người tù bị xử như tù thua trận. Họ không phải là tù binh, cũng không phải là tù chính trị. Trong ròng rã hơn 10 năm kể từ tháng 6-1975 và những năm sau đó, họ, những ngươi đã đi vào trại cải tạo với niềm tin là sẽ đuợc trở về sau một tháng rèn luyện, họ và gia đình của họ đã bị nhầm lẫn to lớn. Điều đó đã để lại trong họ những vết tích, những dấu ấn mà vài chục năm sau mới mong xoá nhòa đi được. Đại bộ phận của những người đi học tập cải tạo trên 10 năm, đã lâm vào những cảnh tan nát, éo le khó lòng tả hết được. Sau khi chồng con họ đi học tập vài ba năm đại bộ phận những người thân ở lại, đã tìm đường di tản, tị nạn. Họ đi bằng đường biển, họ đi bằng đường rừng núi. Đi đường nào thì cũng đầy những khổ ải gian truân. Hầu như 30 - 40% những người vượt biên là thân nhân của những người đi học tập cải tạo. Trên 1,5 triệu người đã vượt biên và chỉ có non một triệu người may mắn được tới những bến bờ sống sót. Ngày nay viết lại những dòng mô tả, nhắc nhở về giai đoạn những tháng cuối năm 1975 cho đến những năm 1985 – 1986 là nhắc về thời kỳ đen tối trong lịc sử của những người sống sót từ chế độ cũ, là nhắc về giai đoạn sống trong khổ ải và hờn căm của đại bộ phận những người đi học tập cải tạo. Bươi lại những vết đau của lịch sử, những vết đen của một thời kỳ thật ra không có ích lợi gì cho đất nước, cho bất cứ ai và nhất là cho người viết. Nhưng phải nhắc lại để nói đó là một thời kỳ lầm lẫn đáng tiếc của những người đã chiến thắng trong trận đấu tranh trường kỳ cho độc lập và tự do của tổ quốc. Công lao của những người chiến thắng đối với nền độc lập tự chủ của đất nước không ai có thể chối cãi được. Nhưng sai lầm của quyết định triệu tập hàng triệu người của chế độ cũ đi học tập cải tạo dài ngày giống như và đôi khi còn hơn những người tù khổ sai là một sai lầm lớn làm giảm mất hơn phân nửa khí thế của chiến thắng, làm thiệt hại to lớn tình đại đoàn kết dân tộc. Quyết định đó không phản ảnh được chính sách đại xá, đại hỷ xả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tôi còn nhớ rất rõ một buổi nói chuyện với đại đa số trí thức Sài Gòn vào năm 1976 của Cụ Hà Huy Giáp, một bậc học giả uyên thâm của miền Bắc, một người rất thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hà Huy Giáp có thuật lại cho các trí thức Sài Gòn nghe tại hội trường Dinh Độc Lập. Bác Hồ vào những ngày cuối đời, trước khi Bác mất, có gọi Bộ Chính Trị vào gặp Bác tâm sự. Bác Hồ có hỏi những vị trong Bộ chính trị: sau này nếu giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ chính trị sẽ làm gì trước hết. Cụ Hà Huy Giáp không có thuật lại là những vị trong Bộ chính trị trả lời với Bác như thế nào. Cụ Hà Huy Giáp chỉ nhấn mạnh, trong cuộc gặp gỡ đó, Bác Hồ có căn dặn các vị trong Bộ chính trị, nếu giải phóng miền Nam xong là phải lập tức miễn thuế cho nông dân nhiều năm, là phải áp dụng ngay chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử, là phải đại xá ngay cho những người tù và kêu gọi mọi người đem tài đem sức cùng nhau xây dựng đất nước. Chính sách đại đoàn kết dân tộc, sau này người ta có nói đến, nhưng chính sách đại xá, hỷ xả quên đi những chuyện xấu trong quá khứ hình như người ta không áp dụng đúng, kể cả việc miễn thuế cho nông dân nhiều năm, hầu như cũng chẳng ai làm. Khi nói chuyện với các nhà trí thức Sài Gòn, cụ Hà Huy Giáp đã nhấn mạnh tới sự quảng đại bao dung của Bác Hồ, điều đó hình như khi ban hành lệnh học tập cải tạo tập trung, người ta đã không nhớ đến lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch. Nếu quả đúng, chỉ đi học tập cải tạo 10 ngày và 30 ngày theo như sự căn dặn trong thông cáo kêu gọi, không khí trong nhân dân miền Nam liền sau những ngày và những năm tháng mới giải phóng sẽ khác hẳn. Chúng ta sẽ có đựơc hàng triệu bàn tay, khối óc đắp xây cho một nước Việt Nam giàu mạnh sau chiến thắng. Hàng triệu người đã không phải ồ ạt tị nạn vượt biên, mang theo vô số của cải và mang theo hàng trăm ngàn đầu óc thông minh, trí tuệ sáng suốt, có kỷ thuật, có tay nghề và chắc chắn có trái tim yêu nước. Tiếc thay, bối cảnh lúc đó, người ta chỉ nghĩ đến việc cũng cố và xây dựng quyền lực thật vững chắc, thật chặt chẽ. Người ta nghi ngờ ở đâu cũng có kẻ địch và người ta khiếp sợ kẻ địch luồn lách trong đại đa số những nguời chế độ cũ để quấy phá và tìm cách lật đổ chính quyền. Người ta đã áp dụng chủ trương thà bắt lầm hơn thả lầm, thà giữ được quyền lực vững chắc trong tay bằng những biện pháp sắt máu hơn là để cho chính quyền cách mạng lung lay hay chông chênh trong bão táp chính trị của những phe phái phản động gây nên. Người ta đã quên một điều rất lớn: đại đa số nhân dân miền Nam yêu nước, đại đa số nhân dân miền Nam trước đây đều có mối quan hệ chằng chịt với hai phe hai phía, người ta đã quên một điều rất hiển nhiên, yếu tố thúc đẩy và làm nên chiến thắng chẳng thể đảo được của cách mạng là đa số nhân dân miền Nam đều yêu nước, đều phân biệt được chinh và tà, đều phân biệt được đâu là con đường đúng đắn và có lợi nhất cho dân tộc trong tương lai. Chính tính cách đó của nhân dân miền Nam đã góp phần quyết định chiến thắng vẻ vang của cách mạng. Nhưng cũng ngay sau đó người ta không phát huy mạnh mẻ tính cách này, người ta đâm ra đề phòng, người ta đâm ra chỉ thấy có những âm mưu quấy phá của kẻ địch và điều đó đã khiến có một thời kỳ có những sai lầm lớn mà hậu quả sau này lịch sử phải tốn nhiều thời gian để sửa chữa và hàn gắn lại. Theo tôi được biết, trong số những nhân vật lãnh đạo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có rất nhiều người không đồng tình với những giải pháp mạnh, cứng ngắt, với “bàn tay sắt” mà những nhà cầm quyền ở Hà Nội đem ra áp dụng vào những năm 1975…1980. Cụ thể, tôi nghe nói luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát kể cả ông Trần Bạch Đằng là những người đại diện cho khuynh hướng ôn hoà, chủ trương hoà bình – hoà giải – và hoà hợp dân tộc. Những vị này, gốc người miền Nam, hiểu rõ tâm tính của dân miền Nam, muốn có một giai đoạn giao thời kéo dài, trong giai đoạn đó, những khác biệt về cơ cấu, về tính cách, về hoàn cảnh, về trình độ văn hoá, về cách sống cách ứng xử của nhân dân hai miền sẽ có cơ hội làm quen hoà hợp, lần lần sẽ tiến tới một sự thống nhất, đồng thuận đương nhiên trong cơ cấu văn hoá chính trị xã hội. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, chân lý đó không có ai thay đổi được. Chân lý đó theo thời gian sẽ hàn gắn hoà đồng mọi khác biệt sau hơn 20 năm chia cắt. Tự thân cuộc sống của dân tộc trong bước đường phát triển, trong bước đường đi lên sẽ dẫn tới sự đại đoàn kết, sự đại thống nhất trong một nước Việt Nam hùng mạnh, có khả năng dung hợp mọi thành phần, luôn đón chào mọi sự đóng góp của những người con thân yêu của đất nước, của mọi trí tuệ Việt Nam, không phân biệt màu sắc tôn giáo, không phân biệt địa phương, không phân biệt thành phần xã hội; một nước Việt Nam của mọi con người tiến bộ. Chúng ta đã làm mất gần 20 năm sau chiến thắng 1975, chúng ta đã đẩy lùi và chận bước tiến của dân tộc bằng những biện pháp phân biệt đối xử, bằng đối sách nghi kỵ, bằng sự củng cố quyền lực quá mạnh, quá tay, nếu không muốn nói là bằng giải pháp độc quyền yêu nước của thời kỳ 1975 và một số năm về sau. Đó là một lỗi lầm quá lớn đối với lịch sử, nó đã khiến đất nước chúng ta không phải đi chậm lại, mà đôi khi còn bị đẩy lùi về sau so với một nước bạn láng giềng trước đây chỉ so kè với ta. Đó là Thái Lan.

Nhắc lại những ngày tháng đầu tiên kế tiếp theo sau tháng 4-1975, chúng ta không khỏi nhắc tới, với lòng ưu phiền, với sự ân hận và với sự tiếc rẻ. Nhiều người đã giải thích cuộc cách mạng nào trong bước đầu thành công cũng có một thời kỳ ấu trĩ đáng tiếc và đáng buồn. Nhận chân ra được những năm sau 1975 là những năm trưởng thành trong ấu trĩ, đó cũng là một nhận định can đảm trước thực tế chua chát, đôi khi đáng nản và đáng phẫn nộ của những người cầm quyền. Bản thân tôi, một trí thức yêu nước, không đảng phái, không tôn giáo, đã lớn lên trong một thời kỳ đất nước có nhiều nghiêng ngửa, nhiều xáo trộn, tôi đã may mắn đi theo con đường hoà bình của nhóm ông Dương Văn Minh. Tôi không phải là một người theo chính quyền cũ, một người đi theo Mỹ mặc dù tôi có nhiều cơ hội để đi theo. Mới đây, một ông bạn tôi, bác sĩ Trương Thìn, một chuyên gia đáng quý của đất nước về y học cổ truyền của dân tộc, đã nói đùa với tôi: “vous êtes l’homme bien marqué par les deux régimes” (anh là người được hai chế độ đánh dấu khá cẩn thận). Ông bạn tôi là người rất ít nói, ông vừa là một bác sĩ có tài, vừa là một nhà thơ, một hoạ sĩ và là một nhạc sĩ. Công lao của ông đối với nền y học dân tộc rất lớn lao, ông đã đem sự an vui đến cho hàng trăm ngàn người sau mấy chục năm hành nghề vừa Tây y vừa Đông y. Ông là một nhà văn hoá, một nhà chuyên môn giỏi không màng đến lợi danh chính trị. Ông nói về tôi như thế với sự thông cảm của một người hiểu đời, hiểu số phận cay đắng của những kẻ từng lội giữa hai dòng nước. Mà ở miền Nam này đâu phải có mình tôi lội giữa hai dòng nước. Đã có biết bao nhiêu thanh niên trí thức vào lớp tuổi của tôi, không đi theo phe này phe kia, chỉ sống một đời bình thường của một người vô danh, yêu đất nước Việt Nam, muốn cho đất nước độc lập, hoà bình, dân chủ và giàu mạnh. Đã có bao nhiêu người như thế bị vùi dập giữa hai dòng nước, giữa hai dòng đời. Cái may của tôi là có một thời kỳ tham gia làm báo và làm chính trị. Tôi khác hơn nhiều người cùng một tâm trạng và một tâm tinh với tôi, chỉ ở điểm đó. Tôi nhớ lại, sau ngày giải phóng, không phải đương nhiên tôi được xếp vào loại miễn đi học tập cải tạo vì trước ngày 30- 4-1975 tôi không hề trực tiếp tham gia hay được trực tiếp móc nối để hoạt động cho cách mạng. Nhât báo Điện Tín do tôi làm phó chủ bút thường trực (tổng thư ký toà soạn) từ cuối năm 1971 đến 2-1975, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh chống Mỹ can thiệp vào Việt Nam, chống chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Tôi hướng tờ báo theo đường lối đó vì đường lối đó hợp với tâm tinh và nguyện vọng của tôi. Cọng tác với tôi để làm nên tờ báo, để biến nó thành một vũ khí đấu tranh cách mạng còn có sự tham gia hàng trăm cây viết khác, trong đó có sự trực tiếp tham gia của một vài cán bộ cộng sản nằm vùng. Trong quá trình làm việc, do có một vài va chạm vì tinh tình và quyền lợi cá nhân, có một người cán bộ cũng khá có thế lực, có lẽ không ưa tôi. Đo đó, anh ta đã có những báo cáo không trung thực. Chính vì thế, ban đầu tôi được quyết định xếp vào loại phải đi học tập cải tạo. Tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng, đầu hớt tóc cua, trong túi xách thủ theo vài ba cái quần đùi, vài ba cái áo thun, sẵn sàng lên đường. Anh bạn tôi, vừa là ông anh, Hồ Ngọc Nhuận, vào thời 1975 rất có uy tín với những người nắm chính quyền mới. Chính anh Hồ Ngọc Nhuận đã đấu tranh quyết liệt, anh kết luận: “suốt nhiều năm làm việc với Dương Văn Ba, tôi nhận thấy anh ta có lòng yêu nước nồng nàn, có tích cực đấu tranh cho cách mạng. Nếu cách mạng buộc Dương Văn Ba đi học tập cải tạo, Hồ Ngọc Nhuận cũng tình nguyện đi học tập cải tạo theo”. Sự đấu tranh tích cực của Hồ Ngọc Nhuận âm thầm, tôi không hay biết đã khiến cho chính quyền cách mạng ở Sài Gòn thay đổi thái độ với tôi. Vào đêm trước ngày khắp nơi ở miền Nam, hàng triệu người phải khăn gói lên đường đi học tập cải tạo, tôi còn nhớ khoảng 10 giờ đêm, lúc đó trời đang mưa, có một chiếc xe Volswagen 12 chỗ ngồi lù lù chạy đến cổng số 3 đường Trần quý Cáp – quận 3, Sài Gòn, bóp kèn inh ỏi. Tôi ra mở cửa, mặc quần xà lỏn và áo thun lá, chuẩn bị sáng mai lên đường sớm. Một người ngồi trên xe ô tô bước xuống hỏi: “Có phải ông là Dương Văn Ba hay không?”. “Dạ phải”. “Tôi mang công văn của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia định đến cho anh”. Vừa nói, người ấy vừa đưa cho tôi một phong bì màu trắng. Tôi nhận lấy và cám ơn. Người khách vội vã trèo lên xe ra đi không kịp từ biệt tôi. Tôi quay vào nhà. Cả nhà em út, vợ con xúm xít lại đọc bức thư của Ủy Ban Quân Quản gửi cho tôi:

   Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn Gia Định

      Kính gửi: Ông Dương Văn Ba

Tôi xin trân trọng báo tin cho ông biết: Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định đã có quyết định cho ông được miễn đi học tập cải tạo kể từ ngày….(tôi không còn nhớ rõ).

                         Chánh văn phòng Ủy Ban Quân Quản

                                  Thành phố Sài Gòn Gia định

                                                       Ký tên

                                            Thượng tá Nguyễn Văn…

 

Đọc xong bức thư thông báo của Chánh Văn Phòng Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định, cả nhà tôi reo lên. Ai nấy cũng vui mừng kể cả thằng con nhỏ nhất của tôi vừa mới 4 tuổi. Lúc đó, cả tôi và vợ tôi đều nói: “Thế là Bác Hồ đã soi rọi đến gia đình mình” vừa nói như thế chúng tôi đều đồng loạt nhìn lên ảnh Bác Hồ đang treo trên tường giữa nhà (vào thời gian đó, ở thành phố Sài Gòn, bất cứ nhà của ai cũng đều có treo ảnh của Hồ Chủ Tịch để bày tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền và để đảm bảo được yên thân).

Tưởng cũng nên nhắc lại một vài sự kiện liên quan đến vấn đề học tập cải tạo: tôi được miễn đi học tập cải tạo tập trung như hàng mấy trăm ngàn người khác. Ở Sài Gòn, mấy tháng sau ngày giải phóng, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc có mở lớp học tập đặc biệt cho khoảng 40 trí thức chế độ cũ trong đó có cả Hồ Ngọc Nhuận và Ngô Công Đức. Tôi được danh dự tham gia khoá học tập này. Khóa này chỉ kéo dài 3 tuần lễ. Giảng viên nổi bật lúc đó là ông Mai Chí Thọ, sau này có thời gian là Giám đốc Công an TP.HCM, Chủ Tịch UBND Thành phố, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Một giảng viên khác của khoá học ngắn ngày này là ông Tạ Bá Tòng, Thường trực UBMTTQ Thành phố. Sau khoá học đó khoảng một năm, chúng tôi được cấp giấy chứng nhận trả lại quyền công dân. Anh Hồ Ngọc Nhuận, khi nhận được giấy này cũng rất buồn cười, có nói với anh em: kể cả tôi, đã từng có thời gian làm việc móc nối cho cách mạng, vẫn có lúc bị coi như không có quyền công dân. Xin kể lại một chuyện có thật, ngay những ngày đầu sau giải phóng, trong lúc sắp xếp bộ máy nắm quyền tại thành phố Sài Gòn, anh Hồ Ngọc Nhuận từng được đề bạt dự kiến giữ vai trò Phó Chủ Tịch của UBND Cách Mạng Lâm Thời Sài Gòn – Gia Định. Những người khác như ông Lý Quý Chung cũng từng tham dự khoá học ngắn ngày cùng với chúng tôi, trong đó có cả bác sĩ  Hồ Văn Minh người từng được ông Dương Văn Minh mời đứng chung liên danh ứng cử Tổng Thống. Đặc biệt, trong tháng 5 và tháng 6-1975, tôi và anh Lý Quý Chung hai , ba lần được Ban Quân Báo của miền Nam mời đến nhà số 2 đường Lê Văn Hưu, quận 1 để hỏi thăm chi tiết về một số sự việc trong tình hình Sài Gòn mấy tháng trước ngày giải phóng. Tôi được Đại tá Ba Lâm (hình như sau này phụ trách Giám đốc nhà Bảo Tàng tội ác Mỹ Ngụy) yêu cầu viết bản báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng liên tục trước ngày 30 – 4 –1975. Tôi đã để dành thời gian 2 tuần lễ cắm cúi viết bản báo cáo thời sự chính trị này đem đến nộp tại cơ quan của Đại tá Ba Lâm. Bản báo cáo của tôi dày gần 200 trang, ghi lại tất cả những diễn biến trong tình hình Sài Gòn lúc bấy giờ qua phản ảnh của báo chí hàng ngày tại miền Nam Việt Nam. Bản báo cáo của tôi cũng phân tich rõ ràng và trung thực những hoạt động của nhóm Hoà Bình Dân Tộc do ông Dương văn Minh đứng đầu. Một điều mà đến bây giờ tôi còn tiếc rẻ: đó là toàn bộ các bản “coupure de presse” mỗi ngày từ tháng 6-1974 đến hết tháng 4-1975 tôi đều đem nộp cho cơ quan của ông Ba Lâm. Các tài liệu báo chí đó rất quí giá để sau này có thể làm tài liệu viết sách. Bây giờ không biết còn được lưu trữ và giữ hìn hay không.

Những ngày trong tháng 5-1975, đa số trí thức Sài Gòn cũ có chút tên tuổi và có dính líu đến các hoạt động chính trị, mà còn ở lại đều được quan tâm chăm sóc kiểu này hay kiểu khác. Thực tế không có một sự làm khó làm dễ nào, mà chỉ là những nỗ lực, những động tác tìm hiểu, những động tác làm quen của những người cầm quyền mới, đối với lực lượng có thể được coi là cốt lõi, tinh hoa còn sót lại của Sài Gòn cũ, mà báo chí thời kỳ bấy giờ thường quen gọi là thành phần thứ ba…

 

15-3-15