Những Ngã Rẽ Hồi ký
Chương 14
Ngày mới về Sài Gòn, Ngô Công Đức thường hay đi dạo chơi loanh quanh bằng chiếc “xe đạp cuộc”, lúc đó anh ta mới 40 tuổi. Anh bắt đầu tờ báo Tin Sáng bằng cách qui tụ Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu An, Dương Văn Ba, Lý Quí Chung, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Ngọc Thạch. Những ngày họp đầu tiên trong khi chờ đợi tìm trụ sở mới, khang trang, vừa ý, Ngô Công Đức vẫn chọn tạm số 3-14 Võ Văn Tần. Đây là phía sau lưng nhà của Tướng Dương Văn Minh. Đặc biệt, dù đến số 3 Võ Văn Tần rất nhiều lần, nhưng hầu như Ngô Công Đức chẳng bao giờ ghé thăm “ông Tướng” đã thất thời. Hình như ông Đức muốn ghi dấu một khoảng cách giữa nhóm ông Dương Văn Minh và bản thân đường lối chính trị của ông Đức. Trước đây cũng thế, thời kỳ 1969-1971, trước khi Ngô Công Đức lưu vong, ông ta cũng chẳng bao giờ ghé lại Dinh Hoa Lan. Mặc dù thời gian ở Pháp, để có thêm quan hệ và bè cánh, Đức vẫn thường tới lui, giao du và họp bàn với Dương Minh Đức, con trai của Tướng Minh ở Paris. Ông ta, thông qua Dương Minh Đức, nắm được một số tình hình ở nhà, bày mưu lập kế đi theo đường lối Hoà Bình Dân Tộc, hai ba phen cùng Dương Minh Đức họp báo để nói rõ với dư luận về những điểm chủ yếu trong đường lối của Dương Văn Minh. Đó là một cách thức làm chính trị rất khéo léo “dính với Hoà Bình Dân tộc”, dính với phe nhóm của Tướng Dương Văn Minh, nhưng vẫn không phải là người đi theo Dương Văn Minh. Nhờ thế, Ngô Công Đức tạo được sự chú ý của dư luận quốc tế, như một tiếng nói hoà bình, có hậu thuẫn trong nước, đồng thời cũng mở cửa cho sự giao tiếp với các lực lượng khác khi cần thiết. Ngô Công Đức đã chọn con đường của Mặt Trận Dân Tôc Giải Phóng Miền Nam, ông ta cũng không dứt bỏ những quan hệ với bên nhà, thông qua nhóm Dương Văn Minh. Khi được giao nhiệm vụ phát hành nhật báo Tin Sáng, Ngô Công Đức đã nói Lý Quí Chung, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu An và một vài anh em nữa…”tôi đứng cái, chủ nhiệm tờ Tin Sáng để làm chỗ dựa hoạt động cho các anh em trong thời kỳ mới. Chúng ta cùng ra sức xây dựng và phát triển nhật báo Tin Sáng có sức mạnh và độc giả đông đảo hơn thời kỳ trước đây. Tài chinh thu được, một mình tôi không giữ hết, tôi sẽ lo cho các bạn để các bạn cũng có cơ ngơi, nhà cửa đàng hoàng, sống thoải mái về tài chính…tôi là người đủ khả năng làm việc này. Tôi hứa không quên sau này sẽ chia phần cho các bạn… các bạn hãy làm việc hết sức mình…”. Bản nhạc dạo đầu của Ngô Công Đức đối với những người nòng cốt, chủ lực biên tập của Nhật báo Tin Sáng, thời kỳ mới, nghe rất êm tai…Việc đầu tiên để tạo thế lực tài chinh, Ngô Công Đức đã mạnh dạn sử dụng con trai của Nghị sĩ Hồng Sơn Đông là Hồng Ngọc Hải, tham gia vào việc tổ chức in ấn và phát hành. Lúc ấy dù ông Hồng Sơn Đông đi học tập cải tạo, nhưng Hồng Hải vẫn là người nắm được sức mạnh kinh tế của gia đình (một phần do hiệu quả còn lại của nhật báo Điện Tín). Cùng hoạt động hỗ trợ Hồng Ngọc Hải về in ấn và phát hành cho báo Tin Sáng, còn có một tay trùm buôn giấy người Hoa tên là Thạch Như Ke, tục gọi là Tỷ Giấy, và có cả sự tiếp sức của Nguyễn Tống Hạnh. Bộ ba Hải – Tỷ – Hạnh là trợ thủ đắc lực cho Ngô Công Đức trong 2-3 năm đầu của báo Tin Sáng về phát hành, về chạy giấy in báo, về in ấn. Cả ba người này được coi như là lực lượng trung thành làm kinh tế, đẻ ra tài chinh, hỗ trợ cho Ngô Công Đức. Một điểm đặc sắc rất giống giữa ông Đức và ba người này: họ đều là những người có tiền, chạy áp phe rất giỏi; Tỷ Giấy ngay trong thời kỳ đầu mới giải phóng vẫn tung hoành được trong lãnh vực cung ứng giấy in báo ngoài kế hoạch cho Tin Sáng. Họ biết cách tạo ra tiền, nhất thời rất an toàn. Quan trọng hơn để họ có thể sát cánh cùng làm ăn với Ngô Công Đức, họ thuộc vào loại “dân nhậu có cỡ”, sáng sớm đã có thể lai rai 5-3 chai bia, chiều tối luôn luôn có mặt ở các quán nhậu với 5 -7 chai rượu chát đỏ (thời kỳ đó thịnh hành rượu Cabernet của Hungary) ông Đức đã vận dụng được tài năng làm ăn của nhóm người này, để vẫn có thể trót lọt trong các ngóc ngách của phát hành, dù là phát hành thời kỳ mới, nhưng trong giai đoạn đầu vẫn nằm trong hệ thống của những anh chị có máu mặt thời kỳ phát hành cũ. Biệt tài của ông Đức là “nhậu“ thì vẫn cứ “nhậu”, đi “chơi” thì vẫn cứ đi “chơi”, “bồ bịch” trai gái (mặt này ông cũng mạnh không thua gì nhậu), thì vẫn cứ trai gái, nhưng quan trọng hơn, việc làm ăn vẫn cứ điều hành thông suốt, guồng máy vẫn cứ chạy đều, tiền tiếp tục vẫn thu vào ào ào. Đó là bản lãnh của một nhà kinh doanh tài giỏi, ông Đức hầu như không có máu người Hoa, nhưng kinh doanh không thua người Hoa, bạn bè làm ăn của ông ta đa phần vẫn là người Hoa, dù ở ngay trong thời kỳ mới giải phóng. Các bạn cứ tưởng tượng, một tờ báo phát hành 60 đến 70 ngàn số một ngày, có cả gần một trang quảng cáo, thu hoạch lợi nhuận của tờ báo đó, to lớn cỡ nào? Tờ báo tư nhân của Ngô Công Đức được chính quyền thời kỳ mới không đánh thuế, dành ưu đãi về giá giấy, doanh thu được hưởng trọn vẹn trong gần 6 năm trời, số lợi nhuận có được Ngô Công Đức sử dụng vào những việc gì? Một người có đầu óc xã hội, một người có khí tiết muốn làm cách mạng đổi mới đời sống của dân nghèo, giúp thăng hoa từng bước cuộc sống của những người lao động, sẽ làm gì, sẽ đóng góp những gì cho hoài bão lớn, cho lý tưởng cải tạo xã hội của mình ??? Cuộc sống đời thường của ông Ngô Công Đức suốt 6 năm trời làm chủ nhiệm báo Tin Sáng, được chính quyền mới, ban phát cho nhiều đặc ân đặc lợi, ông Ngô Công Đức vẫn đối xử với công nhân, với những người biên tập, những người viết báo Tin Sáng, những cộng sự viên thân tín và đắc lực nhất của ông, như cách đối xử từ trước đến nay: một đàng là chủ báo, một đàng là công nhân. Quan hệ chủ thợ trong việc trả lương báo Tin Sáng vẫn giống như thời kỳ trước giải phóng. Mọi người đều được cấp phát lương bổng cố định, suốt 6 năm, không có một lần tăng lương, ngoài việc cấp phát một ít quà cáp nhân dịp lễ lộc. Có lẽ điểm khá hơn so với thời kỳ trước 1975, ông chủ báo Tin Sáng Ngô Công Đức vẫn cấp phát cho mỗi người đồng loạt, lương tháng thứ 13. Về điểm này, dĩ nhiên, ông không thể làm khác được còn có sự hiện diện của công đoàn và đoàn thanh niên trong báo Tin Sáng. Những đại diện của công nhân, đại diện của thanh niên trong tờ báo, mặc dù được huấn luyện khá xuyên suốt bởi những người có chức trách trong công đoàn cấp cao hơn và trong thành đoàn, những người này vẫn hoạt động theo chiều hướng ủng hộ ông chủ báo, giống như ông chủ báo là người đại diện của chính quyền. Ông Ngô Công Đức chủ báo tư nhân, thừa hưởng được xu thế chung của thời kỳ mới: công đoàn và đoàn thanh niên trong tổ chức của tờ báo được thành lập để ủng hộ và củng cố người đại diện chính quyền. Về mặt công khai, giữa ông Đức và đại diện công nhân, đại diện thanh niên, không hề có quan hệ đối kháng, chỉ có quan hệ hợp tác và ủng hộ. Nhưng quan hệ đó chỉ có trên bề mặt, theo phong trào chung của các cơ quan chức năng trong thành phố. Đó là một mối quan hệ “bằng mặt”, nhưng không bằng lòng. Những người viết báo, những người phụ trách các vai trò chuyên môn trong tờ báo, là những người trí thức, những người có suy nghĩ, có tâm tư riêng, độc lập trong tư tưởng. Họ đánh giá được mức lương mà họ được hưởng từ sản phẩm họ làm ra, có tương xứng với công lao động, với trí tuệ, với tim óc mà họ đã bỏ ra để ngày đêm xây dựng nội dung và chất lượng của báo Tin Sáng. Những người đó hiểu rõ giá trị đồng bạc họ được hưởng và họ cũng hiểu rõ ông chủ báo đã hưởng được những gì, trên sức lao động hùng hục hằng ngày của mấy trăm con người trong tập thể Tin Sáng. Cảnh tượng ông chủ nhiệm báo say sưa rượu chè với các đệ tử, cảnh tượng ông du hí với những người đẹp tài danh của thành phố, trong một khung cảnh nhiều người vẫn phải sống chắt chiu tiết kiệm, những cảnh đó không thể che giấu được, không thể lấp đầy được hố sâu và khoảng cách “chủ – thợ”. Dù ông chủ Ngô Công Đức có được tài ăn nói khéo léo, có được một bối cảnh thuận lợi của sự ủng hộ bề ngoài, từ phía chính quyền tạo nên, sự bất bình đẳng và sự bất công mà ngưới lao động phải hứng chịu, trong khi ông chủ phởn phơ với các ly rượu đỏ, với các đĩa thịt nguội và phó mát ở các khách sạn nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ như Độc Lập (Caraven), Bến Thành (Rex), đã là mầm mống của sự bất mãn liên tục, càng ngày càng lớn của những người lao động trí thức. Trong khi đại bộ phận trí thức và lao động của báo Tin Sáng mỗi ngày phải đi làm từ sớm bằng xe đạp và xe gắn máy đã khá cũ kỹ, ông chủ báo Tin Sáng ngày mới về vẫn đi xe đạp cuộc, sau vài ba tháng làm chủ báo, ông đã tậu cho riêng mình vài ba cái ô tô, đã tậu riêng một căn biệt thự to lớn ở đường Nguyễn Gia Thiều quận 3, tậu riêng cho mình một mảnh vườn lớn ở khu Thanh Đa Bình Quới, những tài sản đó từ đâu mà có, nếu không phải nói là cái tồn đọng từ thặng dư bóc lột sức lao động của đông người, theo kiểu nói của Karl Marx. Đến bây giờ, năm 2004, gần 30 năm sau ngày giải phóng mà nhắc lại vài ví dụ để hiểu rõ sự nứt rạn và hố phân cách của những người lao động với Ngô Công Đức trong báo Tin Sáng, có thể là nhắc lại một việc quá tầm thường, quá nhàm chán và quá cũ. Người ta không thể hiểu hết vị đắng, vị ngọt hay vị chua lè của sự cách biệt giai cấp chủ thợ ở thời kỳ đó, vì nó chả có gì khác xa, chẳng có gì lạ so với những bất công mà người lao động phải hằng gánh chịu bao đời nay. Có điều lạ là chính quyền cách mạng trong thời gian đầu vẫn để xảy ra tình trạng một cá nhân hay vài cá nhân hưởng thụ quá nhiều quyền lợi, quá nhiều đặc ân, trong khi những người khác vẫn tiếp tục hứng chịu những khó khăn, thiếu thốn của đời sống công nhân lao động. Chính vì thế mà sự bùng nổ của cuộc “đấu tranh giai cấp” đã xảy ra ở báo Tin Sáng vào những ngày đầu năm 1981. Một số báo cáo của công đoàn và đoàn thanh niên về bất công xã hội trong báo Tin Sáng đã bộc lộ rõ với các cơ quan có trách nhiệm của Đảng ở thành phố và ở TW. Những người lao động chân chính trong báo Tin Sáng đã không thể tiếp tục chịu đựng sự việc bất công một người hưởng thành quả của nhiều người khác, nhiều người phải tiếp tục sống khó khăn, phải tiếp tục chia sẻ những khó khăn chung của xã hội thời bấy giờ, chỉ để riêng một người tiếp tục thụ hưởng vừa danh tiếng, vừa lợi nhuận vật chất và tinh thần tạo ra bởi tập thể. Tháng 6-1981 sự nứt rạn giai cấp và cuộc đấu tranh chủ thợ trong báo Tin Sáng phải đến hồi kết thúc. Chính quyền thành phố buộc lòng phải rút giấy phép, không để cho Ngô Công Đức tiếp tục xuất bản báo Tin Sáng với tư cách báo tư nhân. Tin Sáng bị đóng cửa, danh từ văn vẻ lúc ấy, được gọi là “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” của thời kỳ quá độ, nguyên do chủ yếu là cuộc đấu tranh giai cấp trong nội bộ báo Tin sáng đã bùng nổ khốc liệt, không còn cách nào cứu chữa được. Nhiều người ở bên ngoài, không biết rõ chuyện nội bộ của báo Tin Sáng đều nghĩ rằng chính quyền mới, áp dụng chiêu thức cũ mèm đối với những người trí thức của chế độ cũ “Vắt chanh bỏ vỏ”. Nhiều người tung dư luận, báo Tin Sáng của Ngô Công Đức, viết lách, làm báo rất có phong độ, được cảm tình và ủng hộ của quần chúng độc giả, tại sao nhà nước lại không cho xuất bản? Thực tế nguyên do chủ yếu của việc Tin Sáng bị nghỉ hưu non không có vấn đề chính trị, mà vấn đề chủ yếu là sự tồn tại tiếp tục của báo Tin Sáng, để một người tiếp tục thụ hưởng và đa số người khác tiếp tục bị bất công, là một điều trái với nguyên tắc của chính quyền mới. Ổ bất công to tướng ngay trước mắt của những người lãnh đạo thành phố, không thể tiếp tục được duy trì. Người ta đã quá nhẹ nhàng với Ngô Công Đức khi để ông ta tự tìm cách khai tử tờ báo mà không gây ra những hậu quả chính trị xã hội to lớn nào. Khi giải thể báo Tin Sáng, dù đó là một điều rất bất ngờ đối với Ngô Công Đức nhưng chính ông ta là người tiếp tục được thụ hưởng hầu hết mọi quyền lợi vật chất được tạo ra trong 6 năm lao động của tập thể viết báo Sài Gòn trong chế độ mới. Hầu hết những người khác, mỗi người được cấp phát một tháng lương nghỉ việc, một số được tuyển chọn tiếp tục làm báo ở các cơ quan khác như báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Tuổi Trẻ, báo Phụ Nữ Thành Phố… Sự tan đàn và vỡ bầy của nhật báo Tin Sáng là chuyện tất yếu phải đến vì tờ báo chỉ là tập hợp giai đoạn những người trí thức cũ trong một chế độ mới, vào một thời kỳ mới với nhiều phong cách, tư tưởng, tập quán suy nghĩ, cách nhìn các vấn đề có nhiều điểm rất khác nhau. Những người trí thức cũ với lòng yêu nước sẵn có đã tiếp tục thể hiện khả năng, tâm huyết của mình trong một môi trường có lắm người đồng sàng nhưng dị mộng. Có thể nói thời kỳ 6 năm làm báo Tin Sáng là một giai đoạn vừa tập hợp những cái cũ vừa tạo điều kiện cho những cái mới được phát huy, vừa sàng lọc, vừa phế thải những con người và những nếp sống không thích hợp. Cơ quan ngôn luận báo Tin Sáng chỉ là tập hợp những tiếng nói, những khuynh hướng, những giá trị tư tưởng, văn hoá xã hội đang tự nhào nặn, tự hình thành và tự phân hoá trong một bối cảnh xã hội hoàn toàn có những giao động mới, hoàn toàn đi lên trong một chiều hướng được tổ chức và lãnh đạo bởi Đảng. Vì những xung đột nội bộ thể hiện những căn bệnh ấu trĩ của một lớp người cũ trong một thời kỳ mới, báo Tin Sáng không thể tiếp tục là cơ quan ngôn luận của một người, hoặc là cơ quan chỉ để một người thụ hưởng. Báo Tin Sáng chấm dứt, đánh dấu sự cáo chung của những tồn đọng trong cung cách làm báo tư sản, để nhường bước cho sự lớn lên và phát triển của nhiều tờ báo khác. Thôi làm chủ báo, ông Ngô Công Đức chuyển sang làm chủ hãng sơn mài Lam Sơn. Sau một thời gian tiếp tục thụ hưởng những đặc ân còn sót lại của thời kỳ hậu Tin Sáng, ông Ngô Công Đức chuyển hẳn sang kinh doanh sản xuất ngành gốm. Con đường kinh doanh vẫn thênh thang trước mặt ông vì cách mạng đã tạo cho ông khá nhiều vốn liếng vật chất, dành cho ông nhiều vị trí thuận lợi trên bước đường làm ăn để ông có điều kiện phát huy, theo đường lối cởi mở của một đất nước đang nỗ lực xóa bỏ nghèo đói, đang tạo thời cơ cho những doanh nhân làm giàu. Doanh nhân làm giàu để cho đất nước được giàu, để quần chúng lao động có thêm công ăn việc làm, để mọi người có thể cải tiến được cuộc sống vật chất và tinh thần. Doanh nhân Ngô Công Đức, có máu làm ăn ngay từ nhỏ, từng được ông Âu Quang Cảnh một cựu doanh nhân nổi tiếng của Sài Gòn ban tặng cho biệt danh “người Do Thái da vàng“ (c’est un Juif jaune), gặp thời kỳ đất nước mở rộng cửa làm ăn cho mọi xu hướng, mọi thế lực, giống như cá được thả về với nước sông hay nước biển. 19-3-15
|