Những Ngã Rẽ Hồi ký
Chương 19
CHUYẾN XUẤT GỖ LÀO ĐẦU TIÊN
Lào và Thái Lan là hai nước sát kề nhau được sông Mê Kong cắt dọc ra trên tuyến đường dài hơn 700 cây số. Bên bờ Tây sông Mê Kong là những tỉnh lớn của Đông Bắc Thái Lan như Udon Thani, Nakhon Thani, Noong Khai… bên bờ Đông của sông Mê Kong có nhiều cánh rừng Lào ngút ngàn. Nào là tỉnh Luangbrabang, tỉnh Udomsay, thủ đô Vientiane, tỉnh Bolikhamsay, Kham Muộn, Sanavakhet, Champassak… Hai dân tộc Lào Thái có chung một nguồn gốc nên văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, xã hội gần giống nhau. Người Thái và Lào có cùng ngôn ngữ và họ hiểu nhau, thông cảm nhau gần như trọn vẹn. Đặc biệt nền kinh tế họ sống dựa vào nhau, làm ăn mua bán hai bên bờ sông Mê Kong dễ dàng qua lại. Ở tỉnh Noong Khai của Thái và thủ đô Vientiane của Lào, mùa nước cạn, có những khoảng ở giữa lòng sông, gò cát lớn nổi lên, dân hai bên bờ Đông Tây có thể lội bộ thăm nhau. Gắn bó giữa Thái Lan và Lào là gắn bó lịch sử, ngôn ngữ văn hóa, phong tục tập quán nhưng đặc biệt là gắn bó kinh tế. Người Thái Lan giỏi về làm ăn mua bán, người Lào thụ động hơn cho nên rừng Lào dày đặc dọc theo biên giới Thái, chính là nguồn lợi cho những người buôn gỗ lớn của Thái Lan đã hưởng trong nhiều năm qua. Gỗ Lào quý hiếm như trắc, cẩm lai, giáng hương, gỗ đỏ… là nguồn lợi béo bở làm nên sự giàu có của nhiều nhà tư bản Thái. Dân tộc Lào bản tính thụ động, thích lễ hội, thích ca múa Lâm Vông, thích thổi Khèn, thích uống rượu, thích ăn pà – đẹt (loại mắm đặc biệt của Lào), thích ăn gà nướng cơm lam ống tre… một năm Lào có gần cả trăm lễ hội, mỗi kỳ lễ hội kéo dài một vài đêm, cho nên hầu hết dân Lào khoái đi “bun”, ca hát trong các bản làng và trong các chùa chiềng. Đối với họ, nhu cầu làm giàu không phải là chủ yếu. Nhu cầu sống an nhàn, bình yên và đầy lễ lạc đã gần như trở thành dân tộc tính. Có hai câu chuyện sau đây để nói lên tính hòa bình và thụ động của người Lào. Ở thủ đô Vientiane thỉnh thoảng cũng xảy ra một vài tai nạn giao thông giữa hai người chạy xe gắn máy ngoài đường phố. Nhỡ họ có đụng xe với nhau, thường không bao giờ họ la ó cãi vã. Hai bên từ từ vào trong lề đường ngồi chờ cảnh sát đến phân giải. Người này có thể mời thuốc lá người kia và vẫn vui vẻ trò chuyện nhau bình thường. Một câu chuyện nữa cho thấy người Lào rất an nhàn, không hấp tấp. Có người đi bộ, gặp lúc trời mưa, họ vẫn đi từ từ, không chạy vội vàng tìm chỗ trú mưa, như cảnh chúng ta thường thấy tại Sài Gòn. Họ có quan niệm, trời có lỡ mưa, vẫn phải từ từ hứng chịu dù quần áo có ướt đẫm, chẳng phải vội vàng né tránh. Ít khi nào chúng ta thấy cảnh người Lào ấu đả với nhau. Một cặp vợ chồng đã lấy nhau, sống chung với nhau không bao giờ chửi nhau to tiếng. Đặc biệt chồng hầu như tuyệt đối không khua tay múa chân, đánh vợ. Có gì họ cũng từ từ nói. Giữa vợ và chồng, chỉ cần một cái bốp tay, dứt khoát, đôi uyên ương đó sẽ tan rã. Trong khi người Thái, chịu ảnh hưởng nhiều của dân tộc Hoa, chuyên về mua bán làm ăn phát triển doanh nghiệp, phát triển cơ xưởng. Từ hai đặc tính của hai dân tộc sát kề nhau, dựa vào địa lý tự nhiên hỗ trợ nhau, người Thái lo làm giàu, người Lào lo hưởng an nhàn. Tài nguyên rừng của Lào trở thành miếng mồi ngon cho người Thái mua bán phát triển công nghiệp. Sau năm 1975 nước Lào trở thành nước chịu ảnh hưởng chính trị của chế độ Cộng sản. Chính phủ Lào do Tổng bí thư Cây Xỏn Phom Vi Hản cầm đầu, do Hoàng thân Souphanuvong lãnh đạo về tinh thần, do Đại tướng Khăm Tày Xi Phan Đon cầm quyền quân sự, ngã hẳn theo Việt Nam. Từ đó phát sinh ra mối xung đột chính trị nặng nề suốt hơn 10 năm từ 1975 đến 1985, giữa Lào và Thái luôn có các đụng độ quân sự ở biên giới Đông Bắc Thái Lan và Lào. Tình hình chiến sự không êm thắm dẫn tới một số khó khăn lớn cho giới làm ăn của Thái Lan sang Lào. Chính phủ Lào để đứng vững, không bị sụp đổ quyền lực vào tay của đám tướng lãnh Lào thân Thái như Hoàng thân Boun Um, người đã xây dựng lâu đài có hàng ngàn cửa tại Champassak; trong bối cảnh đó Lào dựa vào quân đội Việt Nam và các chính ủy của Việt Nam để tồn tại. Tại Vientiane và tại các tỉnh Bắc Trung Lào ở đâu cũng có những cố vấn quân sự của Hà Nội. Có những Trung đoàn xây dựng kinh tế của Việt Nam và có những chuyên gia về an ninh chính trị. Suốt hơn 10 năm, Tổng Bí thư Cây Xỏn cầm quyền, Lào gắn bó thân thiết với Việt Nam như anh em. Dĩ nhiên, bên kia bờ Tây sông Mê Kong, dọc dài theo hai nước Lào Thái, chính phủ Hoàng gia Thái Lan, các nhà tài phiệt Thái đa số xuất thân từ quân đội và đa số có phần nào máu thịt dòng tộc với người Hoa, họ thấy mối quan hệ Lào – Việt không có lợi cho an ninh kinh tế Thái Lan. Cuộc xung đột quân sự nổi cộm nhất giữa Thái Lan và Lào trong năm 1983 – 1984 đã nảy sinh ra từ từ xung đột 3 bản Bắc Lào và có lúc đã khiến chính phủ Thái ở Bangkok quyết định bao vây kinh tế Lào. Thái Lan bao vây kinh tế Lào có nghĩa là không cho Lào mượn đường Cảng biển Thái Lan để nhập vào Lào các vật tư chiến lược chủ yếu như xăng dầu, sắt thép và xi măng mặc dù giới thương buôn của Thái vẫn tiếp tục khai thác nguồn lợi từ kinh tế Lào. Thật quá dễ dàng để đưa mỗi ngày đêm hàng ngàn khối gỗ quý của Lào vượt sông Mê Kong qua Thái Lan, nhưng thật khó khăn cho chính phủ Lào đưa xăng dầu, sắt thép viện trợ của Liên Xô vào đất Lào nếu không dứt khoát chọn các con đường cảng biển Việt Nam. Tổng Bí Thư Cây Xỏn Phom Vi Hản, trong tình thế đó của năm 1984 – 1985, đã quyết định phá thế bao vây của Thái bằng cách đóng cửa các đường biên giới Lào qua Thái một cách công khai (vì âm thầm dân Lào và Thái vẫn sử dụng đường biên giới sông Mê Kong ngày đêm). Hơn thế nữa, chính phủ Lào quyết định ngả hẳn về chính trị và kinh tế sang phía Việt Nam. Chủ trương Lào phải phát triển bằng mọi cách dựa vào hướng đông, dựa vào Việt Nam. Ông Cây Xỏn và ông Lê Duẩn đã nhiều lần gặp nhau, hai bên quyết định mở rộng cửa giao dịch biên giới Việt Nam – Lào, không chỉ giới hạn về an ninh quân sự mà còn mở xa và rộng về thương mại, giao dịch dân sự toàn diện giữa hai bên. Trong bối cảnh chính trị đó, đã hình thành các chương trình hợp tác phát triển kinh tế Lào – Việt Nam và ngược lại.
Những năm tháng đó, chúng tôi đã làm được gì trên đất lào? Thời gian tôi tham gia phát triển kinh tế đất nước Lào, không dài lắm. Bắt đầu những ngày tháng cuối năm 1984 cho đến hết ngày 25 tháng 12 năm 1987, là ngày tôi bị ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản VN ra lệnh bắt tôi. Những tình tiết chung quanh vụ án Cimexcol Minh Hải, tôi xin phép sẽ thuật lại cho bạn đọc vào những chương sắp tới. Đã 20 năm trôi qua, những tình tiết ly kỳ dẫn tới vụ án Cimexcol Minh Hải, tôi không thể nào nhớ hết. Tôi sẽ cố gắng ghi lại điều mình nhớ để cho thấy Ông Nguyễn Văn Linh đã làm một việc vô cùng xằng bậy đối với chương trình hợp tác Minh Hải - Lào vì những động cơ cá nhân và vì muốn chứng tỏ ông ta là một người có quyền lực cao nhất nước Việt Nam, bất chấp ý kiến của các nhà lãnh đạo nước Lào trong những năm tháng đó. Chúng tôi bắt đầu chuyện làm ăn kinh tế với quân đội Lào cũng vì muốn tìm một hướng phát triển sang phía Tây Trường Sơn. Ông Linh ra lệnh bắt tôi là để chấm dứt chương trình đó. Một chương tình đã gắn kết tâm huyết của bao nhiêu người lãnh đạo tỉnh Minh Hải với chương tình phát triển kinh tế của đất nước Lào (thời kỳ ông Cây Xỏn Phom Vi Hản, Tổng Bí Thư Đảng Lào kiêm Thủ tướng Chính phủ nước Lào) cũng vì mục tiêu ưu tiên giúp cho dân Minh Hải có thêm nhiều gỗ để xây dựng nhà, góp phần ngói hóa nông thôn Minh Hải. Trước khi đi sâu vào những uẩn khúc của vụ án, tôi xin phép nhắc lại những điều mà tôi còn nhớ được trong những ngày tháng hợp tác kinh tế với quân đội Lào, tại Bản Lạc Sao, một vùng địa đầu của xứ sở Trung Lào, một vùng địa đầu của xứ sở Trung Lào dính liền với vùng Nghệ An- Hà Tĩnh. Những năm tháng đó, chúng tôi với hơn ba trăm con người của xứ Minh Hải và TP.HCM đến đất Lào được quân đội Lào và nhân dân địa phương đón tiếp với tấm lòng thân ái của bạn bè, với sự yêu mến và tin tưởng vào những ngày tươi sáng sắp tới. Thời điểm đó ở Bản Lạc Sao thuộc huyện Cam Kớt của Tỉnh Bolikhamxay, đang có những gì? Lạc Sao là một bản nhỏ chỉ có sáu căn nhà sàn của dân làng, nằm heo hút trên con đường 8 nối liền Lào- Việt và cách biên giới Việt Nam (biên giới Cầu Treo) thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tỉnh, khoảng 20km. Tiếng Lào, chữ Lạc có nghĩa là cây số và chữ Sao có nghĩa là hai mươi. Lạc Sao một địa danh rất ít người địa phương ở Hương Sơn Hà Tĩnh biết đến, ngoại trừ những anh bộ đội Trường Sơn đã từng đi qua con đường này trong thời kháng chiến chống Mỹ. Để đến Lạc Sao khoảng thời gian năm 1984, từ biên giới Việt Nam, ông Trung tướng Đặng Kinh, Phó Tổng Tham mưu Trưởng Quân Đội Việt Nam, đã phải dùng xe tăng bánh lốp vì đường đi vô cùng khó khăn, nhiều hang ổ, nhiều vũng lầy vượt qua những đoạn rừng núi chập chùng. Đi theo yểm trợ ông có những xe bộ đội thuộc Quân Khu 4, rầm rộ mở đường. Ông Đặng Kinh đến Lào bằng đường bộ và đường rừng vào những tháng ngày cũng thật gian nan và cả một sự điều động lực lượng chuyên môn theo yểm trợ. Mục đích của ông là để tìm ra biện pháp hữu hiệu giúp quân đội Việt Nam hợp tác với quân đội Lào phát triển kinh tế trong thời bình. Tình nghĩa của quân đội Việt Nam đối với quân đội Lào, đối với đất nước Lào bên phía Tây Trường Sơn vô cùng gắn bó, suốt một thời kỳ chiến tranh chống Mỹ gần 20 năm, quân đội Việt Nam, người Việt Nam đã vùi thây trên đất nước Lào hơn 6 vạn người. Chiến thắng tháng 4 năm 1975, đòi hỏi quân đội Việt Nam phải tiếp tục phát huy thành quả đó trên mặt trận kinh tế, chính trị và xã hội, tại đất nước Lào. Từ giữa năm 1975 đến giữa năm 1984, hơn 9 năm trời đã trôi qua, quân đội Việt Nam đã kiên trì bám vào những vùng đất bên kia Phía Tây Trường Sơn và đã làm được những công việc khác to lớn. Nối liền đường sá giữa những Bản làng dọc dài theo dãy Trường Sơn, từ Bắc Lào xuống Trung Lào đến Nam Lào. Đường ống dẫn dầu, dẫn xăng từ Việt Nam sang đất nước Lào, những ngày tháng đó vẫn còn được duy trì như một mạch máu chủ yếu yểm trợ, giữ gìn việc lưu thông giữa hai nước bằng đường bộ. Những cầu nối con đường 8A-8B, đường 9, đường 12, các tỉnh phía Đông của Lào dính với phía Tây của Việt Nam, được phục hồi. Dấu vết chiến tranh thời kỳ đó vẫn còn, nhưng đường sá lưu thông tiếp tục trôi chảy, thông suốt. Duy trì được mạch máu nối liền nương tựa vào nhau trong chiến tranh chống Mỹ, Lào không chỉ gắn liền nương tựa vào nhau trong chiến tranh chống Mỹ, Lào_Việt Nam càng khắng khít hơn do những đường huyết mạch mà quân đội Việt Nam, các đội Công Binh, các đội xây dựng cầu đường, trong đó phần lớn là thanh niên bộ đội và thanh niên xung phong đã kiên trì liên tục bám trụ xây dựng hệ thống liên lạc giữa hai nước. Từ đó đến ngày chúng tôi mở chiến dịch sang Lào làm hợp tác phát triển kinh tế, gần 10 năm đã trôi qua. Do phải khôi phục đường sá, cầu cống, duy trì các ngầm vượt qua sông suối, những ích lợi về kinh tế của Minh Hải được phép của Ủy Ban Liên Lạc Văn Hóa Kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia mà người đứng đầu là ông Đặng Thí, Chủ nhiệm (hàm Bộ Trưởng) đã làm tất cả những động tác cần thiết cho đoàn chúng tôi được sang Lào. Đó là một thời điểm vô cùng thích hợp để tạo dựng được những thành quả cụ thể chứng minh ích lợi cho cả dân Lào, dân Việt Nam ở hai bên biên giới thấy rõ và từ đó mọi người ở hai bên địa phương Lào - Việt càng tin tưởng thêm vào những bước phát triển của chương trình này.
Từ Ngã Ba Bãi Vọt đến đèo Keo nưa- Hương Sơn… gần mà xa Chính việc triển khai lực lượng xe cộ rầm rộ của đoàn Minh Hải trên đường 8A qua biên giới Lào- Việt đã đổi thay gần như toàn diện quang cảnh của vùng này. Để có thể qua phà Linh Cảm, đoàn xe kéo chiếc phà có thể chở được xe 50 tấn, bằng những sợi dây cáp 20 ly bắc ngang sông… Tình hình vận chuyển càng ngày càng rầm rộ trên đường 8A đã khiến Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam hợp sức cùng quân đội Lào, hợp sức cùng Tỉnh Nghệ Tĩnh tìm cách xây dựng chiếc cầu Linh Cảm. Sau đó, tới việc bắc qua cầu ngầm Nước Sốt, tiếp theo mở rộng đèo Keo Nưa. Đoàn xe Minh Hải làm rộn ràng giao thông trên đường 8A, kéo theo sự tham gia của đoàn xe Quân Khu 4 ngày đêm qua những địa danh như Phố Châu, Nước Sốt, Huyên Trung Tâm… đã biến con đường ngày xưa chỉ có xe bộ đội qua lại, nay đoàn Minh Hải tham gia vận chuyển xuất khẩu gỗ Lào qua hướng Đông đã tăng cường sức mạnh kinh tế của vùng biên cương Hà Tĩnh, kéo theo sự phát triển làm ăn mua bán dọc dài từ Hương Sơn qua Lạc Sao. Tác động phát triển kinh tế vùng rừng núi Lào đã đánh thức công cuộc làm ăn của dân hai bên biên giới. Nhiều gia đình người Việt Nam từ Hà Tĩnh đổ xô sang Bản Lạc Sao tìm đất, tìm chỗ xây nhà, mở ra hàng quán. Tiệm ăn, tiệm tạp hóa, những điểm sửa xe dọc đường, dân buôn Việt Nam qua lại biên giới Việt - Lào để đi sâu hơn nữa vào huyện CamKớt, vào các địa danh khác của tỉnh Bolikhamxay. Có thể nói cuộc làm ăn “gỗ Lào” của đoàn Minh Hải- TP.HCM đã đánh thức nhiều hình thái sinh hoạt kinh tế của hai bên Lào - Việt. Những người H’ Mông ở vùng cao từ các bản xa xôi của huyện Cam Kớt, huyện Viên Thoong đã đổ ra Lạc Sao mua và bán. Họ đâu có gì để bán ngoài những nải chuối, những con gà và một ít mật ong. Họ đổi lại các thức uống, bánh kẹo, kể cả quần áo và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Người sống trong các bản làng xá ngày nào cũng đổ về Bản Lạc Sao để nhìn ngắm hoạt động của các xe chở gỗ. Từ đó, đã nổi lên mối liên hệ thường xuyên giữa những người ở thành phố với dân các bản. Chính đoàn quân vận chuyển gỗ Minh Hải đã đổi mới cuộc sống của dân Lào tại huyện Cam Kớt. Họ không còn sống cô lập nữa, họ bắt đầu sống với ánh đèn điện văn minh. Lúc đoàn Minh Hải mở xưởng cưa tại Ngã Ba Lạc Sao cũng chính là lúc ánh đèn điện được giăng mắc đến tận nhà (chỉ có 5-10 căn) của dân trong bản. Sự kiện đó quá tầm thường. Nhưng đó cũng bắt đầu cho nhiều cuộc đổi mới ở một địa điểm giữa khu rừng Trung Lào. Bộ đội Lào trong vùng đó, dưới quyền chỉ huy vừa có tính cách quân sự, vừa kiêm cả nhiệm vụ hành chính của Tướng Bun Niên và Đại tá Cheng Sayavong, đã tham gia vào việc đổi mới bản Lạc Sao. Giữa binh lính của Lào tại địa phương với những công nhân của đoàn xe vận chuyển gỗ Minh Hải đã sinh ra mối quan hệ bình thường hàng ngày nhưng càng lúc càng khắng khít. Người Minh Hải và người Sài Gòn sống trong rừng Lạc Sao, sống trong các bản của khu rừng Nakay, hàng ngày đã trở nên thân thuộc. Họ cảm thấy họ rất cần có nhau. Đoàn quân Minh Hải cắt gỗ của rừng Lào, đem qua Cảng Xuân Hải của Hà Tĩnh, xuất khẩu qua Nhật Bản. Ngược lại, bộ đội Lào thu được nhiều ngoại tệ để lo cho đời sống của người dân địa phương. Từ bao nhiêu năm trước đây, hoàn toàn không có mối quan hệ bình thường nhưng thật gắn bó kiểu đó. Đó là điều cắt nghĩa, không cần phải giải thích tại sao Minh Hải và Lào thời gian đó khắng khít với nhau. Trên đường vận chuyển, đoàn xe Minh Hải đi qua có những chỗ lún lầy, họ tự tham gia sửa đường bằng sức lao động và bằng sự đóng góp kinh tế tài chính riêng của họ. Trong mắt người dân địa phương, nhờ có đoàn xe Minh Hải, giao thông trong vùng không còn khó khăn nữa càng ngày càng được thông suốt, dễ dàng hơn, đối với người dân đó là hiệu quả trông thấy trước mắt của chương trình hợp tác.
Các chương trình phát triển kinh tế khác… Tướng Bun Niên, Tướng Chengsayavong, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn, Đại Tá Quách Bá Đạt qua gần 20 năm chiến đấu bảo vệ rừng Lào, nay lại có thêm cơ hội cùng anh em Minh Hải chúng tôi đổi mới cuộc sống ở đây. Bất kỳ khi mở thêm một điểm chiếu phim, tổ chức một đêm văn nghệ Lâm Vông trong những ngày hội Bun Tết Bun Hót Nam (lễ Té Nước), Tướng Cheng cũng kêu gọi đoàn Minh Hải tham gia. Quyết định mở mấy gian hàng bách hóa để bán cho dân các bản chung quanh, đoàn Minh Hải cũng được mời. Chúng tôi trong năm 1985 đã chuyển giúp qua Lạc Sao cả ngàn tấn gạo từ Bạc Liêu - Cà Mau đến, tăng cường bữa ăn của bộ đội Lào, chúng tôi không phải chỉ đến Lạc Sao để chặt gỗ, chúng tôi đến đó để mở thêm giao thương giữa Lào, Việt Nam và Nhật Bản. Mỗi một cây thông to hàng trăm tuổi trước khi được mang đi chúng tôi đã có một thời gian dài để lấy nhựa. Sau đó đoàn Minh Hải đã mở thêm vườn ươm những cây thông con, giống lấy từ Đà Lạt qua để trồng lại giữa rừng Lào. Vườn ươm cây thông giống từ Đà Lạt của kỹ sư Hoàng Xuân Lâm đã cung cấp cho việc trồng mới hơn 500 ngàn cây thông con tại các khu rừng của vùng Lạc Sao- Cam Kớt. Nhà máy chế biến nhựa thông thành Colophan do vợ chồng kỹ sư Đồng Chí Hoành tổ chức đã sản xuất ra hàng ngàn tấn Colophan được Thiếu Tướng Bun Niên bán cho các nhà máy sản xuất sơn nước của Thái Lan. Để lấy được nhựa thông trong những rừng thông bạc ngàn của Nakay, chúng tôi đưa tiểu đoàn thanh niên xung phong từ Cà Mau qua, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của kỹ sư Đồng Chí Hoành, những thanh niên xung phong Minh Hải, nam cũng như nữ đã trở thành đội quân tình nguyện lấy nhựa thông giữa rừng Lào. Nhà máy cưa xẻ gỗ của Minh Hải lần đầu tiên được xây dựng tại huyện Cam Kớt đã giúp cho dân Lào tại các địa phương có gỗ làm nhà. Một kỷ niệm không thể không nhắc đến là vào thời kỳ đó ở cả tỉnh Nghệ An (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh) giáp với Bolykhamxay, người ta chưa biết sử dụng cưa máy để hạ gỗ, người ta chưa biết sử dụng những máy cưa CD4 trong các xưởng xẻ. Các kỹ thuật viên cưa xẻ, các thợ rừng của Minh Hải đã hướng dẫn kỹ thuật hạ gỗ, cưa gỗ cho nhiều dân Nghệ An, Hà Tĩnh qua làm rừng tại Lào tại thời điểm đó. Các công nhân cưa xẻ và hạ gỗ của ông Nguyễn Văn Chương- Giám đốc Công ty Lâm Sặc Nghệ Tĩnh đã lần đầu tiên học nghề với các anh em Minh Hải. Trên phạm vi lâm nghiệp, thời kỳ đó hệ thống kiểm lâm của rừng Lào, cũng chưa hình thành. Đoàn Minh Hải đã huấn luyện kỹ thuật cho nhiều cán bộ Lào. Tại TP.HCM, chúng tôi đã mở lớp học trung cấp với chương trình học hai năm để hướng dẫn các thanh niên Lào về nghiệp vụ lâm nghiệp và ngoại thương của Lào do Công ty Cimexcol Minh Hải trợ cấp và tổ chức huấn luyện đã trở thành những cán bộ nồng cốt về thương –lâm nghiệp của nước Lào trong những năm tiếp sau. Vào ngày 2 tháng 12 năm 1985, đoàn Minh Hải được Chính phủ Lào mời tham gia hội chợ Thác Luỗng, kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Lào, 10 năm giải phóng đất nước. Ông Hồ Ngọc Nhuận, một người từng cộng tác với tôi trong nghiều năm làm báo tại Sài Gòn, lúc đó cũng đang “rảnh” (vì báo Tin Sáng đã bị đóng cửa từ tháng 8 năm 1981) đã sẵn sàng tiếp sức cho Công ty Cimexcol Minh Hải tổ chức cuộc triển lãm tại Vientiane. Chúng tôi còn nhớ những mẫu nhà rẻ tiền bằng gỗ thông, những bức tranh gỗ đã do các kỹ thuật và các nhà điêu khắc ở Sài Gòn, dùng vật liệu thông rừng Lào tham gia triển lãm. Ngoài các thành tựu về lâm nghiệp, hội chợ Thác Luỗng đã được đoàn Minh Hải tham gia với việc mở hẳn một cửa hàng ẩm thực Sài Gòn trong những ngày lễ hội. Thành công trong kỳ tham dự hội chợ Thác Luỗng 1985 không lớn lắm, nhưng đã đánh dấu một bước phát triển mới trong làm ăn kinh tế giữa quân đội Lào và người Sài Gòn, người Bạc Liêu- Cà Mau. Chúng tôi được đón nhận trong con mắt của những nhà lãnh đạo Lào vào thời kỳ đó, như những nhân tố mới từ miền Nam Việt Nam tham gia vào một thời kỳ mới của phát triển kinh tế Lào. Đoàn Ca Múa Nhạc Tháng Tám của nhạc sĩ Thanh Trúc đã trình diễn những điệu dân ca miền Nam, những vũ điệu của nông thôn đồng bằng Sông Cửu Long, trong ánh mắt đón nhận cái mới của bà con dân Lào, của những người chỉ huy bộ đội Lào. Chúng tôi làm bất cứ chuyện gì trong chương trình phát triển kinh tế với quân đội Lào, cũng được họ nhiệt tình ủng hộ. Đoàn y tế của TP.HCM do bác sỹ Trương Mộc Lợi, Phó giám đốc bệnh viện An Bình lúc đó hướng dẫn cũng đã đi sâu vào các bản làng của tỉnh Bolikhamxay để tham gia chữa bệnh, phát thuốc cho một số dân địa phương. Chúng tôi đã thu thập được hơn 130 mẫu dược thảo của rừng Lào tại huyện Cam Kớt để tham gia trưng bày hội chợ. Chương trình làm ăn kinh tế của Minh Hải với quân đội Lào có tính cách đa dạng vừa kinh tế vừa xã hội., vừa có tính cách văn hóa văn nghệ kết nối hai dân tộc. Cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua bài hát của nhạc sỹ Thanh Trúc về bản Lạc Sao với tựa đề “Minh Hải và Lạc Sao giữa rừng Lào” vẫn còn được tướng Cheng Sayavong nhắc nhở. Nhiều cán bộ thanh niên của quân đội Lào vẫn còn nhắc đến giọng hát trầm ấm của nữ ca sỹ Cẩm Vân tại nhiều nơi ở thủ đô Vientiane trong ngày 2 tháng 12 năm 1985.
Xuất khẩu gỗ thông lần đầu tiên trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của quân đội Lào Có lẽ chuyển hướng quân đội sang làm kinh tế trong thời kỳ hòa bình là một chuyển hướng khá mới mẻ tại Việt Nam và tạo Lào. Đặc biệt tại Lào, chương trình đảm nhận vai trò làm ăn kinh tế bắt đầu có hiệu quả từ lúc đoàn Minh Hải chúng tôi sang Lạc Sao vừa làm rừng vừa làm thương mại xuất nhập khẩu, vừa làm văn hóa văn nghệ và xã hội. Công ty Cimexcol Minh Hải vừa vận chuyển gỗ Lào về Việt Nam, xuất khẩu sang hướng Biển Đông, đúng theo hướng chỉ đạo của Cây Xỏn Phom Vi Hản, công ty Cimexcol Minh Hải còn đảm nhận cả việc sửa con đường 8B dài hơn 60km nối liền Bản Lạc Sao với cao nguyên Nakay. Kỹ sư Tống Phước Hằng, năm 1985, chỉ huy đội cầu đường của Minh Hải, trong vòng không đầy 10 tháng đã trải nhựa trên một đoạn đường dài hơn 10 cây số. Việc làm đường được dân địa phương hoan nghênh nhưng cũng đem tới cho Minh Hải nhiều mối lợi. Việc chở gỗ từ Lạc Sao về Việt Nam càng lúc càng bớt khó khăn nhờ tiến hành sửa chữa đường sá. Hơn 2 năm làm gỗ xuất khẩu với công cụ mũi nhọn là đạo quân Minh Hải tại Lạc Sao, Bộ Quốc phòng Lào đã thu được gần 10 triệu đôla. Con số này không lớn nếu đem so với hiện nay, nhưng vào thời điểm 1985- 1986, xuất khẩu gỗ thông Lào sang Việt Nam đi Nhật Bản đạt được số tiền đó là một kích thích lớn thúc đẩy quân đội Lào tham gia mạnh hơn vào các chương trình kinh tế. Trong năm 1986-1987, Bộ Quốc Phòng Lào dựa vào sự thành công ở Lạc Sao đã mở ra chương trình phát triển kinh tế tại Nam Lào và Bắc Lào. Tại Champassak, Công ty Dafi được thành lập do Thiếu Tướng Phouvon Keo Boulome làm Tổng Giám Đốc và tại Bắc Lào Công ty Phát Triển Miền Bắc Lào do Đại Tá Un Hươn là Tổng giám đốc. Quân đội Lào với sức mạnh kỷ luật của quân đội đã biến những quân nhân thành cán bộ hoạt động kinh tế có hiệu quả. Chủ yếu các công ty của quân đội Lào hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp. Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ tại Lạc Sao trị giá trên 10 triệu USD, nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của công ty Dafi trị giá 80 triệu USD nhập của Đan Mạch đã sản xuất ra được nhiều ván ép, ván MDF và nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu cho HongKong, Thái Lan và cả Nhật Bản. Tất cả những chương trình đó đều phát xuất từ những thành tựu ban đầu của chương trình hợp tác giữa Minh Hải và quân đội Lào. Đến nay, đã hơn 20 năm trôi qua, khi trở lại đất nước của triệu voi, người ta không thể quên được công lao mở mũi của thời kỳ 1985-1986. Thế mạnh của nước Lào gần 20 năm qua dựa vào sự phát triển công nghệ gỗ.Sự hợp tác giữa Minh Hải với quân đội Lào đánh dấu hai sự việc quan trọng: - Lào khẳng định vao trò phát triển kinh tế bằng việc hợp tác sang hướng Đông phá vỡ thế bao vây của Thái Lan. Từ đó Lào không còn là một nước bị cô lập giữa lục địa. - Lào có thể phát triển kinh tế dựa vào quân đội. Quân đội là lực lượng xung kích cho sự phát triển kinh tế tại Lào. Đường lối đó của hai nhà lãnh đạo nước Lào thời hiện đại là Tổng Bí Thư Cây Xỏn Phom vi Hản và Tổng Bí Thư Khăm Tày Xiphanđon đã thực tế chứng minh có hiệu quả. Để phát triển kinh tế đất nước Lào phải kết nối sự phát triển về nguồn nhân lực cùng với phía Việt Nam. Lào sẽ không còn bị cô lập khi sử dụng được các Cảng biển của phía Việt Nam. Cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, con đường phát triển kinh tế vẫn còn đúng và vẫn phải tiếp tục theo chiều hướng này. Những nhà lãnh đạo của nước Lào đã công kênh vai trò của đoàn Minh Hải vào thời kỳ 1985-1986-1987 là có dụng ý. Nhưng chính sự công kênh đó cũng đem đến cho Minh Hải nhiều tai họa và nguy hiểm vì ở phía Việt Nam một số nhà lãnh đạo Lào lại công kênh Minh Hải, có phải là do Minh Hải có những tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ đội lốt CIA len lõi trong đó để khuynh đảo nước Lào. Cái sai lầm lớn nhất của những người lãnh đạo Hà Nội vào năm 1987, đã khiến cho nước Lào thay vì ngã mạnh về hướng Đông, lại quay ngược về hợp tác với Thái Lan và với Trung Quốc. Từ sau năm 1987, từ lúc công ty Cimexcol Minh Hải bị ông Nguyễn Văn Linh ra lệnh khai tử, các nhà buôn Thái Lan, các nhà buôn Hong Kong đã tràn vào nước Lào và đã nắm lấy hậu thuẫn của các Công ty quân đội Lào. Bởi vì vào thời kỳ đó, không còn một công ty kinh tế nào của Việt Nam gây được đủ độ tin cậy với nhà nước Lào, với quân đội Lào. Bản thân tôi, một người trí thức miền Nam ở lại với chế độ sau giải phóng, tiếp tục viết báo từ năm 1975 đến năm 1981, báo Tin Sáng bị đóng cửa, tôi chuyển hướng sang làm kinh tế, tổ chức vận chuyển thuê gỗ từ Tây Nguyên, từ miền Đông về cung ứng cho Bạc Liêu - Cà Mau có đủ gỗ cung ứng cho dân đóng xuồng ba lá đi lại trên các kênh rạch, đóng ghe tàu đánh cá ngoài biển, sửa chữa và xây cất mới nhiều nhà ở nông thôn. Những năm 1980-1982, tỉnh Minh Hải đủ sức đổi gỗ với dân nông thôn để thu mua lúa gạo, thu mua heo cung cấp cho miền Bắc, một phần nhờ có chương trình gỗ lương thực. Từ đó, Bộ Ngoại Thương đã môi giới cho Minh Hải làm việc với Ủy Ban Hợp Tác Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam – Lào - Campuchia và được giao nhiệm vụ giúp quân đội Lào phát triển kinh tế ra hướng Đông. Sự việc này ông Đặng Thí - Chủ nhiệm Ủy Ban Hợp tác Việt Nam - Lào - Campuchia, ông Trần Chính - Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác với Lào đã giúp cho Minh Hải vượt qua nhiều thủ tục để mở đường đi làm với Lào. Chứng cớ lịch sử đó vẫn còn rành rành trong ký ức của ông Đoàn Thanh Vị - Bí Thư Tỉnh Ủy Minh Hải lúc đó, ông Lê Văn Bình - Phó Bí Thư kiêm Chủ Tịch Tỉnh là người đã xung phong đi Lào để trực tiếp khởi đầu tổ chức công cuộc hợp tác kinh tế giữa Bộ Quốc Phòng Lào và tỉnh Minh Hải. Ông Lê Văn Bình tức Năm Hạnh ngày nay vẫn còn sống ở Bạc Liêu, vẫn ôm nổi uất ức, oan khiên vì ông Nguyễn Văn Linh, lấy quyền Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, úp chụp lên đầu những hàm oan mà nhiều năm nay ông Năm Hạnh vẫn tiếp tục chiến đấu kêu oan, nhưng nổi oan vẫn chưa được những người cầm quyền cao nhất giải quyết. Tại sao gọi là oan? Vì Minh Hải đi làm công tác kinh tế ở Lào được Trung Ương cho phép, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đích thân khen ngợi nhiều lần với ông Nguyễn Văn Linh lại trớ trêu hỏi thẳng ông Ba Vị, Bí Thư Minh Hải: “ai cho mấy anh đi làm với Lào?”. Ông Ba Vị đã bật ngửa người vì câu hỏi đó của ông Nguyễn Văn Linh. “Tại sao ông ấy lại hỏi như vậy?” “ổng đã mất trí rồi chăng?” Chính khi Minh Hải quyết định đi làm với Lào, anh Năm Hạnh đã được cử lên Sài Gòn và ông Trần Bạch Đằng đã hướng dẫn ông Năm Hạnh đến nhà ông Nguyễn Văn Linh để báo cáo, vào dịp tết đầu năm 1985. Lúc ông Năm Hạnh báo cáo cho ông Nguyễn Văn Linh, ngoài ông Trần Bạch Đằng, còn có sự hiện diện của ông Lê Công Giàu và ông Huỳnh Kim Báu. Làm lớn như ông Nguyễn Văn Linh mà không còn trí nhớ về một điều quan trọng đã được báo cáo, thử hỏi cấp dưới ở tỉnh như Bạc Liêu - Cà Mau còn biết đường đâu mà rờ. Hay là, lúc thuận tình thì ông lớn Linh vui vẻ tán đồng, lúc không vừa ý lại quên khuấy điều mình đã đồng tình cho phép!?... Việc Đoàn Minh Hải đi báo cáo với ông Nguyễn Văn Linh, vào lúc đó ông còn làm Bí Thư Thành Ủy và ông Phan Văn Khải còn làm Chủ Tịch Thành Phố Hồ Chí Minh. Phải đi báo cáo vì Minh Hải hợp tác với thành phố để làm với Lào và vì những người lãnh đạo tỉnh Minh Hải còn rất nể ông Mười Cúc, dù lúc ấy ông chỉ là Bí Thư thành phố. Sự việc Minh Hải với thành phố hợp tác với quân đội Lào, ông Linh có biết có đồng ý, cho phép. Việc ông hỏi ngược lại ông Ba Vị “ai cho phép mấy anh, một tỉnh mà đi làm ăn với một nước???”. Phải chăng đó là một thói quen lật lọng của một người đã từng nắm giữ quyền lực cao nhất nước Việt Nam của một thời kỳ. Tôi còn nhớ rõ diễn biến cuộc báo tại nhà ông Nguyễn Văn Linh, trong cư xá T78 của Trung Ương. Lúc đó là vào buổi tối ngày mồng 5 tết. Khi ông Nguyễn Văn Linh tiễn chúng tôi ra cửa nhà, ông còn vỗ vai tôi nói nhỏ: “Mấy anh đi làm Lào, nhớ trồng lại rừng cho người ta”. Lúc đó tôi thật cảm động vì câu dặn dò tình nghĩa mà ông Mười Cúc đã thốt ra. Lúc đó ông bị cảm sốt, trên cổ vẫn còn quấn cái khăn choàng để chống bị nhiễm lạnh vì trời bên ngoài vẫn còn se se cái lạnh của khởi đầu gió mùa Đông Bắc.
25-3-15 |