Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

 

 

Chương 3

DẠY HỌC

 

 

Những người Thầy và những ngôi trường muôn đời

Tháng 8 năm 1964, từ Đà Lạt, tôi được bổ nhiệm về Mỹ Tho dạy tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu .

Ở miền Nam, thời thực dân Pháp có bốn trường trung học lớn do nhà nước thành lập :

- Sài Gòn có trường trung học Pétrus Ký, trường Gia Long dành cho nữ sinh đi học mặc áo dài tím, còn gọi là trường áo tím 

- Mỹ Tho có  trường trung học Ecole le Myre de Vilers sau này đổi lại là trung học Nguyễn Đình Chiểu.

- Cần Thơ có trường trung học Phan Thanh Giản, nơi đào tạo các học sinh giỏi thuộc lưu vực sông Hậu Giang như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc.

Trường Nguyễn Đình Chiểu đón rước học sinh Tân An, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh.

Từ năm 1965 trở về trước đó, đỗ bằng thành chung (Diplôme), đỗ bằng Brevet, đỗ tú tài I - tú tài II, đã được coi là có học thức. Nhiều thanh niên vác được các mảnh bằng đó ra đời kiếm cơm khá dễ.

Ba trung tâm giáo dục Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ đã đào tạo nên nhiều thế hệ thanh niên yêu nước.

Các trường này cũng từng là cái nôi của nhiều phong trào đấu tranh học đường, sản sinh ra nhiều lớp thanh niên ưu tú yêu nước, yêu tự do dân chủ, đòi hỏi công bằng xã hội. Họ là nồng cốt thúc đẩy bước tiến lên của dân tộc.

Viết lại lịch sử của các nhà trường lớn, lập phòng truyền thống của các nhà trường là một điều nên làm. Trước 1975, rất ít trường ghi lại lịch sử của mình để các thế hệ tiếp nối có thể hiểu được thêm một khía cạnh văn hoá của các lớp đàn anh. Giữ gìn truyền thống học đường, ghi chép lịch sử của các lớp thầy cô giáo, của các thế hệ học sinh là lưu giữ cho mai sau những dấu tích văn hoá của từng khu vực tiến bộ xã hội.

 Mỗi đầu năm học, mỗi cuối năm, các trường nhắc lại quá khứ của mình để thầy cô giáo và học sinh biết rõ mình đang đứng ở đâu vào thế hệ thứ mấy được sản sinh từ trong lòng các mái trường. Có nhắc, có ôn lại mỗi bước đi, mỗi sự lớn lên, thay hình đổi dạng, con người mới nhớ lại mình là ai, đang ở đâu, được nhào nặn thế nào và biết mình sẽ làm gì, phải làm gì khi bước ra khỏi mái nhà của thời niên thiếu.

  Các trường học của quê hương đã mọc lên từ thưở nào, đã trải qua bao nhiêu giông tố của lịch sử, các trường vẫn không già, vẫn cho ra bao lớp tài năng. Nhà trường, một chặng đường được nhào nặn với bao nhiêu kỷ niệm, suy tư, trăn trở, tiếp thu để lớn lên, để định hình con người, thật không thể nào quên được.

Cha mẹ đẻ ra thân xác này, nhà trường với các thầy cô đẻ ra khối óc này, trái tim này. Ôi! Những mái nhà thân yêu của vạn vạn người con, của hàng triệu trái tim khối óc, các trường đã thổi cho mỗi người chúng ta thành những Phù Đổng của tương lai. Những thầy cô thân yêu trong cuộc sống của học trò luôn có hình bóng, cử chỉ, suy tư, luôn có tấm lòng của các người.

Nguyễn Đình Chiểu, Pétrus ký, Phan Thanh Giản, Gia Long, Chu Văn An, Taberd, Võ Trường Toản, Jean Jacques Rousseau… và hàng trăm hàng ngàn trường khác ở khắp mọi miền, các người, những người thầy vĩ đại của lịch sử đã hun đúc tim óc của mai sau, chúng con xin dâng tặng các người những bông hoa tươi thắm nhất.

Niên học 1964-1965, trường trung học Nguyễn Đình Chiểu có ba thầy dạy triết học.

Thầy Trần Quang Minh phụ trách lớp Đệ nhất C (văn chương) và hai lớp Đệ nhất B (toán), thầy Phạm Thanh Liêm phụ trách ba lớp Đệ nhất B và tôi phụ trách ba lớp Đệ nhất A. Thầy hơn trò khoảng 5-6 tuổi. Lớp học trao đổi với nhau thoải mái. Các thầy luôn đặt ra các vấn đề. Triết học là đối thoại tìm hiểu, phân tách và tổng hợp, kể cả phê phán.

Trình độ ABC trong triết học nhập môn, thầy cố gắng mở các cánh cửa của các giáo điều để học sinh nhìn thấy bầu trời tư tưởng rộng thênh thang, không đóng kín, không dừng lại ở những tín điều cũ kỹ.

 Triết học là đi tìm, là tập cách suy tư, cách đặt các vấn đề, là tìm giải đáp cho các vấn đề của đời sống vật chất, đới sống tâm linh và đời sống xã hội.

 Kiếp người là kiếp diễn biến, luân lưu không bao giờ dậm chân tại chỗ. Có chăng định mệnh? Tôn giáo là gì? Giải quyết các vấn đề nào của đời sống tinh thần? Chủ nghĩa vô thần đúng hay sai? Thuyêt hữu thần đúng chỗ nào? Con người nương dựa vào đấng tối cao hay nương tựa vào nhau? Karl Marx là ai? Chủ trương duy vật của ông sẽ đẩy xã hội đến đâu?

Suy tư triết học là suy tư tìm cội nguồn, căn nguyên. Thầy và trò quần thảo nhau mỗi tuần 3 - 4 giờ cho một lớp học. Các em sắp kết thúc lớp cuối cùng của chương trình trung học phổ thông, đi vào đời, đi vào đại học, các em cần được khêu gợi các vấn đề căn bản của cuộc sống xã hội. Thầy đã làm công việc đó với tư cách của người mở cửa chào đón và giới thiệu chương trình. Các em hãy suy nghĩ ngay từ hôm nay về cuộc sống cơ bản của mình, hãy lựa chọn, hãy quyết định.

Đạo là con đường. Đạo đức là con đường dẫn tới cuộc sống có ánh sáng văn hoá, văn minh. Đại học là phương pháp giúp con người đi vào văn minh. “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chí ư chí thiện”.

Những giờ triết học ở lớp Đệ nhất là những giờ thầy bắt đầu mở cửa cho các em đi vào một thế giới đầy rẫy những vấn đề ngổn ngang của cuộc sống bản thân và xã hội. Bản thân thầy cũng phải đi tìm như các em. Rồi mỗi người phải tự đi tìm cách sống, con đường sống thích hợp riêng. Thầy cùng các em đặt vấn đề. Thầy gợi ý một số cách trả lời. Các em có câu trả lời cho riêng mình trước xã hội, trước tâm linh, trước gia đình, trước kẻ khác. Đó là mục tiêu cốt lõi của môn triết học vào năm cuối cùng của bậc trung học.

 

Thầy giáo xưa được trọng vọng

Lương thầy giáo cấp 3 (hồi trước gọi là Trung học Đệ nhị cấp) mỗi tháng được 7.800 đồng (bảy ngàn tám trăm đồng) vào năm 1964. Mỗi tuần tôi dạy nghĩa vụ chinh thức 16 giờ. Ngoài ra, thầy nào cũng có cơ hội dạy thêm giờ phụ trội. Tôi được ông Giám học trường Nguyễn Đình Chiểu lúc bấy giờ là ông Lâm Văn Trân, người Châu Đốc, phân thêm 16 giờ phụ trội.

Mỗi giờ thù lao nhà nước chi trả thêm là 100 (một trăm đồng). Hàng tháng tôi lãnh thêm 6.400 (sáu ngàn bốn trăm đồng) tiền lương phụ. Tổng cộng mỗi tháng tôi được hưởng 14.200 (muời bốn ngàn hai trăm đồng).

 Ở Mỹ Tho tôi mướn căn nhà 400đ/tháng, chi tiền gạo, chợ, tiền điện nước mỗi tháng thêm 1.200đ (một ngàn hai trăm đồng). Tiền xài lặt vặt cà phê, ăn sáng, nhậu lai rai mỗi tháng 500đ (năm trăm đồng). Tổng chi phí gia đình thầy giáo một vợ hai con năm 1965, sống phủ phê là 4.000đ (bốn ngàn đồng). Vàng y (vàng 24 cara) lúc đó giá 4.000đ / lượng. Hàng tháng tôi vẫn có dư để dành gần 2 lạng vàng.

Các thầy dạy môn Toán, Lý Hóa, Anh văn dạy phụ trội mỗi tuần 25 giờ. Dạy thêm ngoài trường tư 10 – 5 giờ mỗi tuần. Vừa dạy chính thức tại trường nhà nước lại dạy thêm cho trường tư, có thầy như thầy Bùi Văn Chi (dạy toán), thầy Lê Phú Thứ (dạy Anh văn), mỗi tháng thu nhập đến 40 - 50 ngàn đồng (hơn 10 lạng vàng/tháng). Do đó, sau khi tốt nghiệp chừng 2 - 3 năm, các thầy có thể mua nhà lầu, xe hơi riêng.

Ở miền Nam vào những năm 1960 - 1970, thầy giáo trung học là niềm hãnh diện của nhiều gia đình. Có con gái ai cũng thích gả cho giáo sư trung học, vừa được tiếng tốt, vừa an toàn bản thân, vừa có tiền sống cuộc sống thanh thản đầm ấm.

Trước năm 1965 ngoài việc đi học kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, các thanh niên miền Nam sau khi đỗ tú tài đôi, có người còn đi học Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt. Ở thành phố cao nguyên này, giáo sư và sĩ quan Đà Lạt là hai hình ảnh thân quen. Mỗi sáng chủ nhật, các sinh viên võ bị mặc lễ phục, các sinh viên Đại học Đà Lạt ăn diện đông đảo đi bát phố Hoà Bình. Ăn sáng ở phở Đắc Tín, phở Bằng, uống cà phê Tùng nghe nhạc lãng mạn thời thượng. Những hình ảnh thân quen đó của một thời vàng son cũ trên xứ hoa đào.

Chế độ cũ ưu đãi thầy cô giáo hơn các ngành khác của nhà nước. Các thầy giáo tiểu học bị bắt đi quân dịch 2 năm lại được trả về nhiệm sở cũ, các giáo sư dạy trung học được tiếp tục hoãn dịch cho đến năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân mới bị tổng động viên. Sau 12 tháng ở trường học quân sự đa số các thầy dạy các môn quan trọng lại được biệt phái về ngành cũ. Trong khi dốc toàn lực cho chiến tranh, chế độ Thiệu vẫn cố gắng giữ thăng bằng và ưu tiên cho ngành giáo dục. Ngân sách của ngành giáo dục hàng năm vẫn được giữ trên 17% so với tổng chi phí nhà nước.

Thầy cô giáo dạy tiểu học từ trước năm 1954 đến về sau này vẫn là thành phần được trọng vọng trong xã hội. Các thầy cô giữ một chỗ đứng khiêm nhường nhưng vinh dự kể cả trong thời chiến. Cuộc sống giáo chức đạm bạc nhưng đầy đủ no ấm không thiếu trước hụt sau. Vì vậy, đa số các thầy cô giáo không phải làm thêm một nghề phụ để nuôi gia đình. Chất lượng giáo dục vẫn đủ đáp ứng tương đối cho nhu cầu tiến bộ của toàn xã hội. Thầy cô giáo và trường học là những thành trì đã cung ứng cho đất nước này biết bao nhân tài.

Ở Bạc Liêu, Cà Mau bao nhiêu lớp học trò lớn lên đã đi khắp mọi ngả đường tổ quốc. Có người đi Tây, đi Mỹ, có người làm tướng, làm quan, kỹ sư, bác sĩ, làm thợ, làm du kích, làm đặc công… nhưng không quên được các thầy đã rèn luyện cho mình từ tấm bé.

Thầy Nhạc, Đốc Lương, Đốc Chi, Đốc Hợi, Đốc Hỗ, Thầy Táo, Thầy Sáng, Thầy Quý, Thầy Cân… Cô Hương, Cô Tám, cô Lan, Cô Mót… bao nhiêu thế hệ thiếu nhi, thiếu niên đã đi qua trong đời, họ làm sao quên được, họ không thể nào quên thời kỳ mài đũng quần trên băng ghế trường xóm, trường làng, trường tỉnh… những người thầy của một thời khai sáng, khai tâm.

 

Thay đổi cái nhìn về một thời kỳ

Học đường của chế độ cũ đã sản sinh ra không biết bao nhiêu đứa con thân yêu sẵn sàng hy sinh theo tiếng gọi tổ quốc. Đứng bên này hay bên kia chiến tuyến, ở phía tả hay phía hữu, họ vẫn là những chàng trai dám hy sinh khi đất nước cần. Ai sai ai đúng? Điều đó thuộc về các giai tầng lãnh đạo, thuộc về các tầng lớp bên trên. Những người trai trẻ của đất nước này vẫn luôn nêu gương dũng cảm. Trang sử Việt Nam thời hiện đại, sau năm 1954, cần được nhìn lại, đánh giá lại dưới góc cạnh dân tộc và tiến bộ xã hội. Học đường bên này hay bên kia vẫn luôn sản sinh ra bao nhiêu gương tuấn kiệt, yêu đất nước và yêu dân tộc này.

Xin hãy đánh giá lại và xin hiểu cho bao nhiêu lớp người đã ngã xuống.

Chúng ta đã đắp cho những chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường hay trong nhà tù màu cờ đỏ sao vàng. Họ là những anh hùng của chế độ hôm nay nhưng chúng ta cũng cần hiểu hàng triệu thanh niên đã ngã xuống trên đất nước này mà quá khứ đã đắp cho họ một màu vàng đó không phải là những kẻ phản bội, những tội đồ, đó là những nạn nhân lịch sử, những người vô danh đã bất đắc dĩ ngã xuống.

Lịch sử nào, thời đại nào cũng có các anh hùng và các nạn nhân vô danh. Sau 30 năm khi cuộc chiến đã chấm dứt, cái nhìn của lịch sử phải chăng đã rộng hơn, bao quát hơn và đầy niềm xúc cảm của sự đoàn kết dân tộc, của sự bao dung giữa những người Việt Nam mới sinh ra sau năm 1975.

Không còn chiến tranh nữa, các chiến tuyến cách ngăn thù hận đã lung lay và sẽ không còn nữa. Lịch sử đã đổi quá nhiều màu. Cái màu vàng xưa kia, cái màu đỏ hôm nay phải chăng sẽ trở thành một màu tươi sáng của tổ quốc của các thế hệ mai sau.

Nhớ lại năm 1975, sau ngày 30 tháng 4, những người cầm quyền chiến thắng đã ra lịnh tập trung các cấp chỉ huy của quân đội cũ đi học tập cải tạo. Còn đại bộ phận binh lính vẫn ở lại quê nhà mặc dù luôn bị phân biệt đối xử. Sự kiện này đã hé mở cho mai sau thấy rõ chiến tranh chia rẽ, xung đột là nhất thời. Đối với đất nước, đối với dân tộc lợi ích lớn nhất, lâu dài nhất vẫn là đại đoàn kết bao dung, xoá bỏ phân biệt đối xử. Tất cả mọi người Việt Nam phải có cơ hội đồng đều để sống, để nhìn về phía trước và đi lên phía trước.

Một nước Việt Nam của tất cả mọi người Việt Nam, của mọi thế hệ và tầng lớp Việt Nam, chân lý đó không bao giờ có ai thay đổi được.

 

Đại học Cần Thơ, sự lớn lên của vai trò đồng bằng

Thời kỳ dạy học ở Mỹ Tho, tôi có khá nhiều kỷ niệm.

Mỹ Tho thành phố đẹp của sông nước Tiền Giang với Cồn Rồng “dù mặc bụi tro bay”, với bóng dừa xỏa xuống dòng sông, với trái mận hồng đào, với ông đạo Dừa và bao nhiêu trai thanh gái lịch. Mỹ Tho 1964-1965 trường Nguyễn Đình Chiểu đẹp trang nghiêm, trường Lê Ngọc Hân với bao nhiêu tà áo trắng thơ ngây.

Mỹ Tho nơi xuất bản tờ tuần báo đầu tiên vào năm 1965, báo Tiếng Gọi Miền Tây, đấu tranh cho dân chủ tiến bộ, đấu tranh cho sự phát triển kinh tế xã hội và vươn lên của các tỉnh phía Nam.

Tuần báo Tiếng Gọi Miền Tây do bác sĩ Trần Văn Tải, một người trí thức của tỉnh Gò Công làm chủ nhiệm. Giáo sư Lý Chánh Trung làm chủ bút, tôi làm Tổng thư ký toà soạn.

Báo Tiếng Gọi Miền Tây năm 1965 đòi chính quyền Nguyễn Cao Kỳ chấm dứt kỳ thị địa phương, yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu cho thành lập Đại học Cần Thơ. Tờ báo được sắp chữ và in tại nhà in tư nhân trên đường Lê Lợi (Mỹ Tho). Khi phát hành phải chở báo lên Sài Gòn và nhà phát hành Nam Cường mới phân tán đi khắp các nơi.

Tiếng Gọi Miền Tây xuất bản được 8 tháng với 30 số báo thì bị Nguyễn Cao Kỳ rút giấy phép. Các vấn đề được nêu ra trên tờ báo đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long vào thời kỳ đó, báo trước sự thay đổi và vùng dậy của miền Tây về mặt văn hóa chính trị, cho thấy sự lớn lên của trí thức đồng bằng Nam bộ qua các phong trào chính trị, đòi hỏi Mỹ và Thiệu – Kỳ phải lưu ý tới nguyện vọng và sự góp mặt của Nam bộ trong trào lưu tiến hóa của cả nước.

Trong giai đoạn này, đã nổi lên mạnh mẽ phong trào đòi hỏi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu phải thành lập ngay Viện Đại học Cần Thơ. Sáng kiến này do nhóm kỹ sư Võ Long Triều, giáo sư Nguyễn Văn Trường, giáo sư Lý Chánh Trung khởi xướng.

Hưởng ứng mạnh mẽ sự vùng lên về giáo dục của Miền Tây, ở Cần Thơ có giáo sư Nguyễn Trung Quân - hiệu trưởng trường trung học Phan Thanh Giản, có bác sĩ Lê Văn Thuấn một trí thức lớn tuổi được nhiều người biết đến ở Tây Đô, giáo sư tiến sĩ sinh vật học Phạm Hoàng Hộ, người trí thức đầu đàn của Nam bộ tốt nghiệp tại Pháp về nước phục vụ phát triển giáo dục theo lời kêu gọi của Ngô Đình Diệm.

Giáo sư Nguyễn Trung Quân đã tổ chức cuộc hội thảo vận động dư luận các giới trí thức ở Sài Gòn và ở Lục Tỉnh lên tiếng ủng hộ thành lập Viện Đại học Cần Thơ. Cuộc hội thảo được đông đảo người có tên tuổi tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc tham dự.

Ở Mỹ Tho tham gia vận động nhân dân ủng hộ phong trào này có bác sĩ Trần Văn Trực, bác sĩ Trần Văn Tải, giáo sư Trần Bá Phẩm, giáo sư Lâm Văn Bé, Dương Văn Ba, bộ ba thầy giáo trẻ của trường Nguyễn Đình Chiểuậ phong trào nàyự. việc thành lập Viện Đại học Cần thơ. ần Th .

Phong trào quần chúng này được hầu hết các trường trung học ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bạc Liêu, Châu Đốc cổ vũ. Họ chuyền tay nhau ký bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Nguyễn Văn Thiệu quyết định thành lập ngay Viện Đại học đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Kỹ sư Võ Long Triều, người bạn chuyên môn đá gà, đánh xì phé với Nguyễn Cao Kỳ, Đặng Văn Quang lãnh nhiệm vụ làm ”lobby” với chính phủ.

Trước nguyện vọng chinh đáng của trí thức Miền Nam, Nguyễn Văn Thiệu với tư cách Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia thời bấy giờ, cũng là “một người con rể của xứ Mỹ Tho”, đã phải tức tốc ký ngay sắc lệnh thành lập Viện Đại Học Cần Thơ bổ nhiệm giáo sư Phạm Hoàng Hộ vào chức Viện Trưởng đầu tiên.

Cho đến hôm nay, khi những dòng này được viết Viện Đại học Cần Thơ đã hơn 38 tuổi.

Trường Đại học này đã đào tạo hàng trăm ngàn trí thức Miền Tây, đã trở nên một trung tâm khoa học kỹ thuật nông nghiệp lớn của đất nước và uy tín của nó đã có tầm vóc quốc tế. Đó là Viện Lúa của Việt Nam, trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp của cả nước. Hàng trăm ngàn con em của vùng châu thổ sông Cửu Long đã được trui rèn thành những bàn tay khối óc biết làm giàu cho đất nước từ mảnh đất chôn nhau cắt rún của mình. Miền Tây đã lớn lên ngang tầm với sức vóc và tiềm năng tự nhiên, với nhân lực của nó.

Có thể những giáo sư, những sinh viên của trường Đại học lớn nhất ở đồng bằng miền Nam không biết và không nhớ đến những người đã vận động và đấu tranh với chính phủ Thiệu-Kỳ để cho ra đời Trung tâm văn hóa to lớn này.

 Có thể sau một cuộc cách mạng lớn và toàn diện như cuộc cách mạng 1975, người ta có xu hướng quên mất sự liên tục của quá khứ và lịch sử. Nhưng lẽ sinh tồn của tạo hóa cho thấy bất cứ điều gì trong xã hội văn minh đều có khởi đầu,  bắt nguồn.

 Cội nguồn của Viện Đại học Cần Thơ là sự kêu đòi phát triển của các phong trào trí thức miền Nam. Đại học Cần Thơ là hậu thân, là sự lớn lên của các trường trung học Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Sa Đéc, Bạc Liêu… Các thế hệ trí thức miền Nam đã lớn lên từ cội nguồn lịch sử đó.

Cây có cội, nước có nguồn. Những người đã vận động đòi hỏi sự hiện thực của một trung tâm văn hóa, khoa học, công nghiệp của vùng đồng bằng này, hiện nay đã không còn nhiều nữa.

Một số họ đã chết đi, đã chôn vùi trong đêm đen của lịch sử, nhưng nếu có một giây phút nào tỉnh thức sẽ có một niềm vui lóe lên, nó giống như nguồn vui của Archimede ngày xưa khi người bỗng nhiên khám phá ra chân lý “Euréka” .

Chân lý bất tử, không lệ thuộc vào thời gian, chế độ, phong trào.

Xin chào Đại học Cần Thơ như chào dòng sông Mekong đã làm cho đất nước này càng ngày càng giàu hơn về trí lực, nhân lực và vật lực.

 

Một kỷ niệm đáng nhớ

Tôi sống ở Mỹ Tho hai năm, dạy môn triết học nhập môn cho sáu lớp đệ nhất với khoảng ba trăm học sinh. Tôi phụ trách môn Quốc văn cho lớp đệ thất và đệ lục, khoảng sáu lớp, gần ba trăm học sinh. Như vậy, thời gian sống ở Mỹ Tho trong năm 1965-1966 tôi đã tiếp xúc với gần sáu trăm thiếu niên. Có những người sau này trở thành ưu tú, nghệ sĩ quay phim truyền hình, tiến sĩ khoa học ở Pháp, thương gia ở Bỉ và cũng có rất đông người trở thành cán bộ cộng sản, sĩ quan cảnh sát cao cấp của chế độ cũ, bác sĩ, dược sĩ.

Điều gì tôi đã để lại được cho họ tôi không biết rõ, nhưng tôi biết đa số họ rất giống tôi ở chỗ hay bất mãn với những tham ô, trì trệ trước mắt và luôn khát khao thay đổi, tiến bộ.

 Một lần, tôi cùng thầy Trần Bá Phẩm và em Trần Văn Quá, học sinh lớp Đệ nhất A, đại diện cho học sinh toàn trường, đã theo dõi và đuổi bắt chiếc xe Volkswagen tải nhẹ của trường Nguyễn Đình Chiểu được ông hiệu trưởng Trần Thanh Thủy dùng chở xi măng, sắt của nhà trường đem về Sài Gòn xài vào việc riêng gia đình.

 Chúng tôi đã làm việc đó với tư cách giáo sư cố vấn Hiệu đoàn. Em Trần Văn Quá đã làm việc đó vì em là đại diện của học sinh toàn trường, trước đây gọi là đại diện Hiệu đoàn. Một hành động chống tham ô rất non trẻ của thầy và trò thuở đó.

Khi chiếc công xa của trường Nguyễn Đình Chiểu chạy tới bót Phú Lâm (Chợ Lớn), cảnh sát chận lại hỏi giấy tờ. Thầy trò chúng tôi đã mang sẵn theo máy hình vội vã chụp ngay cảnh chiếc xe bị xét, với dụng ý làm bằng chứng.

Không ngờ chụp hình bót cảnh sát vào thời chiến là việc làm bị cấm đoán. Thay vì có được tấm hình làm bằng chứng về sự tham ô của ông hiệu trưởng, thầy trò chúng tôi bị cảnh sát Phú Lâm bắt giữ về tội chụp hình cơ quan an ninh và nghi ngờ chúng tôi là Việt Cộng, chụp hình để chuẩn bị phá hoại (1965). Cả trò lẫn thầy bị giữ tại bót Phú Lâm hơn 4 giờ đồng hồ và suýt bị lấy luôn máy ảnh. Sau đó anh Trần Bá Phẩm nhanh trí gọi điện thoại cho đại tá Lê Quang Hiền, đổng lý văn phòng Bộ Thanh Niên. Nhờ ông Hiền can thiệp, cảnh sát bót Phú Lâm mới cho 3 thầy trò ra về. Đúng là một tai nạn không phải do rủi ro nghề nghiệp, rất khó quên.

Có lẽ thầy Phẩm, bạn tôi, năm nay đã gần 70 tuổi cũng khó quên. Còn em Trần Văn Quá bây giờ đã trên 50 tuổi, nếu còn sống ở đâu đây trên quả đất này, có lẽ cũng không thể nào quên.

 

Quê hương của một “Bà Lớn” - Thiệu “playboy”

Mỹ Tho còn là quê hương của bà Nguyễn Thị Mai Anh, vợ của ông Nguyễn Văn Thiệu.

Thầy Lâm Văn Bé, giáo sư sử địa, cùng được bổ nhiệm về dạy tại trường Nguyễn Đình Chiểu, một thời kỳ với tôi, là người thân cận trong gia đình bà Nguyễn Thị Mai Anh. Ba má bà Mai Anh gốc người xứ Quảng Trị. Dân Mỹ Tho quen gọi ông thân bà Mai Anh là thầy Quảng chuyên bắt mạch cho toa thuốc. Thầy Quảng vào Nam lập nghiệp và xây căn nhà thật bự (tại số 1 đường Lý Thường kiệt, kế bên Giếng nước lớn).  

 Thuở nhỏ, anh Lâm Văn Bé đi học tại Mỹ Tho, ở trọ nhà thầy Quảng, cho nên các chị em của bà Mai Anh thân tình với thầy Bé, xem thầy như người trong nhà. Tôi và anh Bé về dạy tại trường Nguyễn Đình Chiểu, trở nên thân nhau về nhiều mặt, coi nhau như anh em nối khố. Tôi dạy Triết và Quốc văn, thầy Bé dạy Sử Địa. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau rượu chè ở nhà bà Thiệu. Anh Bé và tôi được chị Năm Jacqueline mến mộ, thân tình. Chị Jacqueline là vợ sau của anh Tôn Chánh Trung, một ông chủ người gốc Hoa, giàu có nổi tiếng ở Tiền Giang. Ông Trung có căn biệt thự “to đùng” ở bên đầu nầy Giếng Nước, đường Hùng Vương, nhà chị Năm cũng là căn biệt thự lớn ở đầu bên kia đường Lý Thường Kiệt.

Hàng tuần, cứ mỗi buổi sáng chủ nhật, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, tự mình lái xe chở vợ về thăm nhà. Thiệu đi giả dạng thường dân nhưng luôn có hàng chục xe giả dạng khác đi trước, đi sau hộ tống.

 Ông Thiệu về nhà bên vợ rất vui, uống rượu whisky Mỹ, đánh cách- tê, đánh xì phé với các anh em bạn rể, có khi đánh cùng giáo sư Lâm Văn Bé. Tôi thường đến chơi, nên lần lần mặc nhiên được các bà chị của phu nhân trung tướng Thiệu xem như  người thân.

 Năm 1965, tướng Thiệu còn rất thanh niên, nhanh nhẹn, uống rượu rất cừ và thật là vui tính. (Khi Thiệu làm Chủ Tịch UB Lãnh đạo Quốc gia mới có 41 tuổi. Lúc lên làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Thiệu mới 43 tuổi).

 Một dáng vóc vừa phải, khỏe mạnh, một cái đầu chải tém màu xám bạc (không phải do già mà chỉ vì máu xấu), một cặp mắt tinh anh sắc bén. Từ trong con người ông Thiệu toát ra một sức sống dồi dào, năng động. Ông Thiệu đối với gia đình bên vợ vui tính, hòa đồng, khi uống rượu và đánh bài không bao giờ nói chuyện chính trị.

Ông ta là một “playboy”. Mèo chuột bồ bịch khá nhiều. Mối tình của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với bà chủ nhà hàng Cyrnos – Vũng Tàu, một người đàn bà đẹp lẳng lơ đã từng được Tư Trời Biển rêu rao trên báo Tin Sáng trong mục Tin Vịt Nghe Qua Rồi Bỏ.

Nữ ca sĩ Kim Loan từng là người tình của Tướng Thiệu, có bầu được Thiệu gửi đi Tây Đức tránh dư luận đàm tiếu. Thiệu còn là bồ của bà chủ hãng thuốc tây Bùi Đình Nam, một tỷ phú giàu không thua kém hãng OPV của Nguyễn Cao Thăng. Căn biệt thự sang trọng ở khu An Phú có hồ bơi, có sân tennis từng là nơi hẹn hò, tình tự của vợ Nam với trung tướng Thiệu. Thiệu rất thích trượt nước bằng hors-bord trên sông Sài Gòn. Đặc công Sài Gòn hồi đó đã từng bố trí ông Võ Viết Thanh đào hầm ngay bờ sông cách căn biệt thự của Bùi Đình Nam vài trăm thước, chờ đón ám sát Nguyễn Văn Thiệu cả tuần lễ mà không có cơ hội thực hiện được. Vì trung tướng Thiệu đi du hí rất kỹ, bảo vệ dầy đặc, giờ giấc lại bất thường.

 

 

5-3-15