Những Ngã Rẽ Hồi ký
Chương 8
Trong thời gian làm dân biểu từ 1967 đế 1971, tôi có nhiều dịp đi thăm nước ngoài. Lần đầu tiên tôi cùng 5 dân biểu khác được Hạ Nghị Viện chính thức cử đi thăm xã giao các nước Ấn Độ, Thái Lan, Philippine, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Triều Tiên. Lần đó tôi làm Trưởng đoàn, cùng đi với tôi có Nguyễn Văn Lễ, dân biểu tỉnh Gò Công (sau giải phóng mới lộ diện ông Lễ là cán bộ quân báo của Cộng sản. Trước đây ông từng là Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia của nhiều tỉnh. Không ai ngờ ông Nguyễn Văn Lễ hoạt động cho cộng sản. Tướng tá ông có vẻ nông dân, ông luôn theo phe thân chính phủ, từng nhiều lần ngửa tay nhận tiền của Phụ tá Tổng thống Nguyễn Cao Thăng và Phụ tá Tổng thống Nguyễn Văn Ngân. Trong các kỳ họp của Quốc hội, ông Lễ chẳng bao giờ phát biểu ý kiến, ông chỉ giơ tay bỏ phiếu thuận theo phe thân chính quyền. Ông chơi thân với những tay “cù lự” như Nguyễn Bá Cẩn, Võ Văn Phát, Huỳnh Ngọc Anh…Thế mới biết phía Cộng sản chuyên môn cài tình báo vào sâu trong phe chính quyền “bảo hoàng hơn vua”. Tiền của Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Thiệu ông Lễ cứ ăn, nhưng phận sự làm điệp báo ông vẫn cứ âm thầm làm. Đâu có ai ngờ Cựu trưởng ty công an Gò Công, Trưởng ty công an Trà Vinh lại mang hàm Trung uý của quân giải phóng). Xin đóng ngoặc lại về ông Nguyễn Văn Lễ để tiếp tục câu chuyện đi thăm sáu nước Á Châu. Cùng trong chuyến đi của tôi còn có Bùi Văn Nhân, dân biểu đại diện cho Phật giáo Hoà Hảo tỉnh Long Xuyên, Danh Cường dân biểu tỉnh Trà Vinh, Tăng Cửu dân biểu Chợ Lớn. Tại Ấn Độ, đoàn chúng tôi được Thủ Tướng Morarji Desai tiếp kiến. Ông Desai chỉ tiếp xã giao, chào hỏi cầu chúc cho chuyến đi thăm Ấn Độ được vui vẻ, tốt đẹp. Ông không phát biểu ý kiến gì về chính trị, vì Ấn Độ lúc đó có lập trường trung lập, cả phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng có Đại sứ tại New Delhi. Chuyến viếng thăm của chúng tôi tại Ấn kéo dài 4 ngày, lập trường hoà bình của chúng tôi được báo chí Ấn Độ đăng tải rùm beng. Lúc đó chúng tôi chủ trương các phía tham chiến tại Việt Nam phải ngồi lại với nhau, để có thể đàm phán với Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa cần có thủ tướng dân sự. Nước thứ hai chúng tôi viếng thăm là Philippine. Lúc đó Đại sứ tại Manila là ông Phạm Đăng Lâm. Ông Lâm rất ủng hộ chúng tôi, đích thân ông đưa đoàn chúng tôi đến chào tổng thống Ferdinand Marcos. Tổng thống Marcos tiếp đoàn chúng tôi tại phòng khách Phủ Tổng thống. Ông rất nhanh nhẹn và có nói thẳng: “Tôi mong muốn Tổng thống và Phó Tổng thống của các ông phải thật đoàn kết, các ông mới có sức mạnh”. Cách tiếp đón của ông Marcos rất giản dị, không khách sáo. Phòng đại sảnh của Dinh Tổng thống Philippine thời đó thiết kế cùng lúc cả chục khu salon tiếp khách. Ông Marcos liên tục tiếp kiến nhiều đoàn trong một buổi sáng, cho nên thời gian ông dành tiếp đoàn dân biểu Việt Nam Cộng Hòa chỉ khoảng 15 phút.
Thái Lan hưởng lợi lớn từ chiến tranh VN Tại Thái Lan, tôi được Đại sứ Đinh Trình Chính hướng dẫn đi thăm Thủ tướng Thanom Kitti Kachorn. Ông Kachorn bày tỏ lập trường ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa mạnh mẽ để tiến hành cuộc chiến tranh chống cộng sản. Ngay trong tình hình chính trị của Thái Lan, Chính phủ Thái lúc bấy giờ chưa dẹp yên được quân nổi dậy Cộng sản. Ông Thanom Kittikachorn nhiệt tình bày tỏ quan điểm chống cộng vì lúc đó nước Thái Lan đang hưởng lợi lớn do có cuộc chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó Mỹ đã đổ vào Việt Nam hơn 300 ngàn quân. Mỗi tháng đều có vài ngàn lính Mỹ sang Thái Lan nghỉ phép, du lịch, ăn chơi. Nhờ vậy ngành du lịch Thái Lan bắt đầu phát triển mạnh. Trong chiến tranh Việt Nam, tính từ khoảng thời gian năm 1965 đến 1975, ròng rã hơn 10 năm, Thái Lan hưởng món lợi to lớn qua việc cung phụng các dịch vụ du hí, nghỉ ngơi, các sex –tour cho lính Mỹ. Ngoài ra Thái còn có 2 căn cứ không quân lớn dành riêng cho Mỹ làm điểm xuất phát máy bay khổng lồ B-52 tàn phá Việt Nam. Thu nhập từ khoản du hí của lính Mỹ cộng với khoản cho mướn đất làm căn cứ không quân để đánh phá nước láng giềng, chính phủ Thái Lan đã làm giàu cho đất nước họ trên những đau khổ của Việt Nam. Cho đến nay, Thái Lan vẫn là đồng minh lớn của Mỹ tại lục địa Châu Á, là lính canh của Mỹ trong mọi tình huống. Chính phủ Thái Lan đang phát huy vai trò đó để tranh thủ nhiều món lợi đưa nhanh đất nước họ thành một nước phát triển lớn trong lục địa da vàng. Đoàn dân biểu của chúng tôi còn được chính phủ Thái cho người hướng dẫn thăm 2 sân bay lớn cũng là 2 căn cứ không quân lớn của Mỹ tại miền Bắc Thái Lan: căn cứ Udon Thani và căn cứ Nakhon Thani. Chúng ta thử làm bài toán lợi nhuận mà chính phủ Thái Lan đã thu vét được từ chiến tranh Việt Nam. Với tổng số 500 ngàn lính Mỹ tham chiến tại Đông Dương, mỗi năm 1 lính Mỹ chỉ cần chi tiêu 1,000 USD cho ngành du lịch Thái Lan. Như vậy trong 8 năm liền từ năm 1966 đến năm 1974, số ngoại tệ chính phủ Thái thu được là: 1.000 USD x 500.000 x 8 = 4.000.000.000 USD (bốn tỷ đô la – tính vào thời giá của năm 1975) Con số đô la Mỹ lọt vào các tài khoản của ngân hàng Thái Lan còn lớn hơn nhiều. Đó là nguồn lợi tức khổng lồ mà chính phủ Thái dùng để phát triển kinh tế của nước họ từ nông thôn cho đến thành thị. Năm 1970, nhiều người Việt Nam có dịp đi thăm Bangkok đều có chung nhận xét: Bangkok và cả nước Thái lúc đó so với thành phố Sài Gòn không hơn bao nhiêu. Thế mà sau 5 năm, trong khi Việt Nam tiếp tục đổ nát điêu tàn do bom đạn của Mỹ, với sự khôn ngoan khai thác món lợi từ chiến tranh Việt Nam, chính phủ Thái đã đưa nước họ vào một quỹ đạo tiến bộ nhảy vọt.
Biện pháp mạnh của Đại Hàn Đến Đài loan, đoàn dân biểu của chúng tôi được Liên Minh Á Châu Chống Cộng tiếp đón nồng nhiệt. Ông Cốc Chính Cương, Chủ tịch Liên minh Á Châu Chống Cộng mở đại tiệc chiêu đãi đoàn dân biểu VNCH, coi như đoàn của chúng tôi với Đài Loan là một phe. Ấn tượng sâu đậm của chúng tôi là nước Đại Hàn (hiện nay là Nam Triều Tiên). Chúng tôi được Thủ Tướng Kim Chong Pil đích thân mở tiệc thiết đãi. Giữa ông và chúng tôi không có nói gì khách sáo, chỉ nhấn mạnh đến lập trường chống cộng sản. Ông Kim Chong Pil nói: “Nước chúng tôi chủ trương mạnh tay đối với những ai làm cản trở công việc chống cộng sản của chính phủ. Nếu cần chúng tôi sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự”. Nhớ lại thời đó là thời kỳ của tổng thống Đại Hàn Pak Chung Hi, người chủ trương dùng bàn tay sắt, dùng vũ khí mạnh để giải tán tất cả cuộc biểu tình của sinh viên. Chính quyền thật mạnh tay đối với ai chống chính phủ, nhưng ngược lại họ đặc biệt đãi ngộ những gia đình có con em đi lính, có con em đã tử nạn vì chiến đấu chống cộng sản. Tổng thống Pak Chung Hi đã thành công trong việc đàn áp sinh viên, đàn áp các cuộc biểu tình chống đối. Nhưng họ cũng đã thành công trong việc xây dựng một chính phủ mạnh, ổn định được trật tự xã hội, tạo tiền đề cho việc phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế, biến Nam Triều Tiên thành một trong năm con rồng ở Châu Á. Họ cũng không giấu giếm việc các quan lớn sau khi tận lực làm việc được vui chơi hưởng lạc. Trong tiệc chiêu đãi đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa cả quan chức chính phủ cùng với khách mỗi bên mỗi người đều có một cô gái đẹp ngồi phục vụ . Nhật Bổn là nước đoàn chúng tôi đến thăm sau cùng. Chúng tôi được Chủ tịch Thượng Nghị Viện Nhật Bổn là ông Takeo Kishi tiếp đón. Tôi có dịp đại diện cho đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa phát biểu ý kiến trước hơn 15 Nghị sĩ Quốc hội Nhật về lập trường hoà bình càng sớm càng tốt cho Việt Nam. Tôi mong mỏi Quốc hội Nhật đóng góp vào việc giúp đỡ cho Việt Nam có hoà bình với vị thế cường quốc kinh tế của họ. Ông Takeo Kishi cũng đã hoan nghinh đoàn chúng tôi đến thăm Thượng Nghị viện Nhật Bổn. Ông nói: “Nhật Bổn rất vui mừng thấy Việt Nam Cộng Hòa đã có sinh hoạt dân chủ”. Ông hứa sẽ làm hết sức mình để Việt Nam sớm có hoà bình. Đoàn của chúng tôi sau đó, còn được chính phủ Nhật cho người hướng dẫn đi thăm thành phố Yokohama, thăm hồ nghỉ mát Hakonei ở cách Tokyo 150 cây số. Chuyến đi thăm 6 nước Châu Á lần đầu tiên của đoàn chúng tôi, có thể đã đạt được mấy kết quả sau đây: - Tạo cho các nước láng giềng của Việt Nam hiểu được miền Nam Việt Nam đang cựa mình chơi trò dân chủ. - Trong miền Nam Việt Nam, có một lực lượng mới, tha thiết muốn có hoà bình nhưng không thích Mỹ, đó là lực lượng quần chúng trẻ. - Ngược lại qua chuyến đi đó tôi đánh giá được một điều: Các nước bạn bè của Việt Nam Cộng Hòa không đánh giá cao Tổng thống Thiệu và Phó tổng thống Kỳ. Họ cho chúng tôi thấy Việt Nam Cộng Hòa khó thắng nổi Cộng sản.
Đi thăm một số nước Châu Âu Đầu năm 1969 ông Trương Gia Kỳ Sanh dân biểu tỉnh Phan Thiết và tôi được cử đi thăm một số nước Âu Châu. Cùng đi có dân biểu Nguyễn Thế Linh, dân biểu Tăng Cửu và 2 dân biểu khác tôi không nhớ tên. Chặng đầu tiên chúng tôi ghé Oslo, Thủ đô của nước Norway (Na Uy). Trời quá lạnh, đầy tuyết phủ trắng. Đón chúng tôi là những đoàn biểu tình phản chiến, chống chính phủ VNCH. Chúng tôi đi đến đâu trong thủ đô Oslo nhất là ở các đại học, cũng chỉ thấy những biểu ngữ “Long live Ho Chi Minh”, “Peace for Viet Nam”. Tiếp đón đoàn chúng tôi trong quốc hội Na Uy chỉ là các dân biểu thuộc cánh hữu. Na Uy để lại trong tôi ấn tượng tuyết phủ trắng, giá cóng tay cóng chân, hai vành tai không còn cảm giác giống như có thể xút ra khỏi cái đầu. Dân chúng, sinh viên, báo chí của Na Uy lúc đó chống Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam, chống chính phủ Sài Gòn mà họ cho là do Mỹ dựng nên. Dĩ nhiên họ ủng hộ Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam, ủng hộ Hồ Chí Minh. Khách sạn nơi chúng tôi ở luôn luôn có cảnh sát bảo vệ vì các nhóm phản chiến ở Na Uy rất hăng, sẵn sàng ném cà chua trứng thối vào đoàn chúng tôi. Ông Trương Gia Kỳ Sanh, dù là một người nổi tiếng chống cộng sản ở Phan Thiết vẫn phải lắc đầu ngao ngán. Ông nói với tôi: “Miền Nam thua chắc rồi anh Ba ơi. Trước tình hình này mình đâu có tuyên truyền được cái gì cho chủ nghĩa chống cộng ở bên nhà”. Ông Trương Gia Kỳ Sanh là trưởng đoàn, ông nói tiếng Pháp khá giỏi vì từng là giáo sư Pháp văn ở Phan Thiết, ông đỗ tú tài đôi Pháp, là một trí thức nổi tiếng ở miền Trung. Trong chế độ Ngô Đình Diệm, nghi ngờ ông theo cộng sản, Diệm-Nhu đã bắt ông, thả dù ra ngoài Bắc cùng với bác sĩ Phạm Văn Huyến thân sinh của bà luật sư Ngô Bá Thành. Rơi xuống Đồng Hới, ông Sanh bị dân quân Đồng Hới chém một nhát vào đầu mà không chết. Ông bị chính phủ miền Bắc nghi ngờ là gián điệp, lại ra lệnh buộc ông phải trở lại miền Nam. Ông bị bắt đi đường bộ băng qua cầu Hiền Lương. Khi ông Sanh được thả về miền Nam với vết dao chém trên đầu, chính quyền Diệm Nhu mới tin và không truy đuổi ông nữa. Ông Sanh rất thương và tin tôi. Trong chuyến đi Châu Âu, tôi luôn ngủ chung phòng khách sạn với ông. Có lần ông tâm sự với tôi “anh Ba, tôi tin anh nên mới tiết lộ tôi là chú ruột của Trần Bạch Đằng. Cháu tôi Tết Mậu thân là Bí Thư Thành uỷ Sài Gòn Gia Định, chỉ huy tiến đánh Sài Gòn Chợ Lớn. Nó rất tin vào sinh viên, sử dụng lực lượng sinh viên học sinh trong nội thành Sài Gòn như ngòi nổ của cách mạng tiến đánh và lật đổ chính quyền. Trần Bạch Đằng, có cảm tình với các bài báo của Dương Văn Ba đăng trên Tin Sáng. Nếu có cơ hội, tôi sẽ giới thiệu anh với nó”. Là một người chống cộng nổi tiếng ở miền Trung, ông Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh lại có cháu ruột làm khá lớn trong Mặt trận Giải phóng. Sự đặc thù trong chiến tranh Việt Nam là như thế. Chằng chịt về máu mủ, gia tộc, chằng chịt về tình cảm thân thuộc, về tình xóm giềng, tình bạn bè lúc thiếu thời. Người Mỹ vào Việt Nam giống như rơi vào một màng nhện hay lọt vào một rừng tre nứa, song mây quấn quít lấy nhau, khó thoát ra được.
Công du hay đi chơi? Thu hoạch được gì? Oslo là chặng đầu tiên của Châu Âu cũng là chặng mà chúng tôi cảm nhận được một điều hiển nhiên: “Bênh vực cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa là làm một điều không tưởng. Trong con mắt của người Châu Âu lúc đó Việt Nam Cộng Hòa là bù nhìn của Mỹ”. Từ cảm nhận đó, khi sang Pháp. Thụy Sĩ, Bỉ, Anh Quốc ông Trương Gia Kỳ Sanh và tôi đều đồng ý với nhau ca bài hát: “Chúng tôi là thành phần chống Thiệu Kỳ, chúng tôi muốn ở miền Nam Việt Nam thật sự có dân chủ. Chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi muốn ở miền Nam Việt Nam có một chính phủ dân sự để thương thuyết với MTGP và với Bắc Việt”. Bài hát đó của ông Sanh và tôi lọt lỗ tai một số báo chí, một số dân biểu nghị sĩ tại các nước Châu Âu. Các ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Anh, Bỉ, Ý, Đức đều đồng tình với bài hát của chúng tôi. Vì tại Châu Âu lúc đó mà đi bênh vực cho Nguyễn Văn Thiệu chẳng khác nào chọc giận, đổ dầu thêm vào ngọn lửa căm phẫn đang bùng cháy. Mục đích riêng của các cá nhân trong đoàn dân biểu chúng tôi là đi du lịch để cho biết xứ người văn minh đến mức nào, để tận tai nghe rõ ràng sự phi chinh nghĩa của một chính quyền thân Mỹ tại Sài Gòn. Điều thu lượm được của mỗi một thành viên trong đoàn Quốc hội miền Nam đều khác nhau. Như Dân biểu Nguyễn Thế Linh, do đánh xì phé ăn ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Bỉ (Bruxelles), anh ta đã ghé Ý mua một chiếc xe Fiat 850, gửi tàu chở về Sài Gòn. Ông Trương Gia Kỳ Sanh, trong chuyến đi tại Bỉ đã rất vui vì được dịp gặp lại nhiều cựu học sinh của ông trước đây là con cháu của các chủ hãng nước mắm tại Phan Thiết, đi học xong ở luôn bên Bỉ sinh sống. Cá nhân tôi, thu hoạch được nhiều điều riêng tư. Trước nhất tôi được đi chơi các hộp đêm tại Paris và Bonn nhờ tiền đánh bài ăn ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Bỉ, được biết thêm nhiều cô đầm khá đẹp. Thứ hai, mua được nhiều sách hay ở Paris, ăn được paté gan ngỗng, được Đại sứ Phạm Đăng Lâm ở Paris đãi ăn món hàu sống ướp đá ở một quán danh tiếng nhất nước Pháp. Tôi được đi xem bảo tàng Louvre, được lựa sách cũ bày bán bên bờ sông Seine, được cùng Dương Minh Đức, con trai lớn của Tướng Dương Văn Minh lái xe hơi đi Tours với ông Lê Văn Lâu để thăm anh Âu Trường Thanh (lúc đó đang dạy kinh tế tại đại học Tours). Trao đổi về tình hình chính trị, anh Thanh cho chúng tôi biết, anh không thích về Việt Nam nữa, vì theo anh Sài Gòn khó tồn tại lâu dài, chính quyền quân sự ở Sài gòn ăn chơi quá đáng, tham ô quá mức, không có cách gì chống cộng nổi. Trong mấy ngày ở London tôi được quen với anh Diệp Quang Hồng, Cố Vấn Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc. Anh Hồng, quê quán ở Bạc Liêu, thuộc dòng dõi địa chủ lớn, là anh ruột của Phó Đề Đốc Diệp Quang Thuỷ, tham mưu trưởng hải quân VNCH. Tôi và anh Hồng đã đi thăm Đại học Coventry, thành phố dệt lớn ở phía Nam London. Đến đại học Coventry, giữa giá tuyết, nhưng người của chúng tôi nóng lên vì được nghe những tiếng hoan hô “Long live Ho Chi Minh”, “Victory for the Front”, “Thiệu American puppet in South Vietnam”… Anh Hồng nói với tôi: “Nếu chiến tranh Việt Nam chấm dứt, moi sẽ ở luôn bên này vì làm sao về Việt Nam sống được dưới chế độ cộng sản”. Và anh Hồng, anh Thuỷ Tư lệnh Phó Hải quân đã làm như thế. Thuỷ rời Việt Nam trên con tàu hải quân ngày 28-4-1975. Tôi vẫn nhớ anh Hồng với những kỷ niệm ở London, anh dẫn tôi đi chơi cho biết xứ người. Dù ở xa, thật xa Bạc Liêu, anh từng nói với tôi, anh luôn nhớ về xứ sở nơi có những người Tiều Châu làm rẫy, trồng rau, nơi có những cánh đồng rộng xa tít tắp với những đàn cò trắng bay trong những chiều quê thanh bình.
Bài học đáng suy gẫm về dân chủ Tôi học được ở Quốc hội các nước Châu Âu một vài điều lý thú: Mỗi dân biểu hay Nghị sĩ đều thuộc về một chinh đảng, đa số hay thiểu số. Họ đều có lập trường rõ ràng về các vấn đề của đất nước, có ý kiến rõ rệt đối với các đạo luật, nhất là về thuế. Họ tự do phát biểu ý kiến về bất cứ vấn đề gì, dù những ý kiến đó có tính cách chỉ trích đích danh Thủ tướng hay Tổng thống. Báo chí được tự do đăng tải các ý kiến đó. Cử tri ở các địa phương có quyền yêu cầu dân biểu hay nghị sĩ tìm cách giúp giải quyết các vấn đề đặc thù. Dân biểu, nghị sĩ bắt buộc phải có trả lời, họ có quyền yêu cầu chính phủ làm sáng tỏ các vấn đề cử tri thắc mắc. Dân biểu, nghị sĩ không nhất thiết phải tham dự tất cả buổi họp của quốc hội. Vấn đề nào họ cần lên tiếng ở nghị trường, họ mới đăng đàn trình bày. Đối với các vấn đề quan trọng, họ chỉ cần có mặt lúc biểu quyết. Ví dụ các phiên họp khoáng đại của quốc hội Anh, quốc hội Ý, có khi chỉ có vài chục người hiện diện (có mặt mà không dám nói điều gì cần thiết, sự có mặt đó chỉ là nghị gật). Nhưng không phải vì thế mà sinh hoạt quốc hội tại các nước buồn tẻ. Các nghị sĩ, dân biểu ít khi nói theo một chiều đã có sẵn. Vấn đề nào, văn phòng của họ cũng có ý kiến bằng văn bản. Quốc hội cung cấp tài chinh để dân biểu, nghị sĩ mở văn phòng riêng, mỗi người đại diện cho dân đều được quyền lựa chọn một hay hai cố vấn, quốc hội chi trả lương. Các cố vấn thường là các chuyên gia về luật pháp, kinh tế, tài chính, xã hội, các giáo sư đại học. Các cố vấn có trách nhiệm giúp ý kiến rõ ràng cho dân biểu, nghị sĩ về những vấn đề quan trọng của đất nước. Dân biểu hay nghị sĩ chỉ phải lấy quyết định dựa trên các ý kiến của cố vấn. Do đó, nghị sĩ dân biểu lúc nào cũng nắm sâu sát được các vấn đề. Thời gian họ dành nhiều cho việc vận động, tiếp xúc, trao đổi ý kiến cụ thể với các giới cử tri. Một văn phòng của một đại biểu quốc hội hàng năm nhận được nhiều ngàn thư từ góp ý kiến bày tỏ nguyện vọng, nêu thắc mắc của nhiều giới cử tri. Quốc hội của họ thật sự là một cơ quan quyền lực tối cao của dân. Ngân sách hàng năm là vấn đề trọng đại nhất, không dân biểu nghị sĩ nào dám tự tiện bỏ qua các cuộc họp xét duyệt ngân sách. Thảo luận xét duyệt từng chương, từng mục của ngân sách nhà nước, chấp nhận cho chi tiêu khoản nào, bác bỏ khoản nào họ đều họp công khai trong khoáng đại hội nghị, luôn luôn có báo chí truyền thanh, truyền hình trực tiếp tham dự. Tiền của dân nộp thuế, họ công khai quyết định việc chi xài trước mắt của nhân dân. Trước hết, họ xem xét kết quả việc sử dụng ngân sách nhà nước trong tài khóa vừa qua. Họ cân đối tỷ lệ sử dụng các khoản chi tiêu. Những việc cần sử dụng ngân khoản to lớn, họ xét nét cặn kẽ. Các Bộ trưởng phải ra trước khoáng đại hội nghị trình bày chi tiết các đề án, phân tich hiệu quả của việc sử dụng tài chinh. Đề án nào được chấp thuận mới có ngân sách. Các Bộ, các địa phương không thể tự tiện chi tiêu. Không hề có sự ưu đãi về quyền lợi và tiện nghi riêng cho các Bộ Trưởng, Thị trưởng, Tỉnh trưởng. Tất cả đều phải có quy chế nhà nước. Không phải địa phương nào muốn sắm phương tiện sử dụng cho các cá nhân nắm quyền, cứ tự tiện quyết định (ở Việt Nam hiện nay, nhiều tỉnh muốn mua xe Toyota Land Cruiser 70-80 ngàn đô la một chiếc, Phó Chủ Tịch Tỉnh, phụ trách tài mậu đã đủ quyền quyết định).
Được gặp Đức Giáo Hoàng Paul VI Vinh dự lớn nhất của đoàn chúng tôi trong chuyến đi Châu Âu là được Giáo Hoàng Paul VI tiếp kiến. Ngài thăm hỏi về tình hình đất nước Việt Nam và cầu nguyện cho nhân dân Việt Nam sớm có hoà bình. Chúng tôi mỗi người trong đoàn đều được vinh dự bắt tay Đức Giáo Hòang Paul VI, hôn nhẫn thánh của ngài, được chụp hình kỷ niệm. Tấm ảnh chụp chung với Giáo Hoàng Paul VI trong kỳ tái tranh cử lần thứ nhì 1971 - 1975 là vũ khí có giá trị lớn của tôi đối với các cử tri Công giáo Bạc liêu. Nhờ tấm ảnh đó, đa số người Công giáo ở Bạc liêu đã bầu phiếu cho tôi. Đối với họ, cá nhân nào trong cuộc đời được diện kiến và hôn nhẫn thánh của Giáo Hoàng, đó là phúc đức và là người được ân sủng của Thiên Chúa.
Một mình đi Mỹ quốc Tháng 6-1970, tôi quyết định đi thăm nước Mỹ một mình. Trước khi đi, tôi tìm gặp dân biểu Trần Ngọc Châu, còn bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giam giữ tại khám Chí Hoà. Nói là giam giữ, thật sự Trần Ngọc Châu vẫn được thường xuyên liên lạc với bên ngoài. Nữ dân biểu Kiều Mộng Thu có lúc là người tình của Châu, mỗi tuần đều vào khám Chí Hoà tâm sự với Châu nhiều giờ. Lúc đó, Đại tá Trần Vĩnh Đắc là Giám đốc Trại giam Chí Hoà, đã dành nhiều dễ dãi và tình cảm ưu dãi anh Châu, coi như là một loại tù chính trị. Tôi cho anh Châu biết tôi dự định đi Mỹ và nhờ anh giới thiệu với các bạn bè Mỹ. Thời gian Trần Ngọc Châu làm Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre anh chơi thân với John Paul Vann một trùm tình báo Mỹ ở Vùng 4. Châu cũng là bạn thân của Daniel Ellsberg, người tiết lộ và xuất bản bộ sách “Pentagon Papers” gây chấn động nước Mỹ. Trần Ngọc Châu cho tôi địa chỉ của Daniel Ellsberg, dặn khi tôi đến Nhật Bổn hãy đánh điện tín cho Ellsberg biết tin, để ông ta ra sân bay đón tôi. Tôi làm y như thế. Trên đường đi Mỹ tôi ghé ngang Osaka Nhật Bản 2 ngày. Tại Osaka, tôi gửi điện tín cho Ellsberg, nói rõ mình là bạn của Trần Ngọc Châu muốn nhờ Ellsberg tổ chức đón và hướng dẫn tôi đi thăm các nơi trong một tuần lễ ở Hoa Kỳ. Khi tôi đến sân bay Los Angelès trong chuyến bay Boeing 747 của hãng hàng không Pan Am, vợ chồng Ellsberg đã có mặt tại sân bay để đón tiếp tôi. Anh ta tự lái xe đưa tôi về nơi nghỉ mát ngay bờ biển Santa Monica. Căn nhà nhỏ xinh đẹp của vợ chồng Dan ở sát mé nước biển, đầy ánh nắng và lộng gió. Tôi như bị choáng ngợp bởi sóng biển tràn sát mí nhà, nắng mênh mông trên bờ cát trắng dọc dài. Biển Santa Monica xanh biếc, đầy những cánh buồm trắng của những người lướt sóng trên tấm ván (surf-riding). Cảm giác choáng ngợp đó cho tôi thấy nước Mỹ rộng mênh mông, mỗi con người như viên sỏi được ném xuống dòng biển, tha hồ thỏa thích quay lăn, người giỏi đủ sức lăn được đến nơi mình muốn, kẻ yếu kém phải chấp nhận số kiếp của viên cuội nằm yên trên bờ cát. Tôi đến Santa Monica lần đó với cảm giác của người say rượu, thấy đã đời nhưng cũng chẳng biết mình sẽ rẽ về đâu. Vợ chồng Daniel Ellsberg lập ngay chương trình làm việc cho tôi sau khi đưa tôi về ở một khách sạn nhỏ, sát bờ biển. Tối hôm đó, Daniel đãi tôi ăn bít tết bò Mỹ, uống rượu vang đỏ của Mỹ. Daniel hỏi thăm tình hình của Trần Ngọc Châu, tôi nói: “Sức khỏe của anh Châu khá tốt. Nhưng khi nào Thiệu sụp đổ Châu mới ra khỏi khám Chí Hoà”. Tôi hỏi Daniel: “Anh có giúp cho chúng tôi làm cho Thiệu sụp đổ được hay không?”. Daniel Ellsberg cười và nói: “Tôi sẽ đưa anh đi gặp Tướng Haig và tiến sĩ Henry Kissinger để anh nói điều đó với họ”. Tôi hỏi ngược lại Daniel: “Có thật là tôi có thể gặp Henry Kissinger không?” Daniel trả lời: “Những người bạn của tôi có thể làm được việc đó”. Hai ngày sau, Daniel và một thanh niên Mỹ, từ Santa Monica, chở tôi đi San Clemente trên một xe Ford 4 chỗ ngồi, rộng rãi. Đường xa lộ trên nước Mỹ thênh thang, lần đầu tiên đến Mỹ quốc cảm giác của tôi thấy mình thật nhỏ bé. Không gian, kích cỡ quen thuộc của mình ở Việt Nam đột nhiên thay đổi hẳn. Một kích cỡ mới, một không gian mới bao quanh con nguời cũ. Tôi tự cảm thấy không thể nào sống lâu ở Mỹ được.
Báo chí Mỹ chi phối thế giới Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Trung tâm Báo chí của Toà Bạch ốc miền Tây. Đó là một cao ốc năm tầng. Ở mỗi tầng, hàng trăm phóng viên đang làm việc với các máy móc của họ. Daniel quen rất nhiều nhà báo. Một số người ngưng công việc đang làm để nói chuyện với Daniel. Họ đang chuẩn bị cho cuộc họp báo buổi chiều hôm đó của Tổng Thống Richard Nixon. Trung tâm báo chí của Tổng Thống Richard Nixon ở San Clemente gây ấn tượng mạnh nơi một nhà báo còn ở trong giai đoạn “thủ công” như tôi, đến từ miền Nam Việt Nam. Máy quay phim, máy ghi băng, máy viễn ký bày đầy la liệt trên bàn làm việc của mỗi phóng viên. “Caféteria” phục vụ cho khách ngày đêm. Lần đầu tiên tôi đến với nền công nghiệp báo chí lớn nhất thế giới (tháng 6-1970) tôi mới mường tượng được ảnh hưởng lớn lao của nền công nghịêp đó đối với mọi vấn đề của thế giới và đối với mọi nước trên toàn cầu. Người ta làm báo để thông tin cho toàn thế giới, để loan truyền những điều mới lạ sắp xảy ra liên quan đến vận mạng nhân loại. Chiến tranh ở Việt Nam là một đề tài nóng. Không phải vì số phận đau đớn quằn quại của nhân dân Việt Nam hàng ngày. Đối với họ những người làm báo ở tầm cỡ quốc tế, quyết định số phận của chiến tranh Việt Nam là quyết định mối tương quan toàn cầu, Mỹ, Liên Xô, Trung quốc, thế giới Ả Rập, cả thế giới thứ ba chịu ảnh hưởng lan đi từ kết cuộc và diễn biến từng ngày của chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam ngay lúc đó đã bị toàn cầu hoá. Nixon, Kissinger đang tiến hành cuộc giải quyết chiến tranh Việt Nam trong chiều hướng Việt Nam là một mắc xích quan trọng trong dây chuyền xếp đặt thế giới. Thiệu không thể nào tồn tại lâu dài được vì Nixon và Kissinger phải cởi bỏ gánh nặng của mắc xích Việt Nam để sắp xếp lại cuộc cờ thế giới trong một thế chủ động mới. Toàn thể báo chí hình ảnh và báo viết đang tập trung tại San Clémenté để theo dõi những gì sắp xảy ra trong thời gian tới, xuất phát từ kỳ nghỉ hè của Bộ Tham Mưu của Nixon tại toà Bạch Ốc miền Tây.
Gặp Cố vấn An ninh của Tổng thống Nixon Sau Trung tâm Báo Chí Quốc tế, tôi được Daniel và bạn của anh ta đưa thẳng vào khu dinh thự mùa hè của Nixon, Kissinger và Haig. Người đầu tiên tôi được gặp là một thanh niên Mỹ khoảng 27 tuổi, cao khỏang 1m 8 phụ tá báo chí của Tướng Haig. Đó là Winston Lord (sau này Winston Lord trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ). Lord tiếp tôi và Daniel trong 15 phút. Anh ta dặn tôi trình bày những điều muốn nói với Tướng Haig thật ngắn gọn vì Haig và Kissinger sắp có cuộc họp với tổng thống Nixon. Tướng Haig là phụ tá An ninh quốc gia của tổng thống Nixon cùng với tiến sĩ Henry Kissinger. Haig là một tỷ phú (không đúng – THD) trong nhóm Cộng hoà, nhỏ hơn Nixon chừng 10 tuổi. Alexander Haig tiếp tôi trong phòng làm việc của ông ta khoảng 30 phút. Ông ta hỏi tôi: “anh nghĩ thế nào về việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam?” Tôi nói: “Dân Việt Nam nghĩ tổng thống Thiệu là cản trở số một trước mắt. Hãy thay đổi Thiệu một chính phủ dân sự sẽ nói chuyện được với Việt cộng và sẽ có hoà bình nhanh chóng”. Tướng Haig nói: “Ông không sợ chính phủ dân sự sẽ giao miền Nam cho cộng sản hay sao?” Tôi nói: “Dân Việt Nam muốn có hoà bình. Nếu nói chuyện được với cộng sản để sớm có hoà bình là một điều tốt nhất cho dân tộc chúng tôi”. Haig cười không trả lời. Ông lại nói tiếp: “Ông có muốn chính phủ Mỹ giúp gì thêm cho Việt Nam?”. Tôi nói: “Chính phủ Mỹ nên giúp Việt Nam sớm có hoà bình là điều cần làm nhất”. Tướng Haig nói: “Tôi sẽ nói chuyện với tiến sĩ Kissinger về cuộc gặp ông hôm nay”. Chúng tôi từ giã Haig ra về. Bên ngoài chiếc trực thăng Air Force One của Richard Nixon đậu lù lù trong sân chờ sẵn. Chuyến viếng thăm nước Mỹ của tôi có thể coi như kết thúc tại đó, sau khi nói chuyện với Tướng Alexander Haig. Vì tôi đi Mỹ, trong lòng chỉ có từng ấy nguyện vọng, nói thẳng với Toà Bạch ốc là nên gạt bỏ Thiệu. Daniel Ellsberg nói với tôi: “Haig là phần tử cứng trong Bộ tham mưu của Nixon. Anh đã nói với Haig ngắn gọn như thế, có lẽ ông ta sẽ suy nghĩ”. Daniel vui vẻ chở tôi đi một vòng dạo quanh bờ biển San Clemente. Tôi trở lại Santa Monica, ở chơi với vợ chồng Daniel thêm 2 hôm, cố ý thăm dò quan điểm của anh ta về tình hình chính trị ở Việt Nam. Daniel cho tôi biết đang thu thập tài liệu để công bố thêm những bí mật chưa được tiết lộ của Toà Bạch ốc thời kỳ Nixon về chiến tranh Việt Nam. Từ giã vợ chồng Daniel Ellsberg tôi bay đi Washington DC gặp thêm một số bạn bè của Daniel trong phong trào phản chiến. Tôi đi lang thang ở một số Bar và Night Club trong hai đêm một mình. Sau đó đến nhà Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu, Tuỳ viên Quân sự Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ. Đại tá Chiêu có lúc làm Tỉnh trưởng tỉnh Trà Vinh. Vợ ông ta khá đẹp, nấu phở rất ngon. Ông ta chở tôi đi chơi New York một ngày. Đại tá Chiêu một con người lịch sự nhẹ nhàng, có căn biệt thự đẹp ở Thủ đô Mỹ. Trong vườn nhà ông có nhiều cây táo chín đỏ. Vườn nhà bên Mỹ không có hàng rào ngăn cách hai bên làng giềng. Họ có thể qua lại với nhau bằng đường bên hông nhà. Hàng rào chỉ có phía trước mặt nhà, trang trí cho đẹp. Đại tá Chiêu, một người có văn hoá có tài sản, ngoại giao lịch sự. Nhưng ông ta lại mắc một chứng bịnh bẩm sinh, bịnh ăn cắp vặt. Cứ vào siêu thị, ông có tật hay lén lấy đồ bỏ túi áo, không tính tiền. Nhiều lần bị bảo vệ siêu thị Mỹ bắt tại trận. Bộ Ngoại giao Mỹ có lưu ý VNCH, nhưng không ra lệnh trục xuất ông vì biết đó là một loại “chứng tật di truyền” của một người giàu có.
11-3-15 |