Francis Fukuyama:
Why Populist
Nationalism Now? Người dịch: Huỳnh Hoa
Sự dâng trào của chủ nghĩa dân túy
Vì sao chủ nghĩa dân tộc dân túy trỗi dậy vào lúc này?
Francis Fukuyama
Những cội nguồn kinh tế, chính
trị và văn hóa sinh ra sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy khắp
thế giới.
[Đây là phần thứ hai của bài về chủ nghĩa dân túy. Phần đầu
ở đây. Phiên bản truyền
hình trên internet (podcast) cũng có
ở đây].
Có ba lý do tại sao chúng ta đang chứng khiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa
dân tộc dân túy vào nửa sau của thập niên 2010: kinh tế, chính trị và
văn hóa.
Những nguồn gốc kinh tế của chủ nghĩa dân túy đã được chú ý và bàn luận
rộng rãi. Lý thuyết thương mại nói với chúng ta rằng, tính gộp lại tất
cả các quốc gia tham gia vào cơ chế thương mại tự do đều giàu có lên;
nhưng cũng chính lý thuyết ấy nói với chúng ta rằng không phải mọi cá
nhân ở mỗi quốc gia đó đều khá giả lên: những người lao động kỹ năng
thấp ở các nước giàu sẽ thua thiệt trước những công nhân cũng có kỹ năng
thấp nhưng được trả công thấp hơn ở các nước nghèo. Trong thực tế, đó là
chuyện đang xảy ra ở nhiều nước công nghiệp phát triển cùng với sự trỗi
dậy của Trung Quốc, Mexico và nhiều nước tương tự. Theo một nghiên cứu
gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khoảng 50% người dân Mỹ đã không
giàu có hơn so với năm 2000, xét về mức thu nhập thực; một tỷ lệ nhiều
hơn nữa những người ở điểm giữa của sự phân phối thu nhập đã bị tụt
xuống hơn là chuyển lên nấc cao hơn trên bậc thang kinh tế. Ở Hoa Kỳ,
cuộc suy thoái tương đối này của tầng lớp trung lưu và người lao động đã
diễn ra cùng với một số tệ nạn xã hội, chẳng hạn như mức gia tăng số gia
đình tan vỡ, nạn nghiện thuốc kích thích mà riêng trong năm 2015 đã cướp
đi sinh mạng của hơn 60.000 người. Cũng trong thời gian này, những lợi
lộc của toàn cầu hóa lại tập trung chủ yếu vào giới tinh hoa được học
hành bài bản và nhạy bén, những người có chiều hướng đặt ra những khuynh
hướng văn hóa rộng rãi hơn.
Nguồn gốc thứ hai của chủ nghĩa dân túy là chính trị. Lời than phiền
truyền thống chống lại chế độ dân chủ tự do, vốn có vô số cơ chế kiểm
tra và cân bằng, là chế độ này có khuynh hướng sản sinh ra các chính phủ
yếu kém. Khi những hệ thống chính trị như vậy kết hợp với khối cử tri bị
phân cực, hoặc bị chia rẽ nghiêm trọng, thì kết quả thường là sự tê liệt
chính trị khiến cho công cuộc quản trị bình thường cũng trở nên rất khó
khăn. Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của chính phủ đảng Quốc đại trước đây là
một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng này, các dự án xây dựng hạ tầng và
các cuộc cải cách kinh tế cần thiết đều nằm ngoài khả năng thực hiện của
chính phủ. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Nhật Bản và Ý, nơi chính
phủ thường đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trong bối cảnh kinh tế trì
trệ kéo dài. Một trong những trường hợp nổi bật nhất là Hoa Kỳ, nơi một
hệ thống rộng lớn các thiết chế kiểm tra và cân bằng được hiến pháp ủy
quyền đã sản sinh ra cái mà tôi có lần đặt tên là “chế độ phủ quyết”
(vetocracy): nghĩa là một
nhóm nhỏ có khả năng phủ quyết hành động của một đa số lớn hơn. Chính
điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng mỗi năm một lần ở quốc hội Mỹ khi
thông qua ngân sách quốc gia – một việc không thể nào hoàn tất được dưới
cái gọi là “trật tự quy củ” trong ít nhất một thế hệ, và đã ngăn cản
những cuộc cải cách nhạy cảm trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhập
cư và quản lý hệ thống tài chính.
Sự yếu kém cảm nhận được về khả năng của các chính phủ dân chủ trong
việc đưa ra quyết định và hoàn thành công việc là một trong nhiều yếu tố
đã tạo bệ phóng cho sự trỗi dậy của những người có khả năng trở thành
“người hùng” (strong men),
người có thể phá hủy luồng chướng khí bao trùm nền chính trị bình thường
để đi tới kết quả. Đây là một trong những lý do mà Ấn Độ bầu ông
Narendra Modi, và tại sao ông Shinzo Abe lại trở thành một trong các thủ
tướng Nhật Bản cầm quyền lâu nhất. Sự trỗi dậy của ông Vladimir Putin
như một người hùng xảy ra trong bối cảnh những năm tháng loạn lạc dưới
thời ông Boris Yeltsin. Và cuối cùng, một trong những luận điểm vận động
của ông Donald Trump là, với tư cách một doanh nhân thành đạt, ông ta sẽ
có thể làm cho chính phủ Mỹ trở lại hoạt động đúng chức năng.
Hơn thế nữa, có những thất bại chính trị nghiêm trọng mà giới tinh hoa ở
Mỹ và châu Âu đã phạm phải. Trong thập niên 2000, Hoa Kỳ đã can dự vào
hai cuộc chiến tranh không thành công ở Trung Đông, rồi lại trải qua một
cuộc suy thoái tệ hại nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Cả hai sự
kiện này đều có gốc rễ từ những quyết định của giới tinh hoa nhưng mang
lại hậu quả thảm khốc cho mọi công dân bình thường. Liên minh châu Âu đã
tạo ra một liên minh tiền tệ chung quanh đồng euro mà không có phương
cách tương ứng để thống nhất chính sách tài khóa, dẫn tới cuộc khủng
hoảng nợ công của Hy Lạp. Và châu Âu lập ra khu vực Schengen và hàng
loạt những luật lệ khác để tự do hóa việc di chuyển của người dân bên
trong châu Âu mà không thiết lập ra một cơ chế tin cậy được để kiểm soát
các đường biên giới giữa châu Âu với bên ngoài. Nhìn từ quan điểm kinh
tế và đạo đức, đây là những chính sách đáng hoan nghênh, nhưng khi thiếu
vắng một cơ chế kiểm soát như vậy, tự do đi lại trong nội bộ châu Âu lại
trở thành vấn đề. Và điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng về tính chính
danh sau khi xảy ra những làn sóng nhập cư đông đảo, bị kích hoạt bởi
cuộc nội chiến ở Syria năm 2014.
Động lực cuối cùng của chủ nghĩa dân tộc dân túy là văn hóa và có liên
quan với vấn đề bản sắc. Nhiều năm về trước, Samuel Huntington đã chỉ ra
rằng giai cấp nguy hiểm nhất về kinh tế chính trị không phải là người
nghèo và người thất cơ lỡ vận đứng bên ngoài tiến trình phát triển xã
hội – những người thường thiếu thời gian và nguồn lực để huy động, mà
thay vào đó là tầng lớp trung lưu - những người cảm thấy họ bị sa sút về
kinh tế và không được hệ thống chính trị nhìn nhận một cách tương xứng.
Những con người như vậy có thể tạo ra các yêu cầu kinh tế, nhưng họ cũng
có xu hướng diễn dịch sự mất mát vị thế của mình cả về phương diện văn
hóa: họ đã từng là các tập thể xác định nên bản sắc dân tộc, nhưng giờ
đây họ bị thay thế bởi những kẻ mới đến, lại là những người được hưởng
lợi thế không công bằng so với họ. Thế rồi họ bị thôi thúc bởi quan điểm
chính trị căm ghét giới tinh hoa được hưởng nhiều lợi lộc từ hệ thống,
và họ có xu hướng đưa người nhập cư thành vật tế thần và coi người ngoại
quốc như là những tác nhân gây ra tình trạng thất thế của họ.
Ở khía cạnh này, động cơ kinh tế trùng lắp một cách căn bản với mối quan
tâm về văn hóa và về nhiều phương diện không thể tách bạch hai thứ đó
với nhau. Nó cũng giúp phân biệt chủ nghĩa dân túy Bắc Âu hoặc Hoa Kỳ
với chủ nghĩa dân túy ở Nam Âu và châu Mỹ Latin. Nền tảng xã hội của các
cử tri bỏ phiếu cho Brexit, Trump và bà Le Pen nằm ở sự suy thoái của
tầng lớp trung lưu và nhân dân lao động, trong khi phong trào Podemos ở
Tây Ban Nha, Syriza ở Hy Lạp, Chavez ở Venezuela hoặc Kirchners ở
Argentina là những đảng chính trị cánh tả truyền thống hơn, vốn là đại
diện cho người nghèo trong xã hội.
Đây cũng chính là cái đã làm cho vấn đề nhập cư trở nên quan trọng, thôi
thúc chủ nghĩa dân tộc dân túy ở các nước bắc và đông châu Âu và cả ở
Hoa Kỳ. Trong thực tế, tỷ lệ người di dân và tị nạn đã lên rất cao ở
châu Âu và Hoa Kỳ; các mối lo ngại về sự thay đổi văn hóa nhanh chóng đã
thôi thúc nhiều cử tri ủng hộ các đảng dân túy, các nhà lãnh đạo dân túy
cho dù người dân có phải gánh chịu mối đe dọa kinh tế trực tiếp. Xu
hướng này được phản ánh trong mục tiêu thường được các đảng dân túy
tuyên bố công khai: “giành lại đất nước mình”. Ở nhiều phương diện, các
câu hỏi về bản sắc – như ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo và truyền thống
lịch sử - đã xuất hiện để thay thế các giai cấp kinh tế như là những đặc
điểm xác định quan điểm chính trị hiện thời. Điều này có thể giải thích
sự suy tàn của các đảng chính trị trung tả và trung hữu truyền thống ở
châu Âu – các đảng đang dần dần thất thế trước các đảng và phong trào
mới thành lập dựa trên các vấn đề về bản sắc.
Nguồn:
https://www.the-american-interest.com/2017/11/30/populist-nationalism-now/ |