TIẾNG DÂN
Những chiếc ghế gỗ và sự “sang trọng cộng sản”
Jackhammer Nguyễn
Người Việt trên mạng xã hội so sánh những chiếc ghế của các nguyên thủ
quốc gia khối G7 trên bờ biển nước Anh với chiếc ghế của ông Nông Đức
Mạnh (hỗn danh “Mạnh mượt”), cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN).
Từ trái qua: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel,
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Mario Draghi trong cuộc họp
điều phối của EU tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Carbis Bay, Cornwall,
Anh, ngày 11/6/2021. Nguồn: Reuters/ Phil Noble.
Những chiếc ghế của các lãnh đạo châu Âu ngồi là “hàng chợ”, đồ công
nghiệp, giống hệt những chiếc ghế trong các gia đình bình thường ở
phương Tây, được cư dân mạng mang ra so sánh với chiếc ghế sơn son thếp
vàng của ông Nông Đức Mạnh ngồi, có phần chắc bên trong là gỗ quý, lấy
từ một cánh rừng nhiệt đới đang bị tàn phá nào đó ở Việt Nam. G7
là bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, có thể chế dân chủ: Mỹ,
Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada. Việt
Nam hiện được xếp vào loại quốc gia có thu nhập trung bình thấp, theo
chế độ toàn trị cộng sản. G7
đang bàn kế hoạch mua vaccine chích ngừa Covid-19 để viện trợ cho các
quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam. Việt Nam thì đang liên lạc khắp
nơi (có kẻ “xấu mồm” nói là “lạy lục tứ phương”) để tìm thuốc chủng
ngừa. Có
hai cảm xúc khi so sánh như thế của người Việt, dè bỉu và tức giận. Theo
những dữ kiện mà tôi liệt kê trên kia thì cảm xúc tức giận là cảm xúc
rất dễ hiểu. Thế còn dè bỉu? Có lẽ cảm xúc dè bỉu bắt nguồn từ hai
nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất, người cộng sản nhận, chính họ đại diện cho giai
cấp công nông, cho tầng lớp bần hàn (lời bài Quốc tế ca, bài hát chính
thức của những người cộng sản năm châu). Vì thế, về nguyên tắc, những
người cộng sản đối nghịch với những gì xa xỉ, hào nhoáng, đại diện cho
tầng lớp mà họ gọi là tư sản, tiểu tư sản (họ hay chế nhạo giới trí thức
thành thị là xập xòe tiểu tư sản), tức là người cộng sản đã tuyên chiến
với những gì gọi là … sang trọng. Cho tới nay vẫn chưa nghe họ
rút lại lời tuyên chiến ấy. Nguyên nhân thứ hai là,
những người không ưa người cộng sản thường gọi người cộng sản là nhà
quê, ở trong rừng ra, khỉ Trường Sơn, đàn bò vào thành phố (nhại một
câu trong một bài hát của Trịnh Công Sơn) … Từ đó hình ảnh ông “Mạnh
Mượt” chễm chệ trên chiếc ghế sơn son thếp vàng được xem như… “trưởng
giả học làm sang”, hay là “đũa mốc mà chòi mâm son”...
Trong mấy chục năm quan sát những người cộng sản, tôi thấy từ khá lâu,
cộng sản đồng nghĩa với những gì gọi là… sang trọng, hay ít nhất
đó là khát vọng của họ vươn tới thứ mà họ cho là sang trọng. Đôi
khi cái sang trọng ấy đồng nghĩa với đắt tiền, như một cái túi
Louis Vuitton (túi Eo Vi) sản xuất tại Pháp chẳng hạn, hay là “lóng la
lóng lánh” như cái ghế của ông Mạnh Mượt. Hình
ảnh “sang trọng cộng sản” thấy rõ nhất, khi ta quan sát các đoàn
cán bộ đảng CSVN đi công tác nước ngoài. Trên mạng, người ta chế nhạo
rằng, một ông cán bộ này, một bà cán bộ nọ mua hàng xa xỉ phẩm… tư bản
đến hàng… container để đem về nước. Tôi nghĩ chắc chưa đến nỗi như vậy,
chẳng qua là “bọn xấu mồm” nào đó nói ác thôi. Nhưng cả chục cái vali
thì có, vì đó là điều tôi từng chứng kiến. Lần
nọ tôi gặp một đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam đi công tác kết hợp du
lịch ở một số thủ đô châu Âu, chúng tôi ngụ cùng khách sạn. Một anh
là nhân viên điếu đóm cho gia đình đại gia khu công nghiệp Đ.T.T, than
phiền với tôi là, cả đêm anh ta phải lo đóng gói, khuân vác cả chục cái
vali của vợ và con gái ông Đ.T.T, vừa mới mua tại Rome và Paris.
Trong một khu cửa hàng thời trang tại Ý, tôi chợt thấy một bà trong đoàn
ngồi chơi không mua sắm gì, tôi bèn lân la hỏi chuyện. Bà nói: “Mấy
cái này chị mua hết rồi em. Chị định mua cho anh mấy cặp kiếng Ray-Ban,
nhưng ở đây đồ xấu quá em ơi”. Bà
này từng là bí thư quận ủy lừng danh một thời tại thành Hồ. Bà nói với
tôi rằng, ở Milan đồ đạc … sang hơn. Thật
ra cái không khí niềm vui mua sắm sang trọng này, chúng ta
thường gặp ở các đoàn du khách người Việt, người Trung Quốc, không phải
là cán bộ, sang phương Tây. Ai đã từng đi châu Âu hẳn phải chứng kiến
những hàng dài du khách Tàu xếp hàng rồng rắn trước các cửa hiệu thời
trang ở thủ đô các nước châu Âu để chỉ mua một cái túi xách hàng hiệu
nào đó, bởi họ không muốn mua một cái túi như vậy ở Hoa Lục, vì rất rất
rất có thể nó là đồ giả xuất xưởng từ những người anh em… Hong Kong. Du
khách Trung Quốc, cán bộ Trung Quốc là thị trường béo bở cho các nhà tư
bản hàng thời trang, xa xỉ phương Tây. Có thể thấy, các quan chức Việt
Nam cộng sản cũng thế, nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Đâu phải tự nhiên mà ngay
sau khi Việt Nam mở cửa vào năm 1986, một cửa hàng Louis Vuitton sang
trọng mở ra ngay lập tức tại khách sạn Metropole giữa Hà Nội! Trở
lại khái niệm “sang trọng cộng sản” mà tôi đề cập ở trên, câu hỏi
đặt ra là, tại sao những người cộng sản lại quên lời tuyên chiến chống
sự xa xỉ tiểu tư sản, tư sản như vậy? Trong khi các tay tiểu tư sản thứ
thiệt như Biden, Macron, Johnson… lại đành lòng ngồi trên những chiếc
ghế bình dân? Còn
nhớ, các trang sách giáo khoa của mấy đứa con tôi học ở Mỹ, nói về chủ
nghĩa tiêu thụ (consumerism), cũng như lên án xã
hội tiêu thụ, khi người dân bị các quảng cáo tấn công, thúc giục
mua hàng, để mua những thứ
ngoài nhu cầu cơ bản, như một ngôi nhà lớn, một chiếc xe hơi sang
trọng… Những trang sách như vậy, tôi không hề thấy trong sách
giáo khoa thời cộng sản. Hãy cứ cho rằng chống chủ nghĩa tiêu thụ là của
bọn… cánh tả phương Tây, thế cộng sản lẽ ra phải chống … quyết
liệt hơn chứ? Lý
thuyết là thế, nhưng điểm khác biệt là các tay cộng sản Việt hay Tàu có
quyền lực tuyệt đối, so với các tay tiểu tư sản phương Tây mà tôi đề
cập, khi có quyền lực tuyệt đối thì không bao giờ e ngại sự chỉ trích.
Hơn nữa các tay như Biden, Macron … phải hết hơi đấu đá với quốc hội,
báo chí,… hàng ngày, hàng giờ, có thời gian đâu mà lóng với lánh (chỉ có
ông Trump là không care nên ổng cũng lóng với lánh).
Những người cộng sản Tàu hay Việt không phải gian nan như vậy, họ bèn vươn tới
sự “sang trọng cộng sản” thôi. Và những người hay dè bỉu người
cộng sản là … “nhà quê” nên chú ý, họ bây giờ “sang trọng” rồi,
không còn “nhà quê” nữa đâu |