Việt Nam Thời Báo
Giỡn mặt “nhà cầm đồ”
Ánh Liên
Ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương (cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam) đã có bài viết “Vi phạm của đồng chí Chu Hảo - đảng viên trí thức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nghiêm trọng”
Nếu nói theo cách của giang hồ Sài Gòn, thì bài viết này của ông vụ
trưởng đang muốn giỡn mặt nhà cầm đồ.
Sao ĐCS lại nhẫn
tâm rẻ rúng pháp chế xã hội chủ nghĩa?
Giới du đãng ở Sài Gòn trước năm 1975 từng sử dùng thành ngữ “giỡn mặt
nhà cầm đồ” hàm ý chớ có mà xem thường nhau.
“Nhà cầm đồ” ở đây có lẽ xuất phát từ chuyện khởi nghiệp trên đất Sài
Gòn của chú Hỏa. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, chú Hỏa (1845-1901) quê
ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), gốc người Minh Hương. Tổ tiên ông chạy
sang Việt Nam lánh nạn sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh. Ông
khởi nghiệp từ gánh ve chai, về sau nhập quốc tịch Pháp, có tên là Jean
Baptiste Hua Bon Hoa.
Chú Hỏa lập Công ty Hua Bon Hoa và các con, sở hữu hàng chục tiệm cầm
đồ, trên 20.000 căn nhà phố cho thuê trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Ðồng
Khởi (tên gọi sau 1975) đắc địa nhất Sài Gòn. Nhiều công trình còn tồn
tại đến hôm nay như Khách sạn Majestic, khu nhà khách Chính phủ,…
Gia đình chú Hỏa cho xây nhiều công trình phục vụ người nghèo như cô nhi
viện, chùa Phụng Sơn, bệnh viện Maternité Indochinoise (nay là bệnh viện
Từ Dũ), Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Phước Thiện y viện (bệnh viện Nguyễn
Trãi ngày nay), Thành Chí học hiệu (trường THCS Minh Ðức), nuôi cơm
những người vô gia cư… “Giỡn mặt nhà cầm đồ” chính là đừng có mà khinh
thường ông ba Tàu chú Hỏa.
Vậy thì có liên quan gì đến bài viết của ông vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ
quan Ủy ban kiểm tra Trung ương của Ban Chấp hành trung ương đảng? Vì
nên nhớ, Hiến pháp trao cho đảng cái quyền ‘lãnh đạo toàn diện nhà nước
và xã hội’.
Sinh thời, bà luật sư Ngô Bá Thành có câu nói để đời: “Ở Việt Nam ta đã
có cả một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. “Nhà cầm đồ”
ở đây chính là “rừng luật” đó (Hiến pháp thì gọi “rừng luật” là “pháp
chế xã hội chủ nghĩa”). “Nhà cầm đồ” còn là Điều 4.3, Hiến pháp: “Các tổ
chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Cục trưởng Cục Xuất
bản đã ‘tự diễn biến’ để ‘đồng lõa’ với ông Chu Hảo?
“Cụ thể trong các năm (2005-2009), đồng chí đã cho xuất bản 5 cuốn sách
có nội dung chính trị tư tưởng sai trái, bị cơ quan chức năng thẩm định,
kết luận, xử lý cấm phát hành”. Ông Phạm Đức Tiến đã viết như vậy (nguồn
đã dẫn). Với câu này cho thấy mặc dù có hàm vụ trưởng, song ông Tiến lại
không biết đến Luật Xuất bản là gì.
Vắn tắt nhất, để in ấn một cuốn sách đã xong giai đoạn viết lách, việc
đầu tiên và bắt buộc, là làm thủ tục xin giấy phép xuất bản. Tác giả
hoặc công ty đại diện chọn một nhà xuất bản có chức năng phù hợp với nội
dung cuốn sách, gửi bản thảo in ra trên giấy khổ A4, hoặc bản file cho
Nhà xuất bản.
Nhà xuất bản đọc duyệt, biên tập nội dung theo đúng quy định của pháp
luật hiện hành. Các nhà xuất bản khi kiểm duyệt nội dung thấy đáp ứng
được quy định chung, sẽ đề xuất báo cáo với cơ quan chủ quản và Cục Xuất
bản, In và Phát hành. Khi được Cục này gật đầu cấp cho tờ giấy có tên
“xác nhận giấy đăng ký xuất bản”, thì nhà xuất bản mới được cấp giấy
phép xuất bản. Giấy phép được ký bởi Giám đốc hoặc Phó giám đốc được ủy
quyền của các nhà xuất bản, và có thời hạn ghi rõ trên giấy phép, nơi
chỉ định in xuất bản phẩm.
Nói thêm, để có được tờ giấy “xác nhận đăng ký xuất bản”, thì phải qua
trình tự như sau ở Cục Xuất bản, In và Phát hành: Trước khi xuất bản tác
phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký
xuất bản với Cục Xuất bản, In và Phát hành theo mẫu quy định. Nội dung
đăng ký phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà
xuất bản.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký xuất bản
của nhà xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất
bản bằng văn bản, cấp số xác nhận đăng ký xuất bản từng tác phẩm, tài
liệu hoặc xuất bản phẩm tái bản và cấp mã số sách tiêu chuẩn quốc tế
(ISBN); trường hợp không xác nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trong quá trình xác nhận đăng ký, Cục Xuất bản, In và Phát hành có quyền
yêu cầu nhà xuất bản thẩm định hoặc giải trình về tác phẩm, tài liệu
đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản để xác nhận đăng ký. Văn
bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định
xuất bản và có giá trị đến hết ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng
ký.
Tự do biểu đạt, tự
do chính trị ở Việt Nam là phải theo ý đảng?
“Tóm tắt nội dung, chủ đề, đề tài” là quy định bắt buộc phải có trong
thủ tục gửi đến Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Như vậy, nếu để xảy ra đúng lời cáo buộc của ông Phạm Đức Tiến, Vụ
trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương, là (trích):
“cuốn sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân” cho thấy Nhà Xuất bản có dấu
hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm
khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm “gợi ý”, “gợi mở” một
hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất
nước” (nguồn đã dẫn), thì nếu có sai phạm thì đây là lỗi trực tiếp từ
Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Các vi phạm Luật Xuất bản đều được chế tài bằng pháp luật liên quan, và
trong toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật liên quan xuất bản, cho tới
nay không có điều khoản nào trao cho Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương
của Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam, được quyền buộc
tội, hay quy kết việc vi phạm pháp luật của một cá nhân, hay một pháp
nhân hoạt động đúng quy định pháp luật.
“Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và
pháp luật”. Điều 14.1, Hiến pháp ghi như vậy.
Điều đó cho thấy việc quy chụp bằng lập luận “những người có quan điểm
khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm “gợi ý”, “gợi mở” một
hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất
nước” của Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương của Ban Chấp hành trung
ương đảng cộng sản Việt Nam, là suy diễn mang tính thách thức quyền công
dân về chính trị của ông Chu Hảo cũng như các độc giả chọn đọc những đầu
sách của Nhà xuất bản Tri Thức, đặc biệt là 5 tác phẩm vừa bị cho là có
nội dung chính trị tư tưởng sai trái: “Đường về nô lệ” của F.A. Hayek;
“Karl Marx” của Peter Singer; “Tranh luận để đồng thuận” của nhiều tác
giả; “Việt Nam thay đổi và hạnh phúc” của Minh Đường; “Ông Sáu Dân trong
lòng dân” của nhiều tác giả.
|