1 tháng 9 năm 1966,
bài diễn văn Phnôm Pênh
Trích
trong L’Histoire de France vue
d’ailleurs (Lịch sử nước Pháp
nhìn từ bên ngoài), Paris, Les Arènes, trang 556-569
Christopher E. Goscha
Giáo sư
thạc sĩ (agrégé) khoa lịch sử trường đại học Québec ở Montréal, ông đã
xuất bản nhiều bài báo và sách về Đông Dương thuộc Pháp và về chiến
tranh Đông Dương
Minh Toàn
dịch
Thăm
Campuchia, de Gaulle thách thức Mỹ với tuyên bố "các dân tộc có quyền tự
quyết". Được làm cho có thể bởi chiến tranh Algérie kết thúc, cuộc cách
mạng ngoại giao này là hoa quả của quá trình trưởng thành chậm chạp, cho
thấy ông đã đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao lâu đời hướng tới đế
quốc. Nhưng ông không đi tận tới việc từ bỏ những chiếm hữu của Pháp ở
Thái Bình Dương : chúng quá cần thiết cho việc răn đe vũ khí hạt nhân và
cho độc lập mà ông đòi hỏi ngay giữa chiến tranh lạnh.
Trong ngày
1 tháng 9 năm 1966 này, Phnôm Pênh được dự báo có một buổi sáng đẹp
trời. Cơn mưa đã tạnh và cuối cùng mọi thứ sẵn sàng khi tổng thống
Charles de Gaulle tiến về phía micro để nói với gần một trăm ngàn người
đến nghe ông ở sân vận động olympic thủ đô Campuchia. Hoàng thân Norodom
Sihanouk ngồi trên bục ngay bên cạnh, không cầm được niềm vui. Từ nhiều
tháng qua, người đứng đầu nhà nước Campuchia đã huy động quần chúng chào
đón vị "khách mời lừng danh" này và không tiếc dành cho ông "sự chào đón
chưa từng thấy và sẽ không bao giờ thấy lại nữa1". Trên hàng
ghế khán đài, mười hai ngàn trẻ em, đồng loạt giơ các bảng nhiều màu sắc
tạo thành hàng chữ "amitié franco-khmère" (hữu nghị Pháp-Khơme), "Vive
de Gaulle" (de Gaulle muôn năm) và tạo chân dung lớn của vị này.
Không hề
ngẫu nhiên khi Sihanouk đã để như thế, lý do là : lãnh đạo Campuchia cần
hết sức sự ủng hộ của đồng cấp Pháp khi chiến tranh diễn ra ở Việt Nam
láng giềng lan qua nước ông. Từ 1965, Mỹ gửi quân đội vào miền nam Việt
Nam và ném bom Đông Dương để ngăn ngừa cộng sản chiếm quyền kiểm soát.
Trái với mọi mong đợi, Sihanouk đòi trung lập cho nước ông và yêu cầu
người Mỹ và đồng minh trong khu vực tôn trọng điều này. De Gaulle thỏa
mãn những mong đợi này của ông : Đùng đùng ông tuyên bố ủng hộ sự trung
lập của Campuchia, lên án "bộ máy chiến tranh Mỹ" đồng thời kêu gọi
Washington thương lượng kết thúc xung đột ở Việt Nam.
Nhưng de
Gaulle cũng cần Sihanouk. Chuyến thăm Phnôm Pênh cho phép tổng thống
Pháp hợp lý hóa những nỗ lực của mình nhằm gây dựng một chính sách ngoại
giao độc lập cho Pháp trong một định chế quốc tế từ năm 1945 thống trị
bởi chiến tranh lạnh giữa Washington và Mát-xcơ-va. Trong diễn văn Phnôm
Pênh của mình, de Gaulle tuyên bố nước ông ủng hộ trung lập hóa Đông
Dương. Nhưng bằng việc làm này ông nhắm đến hai mục tiêu khác : khẳng
định công khai, và điều này ngày từ "thế giới thứ ba", sự cách biệt của
mình với vai trò lãnh đạo của Washington và xác nhận chấm dứt đế quốc
như là một thành phần chủ yếu của chính sách ngoại giao Pháp. Để đo
lường ý nghĩa sự tái cơ cấu ngoại giao này, phải đặt diễn văn của de
Gaulle ở Phnôm Pênh trong bối cảnh toàn cầu trở về năm 1945.
Vấn đề
Việt Nam
Cuối chiến
tranh thế giới thứ hai, không ai hình dung được Sihanouk và de Gaulle
lại có thể trở thành những người chống chủ nghĩa thực dân hăng hái hai
thập niên sau đó. Được chính quyền Vichy tôn lên làm vua Campuchia năm
1941, Sihanouk trung thành phục vụ người Pháp trong suốt chiến tranh.
Trái với Bảo Đại ở Việt Nam, người đã năn nỉ de Gaulle đừng lao vào tái
chinh phục đất nước của ông sau khi phe Đồng minh chịu thất bại để Nhật
chiếm đóng Đông Dương năm 1945, Sihanouk đã thuận tình đón tiếp viên cao
ủy mới do Đại tướng gửi tới Đông Dương và ký hiệp ước 1946 làm Campuchia
trở nên thành viên đầu tiên của Liên Bang Đông Dương và thực chất là của
Liên Hiệp Pháp. Tuy nhiên, khi những người Campuchia theo chủ nghĩa dân
tộc ngày càng gây áp lực với Pháp để họ cho nước này độc lập trọn vẹn,
Sihanouk nhanh chóng nhận thấy rằng việc kiên trì theo con đường cộng
tác thuộc địa ở thời kỳ nổi bật bởi sự gia tăng quá trình phi thuộc địa
hóa có thể khiến ông trả giá đắt đến chừng nào.
Bên kia
biên giới, quân đội của Hồ Chí Minh chiến đấu với người Pháp để chấm dứt
sự kiểm soát của những người này lên Việt Nam, cùng cách thức đó người
Ấn Độ, người Miến Điện và người Indonesia tranh đấu cho độc lập quốc gia
của họ. Nên năm 1953 Sihanouk lao vào cuộc "Thánh chiến hoàng gia giành
độc lập" nổi tiếng của mình. Nó đã dẫn ông đến Paris, Washington và sau
đó đến vùng đất của những phế tích của tổ tiên ở Angkor Vat. Chỉ khi nào
người Pháp chấp thuận cho nước ông độc lập ông mới trở về thủ đô, ông
nhấn mạnh. Bận rộn với việc lên kế hoạch chiến đấu chống quân đội Hồ Chí
Minh ở Điện Biên Phủ, Pháp rốt cuộc phải nhượng bộ, và tháng 11 Sihanouk
đã có thể thắng lợi quay trở về Phnôm Pênh. Với sự kinh ngạc, thực dân
Pháp và những người Campuchia theo chủ nghĩa dân tộc đã theo dõi sự biến
đổi từ một quốc vương trung thành nhất với đế quốc ra thành cha già tận
tâm cho dân tộc. "Các ông à, quốc vương
điên rồ" Sihanouk nói với người chỉ huy quân đội Pháp ở
Campuchia, "nhưng là một sự điên rồ tài tình2".
De Gaulle
ban đầu không chống thực dân hơn Sihanouk. Giống như nhiều lãnh đạo
thế hệ mình, ông tin vào đế quốc và vào sự trường tồn của nó. Về
mặt truyền thống, các thuộc địa giữ một vị trí thiết yếu trong ngoại
giao, chính sách nước lớn và hình ảnh quyền lực của Pháp. Nếu trong
chiến tranh thế giới thứ hai de Gaulle có thể tổ chức được chính quyền
lưu vong của mình ở Alger, "đất Pháp", đó chính là nhờ sự tồn tại của
đế quốc. Nhưng ngay khi trở lại nước Pháp được giải phóng năm
1944, thay vì công nhận nhà nước Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc
lập sau thất bại của Nhật, ông lại gửi quân đội đến Đông Dương, ông ra
lệnh thiết lập lại chủ quyền Pháp. Khi Paul Mus, một chuyên gia lỗi lạc
về Châu Á và là người kháng chiến trong chiến tranh, năm 1945 thúc giục
de Gaulle công nhận chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, đại tướng đã đơn giản
cho ông lui ra bằng những lời sau : "Ông Mus, chúng ta trở lại Đông
Dương vì chúng ta là những người mạnh hơn3". Một năm sau,
chiến tranh lan ra khắp Việt Nam và de Gaulle có phần lớn trách nhiệm về
việc này. Kể từ năm 1950, sự ủng hộ Trung-Xô cho Việt Nam của Hồ Chí
Minh và sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho người Pháp đã làm Đông Dương, giống
như Triều Tiên, thành một trong những cuộc xung đột tàn phá nặng nề nhất
của chiến tranh lạnh cho tới khi một hiệp định ngừng bắn cuối cùng được
ký kết ở Genève năm 1954. Theo thỏa thuận này, đất nước bị chia thành
hai Việt Nam, bắc Việt và nam Việt.
Một chính
sách ngoại giao trung lập mới
De Gaulle
và Sihanouk cả hai một lần nữa nằm trong số những người muốn theo con
đường thứ ba giữa hai khối đối lập của chiến tranh lạnh. Kể từ chiến
thắng của cộng sản ở Trung Quốc năm 1949, việc phát động chiến tranh
Triều Tiên một năm sau đó và sự cùng lúc tăng cường chiến tranh Đông
Dương, các nước Châu Á vừa phi thuộc địa hóa - chủ yếu là Ấn Độ, Miến
Điện và Indonesia - là những nước đầu tiên mở ra con đường thứ ba trong
hy vọng con đường này cho phép họ giữ khoảng cách với chiến tranh lạnh
đang diễn ra trong khu vực thông qua Triều Tiên và Đông Dương. Gây thất
vọng cho Paris và Washington, năm 1950, Ấn Độ và Miến Điện công nhận
Trung Quốc cộng sản. Khi Đồng Minh Đại Tây Dương thúc dục Nehru và
Soekarno công nhận nhà nước Việt Nam mới của Bảo Đại được Pháp ủng hộ,
thay vì nhà nước do Hồ Chí Minh lãnh đạo của phe cộng sản, hai người này
từ chối can dự.
Người đứng
đầu ngoại giao Trung Quốc, Chu Ân Lai quan tâm sát sao đến quỹ đạo không
ngay hàng thẳng lối này sinh ra ở Châu Á đầu những năm 1950. Ông quan
sát thấy Ấn Độ, Indonesia và Miến Điện đã từ chối những mưu toan của Mỹ
đưa họ vào một mạng lưới liên minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Trong hội
nghị Genève về Đông Dương, Chu và Nehru đã đồng thuận về quyền của những
quốc gia mới, phi thuộc địa và không cộng sản ở Châu Á nhằm thiết lập
một con đường trung lập trong chiến tranh lạnh. Đổi lại, Trung Quốc cam
kết không xuất cảng chủ nghĩa cộng sản. Như vậy, Trung Quốc ủng hộ những
kêu gọi của Indonesia và Ấn Độ để tạo thuận lợi cho việc trung lập hóa
khu vực, và đặc biệt là Đông Dương, trong mục đích ngăn trở những mưu
toan của Mỹ nhằm đưa các nước này vào Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á
(SEATO, 1954). Điều này cũng giải thích tại sao Chu chấp nhận không do
dự lời mời tham dự hội nghị Á-Phi được tổ chức ở Bandung năm 1955 dưới
sự bảo trợ của Nehru, Soekarno và Nasser.
Sihanouk
nhận được cùng lời mời và nhanh chóng đến đây để khởi động ngoại giao
trung lập mới. Khi trở về, ông mở rộng quan hệ ngoại giao ra ngoài khối
phương Tây đã công nhận nước ông năm 1950, bằng cách thêm vào Liên Xô
năm 1956, Trung Quốc năm 1958 và phần còn lại của khối cộng sản. Năm
1955 ông khước từ sự bảo vệ của SEATO. Khi người Mỹ ra sức hỗ trợ Nam
Việt Nam và đe dọa theo đuổi chiến tranh ở Lào, thì mối quan hệ giữa
Sihanouk và Washington bị tổn hại. Mỹ nghi ngờ ông nghiêng về phía cộng
sản vì sự trung lập của ông, trong khi Sihanouk e sợ phải chịu số phận
giống như Ngô đình Diệm, người bị ám sát năm 1963 sau cuộc đảo chính
được Mỹ ủng hộ. Hai năm sau, Sihanouk cắt đứt quan hệ với Washington.
+----
DE GAULLE
THỎA MÃN NHỮNG MONG ĐỢI CỦA SIHANOUK: ĐÙNG ĐÙNG ÔNG TUYÊN BỐ ỦNG HỘ SỰ
TRUNG LẬP CỦA CAMPUCHIA, LÊN ÁN "BỘ MÁY CHIẾN TRANH MỸ" ĐỒNG THỜI KÊU
GỌI WASHINGTON THƯƠNG LƯỢNG KẾT THÚC XUNG ĐỘT Ở VIỆT NAM.
+----
Sự cô lập
của Paris sau chiến tranh
Tuy đã rời khỏi cương vị tổng thống năm 1946,
de Gaulle từ năm 1953 cũng bắt đầu quay ngược lại thay đổi ý kiến về
việc chống đối kịch liệt của mình với Việt Nam của Hồ Chí Minh. Sau cái
chết của Stalin, việc ngừng bắn ở Triều Tiên và sự thông báo chính sách
"chung sống hòa bình" do Khrouchtchev đề xuất, ông bắt đầu dự trù khả
năng nước Pháp cũng có thể đóng một vai trò độc lập giữa hai khối. Ông
xích lại gần với hòa bình được thương lượng ở Đông Dương năm 1954 bởi
Mendès France và Chu Ân Lai, và ngày càng ủng hộ những nước đi của các
lãnh đạo Châu Á nhằm "trung lập hóa" Đông Dương4.
Nhưng
những nỗ lực lâu dài của Pháp nhằm giữ đế quốc như thành phần trung tâm
ngoại giao của mình đã ngăn Paris xích lại gần những nước chống thực dân
này, mà đa phần tham gia
định chế quốc tế từ năm 1945. Chiến tranh Algérie nổ ra chỉ vài tháng
sau việc ngừng bắn ở Đông Dương đã cho thấy rõ điều này. Bằng cách gửi
quân đội đến bắc Phi, Pháp chỉ làm tăng thêm độc lập ngoại giao với
Washington, đồng thời cách ly với những nước vừa mới phi thuộc địa hóa
đang gia nhập định chế quốc tế. Hành động quân sự phối hợp thực hiện năm
1956 của Pháp, Israël và Anh chống lại một trong những nước tổ chức hội
nghị "Bandung", tức Ai Cập của Nasser, đã làm tăng thêm tình trạng cô
lập của Paris và gây nên sự nổi giận của những lãnh đạo không phương Tây
như Nehru.
+----
GIỐNG NHƯ
NHIỀU LÃNH ĐẠO THẾ HỆ MÌNH, DE GAULLE TỪ LÂU ĐÃ TIN VÀO ĐẾ QUỐC VÀ VÀO
SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA NÓ. VỀ MẶT TRUYỀN THỐNG,
CÁC THUỘC ĐỊA GIỮ MỘT VỊ TRÍ THIẾT YẾU TRONG NGOẠI GIAO, CHÍNH
SÁCH NƯỚC LỚN VÀ HÌNH ẢNH QUYỀN LỰC CỦA PHÁP.
+----
Giải phóng
khỏi xiềng xích thuộc địa
Sự trớ
trêu đã muốn rằng nếu chiến tranh Algérie đã đẩy de Gaulle lên nắm quyền
vào năm 1958, thì không chỉ bằng cách kết thúc cuộc chiến với hòa ước
Évian năm 1962 mà Đại tướng có thể cụ thể hóa dự án đang ấp ủ của mình
nhằm giải phóng chính sách đối ngoại Pháp khỏi xiềng xích thuộc địa, và
như thế tiếp đến, tạo cho mình sự ủng hộ Á-Phi rộng lớn hơn để giải
phóng nước Pháp khỏi lệ thuộc vào Mỹ trong Liên Minh Đại Tây Dương. Ta
không biết Đại tướng đã có trong đầu "chiến lược ngoại giao to lớn" như
thế trước hay từ khi ông trở lại nắm quyền năm 1958. Nhưng một khi hòa
ước Évian được công nhận, ông liền theo một con đường độc lập hơn. Giống
như Sihanouk quyết định bỏ SEATO sau hội nghị Genève, de Gaulle lập tức
giữ khoảng cách đối với Mỹ và NATO bằng cách năm 1962 rút hải quân Pháp
khỏi Đại Tây Dương và biển Manche. Đầu năm 1964, ông bình thường hóa
quan hệ Pháp với Trung Hoa cộng sản, điều kiện
sine qua non (tiên quyết) để
trở thành "trung lập", giống như các nước châu Á đã làm trước ông. Cũng
năm 1964, Đại tướng đã chấm dứt thực sự tham dự của Pháp vào SEATO và
với sự sững sờ của Nhà Trắng, xúc tiến việc trung lập hóa Đông Dương.
Ông hoàn toàn ủng hộ các lãnh đạo Lào là những người đã dùng việc trung
lập hóa để ra khỏi cuộc khủng hoảng to lớn của chiến tranh lạnh năm
1962. Giữa lúc đó, ông đến Matxcơva và chăm lo cải thiện quan hệ với
khối cộng sản Á Âu. Ông xích lại gần chủ nghĩa quốc gia không phương Tây
và chìa tay về "Thế giới thứ ba" như trước đây ông chưa từng làm, đặc
biệt là vào dịp công du đến châu Mỹ Latinh năm 1964. Cuối cùng đầu năm
1966, vào thời điểm Mỹ tăng cường chiến tranh Việt Nam, và ngay trước
khi khởi hành đi Campuchia, ông rút nước Pháp khỏi định chế bao hàm
trong NATO và tuyên bố câu nhận xét còn nổi tiếng đến nay : "Chúng tôi
không sẵn lòng theo người Mỹ trong mọi cuộc phiêu lưu mà họ cho là tốt
đẹp để lao vào5".
Vậy đây là
bối cảnh rộng lớn hơn trong đó cần đặt diễn văn của de Gaulle ở
Campuchia vào : một nước không phương Tây, là thuộc địa cũ, hàng xóm của
Việt Nam nơi mà Mỹ đang sa lầy. Ở Phnôm Pênh, nhờ Sihanouk, de Gaulle
cuối cùng có thể bày tỏ không quanh co. Ông tuyên bố Pháp ủng hộ việc
trung lập hóa Campuchia và bênh vực quyền "tự quyết" của các quốc gia
hậu thuộc địa, câu từ này từ nay ông ôm vào sau thời gian dài đã dứt
khoát bác bỏ nó. Dám so sánh Mỹ giống thuộc địa đã khiến nước này nổi
giận, ông nhắc Washington rằng không thể bắt người Châu Á "phải theo
luật của người ngoại quốc đến từ bờ bên kia Thái Bình Dương, cho dù mục
tiêu của họ có là gì đi nữa". Ông còn đi xa hơn khi miêu tả Mỹ như những
kẻ xâm lược nguy hiểm. Việc leo thang quân sự của họ ở Việt Nam dưới mắt
ông "ngày càng gần Trung Quốc, ngày càng khiêu khích đối với Liên Xô,
ngày càng bị lên án bởi nhiều nước Châu Âu và Châu Phi, Châu Mỹ Latinh
và kết cục, ngày càng đe dọa hòa bình thế giới".
Nhưng cũng
quan trọng là việc de Gaulle thừa nhận đế quốc không còn giữ vị trí vượt
trội mà nó đã giữ đến tận chiến tranh Algérie trong ngoại giao Pháp :
"Lập trường của Pháp đã được quyết định [...] bằng cách cân nhắc chấm
dứt những trận đánh vô ích trên một vùng đất, mà tuy lực lượng của nó
thống trị không thể tranh cãi, mà nó quản lý trực tiếp từ ba mươi hai
năm nay và là nơi định cư của hơn một ngàn con dân của mình. Nhưng vì
những cuộc chiến này không can hệ đến vinh dự lẫn độc lập của Pháp, mà ở
thời đại chúng ta, chúng không thể đạt được kết quả gì ngoài sự mất mát,
lòng căm thù, sự phá hủy không ngừng tăng lên, [nước Pháp] đã muốn ra
khỏi cuộc chiến mà không bị thương tổn vì việc này, trái lại có được uy
tín, sức mạnh và thịnh vượng6." Không có hòa ước Évian năm
1962 thì không thể có diễn văn của de Gaulle ở Phnôm Pênh.
+----
TRONG DIỄN
NGÔN CỦA MÌNH, DE GAULLE BÊNH VỰC QUYỀN "TỰ QUYẾT" CỦA CÁC QUỐC GIA HẬU
THUỘC ĐỊA, CÂU TỪ NÀY TỪ NAY ÔNG ÔM VÀO SAU THỜI GIAN DÀI ĐÃ DỨT KHOÁT
BÁC BỎ NÓ.
+----
Cuộc cách
mạng ngoại giao?
Sihanouk không thể tin vào tai mình khi nghe
điều này. Khi phát biểu những từ này, de Gaulle xác quyết xong lập
trường, khẳng định sự trung lập hóa mới thách thức Washington và thực
hiện liên kết với thế giới phi thực dân hóa. Đó có phải là một cuộc cách
mạng ngoại giao? Phải, trong chừng mực de Gaulle đã cắt đứt với chính
sách ngoại giao lâu đời hướng về đế quốc. Cũng phải, trong chừng mực de
Gaulle đã thiết lập nền ngoại giao độc lập với Liên Minh Đại Tây Dương
dưới trướng của Mỹ. Cuối cùng, phải, trong chừng mực chính sách của de
Gaulle đã xác nhận trật tự thế giới không còn "lưỡng cực" nữa. Những
hành động của Đại tướng cũng cho thấy Mao Trạch Đông không phải là người
duy nhất tranh cãi quyền của các "siêu cường" từ 1945 dẫn dắt quốc tế
trong những khối của họ, và còn ít hơn trong "thế giới thứ ba"7.
Vì thế,
không nên phóng đại sự đứt gãy Pháp-Mỹ lẫn "cách mạng ngoại giao" của de
Gaulle. Phnôm Pênh không phải là điểm đến cuối cùng trong cuộc công du
của Đại tướng năm 1966. Bước cuối cùng của chuyến đi này là Châu Đại
Dương thuộc Pháp - Nouméa, Nouvelles-Hébrides và Tahiti, rồi trở về Pháp
qua ngả Caribe thuộc Pháp. Mục đích của chuyến du hành thế giới này rốt
cuộc là để xem xét những vị trí và vùng đất để thử hạt nhân ở Thái Bình
Dương ở thời điểm mà Pháp chuẩn bị trở thành một cường quốc hạt nhân và
phát triển lực lượng răn đe độc lập với Liên Minh Đại Tây Dương. Và nếu
de Gaulle đã buông Algérie, nơi đã diễn ra thử nghiệm hạt nhân đầu tiên
của Pháp ở Sahara, ông không hề có ý định phi thuộc địa hóa những vùng
đất của Pháp ở Thái Bình Dương. Năm 1968, Pháp thử nghiệm bom nhiệt hạch
đầu tiên của mình nhờ vào những phần đất này của đế quốc. Việc phi thuộc
địa hóa rõ ràng có những giới hạn của nó, ngay cả với de Gaulle và cách
mạng ngoại giao của ông.
1. "M.
Argot, ambassadeur de France à Phnom Penh à M. Couve de Murville,
ministre des Affaires étrangères", le 30 août 1966,
Documents diplomatiques français,
tombe II, 1966, p. 544.
( "Ông
Argot đại sứ Pháp ở Phnôm Pênh gửi ông Couve de Murville bộ trưởng ngoại
giao" ngày 30 tháng 8 năm 1966,
Tài liệu ngoại giao Pháp, quyển II, 1966, trang 544.)
2.
Sihanouk, Norodom, l'Indochine
vue de Pékin, Paris, Le Seuil, 1972, p. 54.
(Sihanouk,
Norodom, Đông Dương nhìn từ Bắc
Kinh, Paris, Le Seuil, 1972, trang 54.)
3.
Domenach, Jean-Marie, "Paul Mus",
Esprit, n° 10, octobre 1969, p. 605
(Domenach,
Jean-Marie, "Paul Mus", Esprit,
số 10, tháng 10 năm 1969, trang 605)
4. Turpin,
Frédéric, De Gaulle, les
gaullistes et l'Indochine, Paris, Les Indes savantes, 2005 et
De Gaulle et le tiers-monde,
Paris, Éditions A. Pedone, 1984.
(Turpin,
Frédéric, De Gaulle, những người
gaulít và Đông Dương, Paris, Les Indes savantes, 2005 et
De Gaulle và thế giới thứ ba,
Paris, Éditions A. Pedone, 1984.)
5.
Lacouture, Jean, De Gaulle, 3. Le
souverain, 1959-1970, Paris, Le Seuil, 1986, p. 434.
(Lacouture, Jean, De Gaulle, 3.
Người chuyên chế, 1959-1970, Paris, Le Seuil, 1986, trang 434.)
6. Texte
intégral du discours prononcé le 1er septembre 1966 à Phnom
Penh par le général de Gaulle, Le
Monde, 2 septembre 1966.
(Toàn văn
diễn văn của đại tướng de Gaulle phát biểu mùng 1 tháng 9 năm 1966 ở
Phnôm Pênh, Le Monde, 2 tháng
9 năm 1966.)
7. Lorrenz
Lüthi, Rearranging International
Relations: Journal of Cold War Studies (Winter 2014), pp.11-145.
Của cùng
tác giả
Un état né
de la guerre (Một nhà nước sinh ra sau chiến tranh),
Paris, Armand Colin, 2011.
Indochine
ou Vietnam ? (Đông Dương hay Việt Nam?),
Paris, Vendémiaire, 2015
The
Penguin History of Modern Vietnam,
London, Penguin/ Random House, 2016.
Nguồn :
https://cgoscha.uqam.ca/wp-content/uploads/sites/28/2016/09/Le-Discours-de-Phnom-Penh.pdf
|