SÀI GÒN NHỎ
26-2-22

Hai nước Việt Nam

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của chính quyền Vladimir Putin tuy xảy ra cách nửa vòng Trái đất nhưng đang làm người dân Việt Nam chia rẽ sâu sắc.

Hiếu Chân

Kể từ khi tiếng súng nổ ra ở Ukraine sáng ngày 24 Tháng Hai vừa qua, đề tài nóng trong các cuộc đàm luận của người Việt là chiến tranh Nga-Ukraine. Tin tức chiến sự được phát đi phát lại trên truyền thông. Trong các buổi tụ tập, bên bàn cà phê, bàn nhậu, trên mạng xã hội, thậm chí trong các bữa cơm gia đình, người ta hỏi nhau ủng hộ ai, đứng về phía nào, Nga hay Ukraine… Đã có những cuộc cãi vã, đốp chát, bạn bè “nghỉ chơi” nhau, chặn nhau trên Facebook chỉ vì bất đồng quan điểm… Người Việt đã từng chia phe cãi nhau nảy lửa chung quanh nhân vật Donald Trump, cũng như trong nhiều đề tài khác, nhưng có lẽ chưa bao giờ sự bất đồng và chia rẽ diễn ra rộng rãi và sâu sắc như chuyện chiến tranh xâm lược ở Ukraine hiện nay.

Theo quan sát có phần phiến diện của chúng tôi, dư luận Việt Nam xung quanh cuộc chiến chia thành hai phe rõ rệt: Phe ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraine phản đối cuộc xâm lược của Nga chiếm tuyệt đại đa số trong dân chúng bình thường; trong khi phe ủng hộ Nga, ủng hộ Putin chiếm thế thượng phong trong các cơ quan đảng Cộng sản, chính quyền và truyền thông nhà nước. Phe ủng hộ Nga còn có lực lượng dư luận viên đông đúc, rất to tiếng trên mạng xã hội và có ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận chung.

Xem ra, cứ như vì cuộc chiến tranh mà Việt Nam bị chia thành hai nước, một Việt Nam của các thành phần dân chúng lao động, phản đối chiến tranh xâm lược, lên án Vladimir Putin và bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine; một nước Việt Nam khác của đảng Cộng sản và chính quyền, vừa cố giữ thái độ “trung lập” không đứng hẳn về phía nào trong cuộc chiến nhưng qua bộ máy tuyên truyền đã thấy rõ họ không dám phản đối Nga xâm lược như dư luận chung của công chúng.

Có người nhận định người dân Việt Nam ở miền Bắc có thiện cảm với Nga hơn, không phản đối xâm lược; trong khi người dân miền Nam lên án mạnh mẽ hành động của Putin. Nhưng sự phân biệt Nam-Bắc như vậy chỉ có ý nghĩa tương đối. Rất nhiều trí thức, công chúng miền Bắc đã lên tiếng chống Nga, một số người từng học tập, làm việc ở Nga và Đông Âu trước đây thậm chí còn nhận xét Nga tàn ác hơn cả phát-xít Đức. Cùng lúc, không thiếu người miền Nam lại ủng hộ hành động hiếu chiến của Putin, đề cao kẻ sát nhân này như một chính trị gia mưu lược và mạnh mẽ.

Người dân Việt Nam chống Nga xâm lược là điều dễ hiểu. Hành động tấn công quân sự vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền là hoàn toàn không thể chấp nhận được – một cuộc chiến tranh “phi lý và vô nghĩa” mà những ai có lương tri đều phản đối. Người Việt đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, núi xương sông máu, nên hiểu rõ nỗi đau thương vô cùng tận khi bom rơi đạn nổ. Từ đó, người dân Việt có tư tưởng chuộng hòa bình, tránh mọi sự đổ máu không cần thiết. Khi đạn pháo và hỏa tiễn Nga trút xuống các thành phố Ukraine ngày hôm qua còn yên bình thì phản ứng tự nhiên của người dân Việt là lên án chiến tranh, phản đối xâm lược, bất chấp các nhà chính trị có tuyên bố đúng sai gì đi nữa.

Nhưng cuộc chiến đẩy đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vào thế khó. Chính quyền Hà Nội không thể công khai lên án hành động quân sự của Nga vì Nga là một trong ba quốc gia có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam (hai nước còn lại là Trung Quốc và Ấn Độ). Nga còn là nhà cung cấp hàng đầu các loại vũ khí tân tiến để giúp Việt Nam hiện đại hóa không quân và hải quân; là đối tác hàng đầu của ngành thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, Việt Nam kết thân với Nga như một cách để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan hệ giữa Việt Nam và Ukraine thì không được mật thiết như vậy.

Tuy nhiên, cùng lúc, Việt Nam lại không dám lên án Nga còn vì cái bóng của Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn cương quyết không gọi cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine là hành động xâm lược và bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine. Mặt khác, Trung Quốc vu cáo Hoa Kỳ và phương Tây là nhân tố gây ra xung đột Nga-Ukraine khi tỏ ý thu nhận Ukraine vào Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phớt lờ “những mối quan ngại hợp lý” của Nga về an ninh quốc gia. Tuy vậy, Bắc Kinh đã không công khai lên tiếng ủng hộ hành động của Nga dù chỉ mới ba tuần trước, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã long trọng cam kết hợp tác “không giới hạn” giữa hai nước độc tài chuyên chế này.

Trung Quốc hành động vì quyền lợi của họ là lôi kéo Nga lập thành một liên minh chống lại sự bao vây của Hoa Kỳ và phương Tây. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam vì sợ Trung Quốc mà hành động theo cây gậy chỉ đường của Bắc Kinh là chuyện lợi bất cập hại. Chính quyền Hà Nội im lặng trước hành vi xâm lược của Nga ở Ukraine mà không nghĩ tới ngày Trung Quốc xua quân xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, chiếm các đảo ở Trường Sa chẳng hạn, và tái diễn một “cuộc phản kích tự vệ” như cuộc chiến tranh biên giới Tháng Hai 1979 thì ai sẽ lên tiếng phản đối nữa? Chưa kể rằng cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga, và các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, có những tác động xấu đáng kể tới tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng của Việt Nam, khiến Việt Nam lệ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc như nhận định của giáo sư Carl Thayer ở Úc.

Putin mang đạn bom tới Ukraine chỉ vì Kiev muốn gia nhập NATO. Một mai, vì an ninh quốc gia mà Việt Nam quyết định gia nhập các liên minh phòng thủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn dắt, như trở thành thành viên của Bộ Tứ QUAD hay liên minh AUKUS mở rộng thì rất có thể Tập Cận Bình sẽ làm theo sách của Putin, xua quân vượt biên giới sang “dạy cho Việt Nam một bài học” như tên đồ tể Đặng Tiểu Bình đã làm bốn mươi ba năm về trước.

Cách ứng xử của đảng Cộng sản và chính quyền Hà Nội trước cuộc chiến ở Ukraine còn đi ngược với ý nguyện của đa số người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và công lý, phản đối chiến tranh phi nghĩa. Nước Việt Nam dường như đã chia làm đôi, đảng một bên và dân một bên. Vì quyền lợi ích kỷ “trường trị thiên thu, nhất thống giang hồ” của mình mà đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đứng về phía sai lầm của lịch sử (wrong side of the history), đối lập với nhân dân, với lợi ích của đất nước và biến thành chướng ngại lớn nhất trên con đường tiến hóa của dân tộc.

Sự phân liệt lớn nhất, trầm trọng nhất trong nội bộ dân tộc và đất nước Việt Nam không phải là chia rẽ giữa người miền Nam và người miền Bắc; giữa bên thắng cuộc và bên thua trận trong cuộc nội chiến đã kết thúc hơn bốn mươi năm trước mà đó là sự đối lập giữa dân và đảng Cộng sản cầm quyền – cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.