Việt Nam Thời Báo
Về hàng không giá rẻ ở Việt Nam
Tên hàng không giá rẻ
hoặc HK chi phí thấp (LCA) xuất hiện ở VN từ năm 2004 khi hãng HK cổ
phần Pacific Airlines tuyên bố chuyển sang thành hãng HK giá rẻ. Năm
2008 hãng này chuyển sang SCIC của bộ tài chính đổi tên, thương hiệu
theo hãng HK của Úc Jetstar Airway là Jetstar Pacific. Từ năm 2011 hãng
HK tư nhân Vietjet Air đi vào hoạt động cũng tuyên bố là hãng HK LCA. Tuy nhiên cả hai hãng
LCA của VN đều chưa hoạt động theo đủ tiêu chí của của một hãng LCA. Vào những năm 1970 của
thế kỷ trước, trong khi nhiều các hãng HK đua nhau cạnh tranh về tiện
nghi, dịch vụ thì hai người Mỹ là Rollin King và Herb Kelleher có ý
tưởng làm sao có thể đưa hành khách đến nơi họ muốn đúng giờ với chi phí
thấp nhất, chỉ phục vụ cho khách những gì tối thiểu họ cần và cho ra đời
hãng HK LCA đầu tiên trên thế giới Southwest Airlines (SWA). Hãng lược
bỏ hết những dịch vụ của các hãng HK truyền thống như ăn uống, báo chí,
giải trí... Những khoản tiết kiệm được hãng chuyển sang cho hành khách. Ý tưởng của họ là chính
xác, số hành khách đi SWA rất đông và trào lưu kinh doanh LCA phát triển
mạnh ở Mỹ rồi lan sang châu Âu, Nam Mỹ, châu Á, châu đại dương với các
hãng LCA nổi tiếng như EasyJet, Ryannair, Buzz, Go and Virgin Express,
Air Asia... Ngày nay ở Mỹ có không dưới 20 hãng LCA, châu Âu cũng với số
lượng tương tự, ở châu Á hầu hết các nước có LCA. Khoảng 2/3 nước ở châu
Phi có các hãng HK LCA. Rất khó thống kê các hãng LCA trên thế giới vì
cùng thời gian nhiều hãng ra đời nhưng cũng nhiều hãng ngưng hoạt động. Sở dĩ các hãng HK có
thể chi phí thấp do tiết giảm những chi phí sau đây: - Chi phí máy bay, an
toàn bay là chi phí “cứng” không thể thay đổi. Bất cứ hoạt động HK
thương mại nào cũng phải thực hiện các chi phí an toàn có nhà chức trách
HK sở tại, tổ chức HK quốc tế giám sát theo các tiêu chuẩn an toàn. - Không chi phí ăn
uống, giải trí cho hành khách. - Sử dụng sân bay hạng
2, 3 kém tiện nghi giá chi phí dịch vụ rẻ. - Sử dụng một loại máy
bay để tiết kiệm phi công, tiếp viên, bảo dưỡng, quản lý kỹ thuật... - Bán vé rẻ trước thời
gian dài, nếu khách bỏ chỗ bị khấu trừ tiền nhằm lấp đầy chỗ trên các
chuyến bay. - Hạn chế hành lý của
hành khách để tiết kiệm trọng tải. - Chỉ bay trên các
đường bay điểm nối điểm, không transit để quay vòng máy bay nhanh nhất
nhờ kiểu bay “con thoi”... Chính vì những đòi hỏi
này nên các hãng LCA chủ yếu bay trên các đường bay nội địa hoặc đến các
nước, lãnh thổ có các chế độ luật lệ giống nhau. Ở Mỹ, châu Âu, Canada,
Australia... có môi trường khá đầy đủ cho các LCA hoạt động theo đúng ý
tưởng của một LCA như có các sân bay hạng 2,3, các dịch vụ giá rẻ dành
cho LCA,.. Như vậy, ở VN ta các
hãng HK LCA chỉ có vài tiêu chí của LCA như không chi phí ăn uống, giải
trí, hạn chế hành lý mà không có sân bay hạng 2,3, các dịch vụ HK giá rẻ
cho LCA... Hình như có một điểm
khác nữa, theo thông tin chưa chính thức thì các LCA của VN có quy định
“nội bộ” là chủ yếu chỉ bay khi số khách lấp bằng 50% số ghế trở lên để
bảo đảm “chuyến bay không lỗ”. Theo tôi, nếu đúng thế thì cũng có phần
hợp lý khi ở VN không đủ cơ sở hạ tầng cho LCA họ phải chi phí gần như
hãng HK truyền thống nếu không áp dụng cách này (phản tiêu chí nguyên
thuỷ của LCA là cung cấp cho khách các chuyến bay đúng giờ) thì rất khó
để giảm chi phí cho hành khách. Vì vậy theo tôi mặc dù
bất cứ hãng HK nào cũng muốn bay đúng giờ nhưng những khi không phải
giờ, mùa cao điểm ít khách thì thượng đế cũng đừng kêu ca nếu bị chậm,
huỷ chuyến. Hiên nay, hầu hết các
hãng HK truyền thống cũng có nhiều mức giá để cạnh tranh với các hãng
LCA. Ở VN, hãng HK quốc gia VNA lâu nay cũng có nhiều mức giá và những
điều kiện kèm theo để hãng giản chi phí cho những hàng khách bay đêm,
mùa thấp điểm, chiều “rỗng” (dịp giáp tết là chiều Hà Nội - Sài Gòn, sau
tết là Sài Gòn-Hà Nội...). Hiện nay số người đi
máy bay ở VN còn chiếm tỷ lệ thấp do mức sống thu nhập còn eo hẹp nên
việc phát triển các hãng HK giá rẻ là hợp lý. Tuy nhiên, xem ra nhà cầm
quyền chưa hề nghĩ tới tạo điều kiện hạ tầng cho loại hình vận tải HK
này phát triển. |