LUẬT KHOA
Hiểu tham nhũng Việt Nam: Vì sao tăng lương không làm tăng “liêm sỉ”?
Vấn đề ở thể chế và bất bình đẳng xã hội, không phải ở mức lương
thấp của cán bộ. Nguyễn
Văn Lung
“Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn
liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
công chức, viên chức.”
Trong kỳ họp Quốc hội Việt Nam tháng 6 năm 2022, một vị đại biểu Quốc
hội đã đưa
ra nhận định như vậy. [1] Từ đó, ông kiến nghị cần nhanh chóng có
biện pháp hữu hiệu, thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng
cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động khu vực này.
Đây thật ra không phải là một kiến nghị mới, hay là một khung thảo luận
mới.
Hội thảo khoa học từ năm 2016 đã
đưa ra vấn đề này. [2] Việc cải cách tiền lương tại Việt Nam trong giai
đoạn sau chiến tranh cũng được
chia làm nhiều giai đoạn, và đã được thực hiện từ đầu những năm
1990. [3]
Tuy nhiên, sau nhiều thập niên, có thể thấy việc cải cách tiền lương vẫn
chưa đến đâu. Và theo lý thuyết, tham nhũng – như là một hệ lụy của tiền
lương thấp – vẫn còn đó.
Chưa nói đến những thứ xa xôi khác, người viết cho rằng chính phủ Việt
Nam qua các thời kỳ đã thất bại trong việc xây dựng một bộ máy chính
quyền các cấp hiệu quả, và đó có lẽ là lý do chính yếu dẫn đến việc tiền
lương không thể tăng.
Một ngân sách ổn định hằng năm nhưng phải nuôi đến 63 tỉnh, thành cùng
hàng triệu thành viên lực lượng an ninh, cũng như “cáng đáng” toàn bộ hệ
thống các tổ chức chính trị – xã hội – dân sự của quốc gia, thì việc trả
lương… tượng trưng cho những thành viên này không phải là một điều khó
đoán.
Nhưng đó là câu chuyện mà chúng ta để lại cho một dịp khác.
Với bài viết này, người viết kỳ vọng giải đáp tương đối câu hỏi: Lương
thấp có phải yếu tố quan trọng nhất làm “bào mòn liêm sỉ” của cán bộ
công chức hay không?
Các loại tham nhũng cần biết
Trước tiên, cần phải nói rằng sẽ không có một giải pháp chung cho câu
chuyện giải quyết tham nhũng bằng tăng lương.
Ví dụ, các tư liệu khoa học chỉ ra rằng, để hiểu về mối quan hệ giữa
tăng lương và tác động trong việc kiểm soát hay kiềm chế tham nhũng,
trước tiên cần xác định loại hình tham nhũng phổ biến tại từng khu vực,
từng quốc gia.
Trong nghiên cứu quan trọng với chỉ số trích dẫn rất cao – The
economist’s approach to the problem of corruption – được xuất bản từ
năm 2006, tác giả Bardhan đặt ra cách phân chia giữa tham nhũng quan
liêu (bureaucratic corruption) và tham nhũng chính trị (political
corruption). [4]
Trong đó, tham nhũng quan liêu là các tiêu cực xảy ra khi bộ máy nhà
nước thiếu hiệu quả và không đủ minh bạch, pháp luật chưa rõ ràng, dẫn
đến hiện tượng các nhóm công chức trực tiếp làm việc với người dân có xu
hướng đòi hỏi lợi ích kinh tế cho việc thực hiện nhiệm vụ được ghi nhận
trong pháp luật. [5]
Ví dụ của loại tham nhũng này có thể kể đến như: cảnh sát giao thông Ấn
Độ nhận tiền trực tiếp từ người đi đường (một câu chuyện không lạ tại
Việt Nam), công chức Campuchia nhận các khoản tiền nhỏ để ra giấy khai
sinh nhanh hơn, hay những viên quản lý thị trường Hungary nhận hối lộ từ
các tiệm tạp hóa để bỏ qua lỗi nguồn gốc hàng hóa, v.v.
Dù đều là những ví dụ kinh điển của dạng tham nhũng quan liêu, các hành
vi trên cũng có thể gộp lại thành một nhóm nhỏ khác gọi là tham nhũng
vặt (petty corruption).
Nhìn chung, nhóm này là hình thức tham nhũng dễ lây lan nhất, phổ biến
nhất, gây ảnh hưởng và bức xúc nhất đối với quần chúng nhân dân, song
cũng lại là hình thức dễ bị phát hiện nhất.
Về mặt lý thuyết, tăng lương sẽ là một trong những biện pháp tốt nhất để
giải quyết tham nhũng vặt và các vấn đề nội hàm của tham nhũng quan
liêu.
Song đối với câu chuyện của tham nhũng chính trị, mọi thứ lại rất khác.
Tham nhũng chính trị thường nói về các mối quan hệ chính trị của thượng
tầng kiến trúc nhà nước, nơi mà các chủ thể nắm quyền lực cao tham gia
vào những thỏa thuận bí mật, có tính hệ thống chặt chẽ, và từ đó mang
lại những nguồn lợi khổng lồ.
Với vấn đề tham nhũng chính trị, người ta nhận ra rằng bao nhiêu đợt
tăng lương cũng không giải quyết được câu chuyện “bào mòn liêm sỉ”.
Tuy nhiên, có một điểm thú vị khác là tác giả Bardhan trực tiếp nhắc đến
Trung Quốc và Việt Nam như là hai trường hợp mà ông cho rằng khó có thể
phân biệt rõ ràng giữa tham nhũng quan liêu và tham nhũng chính trị.
Trong môi trường mà chính đảng cầm quyền đồng thời giữ vai trò quản lý
bộ máy nhà nước, tham nhũng quan liêu đôi khi là kết quả của tham nhũng
chính trị, với mối liên hệ mật thiết và khó lòng hóa giải một vấn đề nếu
như không thể kiểm soát nghiêm túc vấn đề còn lại.
Không khó để lý giải hiện tượng này tại Việt Nam.
Như đã nhắc đến ở trên, hiện tượng tham nhũng của cảnh sát giao thông
tại Việt Nam có thể xem là hành vi tham nhũng vặt, nằm trong nhóm tham
nhũng quan liêu.
Tuy nhiên, do hệ thống cơ quan công an Việt Nam không có trách nhiệm
giải trình với một nhóm dân cư, cử tri cụ thể, mà là trực tiếp trong nội
bộ đảng bộ công an, các hành vi tham nhũng vặt thực ra đã được “bao
tiêu” và chấp thuận như là một phần cấu trúc chính trị địa phương – từ
đó trở thành tham nhũng chính trị.
Những câu chuyện về hãng xe được công an giao thông địa phương bảo
kê, [6] hành vi mua ghế và chức vụ trong các cơ quan công an rồi sau
đó phải “tăng thêm thu nhập” bằng tham nhũng vặt và đóng tiền hàng tháng
cho cấp trên, v.v. đều đã trở nên quen thuộc đi kèm những cái tặc lưỡi
ngao ngán của người dân Việt Nam.
Vì vậy, trong những cấu trúc nhà nước mà chúng ta không thể phân biệt và
không thể kiểm soát rạch ròi tham nhũng quan liêu và tham nhũng chính
trị, tăng lương sẽ không phải là câu trả lời để giải quyết tham nhũng.
Tăng lương thậm chí… có hại?
Như vậy, hiểu một cách đơn giản, chúng ta biết rằng không phải cứ tăng
lương thì sẽ giải quyết được vấn đề tham nhũng.
Tăng lương có thể giảm lượng tham nhũng vặt, có thể giúp từng cá nhân
cán bộ công chức vượt qua khó khăn trong đời sống. Tuy nhiên, vấn đề
tham nhũng thể chế nằm ở diện quy mô chính trị thì chắc chắn biện pháp
tăng lương… bó tay.
Hãy tự hỏi nhau thế này, nếu các cáo buộc mà phía đảng Cộng sản Việt Nam
đưa ra là chính xác, những giám đốc CDC các tỉnh, thành sẽ làm gì với
con số hàng
tỷ đồng lại quả mà Việt Á lót tay cho họ? [7]
Nếu như tiền lương thấp và cần trang trải đời sống, trong chúng ta chắc
ai cũng có kỳ vọng và ham muốn vài chục triệu hay vài trăm triệu để “cải
thiện thu nhập”. Nhưng dám nhận đến hàng tỷ đồng, cá biệt có trường hợp
nhận đến hàng chục tỷ đồng (như các cán bộ tại CDC Bắc Giang bị
cáo buộc nhận 44 tỷ đồng) [8], thì khó có người bình thường nào
không chùn tay suy nghĩ, “nhận nhiều đến vậy để làm gì”.
Kinh khủng hơn, trong chiến dịch “giải cứu” công dân Việt Nam trong đại
dịch, lợi nhuận thu được từ các chuyến bay được cho là lên
đến hàng ngàn tỷ đồng. [9]
Một lần nữa, người viết không muốn đưa ra bất kỳ khẳng định chắc chắn
nào về hành vi tham nhũng của các cá nhân đang bị nhắm đến. Tuy nhiên,
từ những con số cáo buộc nói trên, chúng ta cũng có thể nhận thấy mục
tiêu tham nhũng tại Việt Nam rõ ràng không đơn thuần chỉ là cơm no áo
ấm.
Không ai chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo mà dám ra tay tham nhũng những
con số quỷ khốc thần sầu như thế.
Lương của công chức Việt Nam đúng là rất thấp. Và đúng là trên lý
thuyết, tham nhũng vặt cùng tham nhũng quan liêu sẽ là những dạng tham
nhũng phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, những ví dụ nho nhỏ ở trên
cho thấy rằng quy mô tham nhũng tại Việt Nam hoàn toàn có thể mang tính
hệ thống, và thậm chí có các đặc trưng của tham nhũng chính trị.
Lịch sử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam đã chỉ ra điều này rất rõ. Và
giả sử lấy trường hợp của Việt Á làm ví dụ có sức nặng nhất hiện nay:
Nếu không có những cái tên lãnh đạo của hàng ngũ đảng như ông Chu Ngọc
Anh và ông Nguyễn Thanh Long (đều là hai ủy viên trung ương đảng, mỗi
người đều lãnh đạo một bộ của chính phủ), cùng hàng chục các lãnh đạo
ban ngành trung ương khác, cả trong quân đội, thì các giám đốc CDC địa
phương khó mà có “can đảm chính trị” để tiếp tay cho một công ty Việt Á
bé nhỏ như thế.
Thêm nữa, trong môi trường tham nhũng chính trị, người viết cho rằng
tăng lương chỉ càng tăng nguy hiểm. Vì sao như vậy?
Trước tiên, theo lẽ thường, người ta tin rằng lương cao trong các cơ
quan nhà nước có thể phòng chống chủ nghĩa cơ hội và tham nhũng vặt. Nó
thậm chí còn tăng tính cạnh tranh cho hệ thống tuyển dụng nhà nước, từ
đó có khả năng nâng cao chất lượng chính sách, dịch vụ và các sản phẩm
công khác. [10]
Tuy nhiên, một trong những phát hiện thú vị từ
giới nghiên cứu là: tăng lương giúp giảm tham nhũng, nhưng chỉ khi
nào cấu trúc phân bổ tài sản xã hội tương đối công bằng, cơ hội học tập
và làm việc đồng đều, môi trường kinh tế trong sạch và ít bị thao túng.
Nói cách khác, một xã hội mà các yếu tố chính trị vẫn còn có khả năng
chi phối cơ hội học tập – cơ hội nghề nghiệp, hệ thống anh tài
(meritocracy), khả năng tiếp cận lợi ích kinh tế, v.v. thì tăng lương
trong lĩnh vực công sẽ chỉ “bổ sung” thêm động cơ tham nhũng mà thôi.
Kết luận này được nhiều nghiên cứu đưa ra, đơn cử như nghiên cứu của
Panizza hoặc của Treisman tại các quốc gia châu Mỹ Latin, [11] hay của
Macchiavello với các số liệu chung và khái quát hơn. [12]
Các nhà nghiên cứu này đồng thuận rằng trong một môi trường như châu Mỹ
Latin, nơi mà hệ thống chính trị thân hữu chi phối cơ chế tìm kiếm người
tài, cấu trúc kinh tế bất bình đẳng cao với một nhóm có khả năng kiểm
soát và thao túng các nguồn lực để làm giàu, các khoản lương nhà nước
“xịn” luôn đi kèm với hàng loạt biến tướng khác.
Phát hiện này không hoàn toàn tương đồng về đối tượng nghiên cứu với
nghiên cứu của Besley và McLaren vào năm 1993. Tuy nhiên, nghiên cứu này
cũng có thể bổ trợ một phần cho các quan ngại chính sách – pháp lý liên
quan đến những yêu cầu tăng lương trong lĩnh vực công. [13] Theo đó,
nhóm nghiên cứu cho rằng tại những quốc gia còn nghèo, chưa hoàn thiện
về cấu trúc nhà nước và chính sách, tăng lương chưa bao giờ là câu trả
lời cho vấn nạn tham nhũng.
***
Tóm lại, tăng lương chỉ có thể làm giảm triệu chứng tham nhũng vặt.
Tệ hơn, nếu không cân nhắc vấn đề bình đẳng về cơ hội phát triển cá nhân
lẫn phát triển kinh tế của quốc gia, không giải quyết bất bình đẳng cấu
trúc chính trị thì tăng lương có thể làm tình trạng tham nhũng nghiêm
trọng hơn.
Những triệu chứng thể chế kể trên vốn đều đã có tại Việt Nam. Liêm sỉ
của công chức Việt Nam, do đó, không đơn thuần nằm ở con số lương tháng.
Chú thích
1. Hương Giang. (2022, June 1). “Thu nhập thấp đã và đang bào
mòn liêm sỉ, nhân phẩm của bộ phận không nhỏ cán bộ.” Https://Thanhtra.Com.Vn. https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-nhap-thap-da-va-dang-bao-mon-liem-si-nhan-pham-cua-bo-phan-khong-nho-can-bo-197881.html
2. Người Lao Động (2016, October 12). Lương
công chức thấp là “mảnh đất” sinh ra tiêu cực, tham nhũng. https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/luong-cong-chuc-thap-la-manh-dat-sinh-ra-tieu-cuc-tham-nhung-20161012092619516.htm
3. Đỗ, V. Q., & Lê, T. K. (2022). Chính sách tiền lương ở Việt
Nam – những chặng đường cải cách. Tạp Chí Tổ Chức Nhà Nước. https://tcnn.vn/news/detail/42155/Chinh-sach-tien-luong-o-Viet-Nam-nhung-chang-duong-cai-cach.html
4. Bardhan, P. (2006). The economist’s approach to the problem of
corruption. World Development, 34(2), 341-348. https://doi.org/10.1016/j.worlddev.2005.03.011
5. Feinberg, G (2009), The epidemic of petit corruption in
contemporary Cambodia: Causes, consequences and solutions”, Crime
Prevention and Community Safety 11, 277-296.
6. VietNamNet News. (2022a, May 20). Cảnh
sát bảo kê đường dây bán logo ‘xe vua’ tiếp tục hầu tòa. https://vietnamnet.vn/canh-sat-bao-ke-duong-day-ban-logo-xe-vua-tiep-tuc-tuc-hau-toa-2021422.html
7. Tuổi trẻ Online (2022, January 25). Những
ai bị khởi tố liên quan vụ Việt Á? TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/nhung-ai-bi-khoi-to-lien-quan-vu-viet-a-20220124093810906.htm
8. Hưởng N. (2022, January 21). Bắt Giám đốc CDC Bắc Giang cùng
2 bị can nhận 44 tỉ đồng của Công ty Việt Á. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/phap-luat/bat-giam-doc-cdc-bac-giang-cung-chi-gai-nhan-lai-qua-hon-44-ti-dong-cua-cong-ty-viet-a-20220121180730614.htm
9. ĐÔ P. (2022, June 4). Tướng Tô Ân Xô: Mỗi chuyến bay giải
cứu thu lợi hàng tỷ đồng. Báo giao thông. https://www.baogiaothong.vn/tuong-to-an-xo-moi-chuyen-bay-giai-cuu-thu-loi-hang-ty-dong-d554732.html
10. Higher government wages may reduce corruption. (2013). VOX,
CEPR Policy Portal. https://voxeu.org/article/higher-government-wages-may-reduce-corruption
11. Panizza, U., 2000. The Strange Case of the Public Sector Wage
12. Macchiavello, R. (2008). Public sector
motivation and development failures. Journal of Development
Economics, 86(1), 201-213. https://doi.org/10.1016/j.jdeveco.2007.06.003
13. Besley, T, Mclaren, J (1993), “Taxes and bribery: The role of
wage incentives”, Economic Journal 103, 119-141. |