SÀI GÒN NHỎ
Chuyến hồi hương đầu năm
Ghi nhận sau chuyến đi từ Mỹ về Việt Nam trong ngày tết Nhâm Dần
Bình Phương
Sáng mùng một Tết Nhâm Dần, sân bay quốc tế San Francisco vắng lặng chưa
từng thấy. Chỉ có khu làm thủ tục của hãng hàng không Nhật Bản Japan
Airlines có một nhóm người xếp hàng giữa một sảnh rộng mênh mông. Tiếng
Việt râm ran; đa số hành khách của chuyến bay JL 57 từ San Francisco đi
Tokyo là người Việt – những người tha hương đang tìm về nhà ngày Tết,
khi tất cả các gia đình đều đã đoàn viên bên mâm cơm đầu năm.
Sau nhiều ngày chờ đợi và lùng sục trên mạng với sự hỗ trợ của chương
trình Google Flights, cuối cùng tôi cũng tìm được một chiếc vé về Việt
Nam với giá phải chăng, không theo những “chuyến bay giải cứu” với giá
trục lợi trên trời do nhà nước Việt Nam tổ chức, mà cũng chưa được bay
với giá bình thường như thời trước COVID. Trong số khách đi cùng chuyến,
có người mua được vé về Saigon giá chỉ $550, cao nhất cũng chỉ hơn
$1,000 cho hạng vé economy một chiều. So với các chuyến bay giải cứu của
Việt Nam có giá vé từ $3,700 trở lên thì các mức giá $500-$700 của Japan
Airlines đã là “mơ ước”. Cũng về Saigon nhưng tuyến bay thẳng của
Vietnam Airlines có giá vé không dưới $1,800, gần bốn lần giá vé của
chúng tôi. Sắp tới khi nhiều hãng hàng không nước ngoài quen thuộc như
Eva Air, China Airlines của Đài Loan, Korean Air và Asiana của Nam Hàn,
ANA của Nhật Bản hoặc Singapore Airlines nối lại việc chở khách tới Việt
Nam thì giá vé có thể còn hạ xuống nữa. Hiện thời khách đi về Việt Nam
chưa có nhiều lựa chọn về giá.
Và như chúng tôi đã đưa trong các bản tin trước, do các ngành hàng
không, du lịch đều đã ngấp nghé bờ vực phá sản, chính quyền Hà Nội đã
phải thay đổi chính sách chống dịch theo hướng mở cửa, thông thoáng hơn.
Chuyến bay của chúng tôi sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào đêm
mùng hai Tết, tức là ngày 2 tháng Hai 2022, thời điểm bắt đầu thực hiện
việc bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm và cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh.
Điều đó có nghĩa là người nhập cảnh được tự do về nhà sau khi đã hoàn
thành việc khai báo y tế với nhà chức trách, trong đó có thông tin xác
nhận đã tiêm chủng vaccine đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với
coronavirus.
Cũng có thể tải về và cài vào máy điện thoại một ứng dụng (application)
có cái tên dài dòng là Vietnam Health Declaration từ kho ứng dụng Google
Play hoặc Apps Store của Apple để thực hiện việc khai báo trước khi lên
máy bay. Nhiều người ở Mỹ gặp khó khăn khi làm tờ khai y tế do cách soạn
chương trình điện toán của Việt Nam có nhiều chỗ bất hợp lý, chẳng hạn
như buộc người khai phải có số điện thoại ở Việt Nam. Nhưng chỉ cần khéo
léo một chút, hành khách có thể vượt qua và thực hiện khai báo theo yêu
cầu.
Chuyến bay từ San Francisco về Tokyo khá vắng khách, trên chuyến bay có
người chiếm nguyên một dãy ghế, tha hồ nằm nghỉ như khách hạng thương
gia. Chuyến bay từ Tokyo về Saigon thì ngược lại, khách ngồi kín các dãy
ghế có lẽ do chuyến này tập trung khách từ nhiều nguồn cùng đi về Việt
Nam; có người về từ Seattle, Los Angeles, Houston, Dallas, Chicago,
nhiều thành phố lớn khác ở Mỹ cũng như người Việt làm ăn sinh sống tại
Nhật Bản.
Sau hơn 19 tiếng đồng hồ bay và đổi máy bay ở Nhật, chúng tôi về tới
Saigon khuya mùng hai Tết. Mới vài hôm trước, người về bị buộc phải xét
nghiệm nhanh khi xuống khỏi máy bay, những ai âm tính với virus thì được
về nhà nhưng phải khai báo với quan chức y tế địa phương và tự cách ly
ba ngày, những người bị dương tính thì bị cách ly tập trung tại một
khách sạn nào đó do khách chọn.
Do chính sách của nhà cầm quyền thay đổi từ ngày 1 Tháng Hai, chúng tôi
không phải xét nghiệm virus tại phi trường Tân Sơn Nhất, thay vào đó chỉ
cần trình tờ khai y tế trên điện thoại, có mã vạch QR Code đã làm khi
còn ở Mỹ, tại các bàn kiểm soát y tế gần cửa xuống máy bay. Nhân viên y
tế mặc áo quần bảo hộ cá nhân sẽ kiểm tra tờ khai y tế của từng người,
cùng với bản ghi kết quả xét nghiệm COVID-19 và thẻ tiêm chủng rồi in
phiếu xác nhận ra giấy, đóng dấu để khách làm thủ tục nhập cảnh vào Việt
Nam.
Như vậy, so với thủ tục thông thường, việc nhập cảnh Việt Nam chỉ có
thêm việc kiểm tra tờ khai y tế mà không đòi hỏi xét nghiệm hay trình
những thứ giấy tờ khác. Vì tờ khai này đã được kiểm tra khi làm thủ tục
lên máy bay ở Mỹ, chỉ những người không bị nhiễm virus mới được bay nên
hầu như không ai bị vướng mắc. Một vài trường hợp nhân viên kiểm tra gây
khó dễ khi cho rằng kết quả xét nghiệm đã quá thời hiệu 72 giờ, thẻ tiêm
chủng không rõ ràng v.v… nhưng hầu hết đều được cho qua sau khi “khổ
chủ” biết điều bằng cách chi ra vài chục đôla lót tay.
Chuyện “lót tay” lại tái diễn tại khu vực hải quan khi hành khách đưa
hành lý lên máy soi chiếu để kiểm tra. Về thăm quê ngày Tết gần như ai
cũng mang nhiều quà để tặng thân nhân, gia đình dịp lễ lạt
đầu năm nên nhiều người “được” nhân viên hải quan thăm hỏi tận
tình; nhất là những người trong hành lý có những thứ hàng hóa đắt tiền
như máy điện thoại iPhone, mỹ phẩm cao cấp. Muốn kiểm tra nhanh để ra
chỗ người thân chờ đón bên ngoài, nhiều người đã phải lì xì cho nhân
viên kiểm tra, đó là lý do mà khi chờ máy bay tại Nhật tôi thấy một số
người nhờ những người đi cùng đổi tiền, đổi những tờ $100 thành giấy bạc
$20 để tiện qua cửa hải quan.
Cũng do dịp Tết và đường bay thương mại vừa mở lại nên nạn phá khóa va
li hành lý, rạch thùng giấy để ăn cắp đồ ở sân bay Tân Sơn Nhất lại tái
diễn. Loan Nguyễn, cô gái hàng xóm San Jose đi cùng chuyến với chúng tôi
bị mất gần hết những món quà mà cô mang về để tạ ơn hàng xóm láng giềng
đã lo hậu sự cho thân mẫu của cô qua đời vì COVID chỉ mới hai tuần
trước.
Với Loan, chuyến hồi hương lần này thực sự để lại những ấn tượng rất
buồn. Tháng trước, nhận được tin mẹ yếu nặng đang hấp hối ở Kiên Giang
nên vội vã liên lạc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam đặt mua vé “chuyến
bay giải cứu” để về nhà, với giá $4,900. Rủi cho cô, trước giờ bay cô đi
xét nghiệm và bị dương tính với coronavirus; không lên máy bay mà cũng
không lấy lại được tiền vé; khi cô biết kết quả xét nghiệm không chính
xác thì không còn chuyến bay giải cứu nào nữa. Rồi mẹ cô qua đời trong
cảnh đơn chiếc vì cha cô cũng đã mất mấy tháng trước vì con virus quái
ác. Lần này thì cô quyết tâm về nhà và mua vé cùng chuyến với chúng tôi,
giá vé khứ hồi chỉ mất $2,100. Cái rủi của chuyến này là va li hành lý
của cô bị bẻ khóa, những món quà cô mang về mất gần hết, chỉ còn lại áo
quần và những đồ lặt vặt. Cô đành chịu vì không biết kêu kiện vào đâu.
Với những người về Saigon, ra khỏi sảnh sân bay Tân Sơn Nhất, hòa vào
dòng người đông đúc và cái không khí nóng ẩm miền nhiệt đới, coi như là
đã kết thúc chặng đường hồi hương khá nhiêu khê trong thời COVID. Những
vòng tay ôm và mâm cơm ngày tết đang chờ họ ở nhà.
Nhưng với những người tiếp tục đi về các tỉnh thành phố khác thì vẫn còn
phải tiếp tục khai báo y tế. Hóa ra cái tờ khai y tế mà nhân viên y tế
phát cho mỗi người khi xuống máy bay chỉ có giá trị khi nhập cảnh từ
nước ngoài mà lại không có tác dụng khi đáp máy bay nội địa đi về các
địa phương ngoài Saigon. Theo quy định của Bộ Giao Thông Việt Nam, hành
khách đi máy bay nội địa phải cài đặt vào điện thoại một ứng dụng theo
dõi y tế có tên là PC-COVID và lại tiếp tục khai báo để nhận một mã QR
Code khác. Không có nó thì không thể lên máy bay và cũng không thể vào
các nhà hàng, các điểm đông người trong các thành phố cả nước. Cũng như
ứng dụng tokhaiyte.vn nói ở trên, ứng dụng PC-COVID cũng đầy lỗi về lập
trình điện toán, người dân cả nước bị buộc phải cài đặt và sử dụng nhưng
xem ra họ chỉ làm chiếu lệ, để đối phó với sự kiểm tra của nhà chức
trách hơn là sử dụng như một công nghệ để theo dõi, truy vết sự truyền
nhiễm của virus.
Cũng sử dụng công nghệ điện toán để theo dõi tình trạng nhiễm hay không
nhiễm COVID của người dân nhưng xem ra ở Việt Nam mỗi bộ ngành mỗi địa
phương là một lãnh địa riêng, không ai chịu ai; Bộ Y Tế không thừa nhận
bản khai của Bộ Giao Thông và ngược lại. Tình trạng cát cứ, ai cũng muốn
thể hiện quyền lực như vậy đang làm cho công cuộc chống dịch đã rối càng
thêm rối, và người dân phải cắn răng chịu đựng tất cả mà không dám thở
than.
Cuối cùng, sau hai chặng bay quốc tế và nội địa, tôi đặt chân vào nhà
chiều mùng Ba Tết, đúng lúc cả gia đình đang cúng “tiễn ông bà”, kết
thúc một mùa tết khá ảm đạm – cái tết năm COVID thứ ba. Đại dịch đã có
dấu hiệu thuyên giảm, cả ở Việt Nam, nhưng những tang thương khổ ải mà
nó gây ra vẫn còn vết hằn trên gương mặt và số phận những người dân quê
tôi. |