THỜI BÁO
18-1-23

Hỗn loạn trong cuộc đấu thượng tầng có dẫn đến “cùng sinh biến” hay không?

Chưa bao giờ những mâu thuẫn nội tại của thể chế lại hiện ra rõ nét như bây giờ. Dưới ngọn cờ “chống tham nhũng” của ông Trọng, ban đầu được sử dụng để tiêu diệt phe nhóm, nhưng giờ đây, có vẻ đã đến hồi hỗn loạn, khi ngành ngành đều phát hiện tham nhũng, bộ bộ đều phát hiện quan tham.

Và dường như, khi cuộc đấu quyền lực ngày càng mở rộng, thì quyền lực rơi vào tay công an ngày càng lớn. Ngành công an ngày càng lộng hành khi cuộc chiến quyền lực đã không còn phân phe phái, mà dần rơi vào hỗn loạn.

Người được lợi nhất trong cuộc đấu đá hỗn loạn này chính là Tổng Trọng. Khi chính trường hỗn loạn, người người đấu nhau, sẽ không còn có chuyện kéo bè kết cánh, cùng phe thì bảo vệ nhau nữa, bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối thủ, khi đó, tất cả đều phải thuần phục ông Tổng. Càng nhiều đồng chí ngã ngựa thì sự nghiệp của ông Tổng sẽ càng thêm rực rỡ và cá nhân ông sẽ được đồng nhất với Đảng của ông, giống như các vị tiền bối Stalin, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh.

Tổng Trọng không cần biết dân tình có lầm than hay không, ông Tổng chỉ biết quạt lửa, quạt càng mạnh càng tốt. Tổng Trọng thẳng tay đóng băng hàng trăm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhưng chẳng mảy may quan tâm đến chuyện trích tài sản tịch thu của họ để bồi thường cho nạn nhân SCB, để mặc dân tình kêu khóc.

Ở nhiệm kỳ Đại hội 12, Tổng Trọng cần phải đi cả một con đường vòng, ròng rã mất vài năm mới tống khứ được Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chính trị. Nhưng ở nhiệm kỳ Đại hội 13, Tổng Trọng cho Phạm Bình Minh rớt đài chỉ trong chưa tới 1 năm.

Chính phủ của ông Phạm Minh Chính, chưa tới nửa nhiệm kỳ mà đã tan tác. Hai Phó Thủ tướng ra đi, một ông Phó khác đang nằm chờ chết. Chính phủ của ông Chính đúng là rơi vào mạt vận.

Ông Chính tuy không giỏi điều hành quản lý, nhưng lại là kẻ đặc biệt xảo quyệt. Ông luôn có phương án phòng thân cho mình. Cứ nhìn vụ Việt Á và AIC là thấy rõ. Nếu bị ép vào đường cùng, rất có thể Chính sẽ dùng đến chiêu “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”. Mà dường như hai bên đã không còn con đường thương lượng. Vậy nên, cuộc chiến thượng tầng không biết bao giờ mới thôi hỗn loạn.

Hàng chục quan tham khắp các bộ ngành đã nhập kho trong hai vụ “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á. Tuy nhiên, “trùm cuối” vẫn chưa bị sờ gáy. Hoặc gáy của vị này quá dày, lò ông Tổng sờ không nổi.

Và hết Việt Á, hết “chuyến bay giải cứu”, thì giờ đây lại rộ lên vụ đăng kiểm đang bị điều tra ồ ạt, điều tra ráo riết. Không rõ, vụ đăng kiểm có lộ mặt “trùm cuối” hay không, nhưng dư luận thắc mắc rằng, sự nhũng nhiễu, gian trá trong hoạt động đăng kiểm đã có từ hơn hai thập niên, nhưng vì sao bây giờ công an mới thấy? Tiếng oán thán với đăng kiểm, chắc chắn là đã đến tai các vị tai to mặt lớn trong chính quyền, bởi thời này người thân của quan chức đều có ô tô cá nhân. Nên không mấy ai tin công an “đánh” vụ này vì chống tham nhũng, người dân đang chờ xem, đích nhắm của vụ này là ai.

Và sau đăng kiểm sẽ là ngành nào tiếp theo? Trường lái hay hải quan?

Để đi đến tình trạng ngày hôm nay, tất cả đều là do chế độ chính trị độc tài, tập trung quyền lực cao. Không có cơ chế kiểm tra, giám sát, tham nhũng, lạm quyền sẽ đầy rẫy, đâu đâu cũng có. Vấn đề chỉ là “đánh” ai mà thôi.

Không có tự do, không cho dân “mở miệng”, không có cơ chế xã hội dân sự làm trụ cột giữ cân bằng xã hội, thì bất công, áp bức sẽ tràn lan… cộng thêm với cuộc đấu thượng tầng khiến cho dân đen thêm lầm than. Và điều tất yếu là khi người dân thấp cổ bé họng bị đẩy đến đường cùng thì “cùng sinh biến”. Vì vậy, cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng có thể sẽ là con dao hai lưỡi, nó vừa giữ cho Tổng Trọng và thanh kiếm Tô Lâm của ông sự mạnh mẽ, nhưng biết đâu, nó cũng có thể quật các ông lúc nào không biết.

 

Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)