Khái niệm 'chủ nghĩa xã hội' và 'chủ nghĩa cộng sản'
 qua Durkheim

 

 Nguyễn Thị Kim Quý
Sinh viên Tiến Sĩ ngành Giáo Dục Đại Học
Đại học Melbourne

 

Nhập nhằng hai khái niệm 'chủ nghĩa cộng sản' và chủ nghĩa xã hội'

Như đã trình bày ở phần trước, Durkheim cho rằng để nghiên cứu lịch sử của chủ nghĩa xã hội thì cần hiểu chính xác định nghĩa của khái niệm này. Bằng cách coi chủ nghĩa xã hội là một đối tượng của khoa học thay vì là một sản phẩm của khoa học, ông đã đi đến một định nghĩa diễn đạt những đặc điểm có chung ở mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa, giúp ta phát hiện đâu là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội mỗi khi bắt gặp (nhớ lại: đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là sự kết nối các hoạt động kinh tế với nhà nước, hay chính xác hơn là ‘trung tâm tư duy và  điều hành của xã hội’). Bước tiếp theo là trả lời câu hỏi: chủ nghĩa này xuất hiện ở thời điểm nào trong lịch sử?

Theo Durkheim, khi trả lời câu hỏi này thì nhiều người đẩy nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội tới tận thời nguyên thủy sơ khai của tiến trình lịch sử, xa xưa như loài người.  Họ tìm về những tư tưởng của Thomas More (tác giả của cuốn ‘Xã hội không tưởng’/’Utopia’ xuất bản năm 1518), Tommaso Campanella (tác giả của ‘Thành phố mặt trời’/ ‘City of the Sun’ xuất bản năm 1621), xa hơn nữa là tác phẩm ‘Nền Cộng Hòa’ của Plato (xuất hiện khoảng năm 380 TCN), thậm chí còn cho rằng những xã hội công xã nguyên thủy sơ khai với nguyên lý ‘cộng sản’ là tiền thân của ‘chủ nghĩa xã hội’. Ông cho rằng cả những người ủng hộ hay phản đối thuyết chủ nghĩa xã hội đều hay lẫn lộn hai khái niệm ‘chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’.

Trong giáo trình ‘Chủ nghĩa xã hội khoa học’ (dành cho các trường đại học và cao đẳng) do Bộ Giáo Dục và Đào tạo biên soạn năm 2004, hai thuật ngữ này được hiểu đồng nhất như sau:

 

Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin đã sử dụng hai thuật ngữ: “chủ nghĩa xã hội khoa học” hoặc “chủ nghĩa cộng sản khoa học” cơ bản là thống nhất về ý nghĩa. Hiện nay, chúng ta dùng thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội khoa học”. (tr.2)

Vậy với Durkheim, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, hay chỉ là một? Bằng phương pháp lịch sử-so sánh, ông lập luận rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là hai lý thuyết hoàn toàn khác nhau cả ở hình thức lẫn bản chất. 

Sự khác nhau về hình thức của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội

Durkheim nhận thấy hai lý thuyết này khác nhau từ tần suất xuất hiện của chúng trong lịch sử, đặc điểm và động cơ của những lý thuyết gia đề xướng các chủ thuyết này, và hình thức truyền tải của chúng.

Thứ nhất, những tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản xuất hiện rất thưa thớt, cách nhau rất xa trong lịch sử. Từ Plato tới Thomas More là gần 10 thế kỉ. Thomas More viết ‘Xã hội không tưởng’vào năm 1518, nhưng phải tới gần 100 năm sau mới có ‘Thành phố mặt trời’ của Tomasso Campanella. Trong khi đó chủ nghĩa xã hội lại có quá trình phát triển khác hẳn. Chủ nghĩa xã hội lại gắn với một xã hội có cấu trúc phát triển ở một mức độ nhất định, nó xuất hiện như là một xu hướng xã hội liên tục và sôi động. Durkheim lưu ý rằng thuật ngữ ‘chủ nghĩa xã hội’ mới chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 1835, do Robert Owen tạo ra. Trong nửa đầu thế kỉ 19, các lý thuyết mang tên chủ nghĩa này xuất hiện liên tục, và sau 1850 thì còn mạnh mẽ hơn. Không những trường phái này kế tiếp trường phái khác mà chúng còn xuất hiện đồng thời, như một cách phản hồi một áp lực, là chứng cứ rằng chúng cùng phản hồi một nhu cầu tập thể nào đó. Ví dụ, chúng ta thấy có Saint-Simon và Fourier ở Pháp, Robert Owen ở Anh.

Thứ hai, tác giả của lý thuyết cộng sản thường là những triết gia xuất hiện thưa thớt trong lịch sử. Họ thường đặt những câu hỏi về luân lý nói chung khi khép mình trong thư phòng. Nguồn gốc của sự ích kỉ và vô đạo đức là gì? Đây là câu hỏi bất biến và các nhà tư tưởng có quyền tự do đặt ra và tự tìm câu trả lời cho mình. Tư tưởng của họ thường phản ánh tính cách con người họ, hầu như không phản ánh thực trạng xã hội mà họ đang sống. Trái lại, các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa thường là những con người hành động chỉ tư duy nhằm để giảm đi nỗi đau mà họ cảm nhận được xung quanh. Họ là những người thiên về hành động.

Thứ ba, các lý thuyết gia cộng sản thường thể hiện quan điểm của mình ở hình thức hư cấu, mang tính nghệ thuật và biểu cảm. Tác phẩm của họ nói về những quốc gia chỉ tồn tại trong tưởng tượng, đứng ngoài lịch sử, và nội dung thường phản ánh rất ít thực trạng xã hội. Vấn đề mà họ đặt ra không nhằm đề giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nhằm để thỏa mãn trò chơi tư duy nội tâm của tác giả. Ví dụ, câu hỏi về sự ích kỉ (egoism) là câu hỏi bất biến về bản chất con người.  Nó là căn bệnh trầm kha của nhân loại, và chỉ biến mất nếu loài người biến mất mà thôi. Do vậy, khi nêu lên câu hỏi thì cũng đồng nghĩa với việc đặt vấn đề này ra ngoài xã hội cụ thể. Trái lại, những học thuyết xã hội chủ nghĩa lại không mang tính nghệ thuật hay biểu đạt vì tác giả của chúng mong muốn những kết luận thực tiễn. Các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa tư duy không phải với cảm xúc riêng tư mà bằng những nỗi đau của xã hội, và họ mong muốn những tư tưởng đó phải được hiện thực hóa. Vấn đề là, tình trạng xã hội được phản ánh nơi những lý thuyết này quá mới mẻ và trầm trọng và không thể ngay lập tức chữa trị được. Nói cách khác, con người chưa tìm cách thích nghi được với những điều kiện hiện đại. Đó không phải là căn bệnh mãn tính. Tuy vậy, dù chưa tìm ra phương thuốc điều trị, các nhà xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi nó một cách dai dẳng.

Sự trái ngược về bản chất giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội trái ngược nhau về bản chất: xã hội cộng sản loại trừ chức năng kinh tế khỏi đời sống xã hội, trong khi xã hội xã hội chủ nghĩa lại hòa nhập nó vào cộng đồng, và chính xu hướng này là cái định nghĩa nó. Ở mô hình cộng sản, nhà nước chỉ đóng vai trò điều hòa luân lý, và chỉ tồn tại nếu nó tách khỏi đời sống kinh tế. Ở mô hình xã hội chủ nghĩa, nhà nước làm cầu nối giữa những mối liên hệ công nghiệp và thương mại.

Với lý thuyết cộng sản, cả Plato, More hay Campanella đều coi kinh tế, vật chất là phản xã hội, là nguồn gốc của sự suy đồi đạo đức, do vậy cần phải được tách biệt triệt để với trung tâm của đời sống. Ví dụ, thành phố mà Plato hình dung bao gồm 2 phần riêng biệt: một phần dành cho tầng lớp lao động và thợ thủ công; một phần dành cho các quan tòa và các chiến binh. Những chiến binh có nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng của cộng đồng, còn các quan tòa thì đảm bảo trật tự đời sống trong xã hội. Hai bộ phận này cấu thành nhà nước, bởi chỉ có họ mới có quyền hành động nhân danh cộng đồng. Trái lại, những người lao động và thợ thủ công thì có nhiệm vụ bảo đảm cái dạ dày của xã hội. Nguyên lý cơ bản trong thuyết chính trị của Plato là tầng lớp làm kinh tế thấp kém này phải được tách biệt triệt để với hai tầng lớp kia. Nói cách khác, đơn vị kinh tế bị đặt ra ngoài phạm vi nhà nước, không có mối liên hệ gì với nó. Ngược lại, những chiến binh và quan tòa cũng hoàn toàn xa lại với đời sống kinh tế. Họ không được phép tham gia cũng không được quan tâm tới những gì xảy ra ở đó. Bản thân họ cũng bị cấm không được sở hữu bất kì thứ gì; họ không có quyền tư hữu vì quyền này chỉ dành cho những người lao động. Ngay từ thuở thơ ấu, chiến binh và quan tòa đã được huấn luyện phải khinh ghét đời sống xa xỉ vật chất, nhưng họ luôn đảm bảo được có những nhu yếu phẩm đủ để tồn tại. Để hai thành phần này của thành bang có sự tách biệt triệt để nhất, họ buộc phải sống càng xa nhau càng tốt. Như vậy, nếu chủ nghĩa xã hội đặt đời sống kinh tế vào trung tâm của xã hội, thì trái lại chủ nghĩa cộng sản kiểu Plato lại đặt nó ở bên lề cộng đồng, vì Plato tin rằng của cải và những gì liên quan tới nó đánh thức sự ích kỉ của con người, khiến các công dân tấn công nhau và tạo ra những mâu thuẫn làm đảo lộn trật tự xã hội.

Khác với Plato, More không chấp nhận sự tồn tại của giai cấp trong xã hội. Mọi công dân đều tham gia vào đời sống cộng đồng; ai cũng có quyền bầu cử các nhà lập pháp đồng thời tất cả đều có quyền được ứng cử. Tương tự, ai cũng phải làm việc và đóng góp vật chất vào xã hội với tư cách là nông dân hoặc thợ cơ khí. Tuy nhiên, giống Plato, More tuân thủ theo đúng nguyên lý tách biệt triệt để đời sống kinh tế với đời sống cộng đồng. Trong khi Plato tách biệt hai hoạt động kinh tế và chính trị bằng không gian, thì More làm như vậy thông qua thời gian: đời sống mỗi công dân được chia thành hai phần riêng biệt: một phần dành cho lao động nông thôn và công nghiệp; phần kia dành cho những vấn đề công cộng.Nếu Plato ngăn những người quản lý nhà nước tham gia vào đời sống kinh tế bằng cách không cho họ quyền sở hữu thì More mở rộng sự ngăn cấm này tới tất cả công dân, vì trong hệ thống của ông mọi công dân đều tham gia vào quản lý nhà nước. 

Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội còn trái ngược nhau ở mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong xã hội cộng sản, người lao động không được giành sản phẩm lao động về cho riêng mình mà phải cùng chia sẻ việc tiêu thụ sản phẩm ấy với cộng đồng. Anh muốn làm gì thì làm, và nhất định không được phép lười biếng, nhưng cái anh làm ra phải do tập thể quyết định và cùng tiêu thụ. Với xã hội xã hội chủ nghĩa, trong khi hoạt động công nghiệp và thương mại phải được xã hội tổ chức, thì sự tiêu thụ là chuyện riêng tư. Durkheim khẳng định không có học thuyết xã hội chủ nghĩa nào lại khước từ quyền sở hữu và sử dụng mà cá nhân đoạt được một cách hợp pháp.

Như vậy, nguyên lý cộng sản lấy một nguyên lý đạo đức trừu tượng làm cơ sở thẩm quyền để coi tư hữu là nguồn gốc của sự ích kỉ và sự suy đồi đạo đức. Nhưng nguyên lý này đúng ở mọi nơi, mọi lúc trong lịch sử, dù ở xã hội sơ khai hay xã hội công nghiệp phát triển. Nó không hướng tới một thực tế kinh tế nào, bởi vì thể chế về tài sản là thể chế luật pháp và luân lý, tuy có ảnh hưởng tới đời sống kinh tế nhưng không là một phần của đời sống này. Chủ nghĩa xã hội, trái lại, không hướng tới hậu quả về mặt đạo đức của sự tư hữu nói chung, mà hướng tới hiệu quả của cách tổ chức kinh tế nhất định nào đó như chủ nghĩa xã hội. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau: một bên phán xét giá trị đạo đức của vật chất một cách trừu tượng; Bên còn lại đắn đo liệu loại hình thương mại hay công nghiệp nhất định có phù hợp với những điều kiện tồn tại của một xã hội hay không, và liệu nó có bình thường, lành mạnh hay không.

Durkheim cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội có một điểm thoạt nhìn thì giống nhau: đó là cái xu hướng coi xã hội có uy quyền lớn hơn mỗi cá nhân. Cả hai đều lo sợ mối nguy từ lợi ích tư lợi có thể gây ra đối với lợi ích cộng đồng. Cả hai đều đối lập với chủ nghĩa cá nhân triệt để và thái quá. Chính vì hai điều này khiến người ta hay nhầm lẫn đánh đồng hai khái niệm này làm một. Nhưng ngay ở sự giống nhau mơ hồ này vẫn tồn tại sự khác nhau căn bản: Một bên coi tất cả những gì tư hữu là phản xã hội, trong khi bên còn lại cho rằng sự chiếm đoạt tư nhân về các tư liệu sản xuất lớn chỉ nguy hiểm ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử. Bên cạnh đó, động cơ của hai lý thuyết cũng khác nhau: động cơ của chủ nghĩa cộng sản mang tính đạo đức và bất biến, trong khi đó chủ nghĩa xã hội chú ý tới một loại hình kinh tế cụ thể (nền công nghiệp bước đầu quy mô lớn nhưng còn phân tán). Một đằng cho rằng cần phải loại bỏ tư hữu vì nó là nguồn gốc của sự vô đạo đức, trong khi ở lý thuyết còn lại cho rằng nhà nước không thể hoàn toàn dửng dưng để cho ngành công nghiệp và thương mại khổng lồ vận hành tràn lan bởi chúng có thể gây ảnh hưởng lên toàn xã hội (như trường hợp nhà tư bản bóc lột công nhân mà nhà nước không biết tới để can thiệp). Kết luận của hai lý thuyết này cũng rất khác nhau: một lý thuyết chỉ nhìn thấy giải pháp bằng cách trấn áp, dập tắt những lợi ích kinh tế, còn lý thuyết kia thì quan tâm tới việc xã hội hóa hoạt động kinh tế.

Như vậy, để giải thích chủ nghĩa xã hội và đi tìm lịch sử của nó, ta không cần đi xa về nguồn gốc cộng sản. Coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một cũng có nghĩa là đánh đồng những thứ có bản chất trái ngược nhau, và sẽ dẫn tới mở rộng ý nghĩa của nó đối với những lý thuyết về luân lý, chính trị, giáo dục, kinh tế coi lợi ích xã hội đi trước lợi ích cá nhân – và như vậy kết quả là thuật ngữ này sẽ mất đi ý nghĩa cụ thể. Đặc biệt, Durkheim phát biểu rằng:

 

‘Đúng là ta có thể nghĩ rằng các nhà tư tưởng của lý thuyết cộng sản đã hình dung ra trong trí tưởng tượng của mình những kết quả tương lai của sự phát triển lịch sử; rằng bằng tư duy của mình họ mường tượng được một xã hội khác với xã hội trước mắt họ (và chỉ có thể được hiện thực hóa sau này trong lịch sử). Nhưng chấp nhận khả năng đó không chỉ phi khoa học, bởi những dự đoán đó được tạo ra từ hư vô. Có thể các lý thuyết gia cộng sản không hướng tư duy của mình tới tương lai, mà hướng về quá khứ. Như vậy họ quay ngược lại thời gian. Chính vì thế mà xã hội của Platon không là gì khác là sự tái bản của mô hình nhà nước Sparta, một nhà nước cổ đại nhất của Hi Lạp. Và từ điểm này có thể thấy, những người thừa kế Plato chỉ nhại lại người thầy của mình. Mô hình mà họ đề xuất là mô hình của người nguyên thủy’ (tr.28).

 

Đôi lời kết

Những nghiên cứu của Durkheim về nhiều vấn đề xã hội thường luôn khẳng định sức mạnh không thể coi thường của ‘sức mạnh tập thể’. Trong bầu không khí sôi sục của đám đông, ví dụ như trong các bộ lạc nơi xã hội nguyên thủy, một vật tầm thường như chiếc răng cá sấu, hòn đá cuội, hay một con vật tầm thường cũng có thể trở thành ‘vật tổ’ thiêng liêng, thành ‘cái thiêng’ được cả xã hội bộ lạc đó thờ tụng và bảo vệ như chính mạng sống của họ. Niềm tin tôn giáo thường ngự trị vào những khoảnh khắc ấy. Nhưng ranh giới giữa ‘cái thiêng’ và ‘cái phàm’ cũng mong manh – do lịch sử và do sự giao tranh giữa hai thế lực của niềm tin huyền thoại và niềm tin nơi lý trí – hai xu hướng mà Durkheim khẳng định luôn tồn tại trong lòng mọi xã hội.

‘Chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’ đều đơn thuần là hai khái niệm. Nếu xét về mặt khái niệm, chúng hoàn toàn trung tính. Nhưng có phải khi gắn chúng vào ‘niềm tin’, chúng lại bất giác trở thành đối tượng của việc đánh giá giữa ‘thiêng’ và ‘phàm’? Vấn đề là, ‘niềm tin’ nào?

 

Tài liệu tham khảo

Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge &Kegan Paul.

Bộ GD-ĐT. Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dành cho các trường đại học, cao đẳng). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-9-14