1- Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có tới 209 phiếu không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) đến từ 491 nhà lập pháp. Ông là quan chức chính phủ có tỷ lệ cao nhất về số phiếu không tín nhiệm (tín nhiệm thấp), nhưng dù sao cũng tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhìn trong tổng thể, kết quả cuộc bỏ phiếu này có ảnh hưởng gì đối với ông ta và đối với nền kinh tế Việt Nam? Giáo sư nghĩ gì về kết quả này?
Kết quả bỏ phiếu đối với thống đốc Nguyễn Văn Bình là một thảm họa. Ông Bình có thể bị thay thế cho dù về mặt kỹ thuật, ông vẫn có thể chờ đợi đến cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 2014.
2- Điều thú vị là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng hàng thứ hai trong số những người có tỷ lệ cao về số phiếu không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) - 160 phiếu. Giáo sư có ý kiến gì về việc này?
Thủ tướng đứng hàng thứ ba trong số những người có nhiều phiếu bất tín nhiệm (tín nhiệm thấp) nhất. Tuy nhiên, thủ tướng sẽ tiếp tục tại vị vì có tới hơn 2/3 số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm hoặc tín nhiệm cao đối với thành tích của ông. Số phiếu của ông Bình cùng với số lượng lớn loại phiếu « tín nhiệm thấp » của thủ tướng, cho thấy, các đại biểu không hài lòng với việc quản lý kinh tế.
3- Giáo sư có bình luận gì thêm về động thái chưa từng thấy này?
- Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy những lo ngại trong việc quản lý kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thể hiện hồi tháng 10 năm ngoái qua các phát biểu của các đại biểu Quốc hội mà 90% trong số này là đảng viên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 25% số phiếu tín nhiệm cao. Mức trung bình số phiếu tín nhiệm cao là 209 và ông Dũng được đúng 210 phiếu. Kết quả này là một sự trừng phạt đối với ông Dũng, nhưng ông vẫn tại chức.
Điều đáng chú ý là 8 bộ trưởng có trung bình khoảng 99 phiếu tín nhiệm thấp. Hai bộ trưởng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước và bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cùng với thủ tướng nằm trong số những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Ba bộ trưởng có vị trí tốt trong số những người có phiếu tín nhiệm cao : Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Nhìn chung, toàn bộ các thành viên chính phủ đều bị một cú tát trong khi những đại biểu làm việc trong Quốc hội và trong các Ủy ban thì tốt cả. 11 bộ trưởng xếp hạng cuối cùng trong loại phiếu tín nhiệm cao, còn 14 thành viên của Quốc hội nằm trong nhóm đầu bảng của loại phiếu tín nhiệm cao.
Cuộc bỏ phiếu này không nhằm quyết định số phận một vị bộ trưởng nào, kết quả của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên cho thấy có thể sẽ có những thay đổi trong hàng ngũ bộ trưởng trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2016. Tóm lại, việc bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy là các quan ngại trong Đảng và Quốc hội về việc quản lý nền kinh tế dường như sẽ tiếp tục cho đến khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2016.
4- Ngoài thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng khác có nhiều phiếu tín nhiệm thấp là những người phụ trách các vấn đề y tế, giáo dục, du lịch và văn hóa. Do vậy, liệu có đúng hay không khi nói rằng lòng tin của công chúng trong những lĩnh vực « cơm áo gạo tiền » đang suy giảm ? Nếu đúng như vậy, thì điều này có ý nghĩa ra sao đối với sự phát triển của Việt Nam ? Nếu không phải như vậy, thì tại sao ?
Nếu cộng số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của từng quan chức và chia cho số đại biểu tham dự bỏ phiếu cho từng người, thì sẽ có kết quả trung bình số phiếu tín nhiệm của từng người.
Tỷ lệ trung bình số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm đối với tất cả mọi người là 86,51%. Có 13 bộ trưởng ở dưới mức trung bình này. Bốn bộ trưởng ở mức dưới 70%, trong đó có bộ trưởng Y tế, Thủ tướng, bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ; vị này cũng là thành viên chính phủ.
Có hai yếu tố tác động. Thứ nhất là gần một nửa số thành viên chính phủ có số phiếu tín nhiệm thấp. Điều này phản ánh việc thủ tướng lựa chọn nhân sự bộ trưởng. Thứ hai là các đại biểu phản ánh sự thất vọng to lớn trong xã hội về sự chậm trễ trong các cải cách kinh tế xã hội.
Nếu Việt Nam có nền dân chủ tự do thì một trong hai điều sau đây sẽ xẩy ra. Trước tiên, thủ tướng có thể cách chức những bộ trưởng có thành tích tồi tệ và đưa ra một chương trình cải cách mới nhằm giải quyết những phê phán của các đại biểu và công chúng. Thứ hai, thủ tướng có thể bị thay thế hoặc từ chức và như vậy, kết quả bỏ phiếu sẽ tạo hy vọng tái khởi động cải cách và phát triển đất nước. Nếu vẫn duy trì nguyên trạng, thì dường như sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng làm việc của các bộ trưởng.
5-Một số người lập luận rằng kết quả bỏ phiếu có thể không phản ánh bức tranh chân thực. Họ nói rằng các nhà lập pháp đã bỏ phiếu chống lại các bộ trưởng Giáo dục, Y tế, hoặc Du lịch bởi vì đó là những lĩnh vực ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết mọi người, do vậy, các bộ trưởng này rất dễ bị chỉ trích. Nhưng mặt khác, số phiếu tín nhiệm cao đối với một số vị quan chức gây phản ứng trong công chúng. Ví dụ, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được lựa chọn là người hoạt động tốt nhất, thế nhưng một số chỉ trích cho rằng thành tích của bà không gây ấn tượng gì cho đến nay. Ý kiến của giáo sư ra sao ?
Mỗi đại biểu tự do đưa ra các đánh giá của mình đối với từng quan chức chính phủ. Bản chất vấn đề gây tranh luận trong một số lĩnh vực như ngân hàng, giáo dục và y tế công cộng, có thể giải thích được số phiếu thấp của các bộ trưởng, nhưng điều này không phản ánh được kết quả làm việc tồi tệ của tất cả các bộ trưởng, mà chỉ liên quan đến bốn bộ trưởng mà thôi. Bốn bộ trưởng nằm trong nửa phía trên của danh sách phiếu tín nhiệm là bộ trưởng Quốc phòng (97,3% trong tổng số phiếu tín nhiệm), bộ trưởng Ngoại giao (95,73%), bộ trưởng Công an (95%) và bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (94%).
Các đại biểu đã bỏ nhiều phiếu tín nhiệm cao cho các quan chức giữ các vị trí trong Quốc hội và đặc biệt là chủ tịch các ủy ban, thành viên Ban Thường vụ Quốc hội. Tất cả các quan chức của Quốc hội đều nằm trong nửa phía trên của danh sách phiếu tín nhiệm. Nếu tính tổng số phiếu tín nhiệm (tín nhiệm cao và tín nhiệm), bà Nguyễn Thị Kim Ngân đứng hàng thứ 9. Số liệu này cho thấy các phê phán đối với bà nằm trong một thiểu số rõ rệt.
6- Liệu có đúng hay không khi nói rằng một số lượng lớn phiếu « tín nhiệm thấp » sẽ không có ảnh hưởng đến quá trình công tác của các quan chức. Cần phải làm gì để cải thiện tiến trình này trong tương lai và nếu nhìn lại thì điều gì lẽ ra nên làm để ngăn ngừa được « những thiếu sót không thể tránh khỏi » trong việc bỏ phiếu, như chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói ?
Tất cả 47 quan chức đều có số phiếu tín nhiệm vào khoảng 50%. Ngay cả thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người đứng cuối cùng, cũng đã nhận được 57,43% số phiếu tán thành. Điều này có nghĩa là tất cả các bộ trưởng đều qua được vòng này. Không một ai phải đối mặt với sự cách chức trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các bộ trưởng sẽ làm hết nhiệm kỳ. Điều trớ trêu là thủ tướng, người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, lại có trách nhiệm cải tổ chính phủ. Chúng ta cần phải chờ cho đến năm tới xem liệu búa rìu có giáng xuống những bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Ít ra, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể phải từ chức hoặc bị thay thế.
Rõ ràng là có vấn đề diễn giải phiếu tín nhiệm. Trước tiên, có 498 đại biểu, nhưng dường như có từ 6 đến 19 nguời không bỏ phiếu cho mỗi quan chức. Ví dụ, chỉ có 479 đại biểu bỏ phiếu cho bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Chúng ta sẽ phải diễn giải thế nào về những người không bỏ phiếu này ? Điều thứ hai, chúng ta đánh giá thế nào về các phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm. Trong phân tích, tôi gộp hai loại phiếu này. Ai là người được tín nhiệm nhất ? Phải chăng là người có « phiếu tín nhiệm cao » nhiều nhất hay là người có số « phiếu tín nhiệm cao » và « tín nhiệm » nhiều nhất ?