FB Phạm Lan Phương
3/12/22

Chị Nga Phạm

Khải Đơn

 

Khi tôi rời nghề báo năm 2016, rất nhiều sếp và đồng nghiệp hỏi tôi vì sao. Tôi chỉ chọn trả lời vì tôi không khỏe và muốn thay đổi cuộc sống của mình.

Tôi mất rất nhiều thời gian để quyết định viết ra điều này. Và nó không phải chuyện hay ho gì, với toàn bộ ký ức nghề nghiệp của tôi và cách đồng nghiệp sẽ nhìn tôi.

Tôi đến BBC Tiếng Việt làm việc ở Bangkok năm 2015. Sếp của tôi là nhà báo Nga Phạm - trưởng bộ phận biên tập ban tiếng Việt tại Bangkok bấy giờ. Trước khi sang Bangkok, bạn thân của tôi có nói Bangkok là thị trường an ninh nổi tiếng ở Đông Nam Á, nhưng tôi không quan tâm lắm vì thực sự chỉ hành nghề bình thường.

Chị Nga đối xử với tôi khá ổn. Và một hôm mời tôi đi ăn cùng một "phóng viên VOV" tên Xuân Hùng. Chị gửi gắm tôi cho Xuân Hùng, nói tôi hãy theo anh ấy đi viết báo, và dặn dò anh hãy giúp tôi.

***

Tuy rất mềm mỏng và quan tâm, chị Nga thường xuyên kiểm tra xem tôi đi đâu, làm gì, với ai. Một lần tôi đăng ảnh cùng nhà báo Nguyễn Tập đi ăn, vì anh là bạn từ rất lâu rồi của tôi. Chị Nga sau đó trong văn phòng cũng nói bóng gió, em cũng biết thằng Tập ấy hả, cẩn thận kẻo nó là an ninh đấy.

Tôi có một bạn thân học thạc sĩ ở Chulalongkorn và chúng tôi thường đi ăn, do anh biết nhiều về văn hóa Thái và tôi cần học về nơi mình đang sống. Tương tự, chị Nga sẽ nói em nên cẩn thận với mấy thằng đấy, chẳng biết chúng làm cho ai đâu. Bạn tôi là một nhà nghiên cứu về kinh tế thể thao. Tôi cũng không hiểu vì sao chị phải cảnh báo thường xuyên vậy.

Một tuần làm việc của tôi kéo dài 5 ngày. Theo luật của London và Bangkok, nếu tôi làm quá 8 tiếng thì phần thêm giờ phải tính tiền. Tuy nhiên, văn phòng London thường sẽ nhận việc chính xác sau khi tôi hết giờ, và tôi có thể nghỉ ngơi. Ngày cuối tuần, nếu không có ca trực, tôi nghỉ 2 ngày. Vì tôi yêu thích Thái Lan và thích đi du lịch, nên những ngày nghỉ tôi hay đi. Một lần tôi đăng FB là đi chơi ở tỉnh. Chị Nga gọi điện thoại: "Em đi đâu thì phải báo chứ?" - Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình bị người đàn bà này kiểm soát từng giờ, từng người.

Gần năm làm việc ở BBC, tôi gần như không được đi công tác và chỉ ngồi văn phòng gọi điện thoại phỏng vấn. Đó không phải là ước mơ của tôi khi trở thành nhà báo. Và tệ hơn, là phóng viên ở văn phòng nước ngoài. Tất cả đề xuất đi công tác của tôi đều không được chấp thuận. Chị Nga tự mình đi công tác, không cho phép bất cứ phóng viên nào dưới quyền đi. Chỉ có chị được tỏa sáng và không bao giờ văn phòng Bangkok có thể có ai giỏi hơn chị. Nghĩ tới BBC là phải nghĩ tới Nga Phạm.

Sau đó tôi được biết trong 11 năm chị Nga làm sếp ở BKK, đã có 10 người ở cùng vị trí của tôi nghỉ việc, gần như mỗi năm/người. Có người chị ném dép vào mặt ngay trong văn phòng chỉ vì họ đi làm trễ.

Chị Nga rất thích chê đồng nghiệp ở Việt Nam hèn. Câu chị thích nói là bọn nó hèn thế. Nhưng chị có thể rung đùi ở Bangkok ngồi gọi điện thoại với cái hộ chiếu Anh Quốc. Chị đâu có sống ở Việt Nam, với mức lương chỉ vừa đủ sống và thường xuyên bị kiểm duyệt. Nhưng trong mắt chị, đồng nghiệp báo chí ở Việt Nam hèn. Dù chị vẫn đi hỏi xin contact họ thường xuyên. Tôi tự hỏi, chị có hiểu cái hèn mà chị chế nhạo chính là chỗ cho chị số điện thoại không.

Chị Nga rất thích than phiền về giọng tiếng Anh nặng accent của tôi, chê tôi viết sai chính tả tiếng Anh, bằng cách gửi thư chung vào hộp mail của tòa soạn. Tuy lúc đó tôi đã có thể viết tiếng Anh khá ổn, những lần chị công khai chê là "ôi tiếng Anh giọng nặng thế" hoặc trực tiếp reply email CHO CẢ VÙNG chỉ ra lỗi chính tả của tôi đã làm tôi mất hoàn toàn tự tin. Tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn không có khả năng gì và chị là người giỏi nhất văn phòng. Chị cũng làm vậy với tất cả các đồng nghiệp khác, thậm chí chê các phóng viên báo khác là nói tiếng Anh ghê quá.

Tôi mất 6 năm sau đó để hiểu đó là cách người da trắng cai trị thuộc địa của họ dùng ưu thế ngôi ngữ chính của họ để mỉa mai và xem thường đồng nghiệp có ngôn ngữ hay giọng địa phương. Chị Nga rất tự hào chị có thể nói tiếng Anh giọng Anh. Và chị dùng điều đó để tấn công tất cả những người không thể liếm ass Anh như chị.

Sáu năm sau, tôi phải đi học một chương trình thạc sĩ viết văn của Fulbright để hiểu ở California, nơi tôi có thể tham gia trình diễn, đọc thơ, viết sách, thuyết trình, đoạt giải với tất cả cái tiếng Anh "giọng Việt" mà chị đem ra chê cười suốt thời gian công tác ở BBC. Tôi phải luôn mang ơn Fulbright và các giáo sư đã dạy tôi rằng accent không phải là điều để mình tủi hổ hay hèn kém hơn người khác. Chị thì khác, chị dẫm đạp lên đồng nghiệp trẻ để được tỏa sáng.

ANH HÙNG VOV

Anh Hùng VOV mà chị giới thiệu có vẻ là người khá giả và hào phóng. Mỗi tuần anh đều mời tôi đi ăn tối, liên tục mời tôi uống, và sau đó hỏi tôi ai viết bài gì trên BBC. Vì nguyên tắc tòa soạn, tôi thường trả lời là cả ban làm, trừ khi bài có đề tên phóng viên thì tự người đó làm.

Một giai đoạn có hạn hán dữ dội ở sông Mekong. Anh Xuân Hùng một hôm mời tôi đi ăn và đưa điện thoại cho tôi xem một clip "bọn Thái ăn cắp nước từng dòng chính Mekong" và hỏi BBC có muốn đăng không anh cho xài free. Tôi từ chối vì đó không phải clip mình sản xuất. Sau đó, vài bạn phóng viên BBC Thái nói với tôi anh Hùng cũng sẵn sàng cho họ clip tương tự.

Bẵng đi rất lâu sau, một lần tôi gặp bạn tôi. Hôm đó anh mời tôi đi ăn tối và nói: Hôm nay anh gặp một anh bên an ninh, để giới thiệu cách đưa phụ tùng xe máy về bán ở Hà Nội. Bạn tôi làm nghề buôn phụ tùng, và bạn nào chơi xe máy đều biết là phụ tùng bên Thái rất đa dạng, chất lượng tốt, người Việt hay "xách tay" về bán.

Đến bữa ăn tối, "anh an ninh" đó xuất hiện và đó là Xuân Hùng. À, vậy ngoài việc làm phóng viên VOV anh Hùng còn làm an ninh chìm phụ trách buôn phụ tùng xe máy, lúc đó tôi nghĩ vậy.

Tôi cảm thấy bất an vì nhà báo mình quen biết sao lại xuất hiện với vị thế này.

Vì vậy, tôi dành chút thời gian hỏi các đồng nghiệp ở Việt Nam thì biết: với các đài/báo quốc gia của Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, team làm việc thường có 2-3 người. "Em chỉ cần để ý xem người đó biết tác nghiệp không thì biết họ là nhà báo, thằng còn lại chắc chắn là an ninh". - Bạn tôi giải thích. Tôi chưa từng thấy anh Hùng cầm micro tác nghiệp dù ngay trong các cuộc họp báo.

Chị Nga đã giao tôi cho anh Hùng an ninh ngay từ tuần đầu tiên tôi sang Bangkok như vậy

***

Tôi có tất cả dữ liệu về chuyện chị mỉa mai, tấn công, nhắn tin tôi. Và tôi biết chị có cộng tác với an ninh. Đó cũng là lúc tôi trả lời được câu hỏi vì sao BBC thường không có đề tên phóng viên trừ khi tường thuật video trực tiếp hay bình luận, mà tại sao an ninh ở VN có thể biết tường tận ai viết bài nào như vậy. Tôi trao đổi điều này với lãnh đạo của BBC Tiếng Việt. Đáp lại điều đó, mọi người nói tôi "hãy kiên nhẫn". Đến một thời điểm, tôi rơi vào hoảng sợ vì không thực sự biết đồng nghiệp của mình là ai và ai sẽ đâm dao sau lưng mình.

Tôi viết một thư phàn nàn vì bị bully và gửi cho lãnh đạo vùng và công đoàn, kèm theo tất cả những bằng chứng tôi có được. Lãnh đạo vùng phỏng vấn tôi khoảng một giờ. Và mọi thứ rơi vào im lặng. Vài tháng sau đó chị Nga bị thôi chức ở văn phòng Bangkok. Tôi biết đó chẳng phải là công của mình. Nhưng tôi luôn cảm thấy an tâm rằng mình đã không im lặng trước một kẻ ti tiện trong nghề báo, ăn bám vào các đồng nghiệp tại Việt Nam và sẵn sàng dẫm đạp lên những đồng nghiệp yếu thế hơn bà.

Tôi quyết định nghỉ việc ở BBC vì không muốn làm việc cho một tổ chức nơi lãnh đạo người Việt có thể cát cứ và cưỡi lên đầu các đồng nghiệp khác, nhất là đồng nghiệp trẻ từ Việt Nam mới vào nghề. Họ có hộ chiếu Anh Quốc, họ ngồi yên thoải mái làm việc như công chức. Trong khi phóng viên người Việt như tôi mang hộ chiếu Việt Nam, tình trạng an toàn không hề biết sẽ ra sao. Nhưng họ đã thờ ơ ngay cả khi tôi báo cáo một vấn đề nghiêm trọng như vậy. Tôi cảm thấy tờ báo không xứng đáng là nơi công tác của mình, nơi không bảo vệ các đồng nghiệp tại văn phòng địa phương.

Nói về tự do báo chí, tôi chỉ thấy chị Nga Phạm quả thật là ghê tởm. Chị được làm báo trong môi trường tự do, nhưng chị cộng tác với an ninh, coi thường các đồng nghiệp trong nước. Chị đúng là nô lệ của kiểm duyệt chứ ai.

***

Tại sao tôi phải mất 7 năm để viết ra điều này? - Chỉ là viết để cho những nhân vật/đồng nghiệp tưởng chị vẫn đang làm ở BBC biết là chị đã bị nghỉ việc rồi. Chị vẫn để linkedin của chị là Nga Pham BBC và khiến nhiều người tưởng chị vẫn làm việc ở đây. Dạo gần đây, chị vẫn dùng cái tên Nga Pham BBC đó để đi tấn công các đồng nghiệp trẻ khác mà tôi biết, bằng các dạng thư than phiền đầy trịch thượng như thể chị là phóng viên dày dạn kinh nghiệm .

Khải Đơn