BBC 30-4-13Ngày 30/4 khởi đầu một trào lưu bất đồngQuốc Phương BBC Việt ngữ Ngày 30/4/1975 đánh dấu mầm mống khởi đầu của sự bất đồng trong chính nội bộ phe những người cộng sản giành chiến thắng trong cuộc tiến chiếm Sài Gòn, theo nhà nghiên cứu từ trong nước. Trao đổi với BBC hôm thứ Ba từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu độc lập Lữ Phương nói ngay từ những ngày đầu tiên sau giải phóng, đã xuất hiện những rạn nứt trong cách thức nhìn nhận cuộc chiến và cách ứng xử với phần lãnh thổ mà quân đội miền Bắc vừa chiếm được từ tay chính quyền Sài Gòn. "Những nhà lãnh đạo đã bệ nguyên một mô hình thể chế cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam, và cũng đã có những nhìn nhận chỉ coi trọng vai trò của những người từ miền Bắc vào giải phóng, tiếp quản." Trong khi đó theo nhà nghiên cứu này những công lao, đóng góp của phe kháng chiến Nam Bộ, những người thuộc lực lượng thứ ba đã có vẻ đã bị coi nhẹ. Được hỏi từ khi nào thì xuất hiện những tư tưởng bất đồng đầu tiên trong hàng ngũ những người cộng sản tham gia điều hành chính quyền ở miền Nam hậu giải phóng, nhà nghiên cứu nói: "Ngay từ những ngày tháng đầu đã xuất hiện những ý kiến này khác, nhưng phải đợi tới các dấu mốc là năm 1986 khi ông Nguyễn Văn Linh hứa hẹn đổi mới, để rồi sang những năm đầu thập niên 1990 ông Linh được cho là đã không giữ lời hứa, mà quay lưng lại với cải cách, thì các ý kiến mạnh lên." Ông Phương nói các cán bộ lãnh đạo thuộc các phong trào kháng chiến nam bộ, mặt trận cách mạng dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, các lực lượng bưng biền, các thành viên thuộc lực lượng thứ ba đã bắt đầu công khai lên tiếng. "Những người như các ông Nguyễn Hộ, Trần Văn Trà, nhóm câu lạc bộ kháng chiến, rồi ông Trần Độ và nhiều người khác lên tiếng cho rằng ông Linh không giữ lời hứa," ông nói thêm. Theo nhà nghiên cứu ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đã bị phê phán vào thời điểm cuối thập niên 1980 - đầu 1990 là đã có hành vi trấn áp nhiều tiếng nói, trong đó có giới nhà báo, như bà Kim Hạnh, hay các đồng chí cũ như Nguyễn Hộ, hay Trần Độ v.v... "Nguyễn Văn Linh liên kết với Trung Quốc, chấm dứt cải tổ và đó là bi kịch của Đảng cộng sản Việt Nam," ông Phương, nguyên Thứ trưởng Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, một tổ chức do chính quyền cộng sản Bắc Việt xây dựng nên, nói. 'Bờ vực phá sản'Ba mươi tám năm sau sự kiện 30/4, theo nhà nghiên cứu, phong trào bất đồng trong nội bộ đảng cộng sản ở miền Nam vẫn có những tiến triển đáng kể. "Đã có sự phân hóa và cũng có những tiến triển, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù sự áp bức đã làm một số người thay đổi thái độ, song số đông của phong trào vẫn tiếp tục vì họ vẫn giữ được niềm tin vào sự thay đổi của đất nước, nhất là trước thực trạng của Đảng" ông nói với BBC. "Lẽ ra những người Cộng sản phải nhận thức được vị thế và thời cuộc của mình, và nếu họ thực sự yêu nước, thương nòi, thực sự có trách nhiệm, thì họ phải biết cần làm gì, "Rút lui cũng là một lựa chọn, rút lui để dân tộc tiến bộ, đất nước hùng mạnh, là một lựa chọn đúng. "Trong lịch sử những người cộng sản trước đây đã từng có lúc tuyên bố giải tán, tuyên bố rút lui, họ không nên tham quyền cố vị," nhà nghiên cứu nói. Theo Lữ Phương, những người lãnh đạo cộng sản hiện nay đang phạm một sai lầm rất nghiêm trọng và to lớn: "Họ đã đang dẫn đất nước tới một bờ vực của sự phá sản, suy thoái hoàn toàn, các giá trị cơ bản bị phá hoại, "Họ đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân và đất nước, họ đang giữ chặt thể chế để không làm gì khác ngoài việc làm kinh tế cho họ, biến cả đất nước thành một cỗ máy làm ăn cho họ," nhà nghiên cứu đưa ra những ý kiến có thể coi là chỉ trích khá thẳng thắn. "Họ đổi mới nửa vời, nay họ còn đang chia ra phe cánh với nhau để làm ăn, họ từ chối đổi mới chính trị đi đôi với cải tổ kinh tế. Họ coi nhân dân như kẻ thù. Rồi trong nội bộ nay họ cũng đang đấu đá, phe nọ đánh đấm phái kia quyết liệt, tanh bành... "Họ biến đất nước thành một vũng lầy với đầy các tệ nạn từ hối lộ đến bất công, tràn lan, và hiện chưa rõ có con đường nào để thoát ra." Nhà nghiên cứu cũng đưa ra một nhận xét nói hiện nay đang có quan ngại trong lúc 'cùng quẫn' đảng có thể ngả theo Trung Quốc để cố gắng có được sự hậu thuẫn, bất chấp tương lai, vận mệnh và quyền lợi của dân tộc có thể bị thế lực ngoại bang này xâm phạm. "Hãy xem Trung Quốc đang vào Việt Nam như thế nào, từ nhân lực cho tới doanh nghiệp, từ sản phẩm, cho tới thị trường và đồng thời họ cũng chiếm giữ, tiến chiếm, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để gặm nhấm dần dần đất đai và biển đảo của chúng ta." "Trong khi ấy lãnh đạo Việt Nam suốt ngày nói về đoàn kết ý thức hệ, nói về giữ hòa khí và lấy cớ đó ngăn dân không cho người dân phản ứng, không cho họ lên tiếng trước thứ chủ nghĩa thực dân mới mà ai cũng nhận thấy rõ," ông Phương đưa ra bình luận có tính chất ít nhiều như cáo buộc. 'Âm thầm gieo mầm'Khi được hỏi liệu những nhà bất đồng xuất phát từ các cựu lãnh đạo, các đảng viên, các thành viên kháng chiến cũ nay có thể quá ít ỏi, yếu về tiếng nói và không có tương lai hay không, như một số ý kiến của giới chức chính quyền, ông Phương nói: "Không nên lấy số lượng để tính, những tiếng nói bất đồng từ 30/4, từ thập niên 1986, 1990 ấy vẫn âm thầm nhưng họ đang làm được một việc rất quan trọng, các tiếng nói ngày càng nhiều, như các vị Lê Hiếu Đằng, Trần Quốc Thuận, rồi nhiều vị khác nữa... "Đó là gieo mầm, họ gieo những mầm mống để một ngày có điều kiện, đất nước sẽ có sự đổi thay. "Số lượng không nói lên điều gì then chốt, chính những người cộng sản ngày trước, những năm 1945 khi họ làm cách mạng chống Pháp, khi họ còn trong vị trí bị trị, họ chỉ có mấy ngàn đảng viên đấy thôi." Nhà nghiên cứu cũng cho rằng phong trào đang lớn mạnh lên rõ rệt, với nội dung bất đồng, chỉ trích, đấu tranh ngày càng quyết liệt, không khoan nhượng và triệt để hơn, bất chấp các rủi ro bị đàn áp. "Từ các phong trào ấy, rồi gần đây mở ra, nào là trang mạng Bauxite, những người ra kiến nghị về Thơ Trần Dần, nay phát triển rộng khắp với nhiều nhóm khác, "Hiện tại phong trào kiến nghị sửa hay đổi Hiến pháp cũng đang rất mạnh mẽ, quyết liệt. Còn trấn áp ư, trấn áp ngày nay so với xưa chưa là gì, "Mà trấn áp người ta xong, bỏ tù người ta xong thì người ta ra tù lại phát biểu mạnh mẽ hơn, quả quyết hơn, cho người ta đi tù là càng cấp bằng, là càng phong thánh cho người ta chứ gì," ông Lữ Phương nói. Gần đây trong một phỏng vấn với BBC về phong trào bất đồng chính kiến và tranh đấu cho tự do dân chủ ôn hòa ở trong nước, một quan chức cao cấp trong ngạch đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam hiện không có đối thủ vì đối lập quá yếu và mỏng. Phản biện lại ý kiến này, nhà bất đồng chính kiến, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang nói rằng chính do bị chế áp bằng chuyên chính vô sản của chính quyền mà phong trào có thể bị yếu, mỏng, hay có lúc bị phân chia, nhưng nhìn chung vẫn đang vận động tiến lên và có triển vọng Còn luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng từ Hà Nội, thì nói Đảng đông quân số, lại nắm hết các lực lượng chuyên chính từ quân đội, công an, tới tòa án và toàn bộ bộ máy chính trị, cai trị, nhưng thiếu chính nghĩa. Trong khi vẫn theo nhà hoạt động dân chủ này, các lực lượng tranh đấu vì dân chủ tuy yếu hay mỏng, nhưng lại có tương lai vì nắm trong tay chính nghĩa và được sự ủng hộ của người dân và các phong trào tiến bộ dân chủ quốc tế.
|