TIếNG DÂN
Sự khốn cùng của công nông Việt Nam, cần tái phục hồi vận động
nghiệp đoàn tự do
Jackhammer Nguyễn
Ông Đoàn Khắc Xuyên, một cây bút lâu năm của làng báo Việt Nam, hôm
16-11-2021 viết
trên báo Người Đô thị, như sau: “Tăng trưởng cần hướng đến
con người hơn, bằng không về lâu dài sẽ chẳng có tăng trưởng hay phát
triển khi công nhân không còn muốn bán sức lao động với giá rẻ để nhận
lấy cuộc sống bấp bênh, không biết ngày mai sẽ ra sao”.
Có lẽ đây là bài báo đầy đủ và sâu sắc nhất bằng tiếng Việt, nói về việc
hàng triệu công nhân ở các khu công nghiệp ở Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ
bỏ chạy về quê khi đại dịch Covid bùng nổ.
Theo con số ông Đoàn Khắc Xuyên đưa ra, trong đợt bùng nổ dịch đó có tới
1.500 trẻ em trở nên mồ côi, tức là có khoảng trên dưới 700 cặp vợ chồng
tử nạn trong vòng chưa đầy hai tháng (cứ cho là mỗi cặp vợ chồng có 2
con theo chính sách của nhà nước Việt Nam).
Ông Xuyên không nói rõ, có bao nhiêu phần trăm trong số đó là công nhân,
nhưng ngay phía trên ông có phân tích về thảm cảnh sống của người công
nhân ở các khu công nghiệp, cũng như người lao động trong các khu phố
tồi tàn của Sài Gòn.
Phân tích của nhà báo Đoàn Khắc Xuyên khác hoàn toàn với nhận định khá
lạnh lùng của đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông
Chính được báo Dân Trí ghi lại như sau: “Đây là một hiện
tượng bình thường trong kinh tế thị trường, đó là dịch chuyển thị trường
lao động” (?!), khi ông nói về chuyện lao động chạy dịch về quê.
Không rõ khái niệm “thị trường lao động” là cái gì đối với viên thủ
tướng gốc công an này. Hơn 1 triệu người này bỏ chạy về quê vì hết gạo
ăn, vì có khả năng gục ngã do Covid, chứ đâu phải họ chạy về quê vì ở đó
họ có công việc khác tốt hơn mà ông Chính bảo là “dịch chuyển thị
trường”?
Trên các mặt báo trong nước từ khi những biện pháp phong tỏa giảm bớt,
người ta thấy liên tục xuất hiện các bài báo nói về tình trạng thiếu hụt
công nhân ở các khu công nghiệp.
Nhưng khác với ông Đoàn Khắc Xuyên, tôi nghĩ rằng những công nhân, mà
thật ra là những nông dân lao động rẻ tiền ở các nhà máy, xí nghiệp, sẽ
vẫn trở lại các hãng xưởng, vì đâu còn chỗ nào khác tốt hơn, cuộc sống
nơi thôn quê mùa màng thất bát, đầy công an và bí thư xã, đâu có gì tốt
hơn 2 mét vuông mỗi người trong các khu trọ ở thành phố!
Còn có một số cách khác có thể là lối thoát cho công dân Việt Nam là bỏ
ra nước ngoài, bằng con đường đi làm thuê hợp pháp, hay phi pháp. Nhưng
lối đi này hẹp hơn, hơn nữa cũng bi kịch và đầy chết chóc, có khi kết
thúc như 39 người chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh, hay phải làm việc
như nô lệ cho chủ người Trung Quốc ở Serbia.
Số đông người nông dân Việt Nam cũng sẽ lên thành phố và các khu công
nghiệp để làm thuê, góp phần vào nguồn lao động rẻ mạt vô tận cho thời
kỳ tư bản chủ nghĩa hoang dã của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng tự
xưng là bảo vệ quyền lợi công nông dưới lá cờ búa liềm của họ.
Con đường bỏ quê lên phố là không thể tránh khỏi cho nông dân Việt Nam.
Nhưng để đối mặt với sự câu kết của giới tư bản và các quan chức cộng
sản, họ lại không có tổ chức mạnh để tranh giành quyền lợi của họ.
Các nỗ lực vận động sức ép thương mại lên Hà Nội để cho phép thành lập
các nghiệp đoàn độc lập, cho đến giờ này đều thất bại. Áp lực từ Mỹ đã
kết thúc sau khi thỏa ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, trong đó đòi
Việt Nam cho phép nghiệp đoàn độc lập, bị Mỹ rút ra và hiện nay dù vẫn
còn tồn tại nhưng không có gì là thực chất.
Áp lực từ Liên Âu thông qua thỏa ước tự do thương mại song phương được
dự báo cũng sẽ thất bại, vì các quốc gia châu Âu và các đại công ty châu
Âu quan tâm tới thị trường 100 triệu dân Việt Nam hơn là cuộc sống nhọc
nhằn của người thợ Việt Nam.
Các hoạt động ngầm của phong trào nghiệp đoàn tự do cũng đã thất bại, vì
nhiều nguyên nhân như sự quan liêu của giới lãnh đạo sống ở hải ngoại,
sự tha hóa của một số nhân vật cầm đầu trong nước và sự đàn áp của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Đại dịch Covid, cũng như sự cạnh tranh phương Tây và Trung Quốc cho thấy
có khả năng rất lớn là, Việt Nam sẽ là căn cứ cho các hoạt động công
ngiệp tới đây trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó phương Tây không
muốn bị Bắc Kinh kiểm soát để có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng ấy.
Công nghiệp hóa tại Việt Nam sẽ vẫn là chuyển động lớn nhất của xã hội
Việt Nam trong những năm sắp tới, trong đó hàng trăm ngàn, hàng triệu
nông dân và gia đình họ sẽ bỏ quê lên phố. Số phận của hàng triệu người
đang và sắp thay đổi lối sống này sẽ quyết định tương lai của Việt Nam,
liệu đất nước này một quốc gia ít bất bình đẳng xã hội với tầng lớp
trung lưu bình ổn, hay là một quốc gia thất bại với hàng triệu con người
bỏ chạy hỗn loạn khi thiên tai dịch bệnh!
Tái lập lại cuộc vận động cho các hoạt động nghiệp đoàn tự do là điều mà
những ai quan tâm tới tương lai Việt Nam cần phải làm trong lúc này. |