RFA Blog 4-7-14

Không chỉ là nghi ngờ

 

Nghi ngờ là bản năng và cũng là bản tính của con người, sự nghi ngờ của mỗi con người được đánh giá chưa hẳn là tốt và cũng không phải đã là xấu, nếu như nó có chừng mực. Tôi là người trân trọng và thích theo đuổi sự thật, cũng có lẽ bởi tôi thích lời Triết gia Rene Descartes (Pháp) có nói rằng: "Nếu bạn muốn trở thành người theo đuổi sự thật, bạn cần phải ít nhất một lần trong đời nghi ngờ mọi thứ bằng hết sức của mình".

Trong các bài viết bình luận chính trị của mình, tôi luôn đưa ra các giả thuyết và dùng các lập luận khách quan để chứng minh sự đúng đắn của giả thuyết đó. Giữa những giả thuyết và sự thật bao giờ cũng có những khoảng cách nhất định, theo tôi một nhà báo hay một nhà bình luận chính trị giỏi là người có sự cách biệt giữa những giả thuyết của mình đưa ra và sự thật diễn ra sau đó là ít nhất. Và việc không còn khoảng cách biệt giữa giả thuyết và sự thật đã diễn ra, nghĩa là khi giả thuyết chồng lên sự thật thì người ta gọi là sự tiên đoán. Nói vài dòng có vẻ triết lý đầu bài viết cũng là để biện minh cho việc một số bạn đọc có ý kiến cho rằng: gần đây tôi có những giả thuyết và nhận định đã gây sốc cho bạn đọc. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nói chung hay lập trường quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam nói riêng.


Các diễn biến chính trị của chính trường Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhất là kể từ đầu tháng 5.2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải - vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam được dư luận đặc biệt chú ý. Đặc biệt là thái độ cũng như quan điểm của của các tứ trụ 
lãnh đạo hay bốn con ngựa (tứ mã) kéo cỗ xe Việt Nam (nói theo cách báo chí Trung Quốc viết) được ví là những con ngựa bất kham đang ra sức chạy theo các hướng khác nhau, mỗi ngựa mỗi hướng. Điều đó được đánh giá rằng đã giảm đi sức mạnh đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN. Và sự lừng chừng trong quan điểm của nhà nước Việt Nam trong vấn đề Biển Đông trong thời gian qua, nguyên nhân là từ đó mà ra.

 

Trong những ngày gần đây, sau hai tháng khi mà sự ấp úng và kiệm lời của các lãnh đạo Việt Nam (trừ ông Thủ tướng) đã bị dư luận phản ứng dữ dội và coi đó là sự vô trách nhiệm của những người đứng đầu nhà nước trước lúc chủ quyền bị đe dọa bởi sự xâm lăng, gây hấn của chính quyền Bắc kinh. Thì đột nhiên, từ ngày 01.7.2014 trở lại đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam một lần nữa bỗng lên cơn lên đồng tập thể với các phát biểu, hành động để phản ứng Trung Quốc khá gay gắt. Đặc biệt là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan củng cố hồ sơ pháp lý Kiện Trung Quốc để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông. Trong lúc chờ đợi, các ông TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... thì người ta thấy cả Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh cũng lên tiếng tham gia, khi tuyên bố Việt Nam sẽ giành lại những gì đã mất. Điều đó được dư luận đánh giá là sự thể hiện sự thống nhất về ý chí của tứ trụ lãnh đạo Việt Nam, trong việc sử dụng biện pháp pháp lý để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan HD-981 nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Vấn đề bây giờ chỉ còn là thời gian là kiện Trung Quốc vào lúc nào?


Mới nhất, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 03.7.2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời báo giới về thời điểm khi vào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra các cơ quan trọng tài và tài phán quốc tế, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Sẽ kiện Trung Quốc vào thời điểm mang lại lợi ích cao nhất cho Việt Nam”. Có nghĩa là chắc chắn phía Việt Nam sẽ kiện, song quan trọng nhất là Việt Nam chỉ kiện khi nào ta có lợi nhất. Điều đó là hoàn toàn đúng, vì trong lúc này cái mà chính quyền Việt Nam lo sợ nhất là sẽ bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế, trong lúc nền kinh tế Việt Nam hiện nay hầu như hoàn toàn dựa vào Trung Quốc. Cụ thể là nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn, liên tục diễn ra, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, cũng nhưmột số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào thị trường Trung Quốc. Không những thế trong lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác hiện nay, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong bối cảnh đó việc thận trọng trong việc kiện Trung Quốc là hết sức cần thiết và phải được tính toán kỹ.


Tuy nhiên lý do này cũng cần phải được lật đi lật lại, thậm chí là phải được nghi ngờ vì nó là cái cớ để một số người trong ban lãnh đạo Đảng CSVN có thể vin vào đó để lần chần trong việc kiện Trung Quốc với lý do là chưa có lợi. Và một khi lật ngược vấn đề thì một ý kiến đáng chú ý được đưa ra là biết đâu một bộ phận lãnh đạo Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng tiền bạc để mua chuộc và dẫn tới đã bị vô hiệu hóa?  


Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn coi đồng tiền là Tiên, là Phật. Thời bây giờ, thời đại Hồ Chí Minh - hậu Năm Cam thì trong xã hội, người ta từ người già đến trẻ em, từ cán bộ, đảng viên đến dân thường thì ai ai cũng hưởng ứng học tập và thấm nhuần triết lý sống của ông "trùm", đó là: "Có những thứ không mua được bằng tiền. Nhưng lại mua được bằng rất nhiều tiền?". Điều đó nay đã trở thành chân lý và giá trị thiết thực hơn hẳn các khẩu hiệu kiểu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của một thời u mê. Tất cả mọi người bây giờ đều tỉnh ngộ, thực tế hơn trong cái xã hội không có kỷ cương trật tự và mọi giá trị truyền thống  đều đã bị đảo lộn. Chính vì thế các chiêu lừa chính trị tư tưởng của đảng để định hướng quần chúng bây giờ đã hết đất dụng võ. Cũng bởi dân bây giờ do thấm đòn nhiều nên ai cũng khôn ra, nói nhảm nói bậy dân họ đều biết cả. Với cái bộ máy nhà nước hiện nay đang mục ruỗng bởi vấn đề tham nhũng không được quan tâm giải quyết, không ai bảo được ai vì đều tham nhũng như nhau. Tham nhũng tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và mọi ngõ ngách của cuộc sống đã trở thành chuyện bình thường. Có ai không tham nhũng và không tiếp tay cho tham nhũng mới là chuyện lạ.


Theo truyền thông nhà nước cho biết, tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3.7.2014, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Trung Quốc là bậc thầy về mua chuộc, đút lót. Tình trạng kinh tế chúng ta phụ thuộc phải chăng là do lợi ích nhóm chi phối mạnh” và 
TS. Lê Đăng Doanh cũng đã báo động rằng: “Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”. Và TS. Lê Đăng Doanh cũng đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy. Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”. Sở dĩ nhà thầu Trung Quốc trúng hầu hết các công trình quan trọng là do chính sách chọn thầu của Việt Nam chú ý nặng về giá, do nắm được nên phía Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật đưa ra giá thầu thấp để rồi điều chỉnh tăng sau. Và tất nhiên làm được điều đó thì chắc chắn nhà thầu Trung Quốc sẽ phải dùng rất nhiều tiền để mua chuộc cán bộ Việt Nam từ cấp Bộ trưởng trở xuống, đó là điều chắc chắn. Đáng lưu ý ở đây là vấn đề lợi ích nhóm được nhắc tới và những kẻ đứng đầu có khả năng khuynh loát và chi phối các nhóm lợi ích đó không thể ngoài những cán bộ cao cấp nhất (!?). Thượng bất chính thì hạ tắc loạn là như thế.

 

Trong sử sách Trung Quốc mà chúng ta đã đọc, thì chiêu dùng bạc vàng, ngọc châu để đút lót là các chiêu các Vua, quan  Trung Quốc ưa dùng. Bằng Vàng bạc, châu báu mà người ta có thể dụ tướng địch mở cửa thành cho quân bên ngoài theo chước "Nội công, ngoại kích" để đánh thành, thì há cỡ gì đến ngày nay chiêu bẩn này không được chính quyền Trung Quốc dùng với Việt Nam? Nhất là các thông tin từ vụ án Dương Chí Dũng cho thấy, thượng tướng công an Phạm Qúy Ngọ và cấp trên của ông ta (chưa phải là các lãnh đạo cấp cao nhất) đã nhận tiền hối lộ cả triệu đô la Mỹ một cách nhẹ như nhận cân đường hộp sữa. Thì điều đó sẽ khiến người ta có quyền nghi ngờ một vài lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng sẽ nhận bạc triệu hoặc nhiều, nhiều triệu đô la từ phía Trung Quốc để làm hay không thực thi trọng trách của mình là điều hoàn toàn rất có thể. Ai dám đảm bảo là điều đó là không thể xảy ra? Trong lúc cơ chế kiểm soát tham nhũng của Đảng CSVN trong nhiều chục năm qua đã hoàn toàn bất lực và đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Các chương trình chống tham nhũng với việc xử lý các đại án trong thời gian qua cũng cho thấy chỉ là trò đánh trống khua chiêng. Cũng chỉ chống được đám tép riu, tay chân. Còn những con cá lớn thì vẫn nghiễm nhiên tồn tại để cao giọng dạy dỗ người khác về vấn đề đạo lý và nhân cách.

 

Lâu nay, một trong những lý do mà dư luận đồn đoán rằng ban lãnh đạo Đảng CSVN không dám lớn tiếng phản bác Trung Quốc hay tỏ ra chống Trung Quốc mà luôn phải ngoan ngoãn thần phục. Nghe nói cũng vì Trung Quốc đang nắm giữ con bài tẩy, đó là nhiều bí mật tày đình mang tính thâm cung bí sử liên quan đến các lãnh đạo Đảng CSVN từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay. Điều mà người ta cho rằng một khi những bí mật này được bật mí thì nó có thể làm sụp đổ cả cái chế độ hiện tại, do sự thất vọng của người dân.

 

Biết đâu một phần trong các bí mật ấy lại có liên quan đến những việc không thể mua được bằng tiền - mà mua được bằng rất nhiều tiền của các lãnh đạo hiện đại? Phải chăng "Há miệng mắc quai", đó là lý do khiến cho một vài ai đó trong Ban lãnh đạo của Đảng CSVN lân khân, chần chừ trong việc phản ứng với Trung Quốc một cách triệt để?

 

Ngày 04 tháng 7 năm 2014

 

© Kami

 

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA