BBC 10-12-13

'Không để dân phòng kiêu binh, làm loạn'

 

Cần phải đẩy lùi tệ nạn lạm quyền gây bạo hành do dân phòng thi hành với thường dân, theo một số ý kiến quan sát từ Việt Nam.

Gần đây theo báo chí trong nước, đã xảy ra nhiều vụ người dân bị lực lượng trị an giúp việc cho chính quyền địa phương hành hung, hoặc sách nhiễu, vượt qua quyền hạn và chức năng của họ, từ 'bắt hàng rong' cho tới 'chặn bắt' người và phương tiện giao thông trong đời sống thường nhật.

Bình luận hôm 09/12/2013 với BBC, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, đặt vấn đề về chất lượng của lực lượng được cho là bán chuyên nghiệp này.

"Lực lượng dân phòng để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát hoặc công an nói chung để giữ gìn trật tự an ninh xã hội về nguyên lý là một việc làm đúng, là tốt. Nhưng lực lượng dân phòng này được tuyển chọn không được kỹ và không được huấn luyện một cách đầy đủ, bài bản, nên nhiêu khi họ thực hiện nhiệm vụ không đúng chức trách mà họ được giao."

"Nhiều cá nhân trong lực lượng này đã vượt qua trách nhiệm và phạm vi quyền lực của họ. Ngay tại Hà Nội, những người này nhiều khi đã gây nên một số hiện tượng phản tác dụng, và nó làm xấu cho bộ mặt nhà nước."

Mới đây, tờ Dân Trí phản ánh vụ việc một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh bị lực lượng dân phòng, trật tự phường hành hung tới mức phải 'nhập viện' vì 'tội' bán hàng rong.

Tờ báo nói "một người bán hàng rong đã bị hàng chục người thuộc tổ công tác gồm: dân phòng, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố... của phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM đánh đập liên tiếp đến mức phải nhập viện".

Tờ báo nói thêm hôm 06/12, ông Trịnh Xuân Tình, quê ở tỉnh Thanh Hóa, đang tạm chú ở tỉnh Bình Dương, do không đồng ý để cho các lực lượng trị an này đưa về phường xử lý cùng với chiếc xe chở 'rau củ quả' ở một 'khu chợ tự phát', đã bị hành hung nghiêm trọng.

"Những người trong tổ công tác đã dùng tay đánh anh Tình làm anh này té xuống đường. Sau đó lực lượng chức năng xông vào 'đánh hội đồng'. Thậm chí họ còn dùng còng số 8 còng tay anh Tình rồi dùng công cụ hỗ trợ tấn công anh này," tờ Dân Trí nói.

'Loạn kiêu binh?'

Phản ứng trước vụ việc hôm thứ Sáu , từ Huế nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nguyễn Đắc Xuân cho biết trong lịch sử Việt Nam trước đây, ngoài một số ngoại lệ nhỏ như 'cường hào, ác bá' ở địa phương ra, không nơi nào, triều đình và thể chế nào có một lực lượng kiểu như 'dân phòng, trật tự' hoạt động như hiện nay.

Bàn về nguyên nhân của vụ hành hung hôm thứ Sáu, nhà nghiên cứu nói:

"Trong số đó cũng có người vô đạo đức, không có đạo đức... cho nên họ vô làm đó, họ cũng thấy quyền hành. Họ làm quá quyền hạn, mà cái đó tôi chắc là nhà nước sẽ cấm, chứ không phải là chấp nhật, không thì loạn. Cái đó không dẹp là loạn."

"Loạn là kiêu binh, làm tầm bậy. Họ sẽ không để cho lực lượng đó được tung hoành trên đường phố, hè phố đâu."

Trong một vụ khác, hôm 25/10/2013, tờ Tuổi Trẻ phản ánh việc một người dân đã bị dân phòng dùng gậy đánh bị thương phải nhập viện ở tỉnh Tiền Giang trong khi đang đi xe.

Tờ báo cho hay khi ông Trần Hoài Phương, 36 tuổi, ngụ xã Tân Thuận Bình, ở huyện Chợ Gạo đang đi xe máy thì gặp một tổ dân phòng của xã 'đứng chốt và ra hiệu dừng xe.'

"Lúc mới dừng xe lại thì một người trong nhóm dân phòng dùng gậy ba trắc đánh rất mạnh vào mặt khiến anh choáng váng. Đánh xong cả nhóm dân phòng bỏ đi. Một lát sau hai người bạn của anh Phương đưa anh đi bệnh viện trong tình trạng máu từ miệng chảy rất nhiều. Anh bị khâu 7 mũi ở vùng mặt," tờ báo nêu.

Tờ Nhân Dân trước đó gần một năm cũng đặt vấn đề "dân phòng lạm quyền" ở ngay Thủ đô Hà Nội. Bài báo hôm 21/10/2012 phản ánh việc nhiều dân phòng đã tự cho mình quyền được 'chặn bắt, phạt' những người dân tham gia giao thông.

Tờ báo của Đảng viết: "Lâu nay, trên nhiều tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội, xuất hiện lực lượng dân phòng đứng chặn, bắt người vi phạm luật lệ giao thông. Không ít người dân cảm thấy rất bất bình với lực lượng này bởi tác phong làm việc không đúng mực, lạm quyền trong khi thi hành công vụ."

'Ra oai với dân'

Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói với BBC về việc cần chấn chỉnh và giáo dục lại lực lượng dân phòng, trật tự ở cấp phường, xã này.

Ông nói: "Thứ nhất là bồi dưỡng, giáo dục về mặt pháp luật, phải làm cho họ hiểu được luật pháp như thế nào và phạm vi trách nhiệm của mình được đến đâu, như thế nào.

"Chứ nếu họ cứ nghĩ rằng họ được trang bị một cái dùi cui, một bộ quần áo đồng phục hay một đôi giày, bản thân họ nghĩ rằng mình đây là một lực lượng ghê gớm lắm đây.

"Thứ hai phải giáo dục, bồi dưỡng cho họ về mặt chính trị, tức là làm việc đây là phục vụ nhân dân, chứ không phải là ra oai với người dân. Rất ít người trong lực lượng dân phòng nghĩ đây là phục vụ nhân dân, mà đây là ra oai với người dân."

Cựu Đại tá Công an cho rẳng chính vì nhận thức này, cộng với ý thức pháp luật hạn chế, trình độ nghiệp vụ chưa được đào tọa huấn luyện chu đáo, thì "rất dễ họ va vấp với người dân và chính họ là người vi phạm pháp luật."

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng bày tỏ lo lắng, quan ngại về 'đạo đức xuống cấp' ở Việt Nam, điều mà ông cho rằng Quốc hội và chính quyền đã chưa nhận thức đầy đủ, phù hợp.

"Quốc hội Việt Nam họ không thấy vấn đề quan trọng nhất hiện nay là vấn đề đạo đức xã hội, tôi chưa thấy có một chủ trương, phong trào gì mạnh mẽ, đột khởi để giải quyết vấn đề đạo đức.

"Mà đạo đức xuống cấp, thì không có cách gì anh xậy dựng được cái gì tốt hết," nhà nghiên cứu nhấn mạnh với BBC.