RFA - Blog Kami
5-2-2013

Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp?

 

Hôm vừa rồi có một anh bạn khoe với tôi là anh vừa ký vào bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 do các trí thức, nhân sĩ yêu nước soạn thảo trên trang Bauxite. Và anh hỏi tôi rằng "Ông có tham gia ký không?". Tôi trả lời ngay mà không cần suy nghĩ "Tôi chẳng bao giờ mất thì giờ cho những trò bịp bợm và hữu danh vô thực như thế!".

Cái trò bịp bợm và hữu danh vô thực mà tôi nói đến ở đây là việc góp ý hay ký kiến nghị cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Câu trả lời của tôi chắc không làm anh bạn tôi hài lòng, có thể anh nghĩ tôi vô trách nhiệm với những vấn đề trọng đại của đất nước? Không có thời gian và cơ hội để giải thích cùng anh ngay lúc đó, song trong bụng tôi lúc ấy nghĩ rằng sẽ tìm cách để giải thích để anh bạn và những người khác hiểu vì sao tôi không ký. Trước hết xin đọc câu chuyện "Ở đây Có Bán Cá Tươi" rồi sẽ hiểu vì sao?

Chuyện rằng: "Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng: "Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI". Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo: - Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề là "cá tươi"! Nhà hàng nghe nói, xoá ngay chữ "tươi" đi. Hôm sau, có người đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo: - Người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là: "Ở đây"! Nhà hàng nghe có lý, xóa hai chữ "Ở đây" đi. Cách vài hôm, lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo: - Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là "có bán"! Nhà hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ "có bán" đi. Thành ra trên biển chỉ còn có mỗi chữ "cá"! Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không ai còn bắt bẻ gì nữa. Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển nói: - Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thì đã thấy đầy những cá, ai mà chẳng biết là bán cá, còn đền biển làm gì nữa! Và thế là nhà hàng cất nối cái biển."

Câu chuyện trên có ý nhắc nhở và phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe những ý kiến khác, nó cũng tương tự như câu chuyện đẽo cày giữa đường. Từ câu chuyện này, giờ đây đã trở thành một thuật ngữ gọi là chiêu bán cá. Cũng tương tự trường hợp vừa rồi một cửa hàng ở Thượng Hải Trung quốc, nhằm khơi dậy lòng yêu nước của dân Trung quốc người ta treo biển đề “Cá đánh bắt từ Điếu Ngư”. Sự việc diễn ra giữa lúc căng thẳng tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Khi mà Nhật bản vừa bắt giữ được một tàu cá TQ xâm phạm lãnh hải. Sự việc khiến Thủ tướng Nhật nổi giận khẳng định: “Bằng mọi giá bảo vệ lãnh hải quốc gia…”.

1. Đảng CSVN có thực tâm sửa Hiến pháp hay không?

Về cơ bản là không. Nó không khác mấy câu chuyện "Ở đây Có Bán Cá Tươi". Mà trong bảng phân vai thì mỗi cá nhân chúng ta thủ vai người khách đến mua cá, còn đảng CSVN và chính quyền thủ vai lão bán cá và cái biển "Ở đây Có Bán Cá Tươi" được thay bằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chỉ khác là lão bán cá ở đây là một kẻ láu cá, láu tôm. Lão muốn PR cho cái tiệm bán cá, nên đã có chủ ý bày ra chuyện làm cái bảng "Ở đây Có Bán Cá Tươi" để cho mọi người góp ý xong thì lão sẽ cất cái biển đi coi như không có chuyện gì xảy ra. Cũng như đảng và chính quyền để cho dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mục đích chính là họ muốn chứng tỏ cho cho người dân và dư luận quốc tế thấy sự rất dân chủ, tự do và cầu thị của chính quyền trong việc này. Mà ít người biết rằng cái kết quả cuối cùng sẽ không khác gì cái biển "Ở đây Có Bán Cá Tươi" được cất đi, có nghĩa là đâu lại vào đấy, Nguyễn Y Vân - vẫn y nguyên. Mà vô tình chỉ có những ai tham gia góp ý sẽ trở thành những kẻ bị mắc lừa.

Nếu việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà chính quyền thực sự muốn làm thì đã không có chuyện Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định với báo giới rằng "Không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến pháp", thì ngày 28/12/2012, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với nội dung "phải kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta". Như vậy là có ý nghĩa gì?

Việc sửa đổi hiến pháp sẽ được đảng và nhà nước sử dụng thường xuyên, để xoa dịu sự bất bình của nhân dân và tạo cho họ một chút hy vọng nhỏ nhoi. Chứ không bao giờ chúng ta được phép tin rằng đảng và nhà nước có mong muốn để cải thiện cái cơ chế chính trị hiện tại đầy bất cập này. Vì chả có ai muốn đập vỡ nồi cơm và đốt cháy cái bảo tải tiền mà họ đang thỏa sức đánh chén và vơ vét cả.

2. Vậy tại sao đưa vấn đề sửa Hiến pháp ra vào thời điểm này?

Để lừa dân. Sự khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với chính quyền tại thời điểm hiện tại có lẽ là thấp nhất chưa từng có trong lịch sử 83 năm hoạt động của đảng CSVN. Việc đưa ra việc góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng chỉ là viên thuốc nhằm làm giảm nhiệt sự bất bình của nhân dân về những lỗi lầm do lãnh đạo đảng CSVN gây ra trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt là mặt kinh tế, đã gây ra biết bao hệ lụy, khiến đời sống của người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn cộng với tình trạng quá nhiều doanh nghiệp đã phá sản và đang trên bờ vực của sự phá sản.

Về thực chất, việc góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng sẽ không khác gì chuyện bầu cử Quốc hội ở Việt Nam theo công thức đảng cử dân bầu, và đảng chọn các Đại biểu Quốc hội theo ý của họ mà ai ai cũng biết là trò bịp. Cử tri đâu có biết ai được bao nhiêu phiếu, vì bầu xong đâu có thấy họ kiểm phiếu công khai và thông báo kết quả cụ thể ra sao. Vậy thì việc đi bầu, cũng như việc góp ý hay ký kiến nghị cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vô tình chúng ta tiếp tay cho họ nói dối và lừa bịp công luận quốc tế. Rằng Việt Nam hết sức cởi mở và tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân và Hiến pháp đưa ra sử dụng đã có sự tiếp thu góp ý sửa đổi của dân chúng thì đừng có ai bảo thể chế chính trị của Việt Nam là độc tài. Dù ai cũng biết điều 4 của Hiến pháp khẳng định sự độc quyền chính trị của đảng CSVN nếu công khai cho trưng cầu dân ý thì không dưới 70% cử tri sẽ không chấp nhận. Nguy hiểm là ở chỗ đó.

3. Phải chăng họ đã có trong tay một bản Hiến pháp đã sửa đổi hoàn chỉnh?

Đã biết chắc việc có hay không góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì kết quả sẽ như nhau, vì Hiến pháp sửa đổi hay không sửa đổi, sửa đổi vấn đề gì hoàn toàn do đảng và chính quyền sẽ quyết định. Chắc chắn một điều, họ sẽ chỉ sửa đổi những cái gì có lợi cho họ, và đó là những cái sẽ có hại cho dân. Đành rằng việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cực kỳ quan trọng, nếu đảng và chính quyền làm đúng làm đủ với tinh thần công khai, minh bạch. Chính quyền thực sự lắng nghe ý kiến của người dân một cách thực sự, thì lúc đó nó sẽ là mốc xoay chuyển quan trọng, một sự chuyển đổi mạnh mẽ mang tính đột phá để đưa đất nước tiến lên.

Song trên thực tế có nhiều bằng chứng cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp 1992 để nhằm mục đích hợp thức hóa các văn bản dưới luật mà chính quyền đã ban hành nhưng vi phạm Hiến pháp. Đây là cách làm luật ngược đời theo lối đẽo chân cho vừa giày, mà theo nguyên tắc Hiến pháp là luật pháp cao nhất của một quốc gia, các văn bản dưới luật ban hành phải trong khuôn khổ của Hiến pháp cho phép. Ví dụ trong cuộc tọa đàm trực tuyến của Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên Tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 đã tuyên bố, "...nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2013 thì phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến Pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật đất đai (sửa đổi)". Hay như mặc dù dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất đã bỏ khái niệm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nhưng trên thực tế không phải như thế. Đó là lý do vì sao tại Hội nghị do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức cuối tháng 1.2013, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phàn nàn “Kinh tế năm 2013 bàn nát ra rồi. Chính phủ có nghị quyết rồi, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch rồi, bây giờ có bàn cũng là bàn chơi thế thôi”

Theo nhận xét của GS. Trần Hữu Dũng thì chắc là "Đảng cũng đã viết xong Hiến Pháp 2013 rồi, giả vờ "hỏi ý kiến" cũng là để chơi thôi!". Hoặc cũng như việc giữa năm 2010, chính quyền cũng đã từng rầm rộ về việc Sửa đổi Hiến pháp, mà bằng chứng là một bài trả lời phỏng vấn của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có từ ngày 24.6.2010 vừa được đăng lại trên trang Tuần Việt nam.

4. Có cần vội vã sửa Hiến pháp hiện tại?

Câu trả lời là không! Sửa Hiến pháp là việc trọng đại của quốc gia, cần có một thời gian dài để láy ý kiến nhân dân để tổng hợp các nguyện vọng của số đông và thể hiện trong bản Dự thảo Hiến pháp. Việc này không thể tiến hành một cách vội vã để xong ngay lập tức. Vì nếu như vậy Hiến pháp sẽ có nhiều lỗ hổng mà sau đó không lâu sẽ phải sửa đổi lại như ta từng thấy trong quá khứ. Sự khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với đảng và kể cả chuyện mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN hiện nay thực ra cũng là hệ quả tất yếu của một thiết chế chính trị không coi trọng việc kiểm tra và điều chỉnh (check and balances), sự độc quyền chính trị và thiếu vắng sự cạnh tranh trong chính trị. Đặc biệt là sự không thống nhất giữa lý thuyết (Hiến pháp) và hành động (thực hiện Hiến pháp). Nghĩa là hậu quả của tệ nạn luật pháp nói một đằng, nhưng thực hiện làm một nẻo trong một thời gian quá dài. Điều đó đã đến lúc thực tế cho thấy đảng CSVN không có khả năng kiểm soát quyền lực ngay trong nội bộ của đảng mình, từ trung ương tới địa phương cũng vì như vậy. Trên lý thuyết, tuy Hiến pháp 1992 cũng có những sự bất cập, nhưng nó không đến mức bắt buộc và cần thiết phải sửa đổi ngay lập tức như chúng ta nghĩ. Kể cả điều 4 cũng vậy, nếu các nội dung trong bản Hiến pháp năm 1992 được thực hiện đúng và đủ một cách nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát của một Hội đồng bảo hiến độc lập, quyền lực thứ 4 là báo chí và sự giám sát chặt chẽ của người dân để bắt buộc đảng CSVN phải hoạt động theo đúng pháp luật.

Điều đó cho thấy lỗi mà chúng ta thấy là xuất hiện từ hành động chứ không phải do lý thuyết (Hiến pháp) chưa đúng. Và ngược lại, nếu như chúng ta có một bản Hiến pháp đã sửa đổi hoàn chỉnh, hợp lòng dân có đầy đủ tiêu chí của một bản Hiến pháp dân chủ, mà không có việc thực thi Hiến pháp một cách nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát của một Hội đồng bảo hiến độc lập và các thiết chế kiểm soát khác thì mọi việc rồi sẽ vẫn diễn ra y như cũ. Như chuyện đã từng xảy ra sau khi bản Hiến pháp 1946 ra đời, đảng CSVN đã chủ trương thủ tiêu, đàn áp các đảng phái khác. Hay việc các văn bản dưới luật vi phạm Hiến pháp và vẫn ngang nhiên tồn tại là một minh chứng. Tóm lại, toàn bộ mọi vấn đề bất cập là ở việc thực thi Hiến pháp của chính quyền.

Kết

Một trong những nguyên tắc bất di, bất dịch của cá nhân tôi trong việc tiếp nhận thông tin, nếu là truyền thông nhà nước họ nói gì, viết gì thì cứ hiểu ngược lại sẽ là luôn luôn đúng sự thật. Nhờ cái phương châm này mà cá nhân tôi ít khi phải bực mình mỗi khi tiếp nhận thông tin. Từ đó suy ra, những ai đã lỡ tham gia đóng góp ý kiến hay đặt bút ký kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, họ sẽ là những kẻ bị mắc lừa và tiếp tay cho màn kịch lừa bịp của chính quyền với dư luận quốc tế về thứ dân chủ giả hiệu. Được biết, trong thâm tâm của những người tham gia góp ý hay ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 họ cũng thừa biết những ý kiến của họ sẽ không bao giờ được tiếp thu và đưa vào Hiến pháp sửa đổi. Nhưng họ vẫn làm vì cái tâm của họ muốn góp sức vì sự tiến bộ đất nước và phát triển của đất nước.

Khi viết đến đây, thì vừa được tin 15 vị nhân sĩ, trí thức đại diện cho 72 vị khởi xướng việc ký Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 đã mang Bản kiến nghị này để nộp cho Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội. Sáng nay lại nghe tin "Một nhà báo cho biết: báo Người lao động đã phải gỡ bỏ bản tin trao kiến nghị của các nhân sĩ, trí thức về “sửa đổi Hiến pháp 1992″ do có chỉ đạo từ “trên”. Nhưng hiện tin trên báo PLTP vẫn chưa bị gỡ. Một lúc sau thì lại: Tin bổ sung, hồi 10h30′ – Chúng tôi lại vừa phát hiện bản tin này đã được đưa lên trở lại" Không rõ lý do tại sao lại có chuyện lạ đời như thế và tại sao họ lại cố ý cho những việc làm đầy trách nhiệm của các nhân sĩ trí thức lại là những vấn đề nhạy cảm? Đã mất công, mất sức để rồi được chính quyền đền đáp bằng cái trò ú tim của lũ trẻ con như vậy, không biết các vị nhân sĩ, trí thức hay những người lên tiếng góp ý sửa đổi Hiến pháp họ sẽ nghĩ gì? Qua đó cho thấy, chính quyền họ đâu có thiết cho dân góp ý, mục đích của họ là cái khác như chúng ta nghĩ. Họ không muốn nhân dân xen vào công chuyện của họ. Nếu như thế màn kịch sửa đổi Hiến pháp mà chính quyền đang tiến hành chắc chắn chỉ phục vụ mục đích của riêng họ. Vậy khi ta tham gia vở diễn của họ, chúng ta sẽ làm lợi cho ai? Góp sức thay đổi đất nước đâu không thấy, chỉ thấy tiếp tay hợp pháp hóa tính chính danh của chính quyền?

Như Nhà văn Alexandre Solzenitsyn: " Khi thấy thằng cộng sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu không can đảm nói nó nói láo, ta phải bỏ đi. Nếu không can đảm bỏ đi, ta sẽ không nói lại ..." chắc chúng ta còn nhớ câu này?

Ngày 05 tháng 2 năm 2013