TIẾNG DÂN
Không khí xã hội Việt đương thời
Thái Hạo Tôi
bắt đầu ngạc nhiên cách đây chưa lâu, khi mới khoảng vài năm nay chú tâm
quan sát kỹ thế giới internet và môi trường xã hội Việt Nam. Có rất ít
những cuộc tranh luận nghiêm tục cả trong các vấn đề chính trị xã hội
lẫn khoa học và nghệ thuật. Chủ
yếu là chạy theo sự kiện với những lời bình tán đầy cảm tính và tất
nhiên thường không có mấy phẩm chất khoa học cũng như cơ sở vững chắc về
lý lẽ. Ví dụ rất gần cho dễ nhớ, ngay một vụ “mẹ tôi chửi kẻ trộm” eo
sèo suốt cả tuần nhưng lạ, không có mấy nhà khoa học lên tiếng. Những
người có chuyên môn đang ở đâu? Vấn đề nằm ở năng lực hay vì một lý do
gì khác mà cả vạn nhà giáo ngữ văn và nhà phê bình văn học không mấy ai
chắp bút? Ở
Việt Nam, “tinh thần khoa học” là một cái gì rất xa xỉ. Người ta ngại
đụng chạm, sợ mất lòng. Trong ban giám khảo của cuộc thi thơ ấy có những
“cây bút lớn của văn học đương đại”, và tất nhiên là các vị giáo sư tiến
sĩ có tên tuổi trong văn giới đều ít nhiều quen biết họ. Và thế là người
ta né, họ chọn im lặng để tránh mất lòng nhau. Môi
trường khoa học ở ta vẫn là một kiểu quan hệ gia đình, bằng hữu; người
ta sống với nhau bằng “cái tình” hơn là một thái độ khách quan. Tôi từng
chứng kiến những vụ “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” trong các buổi
bảo vệ luận văn. Chỉ vì ông thầy phản biện có thù với ông thầy hướng dẫn
thì học trò lãnh đủ; bằng không thì ngược lại, nếu các ông ấy là “chỗ
bạn thân” thì mọi việc sẽ nhẹ như lông hồng.
Trong “giới phản biện”, hay những người “bất đồng chính kiến”, “anh em
dân chủ” cũng diễn ra một tình trạng vừa bi vừa hài. Riết rồi người ta
không còn mấy sợ nhà cầm quyền nữa nhưng lại đâm ra sợ nhau. Người ta tự
kiểm duyệt không những với quyền lực mà còn luôn phải dè chừng với “anh
em”.
Trong các bài viết của mình, nếu thể hiện một tinh thần cầu thị và xây
dựng mà không chê bai chửi bới chính quyền thì lập tức bị “anh em dân
chủ” nghi ngờ. Nếu không thể hiện sự căm ghét Trung Quốc mà chỉ cần thể
hiện một sự thiện cảm với Nho giáo thôi thì lập tức có thể bị chụp lên
đầu cái mũ “Hán nô”. Thành ra, người ta luôn phải đương đầu với cả hai
lực lượng: chính quyền và “anh em”. Dần, họ không dám viết cái mình thấy
và cái mình nghĩ; họ bị cuốn đi đến thành thói quen; không còn mấy ai đủ
bản lĩnh để nói tiếng nói của mình nữa. Từ
tất cả những cái kỳ quặc trên, trong xã hội hình thành hai trường phái:
Phái im và phái chửi. Các nhà khoa học “hàn lâm, tháp ngà” thì im, đóng
cửa ngồi nhà để hý hoáy viết một cái gì cho 300 năm lẻ nữa; còn “anh em
dân chủ” thì chửi văng mạng, và luôn sẵn sang đập chết nhau nếu đứa bên
cạnh nói khác mình.
Thành ra, xã hội Việt Nam ồn ào nhưng tuồng như im lặng; im lặng nhưng
lại như thể rất sôi nổi. Nói rất nhiều nhưng chủ yếu là những tiếng ồn;
im lặng nhưng không mấy suy tư… Tôi
còn nhớ, lúc Bộ Giáo Dục công bố chương trình mới (2018) rồi sau đó là
hàng loạt văn bản hướng dẫn và quy định, tôi đã công khai ủng hộ. Những
gì tôi đang cố gắng và khao khát làm đã tìm thấy những chiếc phao nhỏ có
tính pháp lý về việc tự chủ chương trình, về giảm tải, về linh hoạt
trong kiểm tra đánh giá, về đa dạng các phương thức giảng dạy… Tất
cả những cái này là rất đúng đắn, những ai đang muốn đổi mới giáo dục từ
cơ sở thì chúng thật sự là một chỗ dựa. Tuy nhiên, khi tôi, để bảo vệ
quan điểm và phương pháp giáo dục của mình, viện dẫn tới chúng thì đã có
không ít các “nhà dân chủ” nhảy vào với lời lẽ kiểu “bắt quả tang” một
tên “tay trong”. Khi tôi nói về Nho giáo với tinh thần gạn đục khơi
trong hay những thứ hay ho mà người Trung Quốc đang có và giữ được thì
lập tức người ta xô vào nói “đích thị Hán nô”. Đầu
óc đầy định kiến và thù hận mà muốn xây dựng một xã hội “tự do, dân chủ,
nhân bản, khai phóng…” thì tôi không biết chúng ta sẽ lấy vật liệu gì để
xây. Chẳng lẽ lại xây nhà bằng những viên xỉ than? Tôi
đã nhiều lần nói thẳng với bạn bè mình rằng, tôi biết miền Nam Việt Nam
trước 1975 đã làm được nhiều thứ mà miền Bắc không làm được (cho đến tận
bây giờ), miền Nam có nhiều điều đáng để học hỏi và tôn trọng; tuy
nhiên, từ khi tôi chính thức viết bài trên cõi mạng tới giờ, mặc dù luôn
luôn phê phán chính quyền đương thời nhưng tôi chưa từng viết một câu
nào ngợi khen miền Nam VN như một biểu tượng hay mẫu mực cần vươn tới.
Đơn giản vì đó không phải là hình mẫu mà tôi sùng bái. Không phải vì
“anh em” yêu mến miền Nam mà tôi sẽ vì thế mà “viết cho vừa lòng nhau”. Khi
nào chúng ta thôi kiểm soát và xét nét nhau thì khi ấy ta mới đủ tư cách
nói về bình đẳng hay dân chủ hay tự do. Không thể vì tôi nghĩ khác anh,
anh liền quy kết tôi, miệt thì tôi, chụp mũ tôi v.v.. để xưng rằng mình
là “nhà dân chủ” được. Thái độ ấy với thái độ của những người cộng sản
thì có khác chi nhau? Im
lặng, vô hùa hay vị nể mà không đứng trên tinh thần khách quan và thái
độ tôn trọng sự thật cũng như tôn trọng nhau thì việc nói về dân chủ
cũng chẳng khác gì hơn một trò cười. P/S:
Giữa những tiếng ồn hay những miệng huyệt im lìm, may mắn vì vẫn còn
những điều và những người đáng quý để chúng ta có niềm tin và những hi
vọng cho một ngày mai đổi khác. |