VIỆT NAM THỜI BÁO
23-1-22

Cần nghiêm khắc kiểm điểm tổng biên tập báo Nhân Dân

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Nịnh nọt người đứng đầu Đảng là hành vi tiêu cực cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

 Sáng 20-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng diễn ra Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì phiên họp.

Không rõ ở phiên họp lần thứ 21 này, vị Trưởng Ban Chỉ đạo có yêu cầu tổng biên tập báo Nhân Dân phải nghiêm khắc tự kiểm điểm về hành vi dáng dấp xu nịnh qua chuyện hôm 18-1-2022, tổng biên tập báo Nhân Dân đã cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi lễ giới thiệu sách “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Trong các tiết học tập về môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, học viên nào cũng được nhắc nhở là sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách nổi tiếng có nhan đề “Sửa đổi lối làm việc”. Theo đó tác giả nêu khá nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, trong đó kịch liệt lên án “bệnh xu nịnh, a dua”: “Người mắc căn bệnh đó là do kém tính Đảng, mắc phải bệnh đó là hỏng việc lớn và chính Người thể hiện quyết tâm xuyên suốt, quyết liệt nêu gương thực hiện đấu tranh, đẩy lùi “bệnh xu nịnh” vốn tiềm tàng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.

Dù được cảnh tỉnh từ sớm, thế nhưng “căn bệnh xu nịnh” không vì thế mà dần mất đi. Nguy hại hơn, hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và tiêu cực từ đời sống xã hội, “bệnh nịnh” trở thành vấn nạn trầm kha ở nhiều nơi, len lỏi vào nhiều ngõ ngách đời sống xã hội, với nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ, hoàn cảnh, tình huống, mưu đồ khác nhau.

Nhận diện về vấn đề này, trong cuộc hội thảo về công tác tổ chức cán bộ mới đây lúc ông Phạm Minh Chính còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã mạnh mẽ khẳng định: “Nịnh hiện đang là căn bệnh nan y!”.

Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được “làm bề trên” nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ tốt mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến.

Hơn thế, người xu nịnh và cán bộ thích nịnh mặc nhiên trở thành “cặp bài trùng” có chung lợi ích nên tất yếu dẫn đến phe cánh, cục bộ, gây mất đoàn kết và hình thành lợi ích nhóm… Đó là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh ung nhọt, nảy nở tiêu cực, tham nhũng và những biểu hiện tha hóa, biến chất ở cán bộ, đảng viên.

Công tâm mà nói, thói xu nịnh đã có từ ngàn xưa, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường và gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho xã hội.

Cha ông xưa từng đúc rút “mật ngọt chết ruồi”, răn dạy hiền tài và dân chúng phải: “Tránh xa kẻ nịnh bợ là cách tránh tai họa”. Đặc biệt, các bậc tiền nhân đã cảnh báo: “Tôn nịnh đại suy” – nghĩa là để cho thói nịnh bợ phát triển thì nguy cơ suy thoái lớn là không tránh khỏi, thậm chí dẫn đến khuynh đảo xã hội, suy vong triều chính…

Tôi cho rằng cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng dù có kiệt xuất đến đâu đi nữa thì ông ấy vẫn thấp hơn nhiều bậc so với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thuở sinh tiền, thử giở lại lịch sử của ngành phát hành sách Việt Nam, người ta không thể tìm thấy cuốn sách nào ngợi ca kiểu hai cuốn sách gần đây viết về Nguyễn Phú Trọng hay không: “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng với kiểu nịnh nọt bằng sách vở kể trên. Bởi nó có thể lúc nào đó khiến cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng trở nên tự mãn, ảo tưởng về “hào quang” của bản thân, ngỡ mình đã là người tài ba, xuất chúng.

Một khi “bệnh kiêu ngạo cộng sản” xuất hiện, chắc chắn làm xấu đi hình ảnh của Đảng và bộ máy cầm quyền. Cũng trong quá trình đó, những cán bộ, đảng viên chân chính, trung thực sinh ra chán nản, giảm sút ý chí và vơi cạn tình yêu dành cho tổ chức, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm và khả năng cống hiến cũng vì đó dần tiêu tan.