SÀI GÒn NHỎ
25-1-23

Kiều hối gần $19 tỷ, rồi sao nữa?

Hiếu Chân 

“Mỗi năm hoa đào nở…” lại thấy nhà cầm quyền đổ đô la ra đếm, xem trong năm qua người Việt Nam định cư, sinh sống và làm ăn ở ngoại quốc gửi về cho thân nhân ở trong nước được bao nhiêu tiền, gọi là “kiều hối”, rồi hí hửng khoe khoang như trẻ con khoe tiền được lì-xì ngày tết và tìm cách khai thác tối đa nguồn tiền “từ trên trời rơi xuống”.

Ngay từ đầu tháng Giêng 2023, trang báo mạng của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lấy dữ kiện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) đã dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng 4.4% so với năm 2021. Vài hôm gần đây các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa ra con số cụ thể: Kiều hối đổ về Việt Nam năm 2022 lên đến gần $19 tỷ, tăng hơn $1 tỷ so với năm 2021, cũng theo nguồn của WB và KNOMAD. 

Kiều hối – cột trụ nâng đỡ nền kinh tế

Lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được như vừa nói là nhiều thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Philippines, và xếp thứ tám trong số 10 quốc gia nhận được nhiều tiền kiều hối nhất thế giới.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) làm một so sánh nhỏ cho thấy lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được trong năm 2022 nhiều hơn 24% so với tổng số tiền thu được từ xuất cảng thủy hải sản ($11 tỷ) và gạo ($3.49 tỷ). Chỗ khác nhau là để xuất cảng được $14.49 tỷ tôm cá và gạo thì cần rất nhiều vốn đầu tư và công sức của hàng triệu nông dân, ngư dân cả nước, trong khi $18 tỷ kiều hối thì như món tiền “từ trên trời rơi xuống”, vốn đầu tư và mồ hôi nước mắt đều đổ ra ở bên ngoài nước Việt Nam; chính quyền và người dân trong nước không tốn kém gì cả.

Không làm mà có được, kiều hối trở thành một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng giúp Việt Nam tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán, kiềm chế tỷ giá giữa đồng bạc Việt Nam và đô la Mỹ, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư của người dân. Có thể nói không sợ quá lời rằng kiều hối là một cột trụ chính giữ cho nền kinh tế Việt Nam không bị sụp đổ và góp phần tạo ra cảnh phồn vinh ở nhiều đô thị hiện nay. 

Báo đảng CSVN tổng kết trong 30 năm, từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt hơn $200 tỷ, trong khi tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ năm 1986 đến nay chỉ đạt $190 tỷ. Nếu để ý phần lớn sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, người Việt chỉ làm thuê trong các nhà máy của tư bản ngoại quốc, tiền lời rơi vào tài khoản của các nhà đầu tư còn người lao động chỉ được nhận đồng lương chết đói thì sẽ nhận ra nguồn kiều hối có ý nghĩa to lớn như thế nào.

Chỉ tính riêng tại Sài Gòn, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thông tin chính thức cho thấy lượng kiều hối năm 2022 là $6.603 tỷ, không tính dòng tiền chuyển về bên ngoài các kênh của nhà nước; nếu tính đủ thì số kiều hối thật sự mà Sài Gòn nhận được phải trên $9.5 tỷ. Dù con số chính thức có thấp hơn dữ kiện của WB, nhưng “Kiều hối chuyển về chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố. Đây là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2022 – năm phục hồi sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định với truyền thông trong nước. 

Cần dân chủ hóa đất nước

 

Phần lớn số kiều hối chuyển về có nguồn gốc từ các cộng đồng người Việt định cư ở Mỹ, châu Âu, Canada và Úc; phần đóng góp của người Việt làm việc ở nước ngoài chỉ là một phần nhỏ. Riêng tại Mỹ, theo phân tích vào đầu năm ngoái của báo VnExpress, có khoảng 1.4 triệu người Việt Nam định cư, năm 2021 đã gửi về $7.7 tỷ.

Tuy người Việt định cư ở nước ngoài gián tiếp đóng góp lớn cho kinh tế trong nước bằng việc gửi về nước những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ song đến nay, đảng và chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một chính sách hòa giải với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở các nước dân chủ tự do như Mỹ, Anh, Úc, Canada. 

Mỗi khi tết đến xuân về, nhà cầm quyền lại cố làm ra vẻ thân thiện, tổ chức gặp gỡ “kiều bào” – dĩ nhiên chỉ là một số kiều bào được chọn lọc phù hợp với quan điểm của đảng CSVN – và đọc những bài diễn văn hoa mỹ, gọi kiều bào là “khúc ruột ngàn dặm”, gọi đồng tiền kiều hối là “tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà” v.v… Nhưng đó chỉ là những lời lừa mị đầu môi chót lưỡi; trong chốn riêng tư và trong guồng máy tuyên truyền, người Việt ở các nước dân chủ vẫn bị dè chừng, bị chụp mũ là “bọn phản động lưu vong”, âm mưu chống phá chế độ cộng sản. Nhiều người Việt ở Mỹ, Úc – hai nước gửi về nhiều kiều hối nhất – vẫn bị cấm nhập cảnh Việt Nam một cách vô cớ, nhiều người bất ngờ bị bắt giam khi về nước thăm viếng cha già mẹ yếu.

Đồng tiền kiều hối là quan trọng, là quý nhưng không quý bằng tâm huyết, tài năng và “chất xám” của hàng triệu người Việt xa quê, được đào tạo và làm việc trong những ngành công nghệ tân tiến của thời đại. Đà tiến lên của đất nước, của dân tộc chắc chắn sẽ được chắp cánh nếu khai thác được nguồn vốn quý nhất là trí tuệ của người Việt xa xứ chứ không chỉ những đồng đô la của họ. Mà để thu hút người Việt Nam ở khắp nơi, điều kiện đầu tiên phải là đất nước được dân chủ tự do chứ không phải là tài sản riêng của đảng CSVN như hiện nay. 

Có điều, chỉ vì quyền lợi ích kỷ của đảng CSVN cầm quyền mà chính quyền Việt Nam không bao giờ hòa giải được với cộng đồng người Việt yêu tự do ở nước ngoài và cũng không hòa giải được với những người yêu nước, yêu dân chủ ở quốc nội. Nhà cầm quyền Hà Nội có thể khoe khoang những đồng tiền kiều hối gửi về, năm sau nhiều hơn năm trước, nhưng sự thật là họ đang lãng phí một nguồn lực vô cùng lớn trong công cuộc phát triển đất nước.