SÀI GÒN NHỎ
3-10-22

Kỷ luật ủy viên trung ương và đống phân cộng sản

Nguyễn Lan

Ban chấp hành trung ương khóa 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) mới chỉ hoạt động hơn một năm rưỡi mà đã có bảy ủy viên bị kỷ luật dù khi được giới thiệu vào trung ương, tất cả đều là “thành phần ưu tú” trong ĐCSVN, phần lớn là lãnh đạo các tỉnh thành, bộ ngành trong cả nước. 

Truyền thông trong nước đưa tin hội nghị lần thứ sáu trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa 13 sáng thứ Hai ngày 3 Tháng Mười đã quyết định khai trừ khỏi đảng một ủy viên trung ương, loại khỏi ban chấp hành ba ủy viên trung ương khác vì nhiều lý do, phần lớn liên quan tới tham nhũng trong các vụ “đại án” gần đây. Cộng với ba ủy viên trung ương đã bị kỷ luật trước đó, đã có bảy người của trung ương đảng khóa này “vô lò”, nhẹ nhất là bị đưa ra khỏi ban chấp hành trung ương (BCH), nặng hơn thì bị cách chức, khai trừ đảng, bị bắt giam và có người bị tuyên án bảy năm tù. Danh sách, chức vụ, hình phạt các quan tham đăng đầy trên báo chí trong nước và hải ngoại, chúng tôi xin phép không nhắc lại. 

Bảy người này nằm trong số 180 ông bà ủy viên chính thức cùng 20 ông bà ủy viên dự khuyết được bầu lên trong đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 ngày 30 Tháng Giêng 2021 là những “ông vua con” trong lãnh địa của mình và góp tiếng nói quyết định những đường lối chính sách của cả nước. Nhưng quyền lực có tác dụng tha hóa con người; huống nữa trong một thể chế độc tài toàn trị, quyền lực không được kiểm soát, quá trình tha hóa càng có điều kiện diễn ra nhanh hơn, ác liệt hơn. Không ai biết chắc trong những ông bà ủy viên trung ương chưa bị lộ, sắp tới sẽ có những ai nữa bị biến thành “củi” trong cái “lò đốt tham nhũng” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.

Việc kỷ luật gần như cùng lúc một số ủy viên trung ương đảng được dư luận nhìn nhận theo nhiều quan điểm khác nhau. Một số ít người tin ĐCSVN thực tâm chống tham nhũng thì tỏ vẻ phấn khởi, hả hê khi thấy một số quan chức cao cấp bị trừng trị và nghĩ rằng cái “lò ông Trọng” sẽ có tác dụng đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam. Có người suy luận là ĐCSVN rất nghiêm minh, cương quyết, không chừa một ai, ai cũng có thể bị bắt – chống tham nhũng không có vùng cấm như ông Trọng nhiều lần tuyên bố rất hùng hồn.

Nhiều người khác không thấy việc đảng cấp tập xử lý cán bộ cấp cao này là điều phấn khởi hay lạc quan gì cả. Trên đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội, nói chuyện chống tham nhũng hay “đốt lò” gì đấy là việc không thể làm được bởi vì bản thân hệ thống này sản sinh ra tham nhũng. Ông A cho rằng, Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng nếu xây dựng được nền pháp trị với tư pháp độc lập và báo chí tự do. “Thiếu những yếu tố này thì không thể chống tham nhũng được”, ông khẳng định. Quan điểm của ông A có căn cứ vững chắc từ thực tiễn chính trị thế giới, không thể phản bác được. Nhưng đòi hỏi “nền pháp trị với tư pháp độc lập và báo chí tự do” ở một đất nước độc tài, do một đảng độc nhất kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội bằng guồng máy công an chìm nổi đứng trên mọi quy chuẩn đạo đức và pháp lý thì có phần thiếu thực tế, nếu không nói là viển vông hay ảo tưởng.  

Một số người khác coi vụ kỷ luật các quan chức cấp cao của ĐCSVN là trò diễn ra bên ngoài của một cuộc đấu đá và thanh trừng nội bộ đang diễn ra quyết liệt giữa các thế lực đang ngắm nghía cái ghế đảng trưởng mà ông Nguyễn Phú Trọng sớm phải rời bỏ do tuổi tác và bệnh tật. Giới thạo tin thâm cung bí sử ở Ba Đình đồn đại hai nhóm thế lực đang quyết sống mái với nhau là nhóm “công an trị” của Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm và nhóm lãnh chúa địa phương do Thủ tướng Phạm Minh Chính cầm trịch. Cả hai thế lực này đều được Nguyễn Phú Trọng và các ông chủ ở Trung Nam Hải bên Tàu bảo kê nhưng lợi thế đang có phần nghiêng về nhóm công an trị “còn đảng còn mình”. Phe nhóm nào thắng thì tất nhiên nhân dân cũng đều là người thảm bại, theo ý một bài thơ của Nguyễn Duy.

Quan sát các vụ bắt bớ, kỷ luật đảng gần đây có vài hiện tượng nên để ý: Hầu hết đều dính vào hai vụ “đại án” gây phẫn nộ trong dư luận là vụ test-kit Việt Á và vụ “chuyến bay giải cứu”; và hầu hết can phạm bị kỷ luật là quan chức các ngành ngoại giao, y tế, lãnh đạo chính quyền các địa phương không mạnh tay chi tiền chạy chọt. Nếu Thủ tướng Chính là “trùm cuối” của các đại án này thì rõ ràng các thủ túc thân tín của ông ta đang dần dần “vô lò” trước sức tấn công của cơ quan điều tra “thanh kiếm và lá chắn của đảng”.

Tô Lâm cũng không bỏ qua mối hận bị các quan chức ngoại giao “gài bẫy” đớp bò dát vàng ở London khi tháp tùng ông Chính dự một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu – lĩnh vực chẳng liên can gì tới ngành công an của ông ta. Một anh bán bún bò ở Đà Nẵng chỉ vì chơi ngông bắt chước động tác rắc muối mà còn phải vô nhà giam thì những kẻ ở Ba Đình rắp tâm gài bẫy ông bộ trưởng đâu có thể an thân được.

Cho dù nhìn dưới quan điểm nào, vụ kỷ luật hàng loạt ủy viên trung ương của ĐCSVN cũng có đôi điều thú vị. Thanh trừng hay không thì sự việc cũng phần nào phơi bày cái bản chất xấu xa tàn độc của ĐCSVN dưới vẻ bề ngoài “ổn định”. Nếu ví những quan chức tham nhũng bị trừng trị như một lũ dòi bọ đục khoét cơ thể đất nước thì ĐCSVN và cái chế độ mà đảng dựng lên trên đầu trên cổ nhân dân giống như một đống phân. Bắt giòi nhưng để yên đống phân thì hết lớp giòi này sẽ nảy nòi lớp giòi khác, có khi còn tàn độc hơn. Cách duy nhất có lẽ là phải hốt sạch đống phân và tống khứ nó.

Hiện chưa thấy có lực lượng nào thực hiện được chuyện hốt phân. Nhưng khi bản chất của ĐCSVN ngày càng bị phơi bày qua các vụ thanh trừng, đống phân ngày càng bốc mùi hôi thối thì sẽ có lúc người dân không còn chịu đựng được nữa và ra tay giải bài toán khó nhất của lịch sử đất nước.