VOA Blog 28-4-14

Lại chuyện kinh doanh casino

bởi Trần Vinh Dự
 

Lại chuyện kinh doanh casino

Chuyện kinh doanh casino lại một lần nữa được đưa lên bàn nghị sự trong phiên họp UBTV Quốc hội lần này. Còn nhớ, mới cách đây chưa lâu, hồi tháng 9 năm ngoái, vấn đề này đã được đem ra bàn nhưng sau đó dự thảo nghị định không được thông qua. Sáu tháng sau, vấn đề lại một lần nữa được đưa ra bàn tại kỳ họp của UBTV Quốc hội lần này. Mặc dù đây là một dự thảo nghị định về chuyện cờ bạc, tức là không có gì quá gấp rút, quá cấp thiết, nhưng có vẻ như nó đang được các nhà làm luật của Việt Nam ưu tiên quan tâm một cách khá đặc biệt.

Vấn đề mấu chốt của câu chuyện nghị định về casino nằm ở chỗ nào? Các vấn đề mà nó đưa ra thì nhiều vô số, nhưng vấn đề khiến nó hấp dẫn và được mọi người quan tâm vẫn chỉ có một điểm duy nhất, đó là có cho người Việt chơi bài ở casino hay không?

Cho tới nay, người Việt vẫn bị cấm chơi ở tất cả các casino trên lãnh thổ Việt Nam.

Chúng được mở ra trong các khách sạn 5 sao và để phục vụ người mang quốc tịch nước ngoài. Theo Nghị định 86 về trò chơi có thưởng (ban hành hồi tháng 7 năm ngoái), nếu casino bị bắt quả tang cho người Việt chơi bài sẽ bị phạt tối đa 200 triệu Đồng. Tuy nhiên chỉ có Chánh Thanh tra của Bộ Tài chính mới có quyền phạt tới 200 triệu Đồng kèm theo việc tước giấy phép.

Các cấp thanh tra bé hơn không có quyền này. Cấp thấp nhất, thanh tra viên, chỉ có quyền cảnh cáo và “buộc khôi phục tình trạng ban đầu” (không rõ cụ thể nghĩa là gì) hoặc buộc tiêu hủy/tái xuất máy đã cho người Việt đánh bạc. Nói cách khác, các thanh tra viên hầu như không có quyền gì lắm ngay cả khi bắt quả tang sòng bạc vi phạm quy định. Không biết có phải vì quy định còn khá “mềm” hay không mà việc lén lút cho người Việt vào chơi bài vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Dẫu sao, do có lệnh cấm, người Việt muốn đánh bạc vẫn thường sang các nước lân cận như Campuchia hay Singapore để chơi bài. Nhiều quy định khác cũng làm tính chất ăn chơi ở sòng bạc Việt Nam kém vui. Các casino ở Việt Nam, vì thế, thường không đông khách lắm.

Tại sao có nhiều người vận động cho cờ bạc tự do?

Lập luận của những người ủng hộ hợp pháp hóa việc kinh doanh bài bạc thường dựa trên quan điểm (thực ra là lòng tin) rằng người Việt Nam, cũng giống như phần lớn người Châu Á, thường ham cờ bạc. Chuyện họ đánh bạc là đương nhiên, dù có cấm hay không cấm (cũng giống như mại dâm). Họ lập luận rằng cấm thực ra lại làm mọi chuyện tệ hơn. Việc cho đánh bạc tự do ở các casino trong nước sẽ đem lại nhiều cái lợi. Trước hết là kiểm soát được hoạt động kinh doanh này, xóa bỏ tệ kinh doanh ngầm cùng với các vấn đề đi kèm như cờ bạc gian lận hoặc chơi bài quá khát, đặt cược quá lớn…

Thứ hai là tạo doanh thu cho nhà nước vì các doanh nghiệp kinh doanh bài bạc hợp pháp phải đóng thuế. Các “chuyên gia” trong lĩnh vực kinh doanh bài bạc (thực chất là các nhà kinh doanh bài bạc muốn Việt Nam mở cửa thị trường này) còn tung hứng rằng Việt Nam có thể thu về tới 3 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Thứ ba là giữ tiền lại ở trong nước thay vì các con bạc trong nước đem tiền ra nước ngoài chơi. Không ai ước tính được chính xác số tiền mà người Việt dùng để đánh bạc ở nước ngoài hàng năm là bao nhiêu, thế nhưng những tín đồ ủng hộ tự do hóa bài bạc cho là rất lớn. Vnexpress trích lời ông Hà Tôn Vinh cho rằng Việt Nam mất tới 800 triệu USD tiền thuế mỗi năm do người Việt đánh bài ở Campuchia. Nếu ông Hà Tôn Vinh nói đúng (và khả năng là không vì không ai đoán được con số này) thì số tiền người Việt chuyển ra nước ngoài chơi bạc phải gấp nhiều lần con số 800 triệu USD.

Và cuối cùng là tạo điểm nhấn cho du lịch và thu hút khách quốc tế đến vui chơi ở địa phương. Tuy nhiên những người hiểu về ngành cờ bạc thường nhìn nhận chỉ có việc kinh doanh bài bạc thôi thì chưa đủ để thu hút khách nước ngoài (vì gần như ở nước nào cũng có sòng bạc) mà kèm theo đó phải là vô số những mảng kinh doanh “tối” khác như mại dâm, thậm chí là chất gây nghiện.

Tuy không phải là tất cả nhưng phần nhiều những người cổ xúy cho việc tự do hóa bài bạc thường là những người có lợi ích gắn với ngành này, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và các chủ doanh nghiệp bất động sản Việt Nam muốn sử dụng sòng bạc như là một công cụ vừa kiếm tiền trực tiếp từ sòng bạc vừa nâng được giá bất động sản trong các dự án của mình.

Các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành cờ bạc đặc biệt khôn ngoan trong việc vừa tạo áp lực qua vận động, vừa vẽ ra viễn cảnh “tươi sáng” khi tự do hóa bài bạc (mô hình cây gậy và củ cà rốt). Thí dụ, ông Sheldon Adelson, chủ tịch của Las Vegas Sands trong phần trả lời báo Đầu Tư hồi hơn một năm trước cho biết “Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ các quan chức Việt Nam tại Singapore. Tôi được biết họ cũng muốn chúng tôi phát triển một khu quần thể tương tự như Marina Bay Sands tại Việt Nam. Tôi đã trả lời rằng, tôi cũng mong muốn điều ấy. Tuy nhiên, vấn đề là, hiện nay, Việt Nam không cho phép công dân nước mình được vào các sòng bài (casino). Chúng tôi muốn đầu tư vào TP.HCM, nhưng không thể thực hiện được nếu Chính phủ Việt Nam vẫn không cho phép người dân tham gia chơi tại casino.”

Tự do hóa bài bạc có làm tăng lượng người VN tham gia?

Câu hỏi quan trọng nhất có ẩn ý nghiêm trọng về mặt xã hội mà những người vận động tự do bài bạc không bao giờ muốn đặt ra, cũng không bao giờ muốn trả lời, là liệu tự do hóa bài bạc có làm tăng lượng người VN tham gia chơi bài, và nếu có, thì ảnh hưởng xã hội của một chính sách như vậy sẽ như thế nào? Giả sử người Việt là một dân tộc có nhiều người muốn chơi bạc. Điều này có khả năng cao là đúng, và cũng là giả định mà những người vận động tự do hóa bài bạc tin tưởng, thì ở đây có hai vấn đề rất quan trọng.

Thứ nhất, chơi bạc là một hành vi gây nghiện. Các hành vi gây nghiện, cũng giống như các loại chất gây nghiện, có đặc điểm quan trọng là người nghiện luôn muốn tiêu dùng nhiều hơn theo thời gian. Nói cách khác, với cùng một mức tiêu thụ, người nghiện sẽ cảm thấy không thỏa mãn giống như trước, và có sự thôi thúc bên trong hướng đến việc dùng nhiều hơn mức trước đây. Những người nghiện ma túy chẳng hạn, là những người luôn muốn dùng ngày càng nhiều ma túy. Những người nghiện trò chơi điện tử cũng vậy, họ muốn dành ngày càng nhiều thời gian hơn để chơi điện tử.

Đây là một đặc điểm cốt lõi để phân biệt một chất gây nghiện với một chất không gây nghiện. Vì đặc điểm này, các chất gây nghiện hoặc các hành vi gây nghiện, một khi đã biến một người bình thường thành một người nghiện, sẽ chi phối hành vi của người đó, từng bước hủy hoại các thói quen lành mạnh của họ, và dẫn tới chỗ hủy hoại bản thân.
Thứ hai, cái gì khiến một người trở thành người nghiện? Không phải cứ là chất gây nghiện, hoặc hành vi gây nghiện, là chỉ cần thử một lần sẽ biến một người bình thường thành người nghiện. Tùy độ gây nghiện mạnh hay yếu, mà chúng cần thời gian (sử dụng nhiều lần) để hình thành thói quen tiêu dùng ở con người. Vì thế, việc chống gây nghiện bản chất là việc dựng lên càng nhiều rào cản càng tốt để khiến người dân không có cơ hội tiêu dùng các chất gây nghiện nhiều lần, hoặc thực hiện hành vi gây nghiện nhiều lần. Việc này cũng đồng nghĩa với các rào cản để khiến phần đông người dân không có cơ hội thử chất gây nghiện, dù chỉ một lần.

Có thể khuynh hướng tự nhiên của người Việt là ham cờ bạc, nhưng hiện nay phần lớn người Việt chưa nghiện cờ bạc. Việc cấm đánh bạc bằng luật và các chế tài mạnh về xử phạt là một rào cản rất tốt để làm tăng chi phí của người dân khi đánh bạc. Không phải ai cũng có thể sang Singapore hoặc Campuchia  đánh bạc. Điều này tốn chi phí về thời gian và tiền, không chỉ là tiền đánh bạc, mà tiền đi lại và ăn ở. Thế nhưng nếu cờ bạc được tự do hóa, với một số tiền vừa phải người dân có thể tham gia đánh bất kỳ lúc nào họ muốn. Điều này sẽ phá nát các rào cản có ý nghĩa và tạo cơ hội cho đại bộ phận dân Việt Nam, những người được giả định là đều ít nhiều ham cờ bạc, tham gia đánh bạc.

Và dĩ nhiên những người vận động tự do bài bạc có tính đến, nhất là từ câu chuyện chính sách giới hạn ở Singapore. Họ lập luận rằng chính phủ có thể thu tiền vào cửa của những người Việt muốn đánh bạc, giống như Singapore thu 200 USD nếu công dân nước này muốn đánh bạc tại Singapore. Bản chất của chính sách này tạo ra một rào cản tài chính mới cho người dân trong nước và rào cản này đúng bằng rào cản chi phí họ phải bỏ ra khi đi đánh bạc ở nước ngoài. Điều đó làm cho chỉ có những người trước đây vốn đã sẵn sàng vượt rào cản cũ (và đi đánh bạc ở nước ngoài) mới có động cơ đi đánh bạc ở trong nước. Có nghĩa là số người tham gia đánh bạc không tăng, không làm vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn, nhà nước lại thu được tiền và Việt Nam không bị chảy máu ngoại tệ. Nghe có vẻ lợi đủ đường.

Thế nhưng câu chuyện không hẳn như vậy. Ngay cả rào cản tài chính đúng bằng rào cản cũ (chi phí ăn ở đi lại ở nước ngoài), thì đánh bạc ở Việt Nam vẫn tiết kiệm thời gian hơn, vẫn dễ dàng hơn về mặt tiếp cận. Người ta không thể đi làm ban ngày và tối đi đánh bạc ở Singapore, nhưng người ta có thể ban ngày đi làm và tối vào một sòng bạc trong thành phố để chơi. Vì thế số lượng người trở thành nghiện đánh bạc vẫn sẽ tăng, và vì cơ hội để nghiện nặng trở nên dễ hơn (có thể chơi bất kỳ lúc nào), sẽ có nhiều người nghiện nặng hơn, và hủy hoại cuộc sống của mình và gia đình hơn.

Về mặt quản lý một chính sách như vậy ở Việt Nam cũng không khả thi. Các sòng bạc sẽ có động lực khai gian số người đến đánh bạc để tránh phải nộp nhiều tiền vào cửa cho nhà nước. Họ cũng không có động lực thu tiền vào cửa này để khuyến khích số người vào chơi nhiều hơn. Điều này dẫn tới hàng loạt các vấn đề liên quan đến tham nhũng, hối lộ mà không có cách gì quản lý tốt được.

Đó là chưa kể việc tự do hóa bài bạc sẽ dẫn tới hàng loạt các loại tội phạm khác phát triển, từ nhẹ tới nặng, như mại dâm, ma túy, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, ẩu đả, hành hung…

Vì thế, những người làm chính sách cần hết sức tỉnh táo cân nhắc cái lợi và hại dài hạn của việc tự do hóa bài bạc. Cái lợi trước mắt, từ bổng lộc vận động hành lang, đến cái gọi là doanh thu cho ngân sách, có thể sẽ không đáng kể là bao so với việc hủy hoại tương lai và hạnh phúc của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu gia đình Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.