TIẾNG DÂN
Làm tuyên giáo tại Việt Nam dễ lắm, xem ông Trọng thì rõ
Jackhammer Nguyễn
Trong lúc quốc gia đang khốn đốn vì chống dịch Covid-19 bùng phát, với
cả ngàn người nhiễm mới trong hai tuần qua, tổng bí thư Đảng Cộng sản
Việt Nam, Nguyễn
Phú Trọng, cặm cuội viết bài ca ngợi… chủ nghĩa xã hội. Bài
viết rất dài hơn 8.000 từ và mọi người đều đoán trước được là, không có
gì mới. Nội dung bài gói gọn trong một câu công thức thế này: Chúng
ta đi đúng đường, địch đi sai đường, chúng ta có rất nhiều ưu điểm, mặc
dù còn có vài khuyết điểm. Công thức này có thể gặp trong tất cả các
bài viết của cơ quan tuyên giáo Đảng.
Không rõ sẽ có bao nhiêu người Việt đọc bài báo này, vài ngàn người
trong số gần 100 triệu? Nếu được như thế tôi cho là đã quá nhiều, một
thành công vượt bực của tổng bí thư. Dù
sao thì tôi cũng dành ít phút đọc… bài báo của con người quyền lực nhất
Việt Nam này. Thiết nghĩ, trong bài viết, ông Trọng cố chứng minh hai
điều sau đây: Thứ
nhất, ông Trọng định vị nước Việt Nam hiện nay nằm ở một bên tốt đẹp,
còn bên kia là bọn tư bản xấu xa. Thứ
hai, sự tốt đẹp đó là mong muốn (tôi nhấn mạnh là mong muốn) của
ông Trọng và các đồng đảng, rằng Việt Nam Xã hội chủ nghĩa là một nước
có “xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân
dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao”. Đây là một tuyên bố mà
nói theo ngôn ngữ dân gian là … huề vốn. Chúng ta thử đặt câu hỏi về
mong muốn tương tự cho các nhà cầm quyền trên thế giới, từ ông Biden ở
Mỹ cho đến bà Merkel bên Đức, ông Hunsen bên Cambodia đến ông Duterte
bên Philippines, có ai không mong muốn giống ông Trọng và các đồng đảng?
Chẳng lẽ họ lại muốn quốc gia họ là “xã hội dân nghèo, nước yếu, độc
tài, bất công, lạc hậu, do độc tài làm chủ, có nền kinh tế phát triển
thấp”? Đó
là về nội dung, dài dằng dặc như thế, nhưng chỉ có thế mà thôi. Về
hình thức, tôi chỉ ra cho các bạn một chìa khóa để có thể viết như ông
Trọng, hay các đồng chí lý luận chính trị cao cấp của ông. Đó là các bạn
cứ nhập tâm những từ ngữ sau đây:
Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, cách mạng, đấu
tranh, thực tiễn, lý luận, nghiêm túc, sâu sắc, khoa học, công cuộc đổi
mới, trình độ phát triển, giai đoạn lịch sử, Mác – Lê Nin, hoàn cảnh cụ
thể, thoái trào, cơ hội, chống phá, xuyên tạc, bi quan, dao động, tiến
bộ, nhân văn, kiên định, kiên trì, đích thực, giai cấp, bỏ qua giai đoạn
tư bản chủ nghĩa, xu thế phát triển của lịch sử, trăn trở, công nghiệp
hóa, kinh tế tri thức, thế lực thù địch, vững mạnh, toàn diện, tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,… Các
bạn cứ ghép lại các từ đó với nhau thì sẽ ra một bài chính luận rất công
phu, mang màu sắc tuyên giáo. Tôi
vừa liệt kê cho các bạn những từ ngữ đó bằng cách lược qua bài viết của
ông Trọng, nhưng đến 1/3 bài thì đã đủ, phải dừng lại, nếu không, tôi
viết lại cái bài của ông Trọng mất. Ông
Trọng cũng làm thế thôi, ông và các đồng chí lấy cái công thức mà tôi
nêu ra trên kia, dán vào mấy trăm từ khóa (key words) đó và cứ thế là
trở thành những người “có lý luận”. Với
cách thức như thế thì người Việt Nam nào cũng có thể thành tuyên giáo
được, từ những người hay bị mỉa mai là dư luận viên trên mạng xã hội,
các “cây bút” chống diễn biến hòa bình trên báo công an, cho đến… tổng
bí thư. Người Việt khi đọc những bài như thế sẽ không hiểu cụ thể viết
về cái gì (vì chả có gì cụ thể), nhưng họ hiểu rất rõ các nhà lý luận
của Đảng viết rằng, ta tốt, địch xấu, theo đúng công thức trên
kia. Diễn
từ như thế của đảng cầm quyền và của các cơ quan báo chí nhà nước, sẽ
đưa đến hai ảnh hưởng đối với dân chúng. Với
loại người cuồng tín như cậu du học sinh Dương Đức Thịnh, chà đạp cờ
vàng bên Úc, họ sẽ diễn dịch các nhà lý luận của Đảng theo công thức “ta
tốt, địch xấu”, để hành động, bằng bạo lực tay chân (giật cờ), và bạo
lực bằng mồm (ông mày là,… đ,….). Với
đại đa số dân chúng bình thường, thì cái đám mây mù mịt chữ nghĩa tuyên
giáo đó làm cho khả năng ngôn ngữ và suy nghĩ bằng ngôn ngữ của họ biến
mất, họ chỉ còn sống bằng bản năng. Các bạn sẽ thấy, chỉ có hai loại
phát biểu của người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ chiếm phần lớn
dân số. Hoặc là họ ghép các từ ngữ tuyên giáo lại với nhau, hoặc là họ
không diễn đạt được suy nghĩ của họ (nếu như họ còn suy nghĩ). Dĩ
nhiên câu tôi nói trên kia là người Việt nào cũng có thể làm tuyên giáo
được là câu nói đùa, vì công việc đó rất khó, nó là công việc có thể gọi
là công an tư tưởng. Bạn phải phát hiện ra kẻ nào còn suy nghĩ, tức là
không dùng từ ngữ tuyên giáo, để mà bắt nhốt họ lại. Trở
lại với chuyện ông Trọng, sau nhiều năm theo dõi ông, nhận thấy, có hai
lần ông có… suy nghĩ thật khi phát biểu, đó là lần ông nói “Hiến pháp …
là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhấ,t sau Cương lĩnh
của Đảng!”, lần thứ nhì là ông nói “đến cuối thế kỷ này không biết đã
có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Lần
thứ nhất là sự lẫn lộn khái niệm của ông, cũng như nhiều người cộng sản
khác. Ở lần thứ hai là sự lo lắng, vì bế tắc.
Nhiều người ác mồm đặt hỗn danh cho ông là … lú, nhưng tôi nghĩ ông rất
quyền biến và mưu lược, không thì làm sao tồn tại ở đỉnh cao quyền lực
như thế trong 10 năm trời qua? Còn cái chuyện diễn ngôn thì các
ông cộng sản khác cũng giống như ông, chứ đâu có khác gì. |