RFA 11-3-15

Lặng sóng trước bão, kết quả chính sách bóp nghẹt thông tin của Đảng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
 

Bài viết “Sự lặng sóng đáng suy nghĩ” (TBKTSG 9-3-15) xuất hiện trên báo chí trong vài ngày qua khi Trung Quốc công khai tiến hành xây dựng căn cứ trên phần đảo chiếm của Việt Nam năm 1988 đang là câu hỏi nhức nhối đối với người quan tâm vì nó cho thấy kết quả những chính sách lỗi thời nhưng vẫn được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục theo đuổi. Mặc Lâm có thêm chi tiết.

Chế độ thông tin định hướng

Trong một thời gian rất dài, báo chí Việt Nam không thể đưa những tin tức đầy đủ và chính xác về vấn đề Biển Đông do lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương muốn định hướng thông tin nhằm tránh những trách cứ từ Bắc Kinh và giữ tình trạng hòa hoãn mà Bộ chính trị theo đuổi từ cuộc gặp gỡ hàn gắn quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại Hội Nghị Thành Đô vào tháng 9 năm 1990.

Chính sách hòa hoãn ấy cho thấy đã mang về những thiệt hại không thể bù đắp cho Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Mất Gạc Ma năm 1988 vào tay Trung Quốc nhưng trong cuộc gặp gỡ Hội Nghị Thành Đô quan trọng hai năm sau đó Việt Nam đã không có một câu chữ nào vẫn là câu hỏi khó trả lời cho Bộ chính trị. Từ đó tới nay, Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền trên vùng đảo mà họ chiếm đóng bất hợp pháp. Mới nhất là hành động xây dựng quy mô trên bãi đá Tư Nghĩa nằm trong cụm đảo Sinh Tồn nhằm biến nơi này thành một căn cứ có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc không cần che dấu chính sách bành trướng bá quyền khi tuyên bố Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc. Ông Vương Nghị còn đả kích các nước đã phản đối và nói thẳng rằng Bắc Kinh có quyền làm tất cả những gì họ muốn trên phần đất của họ.

Điều đáng ngạc nhiên là việc làm này tuy nguy hiểm và quan trọng hơn vụ dàn khoan HD-891 gấp trăm lần nhưng dư luận xã hội lại không bức xúc như lần trước. Báo chí tuy có bài phân tích nhưng tác động của nó đối với người đọc gần như không có, hay có rất ít. Đến nỗi trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn tác giả Nguyễn Vinh đã phải kêu lên “Sự lặng sóng đáng suy nghĩ”.

Từ bài viết này rất nhiều vấn đề được đặt ra cho đảng cầm quyền. Phải chăng sự kềm chế quá mức cần thiết đã có tác dụng như Đảng mong muốn và khi người dân không còn nổi sóng yêu nước trước sự xâm lược của Trung Quốc thì chính sách sắp tới của Đảng sẽ như thế nào?

Linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cưu Thế Sài Gòn cho biết thái độ của người giáo dân trong giáo xứ trước những tin tức về Biển Đông mà ông có dịp quan sát từ trước tới nay:

-Giáo dân sinh hoạt ở các nhà thờ do Dòng Chúa Cưu Thế phụ trách từ Bắc tới Nam thì trước kia họ cũng giống như các giáo dân khác, gần như họ bị cuốn vào đời sống xã hội và những gì nhà nước không cho họ biết trên TV trên Radio trên báo chí chính thống nên đa số họ không biết.

Chỉ một nhóm nhỏ tha thiết với quê hương đất nước, đặc biệt là những người có cơ hội tiếp cận với Internet họ thật sự quan tâm. Có những người nói với chúng tôi rằng họ sẵn sàng tham gia làm những người lính để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa khi tổ quốc kêu gọi, nhưng cũng có người bảo rằng đây là việc của nhà nước mà nhà nước không lên tiếng mình lên tiếng lại bị đánh đập bị bắt bớ, như vậy thì mình còn làm được gì nữa?

Cái tình trạng sợ hãi và thờ ơ vẫn có trong các cộng đoàn giáo dân do Dòng Chúa Cưu Thế phụ trách chứ không phải mọi anh chị em giáo dân do Dòng Chúa Cưu Thế hướng dẫn ở Việt Nam đều biết rõ, cũng như đều hăng hái theo tinh thần sẵn sàng dấn thân bảo vệ biển đảo. Họ không biết do các phương tiện truyền thông của nhà nước không phổ biến.

Những sai lầm được lập lại

Ngăn cản không cho phổ biến tin tức chỉ khiến người dân hiểu sai thông tin và từ cái sai ấy sự bất mãn càng lộ rõ trong từng cộng đồng dân cư. Tìm hiểu và theo dõi thường xuyên nhất về Biển Đông không ai qua những người đã từng chiến đấu và đổ máu cho Gạc Ma, nơi hôm nay Trung Quốc đang hãnh diện khoe thành tích của họ. Anh Lê Hữu Thảo một cựu binh Gạc Ma cho biết:

-Cái tin này không phải mới biết đây mà đã biết từ lâu rồi không chỉ riêng tôi mà tất cả các cựu chiến binh khác hay tất cả người Việt Nam thì đều thấy bất bình, lo lắng. Bất bình tính chất ngang ngược của Trung Quốc. Nhà nước mình cũng lên tiếng nhưng mà lên tiếng quá yếu ớt, cần phải lên tiếng thật là mạnh mẽ. Thật sự là bản thân tôi và tôi nghĩ mọi người cũng vậy, cũng đều có cảm giác rất là lo lắng. Tôi thấy tất cả người dân từ trẻ đến già, bạn bè của tôi hay người hàng xóm họ đều biết hết. Tất nhiên có người họ nói không được chuẩn vì họ không biết cụ thể như thế nào nhưng họ có cái chung là sự lo lắng. Họ nói có khác nhau, không đồng nhất nhưng họ đều biết hết.

Theo thông lệ của tất cả các nước ngoài khối Cộng sản, khi một biến cố có tầm quan trọng như chủ quyền lãnh thổ bị xâm lược thì người đứng đầu chính phủ phải công khai tuyên bố với công chúng và đưa ra giải pháp nhằm chống lại, tuy nhiên theo nhiều đảng viên lão thành thì Đảng Cộng sản lại không làm như thế. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn lựa nói chuyện riêng với Đảng Cộng sản Trung Quốc và mọi thông tin đều là bí mật quốc gia. Điều này một lần nữa lập lại sai lầm bước chân mà Đảng đã theo từ năm 1990 khi thỏa thuận Thành Đô được hai bên ký kết. Nhà văn Trần Đĩnh cho biết nhận xét của ông về tư cách pháp nhân của Đảng mà bất cứ biến cố nào có hại cho đất nước thì Đảng sẽ hoàn toàn trách nhiệm trước tổ quốc:

-Đảng Cộng sản Việt Nam đứng về tư cách pháp nhân, đứng về mặt giấy tờ, văn bản, hiến pháp là lãnh đạo toàn diện đất nước này. Đã lãnh đạo toàn diện thì bất kể cái gì cũng phải chịu trách nhiệm chứ còn gì nữa? Thứ hai, chính phủ cũng thuộc của Đảng. Trong chính phủ có ban Đảng Đoàn. Bản thân chính phủ, Thủ tướng hay Bộ chính trị các Bộ trưởng đều là Ủy viên trung ương. Các Vụ trưởng cũng đều là quan chức của Đảng hết đồng thời lại thêm có cái Đảng Đoàn của chính phủ tức là người ta chăm nom hoàn toàn không có gì chệch khỏi Đảng được.

Tôi thấy rằng không lên tiếng lại càng lộ ra cái yếu kém của Đảng các ông ấy không nghĩ kỹ. Nghĩ kỹ thì thấy càng im càng lộ cái yếu kém. Người ta có trách chính phủ đâu? Ở Việt Nam người ta có cái đặc biệt, người ta quen nhìn thấy Đảng hết.

Tại sao lại có sự lặng sóng trong quần chúng khi Việt Nam vốn nổi tiếng chống giặc phương Bắc từ hàng ngàn năm nay? phải chăng từ chính sách bưng bít, cấm đoán và đàn áp thông tin đã dẫn đến tình trạng này? Sự lặng sóng ấy có thể hiểu theo một cách khác đó là phản ứng tiêu cực của dân chúng khi họ không còn tin vào Đảng vào nhà nước với các chính sách đối phó quá mềm mỏng của họ. Nhà văn Trần Đĩnh chia sẻ:

-Theo tôi hiểu thì Đảng biết người dân đang nghĩ thế nào về mình. Càng bóp chặt tự do ngôn luận, càng không cho báo chí nói thì càng biết dân không đồng tình với mình. Đảng hiểu dân đã nhiều mặt không đồng tình với mình. Không những về vấn đề kinh tế đời sống, những bất công trong phân hóa giàu nghèo mà còn cả vấn đề lãnh thổ. Cuộc đời thì phải tiến lên, người dân người ta phải hiểu biết nhất là bây giờ người giàu có người ta nhiều ra thì đồng thời người ta có hiểu biết, chứ không thể nói người giàu có thì càng ngày càng ngu đi.

Học giả, nhân sĩ trí thức và người thật sự quan tâm đến vấn đề này có thể cho rằng bão tố ở Biển Đông không còn làm cho sóng trong lòng người dân nổi lên là thắng lợi của hai Đảng Cộng sản đương quyền, và phải chăng khi ngọn sóng yêu nước đã yên thì Biển Đông không còn gì để nói nữa?