RFA Blog
12-5-13

HNTW 7: Lãnh đạo đảng mất khả năng kiểm soát Ban Chấp hành Trung ương

 

Trong thể chế chính trị độc đảng như ở Việt nam, sự lãnh đạo toàn diện theo lối thống lĩnh toàn bộ mọi lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đảng CSVN - tổ chức chính trị hợp pháp duy nhất là điều không thể chối cãi. Do vậy, không chỉ mọi chính sách hay chủ trương của đảng CSVN có tác động đáng kể tới mọi diễn biến hoạt động của đời sống xã hội. Mà kể cả các hoạt động lớn của đảng, như các kỳ đại hội đảng hoặc các hội nghị thường niên của Ban chấp hành Trung ương đảng cũng đã khiến cho những người quan tâm chính trị phải hết sức chú ý.

Theo quy định, Hội nghị thường niên của Ban chấp hành Trung ương đảng là cuộc họp quan trọng của cơ quan quyền lực cao nhất của đảng CSVN giữa hai kỳ đại hội. Ở những Hội nghị Trung ương này, các thành viên của Ban chấp hành Trung ương đảng sẽ bàn bạc và thông qua các công việc với các nội dung quan trọng liên quan đến công tác của đảng CSVN và đất nước. Theo nguyên tắc dân chủ trong đảng thì việc dân chủ tập trung đã tạo điều kiện cho Bộ Chính trị sẽ có quyền lực lớn hơn. và ý kiến của Bộ Chính trị nhiều khi trở thành nghị quyết mang tính áp đặt với các Ủy viên Trung ương phải chấp nhận. Nhưng đó chỉ là cách làm trong quá khứ của đảng CSVN nói riêng và các đảng cộng sản khác trên thế giới thường áp dụng. Sở dĩ nói rằng đó chỉ là cách làm trong quá khứ của đảng CSVN, vì trên thực tế trong hai Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 và 7 khóa 11 đã cho thấy mọi chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư hầu như đều bị Ban chấp hành Trung ương ra quyết định ngược chiều. Điều đó cho thấy trong nội bộ đảng CSVN vấn đề dân chủ tập trung theo nguyên lý của Chủ nghĩa Marx - Lenine đã bị vi phạm nghiêm trọng. Việc này đồng nghĩa với ý kiến cho rằng trong người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt nhất của đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật giáo điều, bảo thủ và xa rời thực tế không có một khả năng, tư duy chính trị đặc biệt, nổi trội cần phải có. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "cá mè một lứa", không ai bảo được ai trong nội bộ ban lãnh đạo của đảng CSVN. Từ đó dẫn tới việc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng là một hệ quả tất yếu không thể tránh khỏi.

Trở lại với Hội nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư 7 - khóa 11 (HNTW 7) vừa kết thúc bằng một bài diễn văn ngắn ngủi trong một thời gian vẻn vẹn có 4 phút đồng hồ, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này cho thấy sự thất bại ê chề của ông Trọng và các đồng chí thân cận, gần gũi của ông trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đó là các ông Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa.... Hay là một đồng chí thuộc dạng "lòng vả cũng như lòng sung" như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người sẵn sàng "lật đổ" để đưa ông Trọng về vườn nếu như có cơ hội. Điều đau đớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí kể trên là việc những nhân sự đưa ra để bổ sung vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư như dự kiến đều không đạt được số phiếu quá bán cho dù ông Trọng đã dùng quyền Tổng Bí thư để lobby cộng với những tiểu xảo khác để "lừa" Ban chấp hành Trung ương. Đó là trong phát biểu khai mạc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố tình không đưa chương trình bầu bổ sung thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư vào chương trình nghị sự chính thức của HNTW7 . Sau hai ngày khai mạc, ông đột nhiên đưa ra chương trình bầu bổ sung nhân sự vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư hòng tính chơi bài bất ngờ để Bộ Chính trị và Ban Bí thư trở tay không kịp. Trong khi đó ngay từ ngày đầu khai mạc HNTW 7 thì thông tin từ Ban tổ chức TW đã "rò rỉ" ràn ngập cả hội nghị rồi. Chính vì lý do đó đã tạo nên sự hết sức bất bình đối với đa số các Ủy viên Trung ương đảng, họ đã rất không đồng tình với cách làm của ông Trọng và đã ra tay hành động vote ngược chiều để thể hiện sự phản đối. Đó chính là lý do vì sao qua 5 vòng bầu bổ sung, nhưng các "hạt giống" như Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ và Tạ Ngọc Tấn... đều đạt được một số phiếu rất thấp không ai có thể tưởng tượng nổi.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự của ông ta trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có các tính toán và các nước cờ sai lầm cơ bản và nghiêm trọng. Thay vì từ từ để tay chân của họ từng bước yên vị trong Bộ Chính trị, trước khi chính thức bổ nhiểm họ nắm các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan đảng. Vì xét ra trên thực tế khả năng trúng vào Bộ Chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh là rất cao và hoàn toàn là khả thi. Nhưng cũng chính vì cộng với tư duy chính trị nông dân "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" dọa hốt liền người bỏ phiếu cho mình trước khi vào Bộ Chính trị của ông tân Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh. Điều đó cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự không có đủ trình độ của những chính trị gia xuất chúng trong việc đảm nhận những chức vụ quan trọng này.

Trong việc này không thể không nhắc đến một chi tiết khá ngoạn mục, đó là sau kết quả bầu cử vòng một khi ông Nguyễn Thiện Nhân đã được sự ủng hộ rất cao với gần 90% phiếu bầu, trở thành người đầu tiên vào Bộ Chính trị. Thì ở vòng 2 đột nhiên tên của bà Nguyễn Thị Kim Ngân xuất hiện và lập tức đạt trên 70% số phiếu, trở thành người thứ 2 lọt vào Bộ Chính trị. Tin từ HNTW 7 cho biết đây là nước cờ khá cao và rất bình tĩnh của đồng chí X. Con bài Nguyễn Thị Kim Ngân đã đảo ngược toàn bộ tình thế. Lúc này bộ ba "hạt giống" Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ và Tạ Ngọc Tấn ngồi gần nhau, mặt tái cắt không còn một giọt máu. Tới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vội đề nghị Ban chấp hành Trung ương tạm ngừng bỏ phiếu bổ sung vào Bộ Chính trị để chuyển sang phần bỏ phiếu cho các ứng viên Ban Bí thư để tìm cách cứu vãn tình thế bằng mọi giá. Vì ai cũng biết rằng nếu ông Thanh không trúng Bộ Chính trị, tức đã có một cuộc đảo chính trong nội bộ Đảng. Đó chính là lý do vì sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hết sức lobby cho ông Nguyễn Bá Thanh, tới mức yêu cầu hội nghị đặc cách cho Nguyễn Bá Thanh vào thẳng Bộ Chính trị mà không phải bầu. Điều mà HNTW 7 đã thẳng thắn bác bỏ thông qua việc không bầu những ứng cử viên do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần can thiệp, ủng hộ cho thấy Ban chấp hành Trung ương  đã phát huy dân chủ và quyền lực trong tay mình mà không tuân theo ý kiến áp đặt của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Điều đó cho thấy nguyên tắc tập trung dân chủ quan trọng của hệ thống các đảng cộng sản trên thực tế đã bị phá sản ở Việt nam.

Cũng theo thông tin từ HNTW 7 cho biết, sự thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể gọi là toàn diện và tay trắng. Cụ thể cho đến phút chót, hội nghị đã ra quyết nghị không ra nghị quyết về đổi mới hệ thống chính trị như yêu cầu của ông Tổng Bí thư đã đề ra. Đó những yêu cầu nhằm thiết lập chế độ đảng toàn trị, cho phép các cơ quan chức năng của đảng can thiệp sâu, rộng hơn trong các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc làm này đã đã tạm thời đẩy lùi được một bước tham vọng của bản thân ông Trọng và cộng sự. Trái ngược lại, Thủ tướng Nguyễn Tán Dũng với một vẻ mặt tươi cười khác thường khi đi tiếp xúc với các cử tri tại Hải phòng trong chiều ngày bế mạc HNTW 7 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc trong nay mai. Điều đó cho thấy và khẳng định sự chiến thắng của phe "thoái hóa" trong đảng CSVN theo xu hướng tự chuyển biến tập thể trong Ban Chấp hành Trung ương. Bỏ lý tưởng cộng sản để chạy theo lợi ích vật chất và tiếng gọi của đồng tiền.

Một vấn đề không thể không nhắc đến, một nội dung quan trọng đó là vấn đề sửa đổi Hiến pháp được đưa ra bàn và thảo luận tại HNTW 7 rất tẻ nhạt và nghèo nàn vì phải tuân theo khuôn khổ chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị. Tuy nhiên cuối cùng Ban chấp hành Trung ương  cũng đã không chấp nhận việc ra thông báo kết luận cụ thể, mà đề nghị HNTW 7 cho phép tiếp tục thảo luận và sửa đổi tiếp trong thời gian trước mắt. Đáng chú ý là Ban chấp hành Trung ương có đa số các ý kiến khen ngợi bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ 3 của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong đó có thể hiện những kiến nghị mới mẻ của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc VN tạo tiên đề cho những đột phá về cải cách chính trị trong tương lai. Điều này trái với ý kiến của Văn phòng Tổng Bí thư ngày trong công điện khẩn ngày 18.04.2013 với nội dung yêu cầu ngừng ngay việc lưu hành bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ 3.

Riêng về Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong HNTW 7 thái độ của người trong cương vị Chủ tịch nước cũng hết sức khó hiểu. Người ta không nhận thấy ở ông một tính cách của một người thợ "bắt sâu chúa" như ông đã từng tuyên bố trước đây ít lâu. Thay vào đó là một con người với tính cách ba phải và hình như đã biết sợ. Tóm lại là một con người hoàn toàn khác, chứ không còn thể hiện cho thấy trước đây đã từng có một liên minh nhằm hủy diệt đồng chí X mà ông là một trong số những người chỉ huy. Vào những ngày cuối tại HNTW 7, đã có một số Uỷ viên Trung ương của các tỉnh Hậu Giang, tỉnh Long An như các ông Huỳnh Minh Chắc, Mai Văn Chinh... đã đưa ra các ý kiến chất vấn trực tiếp ông Trương Tấn Sang về các vấn đề phát biểu gây chia rẽ nội bộ đảng và một số vấn đề về đạo đức, lối sống tư tưởng và tư cách đảng viên. Tuy nhiên ông Trương Tấn Sang đã giải thích một số nội dung và hứa sẽ trả lời Ban Chấp hành TW bằng văn bản. Đáng chú ý Ủy ban Kiểm tra TW đã thông báo cho hội nghị được biết tính trung thực về các thông tin bôi nhọ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên trang Quan Làm báo được cho là xuất phát từ các nhân vật gần gũi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tuy vậy những diễn biên trên được coi chỉ là màn tự biên tự diễn của ông Chủ tịch nước, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý.

HNTW 7 kết thúc cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng và và Bộ Chính trị nói chung đã bộc lộ không có khả năng kiểm soát được Ban chấp hành Trung ương theo truyền thống. Mà nó cho thấy nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng đã bị phá sản. Quan trọng hơn, qua HNTW 7 lần này đã cho thấy sự thắng thế của phe chủ trương tự diễn biến theo xu hướng "thoái hóa" như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và sự thụt lùi của phe giáo điều, bảo thủ trong đảng. Điều đó cho thấy Chủ nghĩa Marx- Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được coi là "quả lừa" của đảng CSVN đối với người dân, đã dần dần bị thu hẹp đất sống mà vốn đã quá hạn hẹp trong đời sống chính trị trong đảng CSVN nói riêng và ở xã hội Việt Nam nói chung, tạo tiền đề cho sự khởi đầu để cáo chung của học thuyết lỗi thời, phản động và lạc hậu này.

Đã đến lúc các vị Giáo sư, phó GS., và Tiến sĩ chuyên ngành chính trị Chủ nghĩa Marx- Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh tốt nghiệp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hiện đang công tác ở các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương liệu mà phải tìm lấy một nghề mới để kiếm ăn chân chính. Cái phận mồm miệng đỡ chân tay, chuyên nghề hại dân cuả các vị chắc đã đến lúc hết cửa sống!

Ngày 12 tháng 5 năm 2013

© Kami

* Bonus: Tin vào giờ chót, được biết các bên đã đi đến thỏa thuận sẽ buộc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ vì lý do sức khỏe kèm theo điều kiện đồng chí X cũng thu xếp nghỉ sau khi hết nhiệm kỳ TTg thứ 2. Để tạo điều kiện chấm dứt tình trang đối đầu tranh giành quyền lực trong đảng. Một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị vừa được bầu bổ sung sẽ là những khuôn mặt sáng giá ở các vị trí quan trọng trong thời gian tới.

————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA