RFA 16-5-13Lấy than nuôi bauxite, một giải pháp khó hiểu
Mặc Lâm, biên tập
viên RFA, Bangkok
Dự án bauxite Tây nguyên ngày càng lộ ra nhiều bất cập mặc dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong mới đây đã trấn an cử tri rằng hãy chờ kết quả của nhà máy Tân Rai mới có thề biết thành công hay không. Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL Các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin là người đang làm việc cho Bộ Công Thương nhưng có rất nhiều phản biện tâm huyết đối với dự án bauxite từ nhiều năm về trước. Dự án bauxite Tây nguyên đang thất bại Mặc Lâm: Chúng tôi được biết mới đây TS đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời báo cáo những gì đang xảy ra tại dự án Bauxite, ông có thể cho biết một ít chi tiết về việc gặp gỡ này hay không? TS Nguyễn Thành Sơn: Chúng tôi báo cáo với Chủ tịch trước hết là đánh giá hậu quả kinh tế tài chính của hai dự án. Báo cáo về vấn đề công nghệ vì Chủ tịch rất quan tâm tới vấn đề này vì trong Thông báo 245, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rất rõ và rất cụ thể về qui hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite của VN và về các dự án bauxite thử nghiệm. Trong đó, tập chung vào 3 vấn đề: hiệu quả kinh tế, công nghệ tiên tiến, và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng báo cáo về môi trường . Vấn đề bùn đỏ thật ra cho tới nay thì vẫn còn sử dụng công nghệ ướt có khả năng gây nguy cơ cho môi trường mặc dù khi xảy ra sự cố vỡ bùn đỏ ở Hungary thì Bộ công thương và TKV cũng có sang thăm khảo sát và chính Hungary người ta cũng khuyến cáo là không nên sử lý bùn đỏ bằng công nghệ ướt. Nhưng về tới Việt Nam thì chúng ta vẫn tiếp tục dùng công nghệ ướt cho nên vấn đề môi trường cho đến nay vẫn không được giải quyết triệt để mặc dù chúng ta đã có bài học rất rõ ràng, cụ thể của Hungary. Tôi cũng đã nêu những bất cập của 2 dự án thử nghiệm: Lựa chọn qui mô thử nghiệm sai lầm; Không đồng bộ giữa các khâu; Không kiểm soát được vốn đầu tư tăng lên rất lớn; Thời gian xây dựng kéo dài; Tổ chức triển khai quản lý dự án không đúng luật; Chất lượng dự án thấp, công nghệ lạc hậu; Dự án không có hiệu quả kinh tế; Vấn đề bùn đỏ không được giải quyết triệt để; Vấn đề xã hội ngày càng bức xúc; và Chủ đầu tư (TKV) ngày càng đuối sức. Mặc Lâm: TS là người có tham luận trong cuộc hội thảo về bauxite do VUSTA tổ chức, theo ông tại cuộc hội thảo này Vinacomin có đưa ra được một bằng chứng nào cho thấy khai thác bauxite là có lợi cho nền kinh tế quốc gia trong khi hầu hết các nhà kinh tế đều nói ngược lại? TS Nguyễn Thành Sơn: Tại cuộc Hội thảo 9/5 vừa qua do VUSTA tổ chức, đại diện của TKV có mặt rất đông, cả nhiều người đã về hưu, chiếm gần 1/2 chỗ ngồi. Thông tin của TKV đưa ra về 2 dự án bauxite Tây Nguyên không đáng tin cậy. Việc TKV khẳng định cả 2 dự án "có hiệu quả" cao là không đúng sự thật vì vốn đầu tư Tân Rai tăng 33%, Nhân Cơ tăng 37,8%, giá nhôm kim loại trên thế giới thấp hơn dự kiến, giá thành alumina Tân Rai tăng 36%, Nhân Cơ tăng 27% so với dự kiến ban đầu. Tại cuộc hội thảo này Vinacomin có đưa ra những con số để chứng minh kinh tế và Bộ Công thương cũng cho là có thể có hiệu quả kinh tế nhưng chúng tôi nhìn thấy cách tính của Vinacomin TKV là không chuẩn xác. TKV đã không tính thuế xuất khẩu alumina. Theo Luật do Quốc Hội, thuế xuất khẩu quặng nhôm là từ 15 đến 40% (tính trên giá bán). TKV đã tính thuế xuất khẩu =0%, tức là ngân sách nhà nước VN bị thất thu. Vì vậy có thể thấy cách tính của TKV là có vấn đề (cố tình tính sai) tức là ngân sách nhà nước chẳng thu được gì trong sản xuất alumin cả. Mặc Lâm: Thưa TS, ông là người đang làm việc trong ngành than khoáng sản ông có nhận xét gì khi TKV đã chấp nhận cho nhà thầu Chalenco của Trung Quốc áp dụng nền công nghiệp rất tụt hậu để khai thác bauxite tại nhà máy Tân Rai cũng như Nhân Cơ sắp tới? TS Nguyễn Thành Sơn: Bây giờ nếu xem lại những thông số cam kết của nhà thầu trong hợp đồng ký giữa nhà thầu Chalenco của Trung Quốc với chủ đầu tư là TKV thì tiêu hao than tương đối lớn. Riêng chi phí than chiếm trên 26% trong giá thành công xưởng trên mỗi một tấn alumina. Thứ hai nữa là tiêu hao nước rất lớn, tiêu hao cho alumina là 7 m3 cho tuyển bauxite là 11 m3 cộng là 18 m3. Con số này rất cực kỳ lớn so với khả năng đáp ứng tại khu vực Tân Rai và Nhân Cơ sau này cũng thế thôi. Hai nữa công nghệ khí hóa than mà nhà thầu đưa vào Tân Rai là công nghệ đã được sử dụng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Khí hóa than nó đòi hỏi phải dùng than cục loại tốt đưa từ Quảng Ninh vào chứng tỏ rằng công nghệ này rất lạc hậu so với công nghệ bây giờ người ta có thể khí hóa trên bất kỳ loại than nào. Thứ ba là hệ số thu hồi quặng bauxite nhôm Al2O3. Nếu tính toán theo cam kết của nhà thầu để làm ra một tấn sản phẩm alumina thì phải cần đến 2,737 tấn bauxite quặng tinh. Như vậy là để làm ra 1 tấn bauxite quặng tinh thì cần đến gần hai tấn bauxite nguyên khai. Quy đổi ra thì tổn thất tài nguyên tức là quặng AL2O3 là trên 50%. Càng làm càng lỗ Mặc Lâm: Qua 4 năm triển khai dự án điều gì làm cho ông băn khoăn nhất thưa Tiến sĩ? TS Nguyễn Thành Sơn: Về hiệu quả kinh tế: Những yếu tố và những rủi ro liên quan đến hiệu quả kinh tế thì ngày càng xấu đi (như nêu trên). Trước đây VUSTA khẳng định cả 2 dự án không có hiệu quả kinh tế, đến nay càng đúng. Về công nghệ: Nhà thầu TQ không có công nghệ nguồn, không có kinh nghiệm làm alumina từ bauxite loại Gibsite như của Tây Nguyên (Chalienco chỉ có kinh nghiệm là bauxite dạng Diaspore); Công nghệ khí hóa than lạc hậu 1/2 thế kỷ (chỉ dùng than cục loại tốt để khí hóa); Tiêu hao than rất cao (0,679 tấn than/tấn alumina); Chi phí than trong giá thành alumina tới hơn 26%; Công nghệ sản xuất alumina có hệ số thu hồi thấp- tổn thất tài nguyên Al2O3 lên tới hơn 51%; Tiêu hao nhiều nước (công đoạn sản xuất alumina tiêu hao 7m3/tấn alumina, công đoạn tuyển bauxite tiêu hao 11 m3/tấn alumina, bình quân toàn dự án Tân Rai cần hơn 18m3 nước cho 1 tấn alumina). Công nghệ thải bùn đỏ vẫn là "ướt" rất lạc hậu, rẻ tiền, nhưng chiếm nhiều đất; Hồ bùn đỏ vẫn được thiết kế thao tiêu cuẩn của TQ từ 2001. Trên TG, các dự án alumina mới đã từ lâu chuyển sang thải "khô". Hungary cũng chuyển từ "ướt" sang "khô". TKV vẫn cứ thải "ướt". Riêng dự án Nhân Cơ, Bộ Chính trị đã yêu cầu rất rõ là "Riêng dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan ... Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai". Nhưng trên thực tế, TKV cứ triển khai trong khi rất nhiều "vấn đề có liên quan" vẫn chưa được rà soát. Đặc biệt là vấn đề vận tải đang ngày càng bế tắc, do Thủ tướng đã quyết định dừng cảng Kê Gà. Chỉ riêng khâu vận tải bên ngoài, dự án Nhân Cơ phải đầu tư thêm ít nhất 70 tr.U$ cho khâu sửa chữa và làm đường vận chuyển. Mặc Lâm: Nhà máy Tân Rai được xem là thí điểm dùng để thử nghiệm cho nhà máy Nhân Cơ nhưng theo nhiều chuyên gia thì cụm từ thử nghiệm là không chính xác vì Nhân Cơ sẽ không rút được bất cứ kinh nghiệm gì khi bắ t đầu hoạt động. TS nhận định ra sao về viện này? TS Nguyễn Thành Sơn: Hai dự án cùng một công nghệ, cùng một nhà thầu cùng một loại bauxite thì đấy không phải là thử nghiệm. Đáng lẽ chúng ta phải thử nghiệm bằng cách công suất phải nhỏ đi, công nghệ thì có thể một công nghệ của Trung Quốc còn một công nghệ của nước nào đấy chẳng hạn để có thể so sánh, kể cả cùng của Trung Quốc nhưng hai công ty phải khác nhau. Đàng này TKV lại làm hai dự án y hệt nhau nên tính chất thử nghiệm không còn nữa, không thể gọi là thử nghiệm. Quy mô cũng quá lớn, anh Tiến giám đốc dự án Nhân Cơ nói rằng dự án này quy mô quá lớn bản thân của TKV các anh ấy cũng lúng túng và nhận thấy rất khó quản lý. Tôi cho là dự án Nhân Cơ TKV đã cố tình làm trái với ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị trong thông báo 245. Mặc Lâm: TS có thể được xem là người có kinh nghiệm về than, khoáng sản vì đã làm việc rất lâu trong ngành. Nếu Quốc hội mời ông ra phản biện đối với TKV ông có sẵn lòng không và điều gì ông sẽ trình bày trước nghị trường? TS Nguyễn Thành Sơn: Tôi sẵn sàng trả lời bất cứ vấn đề gì và ở bất cứ đâu, đặc biệt những vần đề liên quan tới TKV vì tôi làm việc trong ngành than mà bây giờ gọi là TKV từ năm 1977 tới bây giờ cho nên những vấn đề trong ngành tôi có thể nắm được. Tôi sẵn sàng trao đổi trực diện với lãnh đạo cao nhất của TKV hoặc Bộ Công thương về vấn đề bauxite. Nhiều người cứ nói là tại sao tôi hay nói nặng, nói nhiều về bauxite. Thực ra bauxite là một vấn đề ai cũng biết rồi nhưng một vấn đề khác mà ít ai biết được đó là tình trạng của ngành than hiện nay đang rất đuối sức. Từ trước tới nay 99% lợi nhuận của TKV là lấy từ xuất khẩu than. Hơn 7 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hai dự án bauxite cũng lấy từ lợi nhuận do ngành than xuất khẩu của Quảng Ninh mang lại. Hiện nay hoàn cảnh ngành than của Việt Nam đã gần mức báo động đỏ. Hơn một nửa số mỏ than đang khai thác với giá thành cao hơn giá bán. Giá thành khai thác là 1 triệu tư trong khi giá bán là 1 triệu ba. Ngành than là chỗ dựa duy nhất cho hai nhà máy bauxite mà nếu sau này TKV còn tiếp tục lao theo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn rất cụ thề đến ngành than. Hai dự án bauxite giả sử như của một doanh nghiệp khác không phải của ngành than thì lại là việc khác. Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thành Sơn.
|