Mặc Lâm, biên tập
viên RFA
Trong chuyên đề Ký ức 40
năm hôm nay Mặc Lâm có cuộc trao đổi với Luật sư
Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư
Sài Gòn, một trí thức từng có nhiều bài viết cổ
súy cho dân chủ tại Việt Nam. Ông là con của một
gia đình cách mạng sinh trưởng và lớn lên tại
Sài Gòn nhưng có cái nhìn khác về ngày 30 tháng
4 năm 75. Luật sư Lê Công Định từng bị tù hơn 4
năm về tội tuyên truyền chống phá cách mạng và
đây là lần phỏng vấn đầu tiên ông dành cho RFA
sau khi ra khỏi trại giam vào ngày 06 tháng 2
năm 2013. Trước nhất LS Định nói về ký ức ngày
30 tháng 4 của mình khi ấy ông vừa 7 tuổi:
Tôi còn đọng lại trong ký
ức của mình hình ảnh ngày 30 tháng 4 năm 75.
Thực ra lúc đó tôi mới 7 tuổi thôi, trước ngày
đó thì chúng tôi vẫn đến trường đều đặn. Những
cuộc di tản trên đường phố cũng như tại Tòa đại
sứ Mỹ lúc đó bắt đầu có những người chạy vào leo
lên trực thăng, tôi thấy những hình ảnh đó khi
đi ngang qua và nó vẫn còn đọng lại trong ký ức
của tôi về cuộc chiến tranh.
Cái ngày 30 tháng 4 đó
tôi và những trẻ con trong khu phố mình ở đã ra
đường để xem mặt đoàn quân giải phóng như thế
nào và sau dó thì xem TV thì thấy Ủy ban Quân
quản họ tổ chức những buổi meeting đưa hình ảnh
ông Hồ Chí Minh cũng như đưa những lá cờ đỏ sao
vàng và cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt
Nam. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và hỏi ba tôi ông
đó là ai, ba tôi trả lời đó là ông Hồ.
Sau đó khi lớn lên thì
tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh, tất
nhiên đã bị giảng dạy một cách lệch lạc theo cái
nhìn của chính quyền chứ không phải theo đúng sự
thật lịch sử của nó. Do đó tôi cũng như bao thế
hệ trẻ lớn lên trong lòng của chế độ mới này khi
học hành chúng tôi bị tiêm nhiễm bởi cái lối
truyền đạt có tính cách tuyên truyền nhiều hơn
là dạy cho học sinh, sinh viên hiểu được thế nào
là lịch sử trong quá khứ.
Khi vào đại học tôi nhận
ra điều đó qua nói chuyện với người thân trong
gia đình cũng như bạn bè của tôi, tôi mới bắt
đầu tìm hiểu, đọc lại sách. Nhưng sách lúc đó
hầu hết do nhà nước xuất bản làm sao mình có thể
hiểu được? Vì vậy buộc lòng tôi phải đọc lại
những cuốn sách in trước năm 75 của gia đình tôi
và đặc biệt của người anh trai tôi. Những cuốn
sách đó đã thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi,
tôi bắt đầu định hình một suy nghĩ mới, nhận
thức mới của lịch sử Việt Nam từ những năm 17-18
tuổi. Tôi chỉ muốn nhìn một cách tổng quát đa
chiều về lịch sử của đất nước mình.
Mặc Lâm: Thưa
LS sau khi ông bị bắt thì báo chí chính thống rộ
lên nhận định cho rằng gia đình ông là một gia
đình cách mạng và đã được ưu đãi. Trong thời
gian sau 30 tháng 4 thì gia đình ông có được ưu
đãi như họ nói hay không thưa luật sư?
Luật sư Lê Công Định:
Về việc đó thì nó như thế này: Ông nội tôi, bác
tôi, ba tôi và thậm chí cô tôi đều đi theo phong
trào cộng sản. Giống như những trí thức miền Nam
lúc đó họ không thích sự có mặt của quân đội
nước ngoài. Sau cuộc chiến tranh chống Pháp kéo
dài không ai còn muốn thấy quân đội nước ngoài ở
Việt Nam. Gia đình tôi cũng như bao nhiêu người
trí thức khác đều lựa chọn cho mình thái độ
trung lập đối với chính quyền lúc đó.
Gia đình tôi không may
được tiếp cận với những người hoạt động cho
phong trào cộng sản cho nên họ bị ảnh hưởng và
họ tham gia vào phong trào cộng sản gọi là “cuộc
kháng chiến chống Mỹ”.
Gia đình tôi bị ảnh hưởng
rất nhiều và ba tôi thậm chí đi tù vì những hoạt
động chống lại chính quyền Sài Gòn vào năm 1960
và ông nhận cái án tương đối nặng nề là 5 năm
tù. Sau đó khi ra tù ông tiếp tục cuộc sống bình
thường của mình nhưng vẫn âm thầm cổ vũ cho
phong trào cộng sản. Năm 75 xảy ra sự kiện thống
nhất thì ba tôi nghiễm nhiên trở thành một thành
viên trong chế độ mới nhưng có nhiều điều sau đó
khiến ông bắt đầu nhận thức ra mình đã bị lừa
dối như thế nào qua các chính sách mà họ áp dụng
cho người miền Nam lúc đó. Thí dụ như là giam
cầm những quân nhân và công chức của chế độ Sài
Gòn, cải tạo tư sản. Ba tôi đã từng tham gia vào
những cuộc gọi là cải tạo tư sản đó và ông nhận
ra được bản chất phi nhân của những chính sách
như vậy.
Người dân trước năm 75 họ
ky cóp tài sản của mình và làm ăn một cách chân
chính để sống đời sống giản dị như giới trung
lưu thì họ bị chụp cái mũ là tư sản mại bản, bị
tước đoạt toàn bộ tài sản và đẩy cả gia đình vào
vùng kinh tế mới.
Ba tôi có kể với tôi một
sự kiện mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ hoài. Ba tôi
kể khi đoàn làm việc của ông đến nhà một bà bán
tạp hóa người Hoa để kiểm kê và tịch thu tài sản
của bà thì buổi sáng bà đó vẫn còn đầu óc minh
mẫn, tóc vẫn đen và nói chuyện vẫn đâu ra đó. Bà
năn nỉ van xin mong người ta để lại tài sản dù
là một phần, nhưng đoàn làm việc theo lệnh trên
vẫn lấy toàn bộ tài sản của bà. Bà đã khóc lóc
van xin suốt từ sáng đến chiều...ba tôi nói rằng
khi nhìn toàn bộ tài sản của mình bị lấy đi hết
thì bà đã hóa điên hóa dại, nói năng không còn
bình thường nữa và tóc bà trở nên bạc trắng! Ba
tôi nhìn hình ảnh đó và ray rứt cả cuộc đời. Ông
hối hận tại sao mình lại tham gia xây dựng nên
một chính quyền để rồi cuối cùng người dân bình
thường lại bị tước đoạt như thế này? Điều đó ba
tôi kể cho tất cả các con nghe.
Riêng tôi hình ảnh bà bán
tạp hóa người Hoa hóa điên, tóc trở nên bạc
trắng ám ảnh và ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi
từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Gần như trong gia
đình tôi có một sự phản tỉnh từ ba tôi cho tới
các con.
Nói về mặt lý lịch thì
tất nhiên gia đình tôi là một “gia đình cách
mạng” lẽ ra cũng nhận những ưu đãi giống như bao
nhiêu cán bộ trong hệ thống này, tuy nhiên có
một điều xảy ra vào năm 1980 khi mâu thuẫn nội
bộ bên trong hàng ngũ cán bộ giữa miền Bắc và
miền Nam lúc đó. Ba tôi bị chụp cái mũ làm sai
nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa và
ông bị chính đồng đội của mình bắt giam trong 6
tháng trời không qua xét xử và có bất kỳ một
bằng chứng nào nên cuối cùng phải thả ba tôi ra
và yêu cầu ba tôi làm bản kiểm điểm để quay trở
về làm việc.
Ba tôi từ chối, ông nói
với họ rằng sự tham gia vào phong trào cộng sản
của ông là một bản kiểm điểm quá vĩ đại của cuộc
đời ông rồi. Sáu tháng tù mà những người đồng
đội bắt giam ông nó cũng là một bản kiểm điểm
quá vĩ đại để ông có thể tiếp tục làm một bản
kiểm điểm nữa. Ông trở về đời sống dân sự bình
thường.
Kể từ đó gia đình tôi
đoạn tuyệt với hệ thống chính quyền này và không
nhận bất kỳ một sự ưu đãi nào. Tất nhiên khi xét
lý lịch bắt giam tôi thì họ vẫn xem gia đình tôi
là gia đình có công với cách mạng do vậy khi
xuất hiện ở Tòa sơ thẩm tôi có nói một điều như
thế này: “ Tôi nghĩ rằng gia đình tôi từ ông tôi
cho tới bác, cha, cô tôi đều đi theo cách mạng,
tuy nhiên tôi đã đi ngược hoàn toàn với con
đường đó” Tôi nói rất rõ ràng nhưng sau đó coi
lại trên Youtube thì họ cắt thêm một phần ở một
câu khác nhét vào ngay sau cái câu mà tôi vừa
nói. Họ bảo tôi đi ngược lại đường lối gia đình,
những công lao của gia đình cho nên tôi thấy ân
hận.
Tôi thấy buồn cười bởi vì
khi nói ra câu đó tôi muốn gửi một thông điệp
rất rõ ràng rằng: tuy gia đình tôi đi theo con
đường cộng sản góp phần xây dựng nên chế độ này
nhưng tôi lớn lên và ý thức rõ việc tôi làm và
quyết định đi ngược lại con đường đó.
Mặc Lâm: Quay
trở lại câu chuyện 40 năm thì tù nhân côn đảo,
tù nhân cải tạo đã trở về nhà nhưng xuất hiện
một loạt tù nhân lương tâm mới vẫn còn trong tù,
điều này cho quốc tế thấy gì?
Luật sư Lê Công Định:
Đối với những tù nhân cải tạo quân nhân của chế
độ Sài Gòn ngày xưa chúng ta thấy nó thể hiện rõ
một chính sách của chính quyền là trả thù những
người từng là đối thủ của mình. Họ không có một
sự khoan dung, không có sự hòa giải thật sự cho
nên mới thực hiện việc đó.
Còn đối với tù nhân lương
tâm bây giờ thì tất cả mọi người đểu đã thấy
rằng đây là một chế độ độc tài cho nên người ta
chỉ thích nghe những lời êm tai, xuôi theo cách
họ nói chứ họ không nghe những ý kiến trái ngược
thập chí là đối lập, do đó mới có việc bắt giam
tù chính trị và tù nhân lương tâm như tôi chẳng
hạn. Bởi vì tôi chỉ đơn giản nói lên tiếng nói
của mình nhưng họ lại xem đó là mối đe dọa của
thế lực thù địch qua đó quốc tế đã nhận rõ chính
sách nhất quán của mọi chế độ cộng sản. Từ Châu
Âu, Châu Á và đặc biệt là Hoa Kỳ thấy họ không
thay đổi chủ nghĩa độc tài của mình.
Càng ngày chúng ta thấy
càng nhiều hơn tù nhân lương tâm bị bắt nó thể
hiện mối sợ hãi ám ảnh đầu óc của người lãnh
đạo. Họ luôn luôn sợ quyền lực của họ bị mất do
sự ảnh hưởng của người trí thức, bất đồng chính
kiến hôm nay và cách duy nhất là họ đàn áp, tù
đày. Cách tốt nhất dập tắt tiếng nói đối lập.
Mặc Lâm: Ngày
30 tháng 4 là ngày thống nhất đất nước nhưng 40
năm sau hai chữ “thống nhất” vẫn còn khá mơ hồ
về sự hòa giải. Theo luật sư ai là người phải tỏ
thiện chí một cách nghiêm túc trước? Bên thắng
hay bên thua cuộc?
Luật sư Lê Công Định:
Tôi nghĩ rằng hòa giải lẽ ra là một vấn đề đương
nhiên áp dụng sau khi hết chiến tranh bởi vì cả
bên thắng cũng như bên thua cuộc đều là đồng bào
trong nước. Họ đâu phải là hai chủng tộc khác
nhau, hai kẻ thù một bên là ngoại xâm còn một
bên là người bị xâm lược vậy thì việc gì phải
tiếp tục hận thù và chia rẽ?
Chưa bao giờ muộn cho vấn
đề hòa giải cả kể cả bây giờ 40 năm sau, không
ai còn tin vào chính sách hòa giải của nhà cầm
quyền nữa. Nhưng nếu bây giờ nhà nước Việt Nam
thật tâm muốn thực hiện chính sách hòa giải thì
họ nên làm bằng thực chất chứ không phải làm qua
lời nói.
Ở đây không phải là sự
hòa giải giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc vì
40 năm đã qua nên gác lại chuyện đó đi. Bây giờ
điều quan trọng hơn là hòa giải giữa người cộng
sản và người không cộng sản. Ngay những người
như tôi lớn lên trong chế độ mới, học hành mưu
sinh trong chế độ này. Bản thân tôi, cuộc đời
tôi chả liên quan gì tới chế độ Việt nam Cộng
hòa cả vậy thì tôi không cần sự hòa giải của bên
thua cuộc và bên thắng cuộc. Cái tôi cần là sự
hòa giải giữa người cộng sản và người không cộng
sản