Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang mắc vào nhiều bệnh và những bệnh đó thì có liên hệ với nhau và không phải là bệnh nhẹ. Bệnh nổi bật hiện nay tức là nợ xấu đã làm cho ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Nợ xấu rất lớn và doanh nghiệp lại không bán được hàng. Hàng tồn kho cao cho nên dẫn đến đóng băng tín dụng và bất kỳ nền kinh tế nào khi gặp đóng băng tín dụng thì cũng sẽ không thể tăng trưởng được. Thứ hai, khối doanh nghiệp nhà nước hiện đang có tỷ lệ nợ nần rất cao. Chỉ riêng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã nợ lên đến 1 triệu 330 nghìn tỷ đồng Việt Nam, và số đó tương đương với 60 tỷ đôla và khoảng độ 46 – 47% GDP của Việt Nam. Đấy không phải là một vấn đề đơn giản. Vấn đề thứ ba nữa là vấn đề đóng băng bất động sản, và vấn đề đóng băng bất động sản này thì không thể giải quyết trong vòng một năm được. Cũng giống như nợ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thì không thể giải quyết trong một năm được mà phải có nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm. Tức là không thể chạy 100 mét và tới đích mà phải chạy đường dài, chạy marathon để mà có thể tới đích được. Vấn đề cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam là mất niềm tin. Người dân hiện nay có rất nhiều tâm tư vì giá viện phí của các bệnh viện tăng lên. Chi phí giáo dục tăng lên trong khi thu nhập thì lại giảm đi. Doanh nghiệp cũng không tin ngân hàng và ngân hàng cũng không tin doanh nghiệp. Vì vậy cho nên ngân hàng cái gì cũng phải đòi thế chấp, và nếu tài sản được 100 thì ngân hàng chỉ cho vay tối đa là 50%. Nếu mà ít hơn thì cũng chỉ được 30 – 40% nếu là doanh nghiệp mà ngân hàng không tin lắm. Vì vậy chi phí về tiền bạc để kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam đang tăng lên, và muốn giải quyết vấn đề này thì chính phủ đã ra một số nghị quyết và đang muốn tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có vấn đề tái cấu trúc đầu tư công hiện nay tôi vẫn chưa thấy có dự án nào là được công bố công khai. Đấy là một vấn đề không phải dễ dàng để giải quyết vì hiện nay ước tính có tới 40 nghìn các dự án đầu tư công và sử dụng một số vốn khá lớn. Vấn đề cuối cùng và rất quan trọng, và có lẽ đây là vấn đề quan trọng nhất đó là phải cải cách bộ máy nhà nước, cải cách các thể chế mà đang quản lý các doanh nghiệp nhà nước, đang ban hành các chính sách và thực thi các chính sách từ vấn đề luật đất đai, cho đến đầu tư công cho đến luật quản lý vốn ở trong các doanh nghiệp nhà nước. Đấy là các vấn đề không phải dễ dàng để có thể thực thi và ban hành ngay một lúc. Tôi hy vọng rằng vấn đề hiện nay đã chín muồi và nhà nước nhận thức được vấn đề thì sẽ tích cực cải cách và thực hiện các đổi mới cần thiết. VOA: Thưa ông, bản thân ông có lời chúc nào cho người dân Việt Nam cũng như niềm mong mỏi nào cho người dân Việt Nam? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Trong năm 2013 này, thì ước mong lớn nhất của tôi là nước Việt Nam đủ quyết tâm và vững mạnh để bảo vệ được độc lập, chủ quyền biển đảo trước bất kỳ hành động xâm lăng và xâm phạm nào của nước ngoài. Điều ước vọng thứ hai là nước Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách và khôi phục lại được niềm tin và không phục được lại uy tín trên thị trường quốc tế, nâng cao được năng lực cạnh tranh và điểm cuối cùng, tôi chúc cho tất cả mọi người Việt Nam ý thức được những cơ hội to lớn nếu như có cải cách và cần phải có nỗ lực, tự mình mình cũng phải thay đổi. Năm Quý Tỵ là năm con rắn và con rắn muốn lớn lên thì nó phải lột xác. Nó phải từ bỏ xác cũ đã chật hẹp đối với nó, cản trở sự phát triển của nó. Nước Việt Nam trong năm con rắn này cũng sẽ phải lột xác và cái lột xác của nền kinh tế, của bộ máy nhà nước thì còn sâu sắc hơn nhiều so với việc một con rắn lột xác.