BBC 29-7-13Lê Duẩn và 'chiến tranh vì hòa bình'Pierre Asselin Gửi cho BBCVietnamese.com từ Honolulu Cuốn sách Hanoi's War (Cuộc chiến của Hà Nội) của Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng (tựa đề đầy đủ: Cuộc chiến của Hà Nội: một Biên khảo Sử học Quốc tế về Cuộc chiến tranh vì Hòa bình ở Việt Nam, NXB Đại học North Carolina, 2012) đưa ra bằng chứng và kiến giải tươi mới về các khía cạnh chính trị, ngoại giao và quân sự then chốt về cuộc chiến Việt Nam. Nhờ tham khảo rất nhiều tài liệu tiếng Việt, bao gồm các nguồn sử liệu gốc thu thập từ Việt Nam, cuốn sách đã phân tích tư duy chiến lược của ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào giai đoạn thập niên trước và sau cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào năm 1965. Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của cuốn sách là số lượng chi tiết mà nó cung cấp về Đảng Lao động Việt Nam, cơ quan quyền lực của cộng sản kiểm soát miền Bắc. Tôi chưa được biết tới một nguồn tư liệu bằng tiếng Anh nào có thể lý giải công việc nội bộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng cơ chế ra quyết định về chiến tranh của Hà Nội, tốt hơn là cuốn sách này. Cuốn sách cũng đề cập các tranh cãi, cạnh tranh cừu thù trong nội bộ Đảng Lao Động, một giai đoạn từ trước tới nay vẫn còn yếu kém về tư liệu. Cuốn sách đặc biệt tỏ ra khéo léo trong việc trình bày các chia rẽ nội bộ Đảng sau khi ký kết hiệp định Geneva 1954 kết thúc chiến tranh Pháp-Việt Nam (1946-1954). 'Giải phóng' miền NamMột số đảng viên đảng Cộng sản, trong đó có nhiều người hoạt động ở miền Nam Việt Nam, lặng lẽ lên án quyết định của lãnh đạo cấp cao chấp nhận hiệp định và kêu gọi đình chỉ các chiến dịch quân sự và phân chia đất nước. Những đảng viên này cho rằng việc kết thúc chiến tranh sớm là hèn nhát, và họ nghĩ thật ngây thơ khi giả định rằng hai năm sau, sẽ có thống nhất đất nước trong hòa bình. Khi rõ ràng là tổng tuyển cử sẽ không bao giờ thành hiện thực, ban lãnh đạo Đảng đã phải quyết định liệu (1) có chờ đợi các sự kiện ở miền Nam và tiếp tục công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà Đảng đã được thực hiện ngay sau khi ký kết hiệp định Geneva hoặc (2) theo đuổi "giải phóng" miền Nam bằng vũ lực vốn chịu nguy cơ khiêu chiến với Hoa Kỳ. Thế tiến thoái lưỡng nan này phân chia giới lãnh đạo cấp cao của Đảng và các thành viên quan trọng khác thành hai phe đối địch, gồm phe ủng hộ lựa chọn thứ nhất và phe còn lại hậu thuẫn phương án sau. Cuốn “Cuộc chiến của Hà Nội” không chỉ đề cập sự phân cực, chia rẽ mà còn đề cập cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực ở thủ đô Bắc Việt. Mặc dù một số học giả từ lâu đã nhận ra điều này và trên thực tế trước đây đã đề cập vấn đề này trong các tác phẩm của mình, nhiều độc giả vẫn ngạc nhiên khi biết rằng ông Hồ Chí Minh đã không còn là nhân vật trung tâm ở Hà Nội vào thời điểm cuộc chiến với Hoa Kỳ nổ ra. Ông Hồ đã luôn là khuôn mặt biểu tượng của cách mạng Việt Nam, một điều chắc chắn, thế nhưng các cá thể khác ít được biết đến hơn thì lại thực sự nắm quyền quyết định ở Bắc Việt vào năm 1965. Nổi bật trong số này, như trình bày của tác giả, là Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động, và vị phó trung thành của ông, Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đầy quyền lực của Đảng. Với sự hậu thuẫn từ ông Thọ, sử dụng các thủ đoạn lèo lái, lừa dối, và các chiến thuật, Lê Duẩn, một thành viên trung thành Nam tiến, đã thành công trong việc loại bỏ các đối thủ theo ý thức hệ trong Đảng, trong đó có ông Hồ. Ông Duẩn tạo lập một cấu trúc điều hành cho phép ông ta có thể độc chiếm quyền lực chính trị, trở thành một nhà độc tài, và đưa Bắc Việt tiến vào con đường đụng độ chiến tranh với Hoa Kỳ. Tác giả sách đưa ra một so sánh thú vị - và hợp lý - giữa cặp Duẩn – Thọ với bộ đôi phía Mỹ. Giống như Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, lèo lái hoạch định các chính sách đối ngoại quan trọng dưới bức màn bí mật, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng làm điều tương tự ở Bắc Việt. Theo tác giả, bước đường "chiến tranh vì hòa bình" của Hà Nội đều do Lê Duẩn hoạch định. Sự thiếu niềm tin của ông vào ngoại giao, quyết tâm của ông dùng bạo lực để "giải phóng" miền Nam, và niềm tin vào chiến thắng tất yếu của một chiến lược cách mạng giải thích việc Hà Nội, trong thời gian dài, cứng rắn cự tuyệt đàm phán nghiêm túc với Washington mà lại tìm kiếm thắng lợi bằng các phương tiện quân sự. 'Niềm tin sai lầm'Niềm tin sai lầm của Lê Duẩn, theo tác giả, ít nhất phải chịu phần nào trách nhiệm về "những thương vong lớn" cho người Việt Nam ở cả hai bên vĩ tuyến mười bảy trong cuộc chiến tranh. Đây là một điểm rất quan trọng. Đối với nhiều người Mỹ và cả các học giả Hoa Kỳ, lâu nay họ xem xét cuộc chiến Việt Nam với một con mắt phê phán cho rằng chính các quyết định của chính quyền Hoa Kỳ đã đẩy Hà Nội đi tới những bi kịch do xung đột. Cuộc chiến tranh đã được sách vở Mỹ mô tả với các cách thức khác nhau như "chiến tranh Lyndon Johnson" và "chiến tranh Việt Nam của Nixon ", điều cho thấy rằng người Việt Nam ít chủ động hơn nhiều trong cuộc chiến so với người Mỹ. Cuốn "Cuộc chiến của Hà Nộ"i đã khắc phục sự mất cân bằng trong nhận thức, ít nhất, cho thấy chính Hà Nội, mà không phải là Washington, đã dàn trận các trận đánh đẫm máu nhất của cuộc chiến tranh, bao gồm cả trận Tết Mậu Thân 1968 và cuộc tấn công Mùa Xuân năm 1972. Như tất cả các chuyên khảo đầy tham vọng, tác giả cũng mắc một số lỗi và thiếu sót nhất định. Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả viết rằng "bộ máy chiến tranh" của Hà Nội đã được "kích hoạt" vào cuối năm 1961. Bằng chứng hiện hữu cho thấy sự tiêu diệt quân lực của chính quyền Sài Gòn không trở thành mối ưu tiên chiến lược đối với Hà Nội cho đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ IX vào cuối năm 1963. Đánh giá về giai đoạn cuối cùng trong cuộc chiến của tác giả đôi lúc có vấn đề. Một phần khá cầu kỳ của biên khảo rất tiếc lại bị vô hiệu bởi một tiết lộ về quan hệ đối ngoại gần đây của Hoa Kỳ. Một tài liệu mới chỉ ra rằng trong khi phát động Chiến dịch Linebacker II, hay còn gọi là đợt "đánh bom Giáng sinh" vào Hà Nội và Hải Phòng, hồi tháng 12/1972, Nixon đã tìm cách chuyển thông điệp của ông nhằm đạt được "hòa bình trong danh dự" cho Hà Nội, mà không quan tâm đến phản ứng của Sài Gòn. Đó là, các vụ đánh bom vào tháng 12/1972 chỉ nhằm mục tiêu thuyết phục Hà Nội tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình bị đình chỉ và thừa nhận trên hai vấn đề còn lại để một thỏa thuận có thể được hoàn tất, nó không hề có ý mong ông Thiệu tuân theo một giải pháp thương lượng. Mặc dù có những thiếu sót nhỏ, cuốn ‘Cuộc chiến của Hà Nội’ là một công trình học thuật xuất sắc. Các sinh viên nghiêm túc nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam phải đọc cuốn sách này. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Phó Giáo sư sử học tại Hawaii Pacific University ở Honolulu, người có nhiều công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, trong đó có cuốn "Một nền hòa Bình cay đắng: Washington, Hà Nội, và sự hình thành của Hiệp định Paris," "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội nghị Genève 1954: Một phê bình xét lại" trong Lịch sử Chiến tranh Lạnh...
|