TIẾNG DÂN
10-5-21
Lê Đức Thọ: “Chúng tôi không bỏ tù nhau đâu”
Phan Trí Đỉnh Một
số người tranh cãi về những việc làm của ông Lê Đức Thọ trong quá trình
công tác. Tôi đã nêu vấn đề ra và nay bổ sung một tài liệu có liên quan
đến ông Thọ. Đây
là lá thư đề ngày 2-3-1995 của bà Nguyễn Thị Mỹ, quả phụ của thiếu tướng
Đặng Kim Giang, một trong những nạn nhân chủ chốt của vụ đàn áp chính
trị bắt đầu từ năm 1967, mà đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Lá
thư đề gửi cho “các ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch
Quốc hội nước CHXHCNVN, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban chấp hành Trung
ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án tối cao và
Hội luật gia Việt Nam. Trực tiếp xử lý vụ án chống đảng 1967 này là ông
Lê Đức Thọ.
Trích: “… Năm 1967, đêm 18-10, lúc 21 giờ, chồng tôi là Đặng Kim Giang,
hoạt động cách mạng từ năm 1928, cấp thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Nông
trường, bí thư đảng đoàn bộ, lúc đó đang nghỉ ốm tại xã Việt Đoàn, huyện
Tiên Sơn, Hà Bắc, đã bị công an vũ trang cùng ba chiếc xe jeep ập vào
còng tay đưa đi giữa khi nằm ôm đứa con gái út 5 tuổi ngủ. Sau đó họ
khám nhà tôi 3 tiếng đồng hồ, đem đi các tài liệu về Điện Biên Phủ, các
ảnh chụp với các lãnh tụ, 1 đài bán dẫn do chuyên gia Liên Xô tặng và 1
súng lục (không có đạn) do tướng Makonovski tặng khi chồng tôi đi với
phái đoàn quân sự Việt Nam sang thăm Liên Xô năm 1960. Sau
đó tôi được biết là họ buộc cho anh ấy tội “chống đảng, liên hệ với xét
lại Liên Xô và âm mưu lật đổ chính phủ”. Họ
bắt giam chồng tôi vào xà lim 2 tháng tại Hỏa lò Hà Nội, cùm chân tay,
không có đèn đóm. Sau đó họ đưa lên giam ở Bất Bạt rồi Tân Lập (Yên
Bái). Từ
tháng 10-1967 đến 26-10-1973 (sau Hiệp định Paris), trong sáu năm trời
họ đưa từ nhà lao này sang nhà lao khác, giam một mình trong một căn nhà
trên đỉnh đồi vắng vẻ, canh gác cẩn mật, giữa lùm cây có rào vây kín,
không tiếp xúc với sinh vật nào ngoài một anh công an tới bữa đem cạp
lồng cơm ngoắc vào cửa. Suốt
ngày đêm trong sáu năm trời không chuyện trò trao đổi với một người nào.
Đã có lúc buồn quá chồng tôi ngồi nói chuyện với đàn kiến hoặc nói
chuyện một mình.
Trong suốt thời gian đó không hề thiết lập tòa án để xét xử, điều mà
chồng tôi và gia đình trước sau tha thiết đề nghị. Chồng tôi đề nghị
được đem ra xét xử công khai hoặc bí mật nhưng phải có phiên tòa cho bị
cáo được quyền tự bảo vệ – có hỏi cung, có luận án, có văn bản về tội,
đúng pháp luật và Hiến pháp. Hoặc nếu xét xử nội bộ thì cũng phải đúng
Điều lệ đảng.
Nhưng không hề có một cuộc xét xử nào như vậy. Chỉ có gặp ông Lê Đức
Thọ, Trần Quốc Hoàn, Song Hào một lần. Các ông ấy trấn áp, chồng tôi cãi
lại thì bị trù, không hề có văn bản gì cả. Cứ như thế giam cầm, cấm cố
suốt 6 năm trời. Có một lần chồng tôi ốm nặng (huyết áp cao, suy tim)
phải đưa ra bệnh viện Sơn Tây, cũng bị bắt nằm riêng một khu vực, có
công an kèm; đổi tên thành Đặng Văn Nông, không được tiếp xúc với bệnh
nhân khác. Bác
sĩ chữa bệnh cũng không được biết đang chữa bệnh cho ai. Chồng tôi già
và ốm. Suốt 6 năm bị giam cầm, mùa đông không có nước nóng tắm, cứ phải
hàng tháng mới tắm một lần, ghẻ lở rất khổ sở. Đi tiêu thì đào hố quanh
chỗ ở mà chôn phân. Rửa ráy thì có giếng đất trước nhà. May mà không rơi
xuống đó (nếu có rơi cũng chẳng ai biết mà vớt lên). Ốm đau thật là khốn
khổ, nhất là ban đêm, mưa gió. Theo tôi biết, theo luật quốc tế thì lối
giam cầm như thế là tối dã man.
Trong suốt 6 năm trời đó, mỗi năm tôi được dịp đi thăm hai lần (vào dịp
Tết ta và Quốc khánh). Phải xin phép trước rất lâu. Mỗi lần thăm 20
phút. Quà bánh mang vào bị lục soát kỹ (có lần tôi mang mấy quả bưởi của
(cây bưởi) chính tay chúng tôi trồng nhưng công an không cho đưa vào).
Khi nói chuyện có công an giám sát. Sau
thì cho thăm đêm. Khi đến phải đợi mặt trời lặn hẳn, khi ra về trời còn
sáng, không được để ai trông thấy mình, không dược nói mình đi thăm ai.
Suốt 6 năm trời lẽo đẽo lội suối băng ngàn thăm chồng tù tội, nước mắt
hòa với nước mưa. Có
cái gì ám muội trong vụ bắt bớ giam cầm này mà phải xử sự như vậy? Ôi,
những năm tháng ấy tôi làm sao quên được? Lúc đi thăm chồng ở Hỏa lò,
nơi đế quốc Pháp đã giam cầm chồng tôi khi anh ấy chống lại chúng. Nay
anh ấy lại bị chính đồng chí mình – chỉ vì bất đồng quan điểm – giam cầm
ở chính chỗ năm xưa. Lịch sử lặp lại một cách tàn nhẫn như vậy! Biết
bao chiều tà, mặt trời đã tắt, một mình tôi ngồi đợi trong túp lều tranh
vắng vẻ đến rùng rợn ở bìa rừng dưới gốc đa um tùm có treo một cái kẻng.
Tôi cầm dùi gõ ba tiếng và lắng nghe âm thanh vang động khủng khiếp khắp
núi đồi lúc hoàng hôn… Tôi phải chờ cho đến lúc bóng tối bao phủ khắp
núi rừng mới có người ra đưa vào thăm ông già tù tội tội nghiệp là chồng
tôi. Tôi
làm sao quên được những lần lặn lội trong mưa rét, trong đêm tối trên
đường độc đạo từ bến đò Ấm Thượng (Đò Lao) đến Lao 3 trong rừng, nơi
giam cầm chồng tôi. Hai bên đường rừng nứa hun hút, mưa đêm xối xả,
đường rừng vắng, vừa lầy lội vừa trơn như mỡ, một mình tôi thân cò lặn
lội gánh các thứ đi thăm chồng. Có
một bận đến bên một con suối nước lũ rất to chỉ có một thanh gỗ bắc
ngang vừa hẹp vừa dài. Lúc đó đã nhá nhem tốt, trời tháng chạp, mưa tuôn
như trút. Tôi ngã chết ngất bên đường. Khi tỉnh dậy tự nhủ: “Ta phải dậy
mà đi. Không được nằm đây. Ta chết, ai nuôi lũ con ta?”. Vậy là lại đủ
sức đứng dậy nhưng xe đạp đầy bùn không đẩy đi được, lại thồ nặng (6 bị
thức ăn tiếp tế cho chồng). Làm sao qua được suối? Thế
là đành ngồi khóc bên đường. May sao có một người đàn ông Mán đi đào sắn
về đã giúp tôi qua chiếc cầu khỉ sang bờ bên kia để tiếp tục đi tới 10
giờ đêm mới tới nơi chồng bị giam giữ. Những nỗi cực nhục ấy, ai thấu
cho chúng tôi, những người vợ của những nạn nhân trong “vụ án xét lại”
này? Sau
Hiệp định Paris, chồng tôi được tha về nhưng vẫn phải cấm cố thêm 7 năm
nữa (quản thúc tại xã Việt Đoàn, Tiên Sơn, Hà Bắc). Khi về cũng chỉ được
nghe nói miệng cho biết là bị cách hết chức vụ, khai trừ ra khỏi đảng,
tước hết quyền công dân. Hàng tháng phải đến trình diện tại công an
huyện, không được ra khỏi xã, không được tự do đi lại, không được bầu
cử. Mỗi
tháng trợ cấp “nhân đạo” cho một số tiền tối thiểu, tháng có tháng
không. Ốm đau không tiêu chuẩn thuốc men gì cả. Có một lần chồng tôi bị
huyết áp cao, ngất xỉu, tôi dìu chồng tôi ra chân dốc làng Long Khám xin
nhờ xe Bộ Y tế về Hà Nội cấp cứu nhưng cán bộ Bộ Y tế sơ tán sợ liên
lụy, không dám. Tôi phải nhờ người đèo xe đạp 4km ra ga Lim đưa lên xe
khách vào cấp cứu ở bệnh viện Việt-Xô. Qua
một đêm ở phòng cấp cứu, sớm hôm sau bị đuổi ra (theo lệnh của ông Lê
Đức Thọ) vì không có “tiêu chuẩn” mặc dù huyết áp còn cao, người lảo đảo
đi không vững! Còn địa phương, được lệnh của “trên” đã cho họp toàn thể
đảng viên trong huyện thông báo: “Đặng Kim Giang là phần tử chống đảng.
không ai được tiếp xúc với gia đình phần tử xét lại nguy hiểm này”!!! Từ
đó, từ một gia đình có công với cách mạng, có uy tín với địa phương, nơi
chồng tôi hoạt động thời bí mật, gia đình tôi sống trơ trọi như giữa một
hoang đảo trước sự né tránh của mọi người. Tôi đã có đến ông Lê Đức Thọ
và ông Trần Quốc Hoàn. Ông Trần Quốc Hoàn tránh không tiếp. Tôi nói với
ông Lê Đức Thọ: “Anh Giang phạm tội gì mà các anh còng tay còng chân
mang đi? Sao đối xử với nhau tệ thế? Có phải gián điệp của đế quốc
không? Nếu phải, đem xử bắn. Mẹ
con tôi tán thành”. Ông Thọ nói: “Không phải. Đây là cuộc đấu tranh nội
bộ, không đem ra xử công khai được. Chị cứ yên tâm. Chúng tôi không bỏ
tù nhau đâu. Thuyết phục nó không được, phải dùng biện pháp hành chính.
Khi nào nó nghe ra sẽ về thôi. Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở. Chị có
khó khăn gì cứ đến.” Thật
ra cánh cửa đó đã vĩnh viễn sập lại sau lưng tôi kể từ ngày đó. Chiến
tranh kết thúc đã lâu. Mọi người đã trở về Hà Nội. Năm 1980 chúng tôi
cũng trở về Hà Nội (nhà cũ 29 Cao Bá Quát đã bị quân đội lấy mất). Chúng
tôi phải vay mượn mua tạm một túp nhà tranh vách đất rách nát 14 mét
vuông ở 30 ngõ Chùa Liên Phái (một xóm nghèo nhất Hà Nội, những người ở
đó phần lớn không có hộ khẩu, là những người bán thuốc chuột và trẻ con
móc túi trên tàu điện). Mười
người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống chen chúc hơn 10 năm
trời trong ngôi nhà đổ nát đó. Gần Đại hội 5, chồng tôi đang bị nhồi máu
cơ tim, viết một lá đơn khiếu oan, trình bày khúc chiết vấn đề này, đề
nghị Đại hội cử một tiểu ban kiểm tra lại và có kết luận rõ ràng vì đây
là một vụ án lớn nhất từ trước đến nay có liên quan đến nhiều người: có
ủy viên Bộ chính trị, có ủy viên Trung ương, có bộ thứ trưởng, có tướng
tá và cán bộ cao cấp… Lá
đơn đó được gửi đến cho các ủy viên Trung ương Đảng, cho Đại hội 5, cho
Ban bí thư, cho Tổng bí thư v.v… Sau
đó, tháng 9-1982, chồng tôi lại bị bắt trở lại, “về tội tán phát đơn
khiếu nại làm mất uy tín của đảng”. Lần này chồng tôi bị đưa đi giam cầm
tại Nam Định 8 tháng. Hôm bị bắt cũng bất ngờ. Công an đến mời lên gặp
ban lãnh đạo Sở công an Hà Nội rồi đưa lên xe mang đi luôn, giam giữ bí
mật ở Nam Định. Nhà cửa lại bị lục soát. Lần này các huân chương, huy
chương (đến cả huy hiệu Điện Biên Phủ), quân hàm đều bị tịch thu. Lấy
luôn cả máy chữ Olympia con trai tôi vừa mua ở Sài Gòn mang ra để làm
việc. Suốt
8 tháng ấy, anh Đặng Kim Giang bị ốm nặng (đã từng nhồi máu cơ tim) nên
thường phải nằm riêng một mình ở bệnh viện công an Nam Định. Suốt thời
gian đó không có một cuộc hỏi cung, xét xử gì cả… Mỗi
tháng tôi được đi thăm một lần, tàu xe rất cơ cực. Cũng như lần trước,
quà cáp bị khám xét. Ngồi nói chuyện khoảng một giờ đều có công an giám
sát. Có đêm lỡ tàu xe, tôi phải ngồi thâu đêm rét mướt ở bến xe đợi
sáng. Sau vì chồng tôi yếu quá và vì tôi viết đơn cho ông Phạm Hùng nói
“anh Giang sắp chết rồi vì bị nhồi máu cơ tim ông (tuổi đã 73). Nếu các
anh không thả anh ấy ra, anh ấy mà chết trong tù thì sau các anh sẽ mang
tiếng là giam cầm nhau cho đến chết, không khác gì bọn Mao ở Trung
Quốc”, nên sau 8 tháng giam (không xét xử) họ đưa chồng tôi trả về cho
tôi. Cũng
như lần trước, không có bản án! Hôm trả về, chồng tôi nằm suốt trên xe
thế nhưng họ vẫn chưa cho về nhà mà còn bắt phải đến đồn công an Cầu Dền
để nghe đọc các điều kiện quản chế và ký vào bản cam kết. Nhưng chồng
tôi mệt quá, tôi phải ký thay vào các bản đó. Lại quản thúc không thời
hạn. Hàng tháng phải ra trình diện với đồn công an Cầu Dền. Sau
hai tháng, phải ra báo cáo trước nhân dân xem “đã cải tạo tốt” chưa.
Nhưng từ ngày trở về chồng tôi ốm liệt giường nên cũng không có sức mà
lết ra báo cáo được lần nào cả. Trước khi bị bắt còn tráng kiện, khi trả
về là một ông lão tàn phế, đờ đẫn, suy sụp hoàn toàn. Phần vì nhiều năm
tù tội quá – cả cuộc đời 73 tuổi mà 12 năm tù đế quốc, 7 năm tù ta, kể
cả cấm cố và quản thúc tất cả 3 lần tù là 25 năm – phần vì bị chà đạp
nhiều, phần vì cuối đời sống trong túng thiếu, cực khổ, thuốc men không
có, bị truy bức hành hạ liên tục nên sau một đêm mưa gió, bị dột ướt
người cảm lạnh rồi nhồi máu cơ tim, anh Đặng Kim Giang đã chết. Anh
Đặng Kim Giang đã chết. Chết chính trong túp nhà lá dột nát đổ nước vào
người anh đó! Từ khi được thả về, ốm liệt nhưng không có tiêu chuẩn điều
trị, thuốc men, ăn uống thiếu thốn, tiền nong chẳng có, nếu như được
chữa chạy chắc chắn anh Đặng Kim Giang chưa chết. Lúc hấp hối vẫn có 2
công an ngồi kèm. Tôi phải bảo họ ra ngoài anh mới nhắm được mắt. Ngày
16-5-1983, tôi có đánh 3 bức điện: một cho ông Lê Đức Thọ (Ban tổ chức
Trung ương), một cho ông Nguyễn Ngọc Trìu (Bộ Nông nghiệp), một cho ông
Chu Huy Mân (quân đội) báo tin chồng tôi chết. Nhưng không có ai đả động
gì. Không một nén hương, không một bông hoa, không một đồng xu cho đồng
chí xấu số!!! Tôi
đã bán quần áo và quyên góp trong số bạn bè tù cũ Sơn La để chôn cất.
Bao nhiêu công lao đóng góp cho dân cho nước mà khi chết đi xác được
liệm trong một cỗ quan tài ghép 11 mảnh. Con tôi phải giã gạch và cơm
nếp để bít những khe hở. Chôn anh ở nghĩa trang Văn Điển một ngày mưa,
hố đầy nước, nhầy nhụa những mảnh quần áo của người vừa được cải táng
sót lại!!! Một
tuần sau, Ban tổ chức Trung ương cho người cầm đến 80 đồng đưa cho tôi
nhưng tôi không lấy vì việc chôn cất Đặng Kim Giang đã xong rồi. Về việc
anh Giang. Vụ án Đặng Kim Giang là một vụ vu khống, bé xé ra to, lấy
danh nghĩa đảng để trù úm người dám có ý kiến không đồng tình với mình,
truy chụp, bóp nghẹt dân chủ. Thực chất đây là một vụ bất đồng quan
điểm. Tôi
được biết ở Bộ Nông trường trước đó, các đề nghị xây dựng của anh Đặng
Kim Giang như: khuyến khích vật chất, chia ruộng phần trăm cho nông dân,
hợp tác với các nước trong khối SEV, đầu tư liên doanh cho các nông
trường (những việc hiện nay đã làm) đều bị coi là “chủ trương xét lại”,
những ai ủng hộ đều bị hành hạ, loại bỏ. Từ bắt bớ đến giam cầm, thả ra
và đối xử đều tùy tiện, bất chấp điều lệ đảng, pháp luật và hiến pháp. Suốt
16 năm: 2 lần bắt giam, đưa hết nhà giam này đến nhà giam khác, quản
thúc, cấm cố, chịu đựng đủ loại hình phạt: khai trừ, cách chức, khám
nhà, tịch thu đồ đạc, giam cầm, truy bức, phân biệt đối xử với gia đình,
không hề theo một thể chế nào, đạo luật nào. Không có một văn bản chính
thức nào về tất cả vấn đề trên được công bố. Không được xét xử, không
được bào chữa, không được chống án, không được khiếu nại. Nơi giam giữ
phải giữ bí mật, tên họ phải thay đổi.Tại sao lại như vậy? Có cái gì ám
muội? Có cái gì uẩn khúc trong vụ án này? Đã
nhiều lần anh Giang đã làm đơn gửi các cơ quan của Đảng – có lần trực
tiếp tố cáo tại trụ sở Ban tổ chức Trung ương Đảng, tại Bộ công an – về
những sai lầm, khuyết điểm của các cán bộ có chức quyền trong đảng và
những hành động phạm pháp, sai điều lệ của họ nhằm bưng bít sự thật, trả
thù người dám đấu tranh (các tài liệu này chắc chắn còn được lưu trữ). Oan
khuất đã nhiều, anh Đặng Kim Giang, người dám đấu tranh dũng cảm cho
chân lý, đã bị đối xử tàn tệ cho đến lúc chết. Tôi đề nghị các ông cho
mở một cuộc điều tra nghiên cứu về vụ án này và kết luận công khai, rõ
ràng ai có công, ai có tội, tội gì – cũng như khi bắt giam đã phổ biến
đến từng chi bộ, làm mất thanh danh, thì nay hãy minh oan cho các anh ấy
đến từng chi bộ. Hãy
trả lại thanh danh cho những con người dám đấu tranh cho lẽ phải, nhất
là những người đã khuất. Hãy trả lại thanh danh và sự đối xử công bằng
với con cháu họ. Tại sao lại xóa sạch công lao của họ? Trong lịch sử đấu
tranh của xã Minh Tân, của huyện Kiến Xương, của tỉnh Thái Bình, của xã
Trung Màu, của Hà Bắc, của tỉnh Hà Đông, tại sao lại xóa sạch công lao
của Đặng Kim Giang? Tại
sao trong chiến thắng vinh quang của Điện Biên Phủ lại xóa sạch công lao
của người đã từng lo từng hạt cơm viên đạn để làm nên chiến thắng rung
chuyển hoàn cầu đó? Ai cho phép người ta bóp méo lịch sử, cướp công của
những người đã từng đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng đất nước này,
chính quyền này, chế độ này, lịch sử này? Tôi
đề nghị thành lập một tiểu ban điều tra xem xét lại toàn bộ vụ án này và
có kết luận cụ thể, rõ ràng, minh bạch, công khai, xác định rõ công tội
và có cách đối xử thỏa đáng đối với những người còn sống cũng như những
người đã chết cùng vợ con họ…” |