Nguồn:
Thông Luận 23-12-07
Lộng giả thành chân: Lê Mạnh Hùng [*]
Và người ta lại càng tức giận hơn khi phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lên tiếng kẻ cả dạy dỗ và đe dọa Hà Nội rằng bang giao giữa hai nước sẽ bị thiệt hại nếu Hà Nội không “tỏ ra có trách nhiệm và có những biện pháp hiệu quả” ngăn cấm thanh niên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc và phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Hà Nội thì lại đưa ra những lời nói lảng tránh hèn mạt, tỏ ý như xin các “đồng chí” Trung Quốc bỏ qua không bắt lỗi vì các cuộc biểu tình này không có được phép của đảng Cộng Sản Việt Nam. Thật sự nếu không có những cuộc biểu tình thì chắc cũng chẳng có ai để ý đến vụ Trung Quốc đặt ra một đơn vị hành chánh mới để cai trị các quần đảo ngoài khơi biển đông mà họ tranh chấp với Việt Nam và các nước khác tại Đông Nam Á cả. Những hành động tương tự như vậy của Trung Quốc trong những năm trước không thiếu gì, và ngay gần đây nhất, vào Tháng Bảy vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc đã tấn công và bắn chìm một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng biển Trường Sa khiến cho một ngư phủ bị thiệt mạng mà không thấy Hà Nội phản ứng gì. Nhưng tình thế đã thay đổi khi Hà Nội lúc đầu ngấm ngầm tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và tòa tổng lãnh sự nước này tại Sài Gòn. Trong một nước mà công an nhiều hơn dân thường, việc tổ chức một cuộc biểu tình, trong đó theo như tin của các hãng thông tấn thuật lại hầu hết mọi người mặc đồng phục với áo thung T-shirt có hình cờ đỏ sao vàng và mang theo các biểu ngữ chống bá quyền Trung Quốc cũng như khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, không thể nào là công việc của những người dân thường mà phải có ít nhất là sự tiếp tay của một phần trong guồng máy cai trị mới có thể làm được. Phía Trung Quốc, vốn cũng thường xuyên dùng món võ này trong các cuộc tranh chấp với các nước khác - tỉ như là đối với Nhật Bản - rõ ràng là hiểu ngay Hà Nội muốn nói gì. Nhưng cũng như anh chàng đánh cá trong truyện Ngàn lẻ một đêm, khi thả ông thần ra khỏi cái chai thì không làm sao nhốt vào lại được, việc chính quyền mở cửa cho dân chúng biểu tình chống Trung Quốc chẳng bao lâu đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền. Và việc biểu tình này nay đã trở thành cái cớ cho người ta tranh đấu thêm những chuyện khác. Nếu như cuộc biểu tình đầu tiên có thể là có sự đồng tình của chính quyền thì những cuộc biểu tình về sau này đã trở thành tự phát. Theo phóng viên của thông tấn xã DPA tại Hà Nội thì chúng được tổ chức bởi chính các sinh viên sử dụng hệ thống Internet với các blog, cộng đồng mạng (online communities), và gởi điện thư qua điện thoại di động, với sự tham dự của một số những người bất đồng chính kiến và tranh đấu cho dân chủ. Các người tổ chức đã dùng các địa chỉ blog như hoangsa.com và các mạng liên lạc như Yahoo360 để thông báo cho nhau về việc biểu tình. Một sinh viên Hà Nội, anh Ngô Quỳnh cho thông tấn xã DPA biết: “Tôi biết được cuộc biểu tình này nhờ blogs và emails. Tôi tham dự cuộc biểu tình là vì tôi yêu nước Việt Nam.” Thành ra mặc dầu những cố gắng của công an để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhưng họ vẫn không thành công. Hà Nội còn e ngại thêm nữa khi thấy một số những người đấu tranh cho dân chủ cũng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc này. Một trong những người tích cực nhất là ông Lê Quốc Quân, một luật sư vừa bị chính quyền Hà Nội bắt giam ba tháng sau khi trải qua sáu tháng tại Hoa Kỳ dưới một học bổng của Quỹ National Endowment for Democracy vào đầu năm nay. Ông Quân cho biết ông đã tham dự cuộc biểu tình tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 nhưng đã bị công an chặn lại không cho vào tuần sau. Nhưng ông nói, em của ông là Lê Quốc Quyết có tham dự cuộc biểu tình chủ nhật tuần qua tại Sài Gòn và đã bị công an bắt giữ bốn tiếng đồng hồ trước khi thả ra. Trái với cuộc biểu tình hôm 9 tháng 12, cuộc biểu tình vào chủ nhật 16 tháng 12 đã được đón tiếp bằng một hàng rào công an ngăn chặn các người biểu tình đến gần tòa đại sứ Trung Quốc. Các blog Việt Nam cũng kể lại nhiều sinh viên bị bắt nhưng vài giờ sau đó đã được thả. Trước khi bị chính quyền bắt im tiếng, báo chí Việt Nam trong nước đã in ra nhiều tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này, nhưng đã ỉm đi không nhắc đến những văn kiện do chính chính quyền Hà Nội trong những năm tìm cách thôn tính miền Nam đã xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những quần đảo này. Nhưng đó chính lại là những văn kiện mà Bắc Kinh đưa ra để chứng minh chủ quyền của họ. Và điều đó cũng là điều làm cho nhiều sinh viên học sinh mở mắt ra đối với chế độ. Các sinh viên, thanh niên tham dự cuộc biểu tình hôm cuối tuần qua cho biết họ sẽ tìm cách biểu tình nữa vào cuối tuần này. Và điều đó đặt chính quyền vào một tình trạng khó xử vì một mặt nếu đàn áp quá mạnh các cuộc biều tình thì sẽ chỉ làm cho người ta phẫn uất thêm trước sự đầu hàng một lần nữa của chính quyền trước những đe dọa của Trung Quốc, trong khi nếu không làm gì thì sẽ cho những người chống đối, đấu tranh cho dân chủ một cơ hội để tạo thêm ảnh hưởng đối với quần chúng. Và đó là một điều đang xảy ra, nói chuyệnvới phóng viên thông tấn xã DPA, một sinh viên kể lại: “Khi chúng tôi biểu tình tuần hành tại Hà Nội, những người qua đường đã bị kích động và một số đã đi theo gia nhập vào với chúng tôi. Phải có cách nào để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc lấn chiếm các hòn đảo này.” Và một sinh viên khác đã trả lời: “Tôi nghĩ cách hay nhất là phải dân chủ. Vấn đề phải được đưa ra thảo luận công khai để tất cả mọi người đều biết chứ không phải chỉ có đảng Cộng Sản mà thôi. Làm như vậy chúng ta mới có thể động viên được sức mạnh toàn dân.” Nhưng chính những ý tưởng chính trị đó lại là
những cái gì mà chính quyền Hà Nội muốn ngăn chặn dù rằng có phải
mất mặt khấu đầu trước Trung Quốc cũng đành. [*] Lê Mạnh Hùng là một sử gia và cũng là một nhà phân tích thời sự.
|