Tiếng Dân
Lê Thanh Hải thoát tội?
Sáng 19/3/2020 tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
chủ trì họp Tiểu ban nhân sự của đại hội XIII. Tại cuộc họp này, với vai
trò là trưởng Tiểu ban nhân sự, lẫn trưởng Tiểu ban văn kiện, ông Trọng
nhắc đi nhắc lại:
“Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp
phần chuẩn bị tốt nhân sự đại hội XIII của Đảng. Phải xác định đây là
nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’ có
liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Đại dịch Covid-19 đang hành hoành khắp nơi trên thế giới, mỗi ngày có
hơn 30.000 ca nhiễm mới, riêng ở Việt Nam hiện đã
có 113 ca nhiễm. Đại dịch “virus Vũ Hán” đã giáng một đòn nặng nề
vào nền kinh tế Việt Nam. Ngành du lịch hiện tại thiệt hại gần 7 tỷ đô
la, ngành hàng không báo cáo con số thiệt hại 30.000 tỷ VNĐ…
Ngoài ra, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nạn hạn hán kinh hoàng và ngập mặn
đang diễn ra trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, đạt kỷ lục trong
100 năm qua. Một phần nguyên nhân là do Trung Quốc đã vận hành 11 con
đập trên sông Mekong, trong đó các con đập lớn nhất đã chặn dòng chảy ở
chính thượng nguồn Mekong.
Thế nhưng, các nhân vật lãnh đạo cao cấp của đảng như Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính,
Trần Cẩm Tú … vẫn bình chân như vại, họ vẫn ngồi đó đặt vấn đề “chia
ghế” ở đại hội XIII lên tầm quan trọng số 1.
Hết buổi sáng và lấn sang cả buổi chiều ngày 19/3/2020, Tiểu ban Nhân sự
tập trung bàn về danh sách “quy hoạch Bộ Chính trị khoá XIII” để trình
BCH Trung ương cho ý kiến tại hội nghị 12, dự kiến diễn ra ngày
2/5/2020.
Thời gian còn lại buổi chiều, họp Bộ Chính trị, xem xét kỷ luật ông Lê
Thanh Hải và Lê Hoàng Quân. Tờ trình do ông Trần Cẩm Tú đọc, chỉ đề nghị
mức cao nhất “cách chức bí thư và chủ tịch nhiệm kỳ 2010-2015”
dành cho Hải – Quân. Bộ Chính trị thảo luận, tuyệt nhiên không có phát
biểu nào đòi “trừng phạt” cao hơn mức đó. Thẩm chí có ý kiến còn cho
rằng “như thế là quá nặng”, “kỷ luật để răn đe, tránh làm phức tạp tình
hình”, “đừng để thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền”…
Và kết quả, người dân cả nước đã rõ. “Cách chức” một nhiệm kỳ bí thư của
Lê Thanh Hải, “cảnh cáo” Lê Hoàng Quân và “khiển trách” tập thể Thường
vụ nhiệm kỳ 2010-2015.
Trò chơi vương quyền bao giờ chẳng thế. Báo chí quốc doanh được “bật đèn
xanh” đồng loạt đăng về vụ Thủ Thiêm. Rồi các cơ quan “vào cuộc với
trách nhiệm cao”. Họ đánh động, rầm rộ, hô hào, làm cho dân chúng phấn
khích, kích thích cao độ trong chờ đợi…
Nhân dân Sài Gòn hả hê, đây đó những cây bút “lưu manh” bắt đầu dẫn dắt
dư luận, cá nhân lãnh đạo được tôn sùng như những vị thánh “thế thiên
hành đạo”. Dân Thủ Thiêm lại đặt niềm tin, kỳ vọng để rồi… hôm nay “xì
hơi”.
Bị lừa hết “vố” này đến “keo” khác, suốt từ sau năm 1954 đến nay, nhưng
có vẻ như, “miền Nam trong trái tim tôi” vẫn chưa sáng mắt ra. Những
người miền Bắc thường nói với nhau rằng “miền Trung ngây thơ, dại
khờ, miền Nam dễ dụ, cả tin“. Nhận xét như thế chẳng có gì sai.
Vì sao không xử lý hình sự được Lê Thanh Hải?
Sai phạm của Lê Thanh Hải chỉ gói gọn trong kết luận của UBKT Trung
ương:
– Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ
và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ
đạo đầu tư KĐTM Thủ Thiêm.
– Vi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Thành
ủy,
– Trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của tập thể Ban
Thường vụ Thành ủy.
– Giai đoạn làm Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch
UBND thành phố, chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của UBND thành
phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương, quy định.
Kết luận trên không có dòng nào nói tới chuyện Lê Thanh Hải liên quan
đến tham ô, làm thất thoát con số bao nhiêu tiền, hay gây thiệt hại được
định lượng thế nào cho ngân sách. Kết luận cũng không chỉ ra hậu quả,
lẫn hệ quả trầm trọng mà Lê Thanh Hải cùng các “đồ đệ” giáng xuống đầu
các thần dân vô tội.
Sai phạm của Lê Thanh Hải kinh khủng, tày đình hơn Đinh La Thăng rất
nhiều, nhưng quy kết tội danh, lại hoàn toàn không có. Vì thế, để xử lý
hình sự Lê Thanh Hải, là điều không thể. Đó là chưa nói, muốn “lột trần”
ông ta ra, chỉ có cách khai trừ khỏi đảng, mà việc ấy là hoang đường
Thông cáo kỷ luật đưa ra hôm 20/3/2020 nêu rõ, ngoài “xét nội dung,
tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm“, Bộ chính trị cũng cân nhắc cả
“quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông Hải đối với TP.HCM“.
Vế sau là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Võ Văn Thưởng. Đây
cũng là hai vị cho rằng, chỉ nên “cảnh cáo” Lê Thanh Hải và Lê Hoàng
Quân.
***
Ông Nguyễn Phú Trọng không thể xử mạnh tay hơn với Lê Thanh Hải bởi
nhiều lý do, như đã phân tích ở trên. Bản thân ông Trọng cũng có những
“tương đồng” như ông Hải.
Nếu như “lãnh chúa miền Nam” Lê Thanh Hải có một nhiệm kỳ quản lý hành
chính, làm chủ tịch UBND và hai nhiệm kỳ lãnh đạo tổ chức đảng, với vai
trò Bí thư thành ủy, không chỉ gây ra vụ Thủ Thiêm, mà còn nhiều tai
tiếng khác… gắn liền với cái tên Hai Nhựt, thì “sĩ phu Bắc Hà” Nguyễn
Phú Trọng cũng một nhiệm kỳ nắm Chủ tịch Quốc hội và một nhiệm kỳ là
Tổng bí thư đầy sóng gió.
Ngay trong nội bộ đảng, người ta cũng xầm xì, anh Cả Trọng không thể vô
can, không chịu trách nhiệm gì, trong việc “nhóm lợi ích” Nguyễn Tấn
Dũng tham nhũng và phá nát nền kinh tế quốc gia. Bởi lẽ, mười năm Ba
Dũng làm Thủ tướng, vai trò giám sát của Chủ tịch quốc hội và trách
nhiệm của Tổng Bí thư trong từng ấy năm, ở đâu?
Ba khoá IX, X, XI ngồi trong BCH Trung ương, hai khoá trong Bộ Chính
trị, ông Lê Thanh Hải nắm tường tận những “thâm cung bí sử”, đấu đá nội
bộ và tranh giành quyền lực. Lê Thanh Hải có thể phản biện lại rằng, khi
anh vô trách nhiệm, thì đừng bắt người khác phải chịu trách nhiệm.
***
Lê Thanh Hải đã thoát nạn một cách ngoạn mục. Việc kỷ luật ông ta chỉ là
“đòn” xoa dịu dân chúng. Hơn nữa, “cách chức” một nhiệm kỳ cựu bí thư
của Hải, phe chủ lò “Bắc kỳ có lý luận” nhân cơ hội này, gởi đi thông
điệp răn đe “phe Ba Dũng”, đừng đòi hỏi quá nhiều, trước thềm đại hội
XII của đảng CSVN. Khi cán cân quyền lực đang nằm trong tay Tổng – Chủ,
thì việc “chia ghế” tất nhiên là quyền quyết định của ông Trọng.
Đối với dân Thủ Thiêm nói riêng, dân Sài Gòn nói chung, họ thật sự là
“bé cái nhầm”.
Từ sau đại hội XII đến nay, số lượng bị thi hành kỷ luật thật rùng mình:
– 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên.
– 92 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
– 2 đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, 1 cựu Ủy viên BCT.
– 22 ủy viên và cựu ủy viên Trung ương Đảng.
– 38 sĩ quan cao cấp trong lực lượng công an, quân đội.
Cấp tướng là 23 người.
Đội ngũ “nhúng chàm” có mặt đầy đủ bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố
lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà…
Nực cười là, hàng trăm ngàn tỷ của dân, của ngân sách mà bọn chúng cướp
được, chảy vào khối tài sản riêng của gia đình chúng, thì chưa thấy đảng
và nhà nước thu hồi lại được đồng nào. Vậy thì nhân dân còn kỳ vọng và
chờ đợi điều gì nữa?
Khi mà hàng năm, vào ngày sinh nhật của mình ngày 17/11/1949, Ba Dũng
đều nhận được một “rừng” hoa chúc tụng từ “tứ trụ” cho đến các ban, bộ,
ngành trung ương, thì khó có chuyện anh Ba bị gì sau khi anh đã “về vườn
làm người tử tế”.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, xin nhắc lại để bà nhớ lại một phụ nữ lẫy
lừng, một tiền bối khả kính, từng là đảng viên đảng CSVN. Đó là nữ trí
thức tên tuổi của miền Nam, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (1930-2006), là dân
gốc Sài Gòn, là thành một thành viên sáng lập Mặt Trận Dân Tộc Giải
Phóng Miền Nam VN (MTDTGPMN) dưới bí danh Thùy Dương. Bà Hoa có câu nói
để đời:
– Trong chiến tranh, chúng tôi sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi
quyền lực nằm trong tay Đảng, Đảng coi nhân dân như kẻ thù tiềm ẩn.
Vào khoảng cuối thập niên 70, bà Hoa đã trao đổi cùng luật sư Nguyễn Hữu
Thọ, chủ tịch MTDTGPMN, sau là Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội: “Anh
và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho
chế độ. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không
luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ Đảng và
không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong chính phủ cả”. Và sau đó bà đã
ra khỏi Đảng.
Bà Dương Quỳnh Hoa qua đời ngày 25/2/2006 trong lặng lẽ và cô đơn. Báo
chí của đảng không có một dòng ngợi ca, hoặc gọi là “tiễn đưa” người phụ
nữ “lá ngọc cành vàng”, đã từ bỏ vinh hoa phú quý, từ Pháp trở về bưng
biền miền Nam để đi theo Cộng sản suốt cả tuổi thanh xuân.
Ngày 3/3/2006, trên báo SGGP, GS Trần Cửu Kiếm, cựu ủy viên Ban Quân y
miền Nam, một người bạn chiến đầu của bà Hoa trong MTDTGPMN, có viết một
bài ngắn để ôn kỷ niệm về bà Dương Quỳnh Hoa. Chỉ một bài duy nhất đó mà
thôi. |